Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Vị nhân sinh của “Lén nhặt chuyện đời”

Vị nhân sinh của “Lén nhặt chuyện đời”

533

“Lén nhặt chuyện đời” (NXB Thế giới) là tập tản văn giàu chất tự sự của tác giả Mộc Trầm – bút danh của Ðại đức Thích Ðạo Quang, hiện đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Từng câu chuyện, bài viết trong sách nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc bởi sự mộc mạc, giản dị, gần gũi và nồng ấm tình người.


“Lén nhặt chuyện đời” là tác phẩm đầu tay, gồm những câu chuyện tác giả được nghe kể lại, hoặc vô tình bắt gặp, hay nhặt nhạnh ở đâu đó trong miền ký ức, không theo trình tự hay thời gian nhất định. Qua 5 chương sách, tác giả như đang cùng độc giả chuyện trò, tâm tình về chuyện đời, chuyện mình; từ những câu chuyện gia đình, tình cảm của giới trẻ, đến nhân tình thế thái, những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, chia sẻ những bài thơ và tâm sự khi tác giả tưởng tượng mình đã già.

Khi nói về đối tượng nào, tác giả đều có giọng điệu riêng nên tác phẩm có sự phong phú, đa sắc màu. Ðọc “Khi bạn thân thất tình”, “Thất tình thì phải làm sao?”, “Vội cả tình yêu và đợi chờ”, “Chia tay vậy để làm gì”, “Thương ta hay chiếc áo”… sẽ thấy sự dí dỏm, hài hước trong cách nói, cách viết. Vừa nêu lên những câu chuyện phổ biến trong tình yêu của giới trẻ, vừa nói lên suy nghĩ của mình, tác giả khiến người đọc tán thành bởi sự hiểu biết tâm lý và lời khuyên chí tình. Rồi khi chuyển qua kể về những người xung quanh như ba mẹ, nội, ngoại, những người cùng tu tập dưới một mái chùa, những chú điệu xa gia đình, những đứa trẻ chẳng may vắn số… tác giả lại khiến người đọc rưng rưng cảm xúc bằng giọng văn chân tình, mộc mạc, đầy tâm sự.

Ai mà không ngậm ngùi thương cảm khi chứng kiến một chú điệu xa gia đình lâu ngày, tìm cách giữ cha mình ở lại thêm chút nữa khi ông đến thăm con rồi vội quay về (“Chuyện cái nồi cơm điện”); ai mà không đau lòng, xót xa khi thấy cảnh hai người mẹ bạc đầu, hốc hác vì mất đi hai đứa con trai ngoan (“Mẹ đón con về”). Ai mà không giật mình khi nghe sư thầy cảnh báo về việc không biết thương yêu, quý trọng mẹ cha khi họ còn sống, để chẳng may họ rời xa nhân thế, có tiếc thương hay hối lỗi thì cũng muộn màng (“Rồi sẽ có ngày”). Ðặc biệt, bài viết “Nói nghe nè” là lời dặn dò hành xử, nói năng sao cho đúng mực khi đến chùa; lồng trong đó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với những hành vi sai quấy, làm ảnh hưởng chốn thiền môn.

Sách chứa đựng những suy nghĩ rất thuần hậu và chín chắn; sự tinh tế qua những lời tâm sự với giới trẻ và cả với những vị trung niên, từ những chuyện trong chùa đến chuyện ngoài xã hội. Ở phần cuối của sách, những câu chuyện về sư ông, về các trụ trì, về những người làm việc trong chùa giúp độc giả hiểu hơn về cuộc sống chốn thiền môn, thêm yêu quý và kính nể những người hết lòng vì đạo. Ðặc biệt, truyện “Lén nhặt chuyện đời” kể về quá trình của một đại ca giang hồ cắt tóc quy y cửa Phật để lại những ấn tượng và cảm xúc khó quên. “Quay đầu là bờ” và sự thay đổi tích cực của nhân vật đã mang lại một cái kết đẹp và trọn vẹn cho một tập sách hay và ý nghĩa.


CÁT ÐẰNG