Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Vì sao các thầy đi tu?

Vì sao các thầy đi tu?

901

Có lẽ đây là câu hỏi mà nhiều phật tử hỏi các thầy. Các Thầy xuất gia có nhiều lý do. Có thầy do truyền thống gia đình, có thầy từ nhỏ được ba mẹ đưa đi lễ chùa, mến cảnh chùa thanh tịnh và cuộc sống của các thầy an lạc giải thoát, mà xin xuất gia hay đến lúc giác ngộ chân lý nhà Phật mà xin xuất gia.

Nhưng cũng có nhiều thầy đi tu vì: cuộc sống gia đình khó khăn, không tự tin về hình thức và trí tuệ của mình, có người vì gặp trắc trở trong cuộc sống như tình duyên, công việc hay sau các biến cố của bản thân và gia đình mà sinh ra chán nản muốn đi tu để tránh đời, xa lánh trần thế, tìm một chốn yên bình để quên đi thực tại.

Hay cũng có người xuất gia đi tu vì coi đó là một cái “nghề” như bao nghề khác.

Đi tu vì những lý do “lãng xẹt” như thế nên họ không có động lực để tiến tu, giữ gìn giới đức phẩm hạnh của người tu, sẵn sàng dấn thân phục sự đạo pháp và chúng sinh mà thay vào đó chúng ta chứng kiến những trường hợp “sư giả, giả sư” như:

– Là người tu hành nhưng kiến thức Phật học không vững.

– Vi phạm giới đức, mất oai nghi của người tu hành, kiêu căng, văng tục, quát tháo phật tử.

– Phật tử đến chùa thay vì được đón tiếp niềm nở, chỉ bảo tận tình, giảng giải đạo pháp dẫn dắt họ vào đạo hiểu đạo, ngược lại phật tử nhận được thái độ thờ ơ dò xét. Chưa kể còn có những thầy có thái độ phân biệt đối xử giữa người cúng nhiều tiền ít tiền khác nhau.

– Ưa chuộng vất chất, sắm sửa tiện nghi đắt tiền, đi xe sang, dùng điện thoại sành điệu, mua hàng hiệu những cái đó ngay cả phần đông người dân lao động phổ thông cũng không có tiền để mua và dùng.

– Dung túng hoặc tiếp tay cho những hiện tượng mê tín dị đoan ở chùa

– Bận rộn với việc cúng lễ cho Phật tử ở gần ở xa hơn việc trao dồi kinh sách, giảng pháp và tổ chức khóa tu…

– Nhận tiền cúng dường của Phật tử nhưng thờ ở trước cảnh đời éo le, bất hạnh, hay những những chuyện không may của phật tử…

Những hình ảnh như thế xuất phát từ việc đi tu không có lý tưởng, do vậy không có sự quyết tâm tinh tấn tu hành nên vẫn bị thói đời gây ô nhiễm lôi kéo. Những hình ảnh như thế dù không nhiều nhưng vẫn đang tồn tại trong PG chúng ta trở thành “ con sâu” không chỉ bỏ rầu nồi canh mà có sự phá hủy ghê gớm:

– Ảnh hưởng đến uy tín của giáo hội.

– Mất cái nhìn thiện cảm của người dân.

– Mất niềm tin vào tăng bảo của phật tử

– Làm thối bồ đề tâm của người phật tử cư sỹ tại gia

– Là cơ hội cho ngoại đạo tấn công, chống phá, nói xấu Phật giáo và cải đạo tín đồ

Đi tu không phải là tránh đời, tìm chốn dung thân hay mong cầu cuộc sống an nhàn sung sướng được phật tử cúng dường, cung kính lễ phép. Người tu hành có được niềm tin yêu của phật tử quay về nương tựa, để chứng thành đạo quả không phải dễ dàng. Đường đến vinh quang đâu trải đầy hoa hồng mà nắm chông gai, vất vả.

Đức Phật xuất gia cũng trải qua 9 năm khổ hạnh rừng già, đêm cuối thành đạo còn phải hàng phục ma quân mới chứng thành đạo quả. Đường Tam Tạng sang Tây Chúc thỉnh được chân kinh cũng phải trải qua ngàn dặm hiểm nguy, vượt qua 81 khổ nạn mới được.

Do vậy chỉ có những bậc đại hùng đại lực, có lý tưởng xuất gia mới có động lực, niềm tin để dấn thân, cất bước trọn vẹn trên con đường tu hành vốn nhiều gian nan thử thách và thành chính quả.

Đi tu là để báo đáp tứ trọng ân

– Báo đáp tổ quốc: đi tu không phải là tránh đời mà vẫn là một công dân tốt, sống tốt đời đẹp đạo.Tự hoàn thiện nhân cách phẩm hạnh, là người thầy tâm linh mẫu mực đóng góp xây nền tảng đạo đức xã hội văn minh tốt đẹp và hướng thượng.

– Báo đáp cha mẹ: Tấm thân này là quà tặng của cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng. Nếu như ở nhà thì có thể phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ. Khi đã xuất gia thì quyết chí tiến tu để thành tựu đạo nghiệp không phí một đời tu hành. Theo tấm gương hoàng hậu Magia phúc sinh Bồ tát Tất Đạt Đa mà được sinh lên cung trời Đao Lợi, Bồ tát Mục Kiên Liên tu thành chính quả mà cứu được mẹ khỏi cảnh địa ngục. Người xuất gia tu hành đắc đạo là để cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ cùng được hưởng phúc.

– Báo đáp Thầy tổ: người thầy vĩ đại nhất là đức Phật vì lòng thương tưởng chúng sinh ngụp lặn trong luân hồi khổi lụy mà mở mang nền đạo, dẫn đường chỉ lối đến bến bờ an lạc giải thoát. Đền đáp công ơn Phật là nguyện một đời học theo Phật, thay Phật kế tổ truyền tông hoằng truyền Phật pháp, tận độ chúng sinh.

– Báo đáp thí chủ: Người đã cúng dường giúp cho mình có điều kiện tu hành. Đem giáo pháp của đức Phật để cứu khổ ban vui, giảng giải đạo Pháp để phật tử hiểu đạo và giữ đạo. Là người thầy tâm linh cùng chung buồn vui với Phật tử.

Đi tu là để thực lý tưởng cao cả và thiêng liêng: trên cầu thành Phật, dưới hóa độ chúng sinh

Hai việc đó bổ sung và hỗ trợ cho nhau như đôi cánh con chim giúp người hành giả bay cao bay xa đến bến bờ giác ngộ giải thoát, nếu thiếu một trong hai thì sự nghiệp tu hành sẽ không thành tựu mà đứt gánh giữa đường.

Trên cầu thành Phật :

– Là học theo tấm gương vĩ đại cuộc đời xuất gia của Phật từ hạnh nguyện xuất gia, vượt qua khổ nạn đến thành tựu Phật quả, tận độ chúng sinh. Trên cầu thành Phật là quyết chí tu hành,vượt qua mọi chướng duyên trở ngại, tinh tấn tu hành, hoàn thiện nhân cách, trau dồi phẩm hạnh, giữ gìn giới đức, thâm nhập nghĩa kinh, giác ngộ lời Phật.

– Là không chỉ nắm vững kiến thức Phật học mà cả kiến thức xã hôi, tâm lý tình cảm. Trang bị kỹ năng trụ trì, kỹ năng hoàng pháp, kỹ năng tổ chức khóa tu, kỹ năng tổ chức và quản lý đạo tràng…

Dưới hóa độ chúng sinh:

Tăng lý chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại, phật tử và quý thầy hòa quện như nước với sữa.

– Là dấn thân hoằng dương phật pháp và phụng sự chúng sinh. Nơi nào cần Phật pháp là thầy có mặt, nơi nào không có Phật pháp thì thầy đến. Không quản ngại khó khăn gian khổ kể cả đến vùng sâu vùng xa, chùa nghèo cảnh khó hay vùng đồng bào dân tộc miền núi.

– Là giảng giải đạo pháp, lời kinh ý Phật cho Phật tử để họ hiểu đạo và hộ trì Phật pháp. Hướng dẫn mọi người tu tập làm theo lời Phật để có được an vui ngay trong đời sống thực tại.

– Là chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của Phật tử, khuyên nhủ mọi người sống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.

– Là người thầy hướng dẫn tâm linh dẫn dắt mọi người quy về chính pháp nương tựa tam bảo, tránh mê tín dị đoan.

– Là người không chỉ dạy đạo mà còn dậy nhân cách đạo đức làm người.

– Là nơi nương tựa cho những mảnh đời khốn khó bất hạnh.

– Là người tư vấn những trắc trở trong cuộc sống, hòa giải những bất hòa xung đột cho Phật tử.

– Là người đồng cảm cộng khổ phật tử, lấy niềm vui của Phật tử là niềm vui của mình.

Chừng nào quý thầy xuất gia có một hạnh nguyện và một lý tưởng cao đẹp như thế, sẵn sàng dấn thân để thực hiện điều đó thì chúng ta có những bậc chân tu thạc đức. Đạo nghiệp của quý thầy được thành tựu viên mãn, Phật giáo được hưng thịnh, giáo hội vững mạnh, Phật tử có chốn lương tựa tâm linh vững chắc vào tăng bảo. Bằng không giáo hội có đông đảo tăng ni tuy đông mà không tinh, tuy nhiều mà không mạnh.

***

Bài viết con không có chủ đích phê phán chỉ trích quý thầy mà hoàn toàn mang tính xây dựng chỉ ra những tồn tại thực tể. Khi đã nhận diện được tồn tại thì chúng ta sẽ có biện pháp để khắc phục, xây dựng giáo hội và phật giáo phát triển.

Những vụ việc đáng tiếc được loan tải trên phương tiện truyền thông:

>>> Nhà sư trộm xe xịn chở bạn gái đi chơi

>>> Ni cô rủ nhau đi xe hơi mua hàng hiệu

>>> Trốn anh ở nơi cửa Phật

>>> Chú tiểu ăn trộm máy tính của sư thầy