Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng rất nhiều đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số đinh đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi.
Rồi cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng cây đinh lên hàng rào. Một ngày kia, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào nếu một ngày cậu không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần.
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé tìm cha mình báo rằng không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đứng bên hàng rào và ông nói với cậu rằng: “Con đã làm rất tốt! Nhưng hãy nhìn những lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi.
Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết thương trong lòng người khác.
Dù sau đó con có nói bao nhiêu lần xin lỗi đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như vết thương thể xác vậy…”.
Lời cha dạy thật là thâm thúy, cậu bé chừng như đã hiểu ra được tai hại của cơn giận. Từ đó về sau cậu bé trở nên hiền lành dễ thương khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi tâm tính của cậu.
(Kể theo Học làm người)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Chuyện xưa kể về ông Trình Tử tu thân sửa mình bằng cách mỗi ngày nếu ông làm được một điều tốt thì bỏ vào hũ một hạt đậu trắng; còn ngược lại thì bỏ vào hũ một hạt đậu đen. Hết một ngày ông đổ hũ đậu ấy ra kiểm tra. Ông bắt đầu một cuộc sống tỉnh thức, biết cân nhắc trước những việc sắp làm.
Cho nên số lượng đậu đen ngày càng ít đi, cho đến lúc đậu đen không còn xuất hiện trong hũ nữa. Ông vui mừng dạy cho con cháu tu thân bằng cách thực tập này. Đây là cách kiểm điểm bản thân từng ngày, giúp cho ta thực tập chánh niệm biết những gì đang xảy ra và kịp thời ngăn chặn những quyết định sai lầm.
Cũng như ông Trình Tử, người cha trong câu chuyện trên đã dạy con sửa cái tính nóng giận bằng cách mỗi khi nổi nóng thì chạy ra đằng sau nhà đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ và ngày nào không hề nóng giận thì nhổ bớt một cây đinh.
Cậu thực tập rất tốt và đã thành công khi không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa nhưng vẫn còn để lại những lỗ đinh nham nhở. Từ những dấu vết này, cha cậu đã chỉ dạy cho cậu một bài học rất quý giá về cái giá phải trả của sự nóng giận: “Dù sau đó con có nói bao nhiêu lần xin lỗi đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như vết thương thể xác vậy…”.
Ông bà ta có dạy: “Lời nói như đinh đóng cột”. Đó chỉ là lời nói thôi, chưa phải là việc làm. Một lời ta nói, một việc ta làm trong cơn nóng giận giống như ta đóng đinh vào cột không chỉ làm đau người khác trong giây phút đó rồi thôi, mà còn để lại vết thương lòng, có những vết thương lòng quá lớn đến mãi về sau khi chợt nhớ vẫn còn nhức nhối.
Người học Phật đều biết rõ tham sân si là ba con quỷ dữ. Nhưng khi ta ý thức được “một điều nhịn bằng chín điều lành” và hậu quả của cơn giận là để lại vết thương trong thân tâm người khác và cả chính mình, tiêu hao nhiều năng lượng, ảnh hưởng đến tim mạch, thì ta không dại gì mà sân si cho cực nhọc thân xác vốn dĩ đã quá mệt mỏi với việc áo cơm mưu sinh.
Vậy thì, nếu còn ai đó có đôi khi chưa thể chế ngự được cơn giận thì hãy mau thực tập ngay đừng để cơn giận làm hại ta. Nếu cách bỏ đậu vào hũ hoặc cách đóng đinh vào hàng rào rườm rà quá thì ta hãy thực tập theo cách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Khi cơn giận đến, ta ngồi yên quán chiếu đọc thầm bài kệ theo hơi thở vào ra: “Thở vào, con thấy con đang giận. Thở ra, con thấy cái giận đang ở trong con…”.
Cái giận trong ta nghe vỗ về êm tai quá, nó chẳng nỡ lòng nào… giận hóa thành thương. Chỉ vài ba hơi thở thôi, ta đã điều phục được cơn giận rồi đó, rất dễ dàng! Không tốn kém gì cả! Từ nay, ta không còn phải sợ để lại vết thương lòng cho những người yêu quý quanh ta.