Trang chủ PGVN Cửa thiền Vị hòa thượng mê làm từ thiện

Vị hòa thượng mê làm từ thiện

50

Nghĩa cử cao đẹp ấy của Hòa thượng Thích Giác Thuận, trụ trì chùa Như Lai – 229A Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND quận Gò Vấp và Giáo hội Phật giáo Trung ương tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”, “Sống tốt đời đẹp đạo”.

CÓ BÃO LŨ LÀ ĐI GÕ CỬA

Sinh ra ở miền đất An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tuổi thơ của Hòa thượng Thích Giác Thuận gắn liền đói nghèo, chiến tranh loạn lạc. Là anh cả trong gia đình có năm người con, mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều do ông gánh vác. Ông làm thuê cuốc mướn khắp nơi, chứng kiến bao cảnh lầm than, tang tóc do giặc Mỹ gây ra. Năm 1960 ông xuất gia, theo con đường tu hành nơi cửa Phật.


Dù tuổi cao sức yếu nhưng hòa thượng (thứ hai từ phải qua) luôn có mặt trong các chuyến cứu trợ

Với trí thông minh thiên bẩm, cộng với sự cần cù học hỏi, chỉ hai năm sau ông thọ phẩm Tỳ Kheo rồi trở thành Giảng sư Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam. Năm 1976 ông là Ủy viên tổ chức Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận Gò Vấp, TPHCM.

Khi tiếp nhận chùa Như Lai vào năm 1980 thì ngôi chùa này đã hoang tàn, đổ nát do bị bom đạn phá hủy. Ông và các đệ tử đi nhặt từng viên gạch, hòn đá xây dựng lại ngôi chùa. Ngày ấy người ta thường thấy vị hòa thượng mặc áo cà sa, tay cầm cuốc xới từng tấc đất trồng sắn, trồng khoai kiếm bữa ăn cho chùa. Thương sư phụ, các đệ tử rất chăm chỉ, sống trọn đạo, tốt đời.

Mang nặng đức từ bi bác ái, Hòa thượng Thích Giác Thuận luôn canh cánh trong lòng những số phận, mảnh đời bất hạnh. Khi đã có cái ăn, cái mặc, hòa thượng day dứt nghĩ đến những thân phận khốn khó trong xã hội.

Cứ vài tháng ông lại đến gõ cửa các phật tử, Mạnh Thường Quân quen biết xin những áo quần cũ, vài ba thứ đồ chơi dư thừa để đưa tới cho các  cô nhi viện, trại phong hay nơi nuôi dưỡng những người già neo đơn. Những chuyến hàng chở theo cả niềm vui, tấm lòng của một vị hòa thượng sống hết mình cho đời và đạo.


Hòa thượng lì xì trước Tết cho trẻ em nghèo Kon Tum

Bận việc Phật pháp nhưng lâu lâu ông lại cùng đệ tử “vi hành” về những vùng đất nghèo khó của đất nước, tìm hiểu đời sống của bà con nông dân. Sau những chuyến về miền Tây sông nước, những chiếc “cầu khỉ” chông chênh được thay thế bằng những cây cầu bê-tông cốt sắt, các em học sinh không phải tròng trành hiểm nguy trên những chiếc thuyền mùa mưa lũ.

Không ngại nắng mưa, đường sá xa xôi, ông lại ngược đường rừng lên với các đồng bào dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên. Nhiều người dân nơi đây đã quen với vị sư già điềm đạm, ân cần, có lòng thương yêu chúng sinh của ông.  

DUYÊN NỢ ĐẠO HÀNH

Bao nhiêu tuổi đạo thì cũng chừng ấy năm Hòa thượng Giác Thuận gắn với cái “nghiệp” làm từ thiện. Nay tuổi đã cao, nhưng hễ có bão lũ là ông cùng các đệ tử vận động quyên góp để lên đường cứu trợ. Cơn bão số 9 và số 11 gây tổn thất nặng nề về người và của cho đồng bào miền Trung – Tây Nguyên. Ngày nào ông cũng xem tivi, đọc báo, nhìn cảnh đồng bào ngập chìm trong biển nước, ông trăn trở không nguôi.

Bão vừa dứt, nhiều tuyến đường còn lầy lội bùn đất nhưng ông vẫn khăn gói lên đường, đưa gạo, mì tôm, mắm muối, mùng mền cứu trợ kịp thời cho nhân dân các vùng thiệt hại nặng. Lên Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai rồi xuôi xuống Phú Yên, Bình Định. Bước chân không dừng lại, ông và Hội Tương tế của chùa ra tận Quảng Nam, Quảng Ngãi để trao quà. Tính từ khi hai cơn bão lớn ập xuống, Hòa thượng Thích Giác Thuận cùng các phật tử đã có 6 chuyến cứu trợ bà con, trong đó có nhiều chuyến phối hợp với Báo CATPHCM (Báo CATP đã đưa tin).

Mỗi lần cứu trợ, trị giá vật chất và tiền mặt Hòa thượng Giác Thuận đã kêu gọi ủng hộ được hàng trăm triệu đồng. Chỉ tính riêng hai cơn bão vừa qua, chùa đã ủng hộ số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng, được hòa thượng trao trực tiếp cho người dân. Cô Lê Thị Ngọc Sương – một phật tử tại gia và là Mạnh Thường Quân luôn đồng hành trong các đợt cứu trợ với hòa thượng – cho biết: “Chứng kiến sự vất vả, tận tụỵ vì người nghèo của sư Thầy chúng tôi cảm phục lắm. Tuổi già, sức yếu nhưng cái tâm làm việc thiện vẫn sáng mãi”.