Đây là bài chú bằng chữ Hán phiên âm tiếng Phạn. 14 cột kinh nói trên đều không còn nguyên vẹn, nhưng xét những dòng chữ còn lại thì thấy các minh văn tương đối giống nhau. Trong đó, có ba cột còn khá nguyên vẹn, có thể đọc được đầy đủ các dòng chữ.
Ba cột kinh này khác hai cột được phát hiện năm 1963-1964 một đoạn quan trọng, cho ta nhiều thông tin sử liệu. Đoạn này nằm ngay sau bài Phật đỉnh Tôn thắng Đà-la-ni nói trên. Đoạn này trên ba cột cũng có những chỗ khác nhau. Tôi gọi bản khắc trên ba cột đó là 3A, 3B và 3C.
Sau đây là nguyên văn đoạn đó mà tôi chép lại từ cột 3A: “Đệ tử Suy thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp nhất vạn hộ, Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, sở vi vong đệ Đại đức Đính Noa Tăng Noa bất vi trung hiếu phục sự thượng phụ cập trưởng huynh, khước hành ác tâm, vi bội nhược ái khoan dung, huynh hư trước tạo thứ sở dĩ tổn hại Đại đức Đính Noa Tăng Noa tính mệnh, Yếu thành gia quốc vĩnh bá môn phong. Cổ ngôn tranh quan bất nhượng vị, tiên hạ thủ vi lương, trí dĩ như tư. Kim nguyện tạo bảo tràng nhất bách tọa, tiến bạt vong đệ cập tiên vong hậu một nhất hạ thoát, miễn cánh chấp tụng. Tiên chúc Đại Thắng Minh hoàng đế, vĩnh bá thiên
Dịch nghĩa như sau: Đệ tử là Suy thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp một vạn hộ, Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ cha và anh, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa, để trọn vẹn tình nhà nghĩa nước. Lời người xưa rằng đã tranh quan thì không nhường, ra tay trước mới là hay, đến nỗi ra tình hình như vậy. Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ và những hồn ma của người chết trước đây và sau này, cầu cho tất cả giải thoát, không phải tranh giành kiện tụng. Trước hết là chúc cho Đại Thắng Minh hoàng đế, mãi mãi làm chủ trời
Ở câu cuối cùng, bản 3B chép: “Tiên chúc Đại Thắng Minh hoàng đế, vĩnh trấn thiên
Chúng ta biết Đại Thắng Minh hoàng đế là tên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng. Còn Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư là tước vua Tống ban cho Đinh Liễn năm 973 khi Liễn đi sứ Trung Quốc (xem Tống sử). Theo chức danh trên cột kinh này thì Đinh Liễn còn có thực ấp 1 vạn hộ. Chúng ta đã biết rằng thực ấp là một hình thức ruộng ban cấp vào thời Lý. Như vậy là cột kinh này ta biết thực ấp đã có từ đời Đinh.
Theo ba cột kinh này thì Đinh Khuông Liễn đã làm 100 cột kinh như vậy để cầu cho người em là Đính Noa Tăng Noa đã bị Liễn giết. Người em này, theo sử ta thì được ghi là Hạng Lang. Chúng ta cần chú ý là chữ Đính rất gần với chữ Hạng.
Việc tạo hàng loạt cột kinh khắc Phật đỉnh Tôn thắng Đà-la-ni ở Hoa Lư có liên hệ với tín ngưỡng kinh tràng Phật đỉnh Tôn thắng Đà-la-ni trong Mật giáo Trung Quốc. Mật giáo Trung Quốc phổ biến tín ngưỡng cột kinh Phật đỉnh Tôn thắng vào thế kỉ VIII. Thời kỳ này, Phật giáo Trung Quốc đã trải qua giai đoạn Trì Minh giáo (Vidya-yana), bước vào giai đoạn Chân Ngôn giáo (Mantra-yana) với sự phổ biến của kinh Đại Nhật Như Lai và bắt đầu hình thành Mật tông với các Tổ như Thiện Vô Uý (Subhakarasimha), Kim Cương Trí (Vajrabodhi), Bất Không (Amoghavajra).
Trong thời kì này, Phật đỉnh là một loại Phật của Mật giáo bắt đầu được thờ phụng như Đại Phật đỉnh, Phật đỉnh luân vương, Kim luân Phật đỉnh, Xí Thịnh Quang Phật đỉnh. Về tiếu tượng cũng có tượng Phật đỉnh, đó là tượng ngồi Kiết già trên tòa sen, tay trái kết ấn Thiền định, tay phải kết ấn Hàng ma. Các bài kinh và thần chú liên quan đến Phật đỉnh Phật cũng được phiên dịch, tạo thành một loại hành trì gọi là Phật đỉnh pháp.
Trong các kinh về Phật đỉnh thì kinh Phật đỉnh Tôn thắng là đặc biệt quan trọng. Kinh Phật đỉnh Tôn thắng được Phật – đà – ba – lợi (Buddhapala) đem vào Trung Quốc và được dịch năm 687 (Đại tạng kinh q. 19, 349). Theo ý kiến của nhiều người thì kinh này được dịch từ niên hiệu Nghi Phượng (676-679).
Tôn thắng Phật đỉnh tu du già pháp nghi quỹ chép: “Tôn thắng Phật đỉnh, cũng có tên là Trừ chướng Phật đỉnh Luân vương, ngồi Kiết già trên tòa sen, da trắng, hai tay Thiền định, trong tay có hoa sen, trên hoa sen đặt Kim Cương câu. Trong tất cả các Phật đỉnh, Tôn thắng Phật đỉnh có thể trừ được tất cả phiền não nghiệp chướng cho nên gọi là Tôn thắng Phật đỉnh hay là Trừ chướng Phật đỉnh”. Vì vậy, năm Đại Lịch 11 (776) vua Đường là Đại tông đã ra lệnh cho tăng ni trong toàn quốc, trong một tháng phải đọc thuộc kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà-la-ni.
Từ tín ngưỡng Phật đỉnh Tôn thắng, xuất hiện hình thức sùng bái đặc biệt, đó là tín ngưỡng Tôn thắng kinh tràng, tức các cột kinh khắc bài Đà-la-ni Phật đỉnh Tôn thắng. Trong kinh Tôn thắng Đà-la-ni có viết: “Đem Đà-la-ni viết lên các tràng, để trên núi cao, hay trên nhà cao, các chỗ cao, hoặc trong tháp, các tăng ni, thiện nam tín nữ, thấy các kinh tràng này, hay gần các kinh tràng, hình các kinh tràng dọi vào người, gió thổi bay vào người, hay gió thổi bụi tràng vào người, thì các tội nghiệp sẽ tiêu tan”. Và phổ biến là dựng các cột kinh bằng đá, gọi là các Tôn thắng thạch tràng. Ở Trung Quốc hiện nay, dựa vào các ghi chép, người ta biết được khoảng 70-80 cột kinh. Tuy có nhiều loại khác nhau, nhưng nói chung người ta chia làm hai loại: Loại thứ nhất là cột kinh dựng để cầu phúc, tu công đức cho chúng sinh. Loại thứ hai là dựng cho người chết. Người dựng kinh tràng có thể lấy danh nghĩa cá nhân, tự viện, gia đình hay quốc gia để lập kinh tràng. Còn có cột kinh khắc cả tượng của người đã mất, lại còn có cột kinh có bình đặt xá lợi, ngoài Phật đỉnh Tôn thắng Đà-la-ni còn khắc cả Pháp thân kệ. Những cột kinh này gọi là Xá Lợi tràng. Như cột kinh ở chùa Long Hưng Hàng Châu năm 842.
Trên các kinh tràng có một đoạn tự ghi rõ lí do, tên người lập, gọi là tràng chủ, tên người cùng dựng và tên người viết chữ. Có những cột, số người tham gia xây dựng khá đông.
Như vậy, những cột kinh tìm thấy ở Hoa Lư là biểu hiện một tín ngưỡng của Mật giáo Trung Quốc. ảnh hưởng của nó đã lan đến Triều Tiên. Và với những phát hiện ở Hoa Lư, ta thấy tín ngưỡng này đã phổ biến ở Việt
__________________________
*. GS. Viện Khảo cổ học.
1. Hà Văn Tấn. Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư –Nghiên cứu Lịch sử số 76, tháng 7-1965.
2. Hà Văn Tấn. Cột kinh Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa Lư. Khảo cổ học số 5-6, tháng 6-1970.