Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Về tết

Về tết

289

Tết về! Về Tết!
Có phải chỉ riêng trên quê hương Việt Nam mới mong đợi Tết về?

Sau mùa mưa dầm kéo dài, ngày lê thê, đêm rả rích suốt cả mùa Đông với bầu trời xuống thấp và không gian nhỏ lại, Tết như từ một miền "Vô trú" trở về. Miền Vô trú có nhiều sương mù và nắng mới vàng mơ, nên Tết mang về một ít nắng bất chợt và những sớm sương mù lành lạnh cho mạ và cho em. Màu sương pha của Tết đậu trên những luống cải vàng của mạ. Tết sẽ vực dậy những bước đi lom khom trong tơi lá, cất những cái lồng ấp của ôn mệ trên giàn thúng mủng sau hè. Tết giúp mở bớt nhiều lớp áo – trong lớp rách, ngoài lớp lành – của o gái quê nghèo, để chỉ còn một chiếc áo mới ôm cái lưng ong và bờ vai vỡ đất của tuổi xuân thì "gái 17, bẻ gãy sừng trâu". Dáng Tết xanh hơn và hương Tết đậm hơn vào những ngày cuối tháng Chạp. Và đến đêm ba mươi thì dẫu có đóng cửa Tết vẫn vô nhà; sáng mồng một, dẫu có khóa chặt cửa trước, cài then cửa sau, Tết vẫn ung dung túa ra đường cười tươi chào những người áo mới…

 Tuổi thơ ở làng, tôi đã đợi những mùa Tết về với tâm trạng vừa hiện thực vừa mơ mộng như thế đó. Tết Việt Nam là một thời điểm giao hòa giữa ước mơ và hiện thực. Ước mơ không bao giờ cạn và hiện thực không bao giờ đầy nên người Việt Nam "Về Tết" bằng điệu sống khát khao của con dơi cũ về đong đưa dưới mái nhà cổ xưa, chứ  không đón Tết hay ngắm Tết mông lung từ thế giới bên ngoài. Về Tết là về với hơi ấm của mái nhà thừa tự; về với mẹ dù mẹ còn đó hay mất rồi nhưng vẫn mường tượng dang tay đứng đợi. Về Tết là về với thế giới sơ xưa, xa mà gần với nỗi lòng cô Tấm, nụ cười chú Cuội, bản lĩnh Thằng Bờm, hào khí Thạch Sanh… đã "dzú" chín vàng hươm cất trong ngăn thần thoại và nỗi xúc động ôm chầm những người thân bằng xương bằng thịt.

Tết về trên quê hương. Quê hương về giữa lòng người. Nhưng lòng người về đâu trong mùa Tết? Những câu hỏi có vẻ kỳ lạ xàng quanh như kiểu thiền sư ra công án. Nhưng quả thật, khi nói có một "công án về Tết" cho người Việt Nam là một cách nói chân tình mà không sợ mang tiếng lạm dụng danh từ. Vì sao chữ "Tết" lại không thể là thoại đầu cho một công án về Tết?

Thuở nhỏ ở làng, cứ mỗi năm được mạ cho ăn canh cải cay đầu mùa nấu với  khuyết tươi là tôi biết Tết đang về lấp ló đâu đó ở sau hè. Với tôi ngày đó, Tết không bao giờ mở cửa đi thẳng vào nhà. Tết là là một hứa hẹn ngập ngừng đầy réo gọi của bầy trẻ xóm nghèo, nhưng cũng là nỗi lo quắn ruột của những bà mẹ quê. Mắt mạ hom hem mỗi buổi sáng vì mất ngủ. Mạ lo cho ngày Tết với tư thế của một người hiếu đạo thờ cúng tổ tiên ông bà. Kính cẩn lo cung bái đã đành, mạ còn phải lo cho bầy trẻ. Dù chỉ là chiếc áo vải to và đôi guốc mộc không sơn, nhưng trăm thứ dập dồn đều đổ hết trên đôi vai trần mạ gánh. Mạ chừa mấy buồng chuối sau hè để cúng Tết; giữ mấy bụi chuối vườn sau để lấy lá gói bánh Tét. Mạ bán cặp gà giò để may cho con cái áo mới; chừa con heo để bán lấy tiền mua bao nhiêu là hàng Tết chắt chiu.  Riêng mạ thì chẳng có chi, ngoài mái tóc sau mỗi mùa Đông lại bạc hơn. Áo mới của mạ là đôi bông tai thòa và cái áo dài vải đọan màu hoa lý, chỉ sờn mà không bao giờ cũ, nên cứ mỗi năm, mạ lại đem ra "diện" trong ba ngày Tết. Có lẽ vì mạ không có chi cả nên lòng mạ trống trải, bao la và sâu hút như cái giếng trời không đáy. Lòng mạ cao vời dọi vào sâu thẳm đời con như trăng soi đáy giếng.  Ngỡ như gần, thật gần trong tầm tay với, nhưng chẳng bao giờ chạm được giới hạn tận cùng.

Tết Về! Cái khoảng không bao la sâu thẳm của lòng mẹ không nói một lời nào nhưng lại có vô biên lời để nói, để gọi những đứa con về Tết.  Những đứa con Việt Nam xa quê dường như có một sự thôi thúc vô hình trong mùa Tết của giống cá Hồi (Salmon).  Đấy là một sự thôi thúc vô hình thiên nhiên của nòi giống phải trở về nguồn cội.

Nhiều dịp đưa người thân lên phi trường San Francisco về quê hương ăn Tết, nhìn dòng người lũ lượt về quê, tôi bỗng nao nao liên tưởng đến giống cá Hồi rủ nhau lũ lượt về nguồn…

Cá Hồi! Suốt một cuộc hành trình chung thân ngắn ngủi trong khoảng từ 5 đến 7 năm, đàn cá Hồi sinh ra trên một dòng sông nào đó, nhưng cuối đời, cá Hồi phải trở về nguồn cội để sinh nở lần cuối cùng và nằm xuống vĩnh viễn ở đó. Có những giống cá Hồi như Chinook, ly cách dòng sông quê hương đến 5.000 cây số để sống vẫy vùng ngoài biển cả. Nhưng rồi cuối một mùa Đông nào đó, Chinook "động lòng quê" và gọi đàn tìm về quê hương nguồn cội. Có thể nói cuộc hồi hương của đàn cá Hồi Chinook là một cuộc về nguồn cảm động nhất trong mọi sinh vật của địa cầu. Từ khi rời đại dương bắt đầu về dòng sông xưa, đàn cá Hồi Chinook không thiết gì ăn uống. Quay đầu một mạch bơi thẳng về nguồn.  Trên cuộc hành trình trở về quê cũ dài gần ba lần chặng đường từ Sài Gòn về Hà Nội, đàn cá Hồi phải chiến đấu thường trực với bao nhiêu gian nan hiểm trở dọc đường.  Trước những đàn cá lớn tìm mồi hung hãn, trong những dòng cuồng lưu của đại dương nóng lạnh bất thường, với những cạm bẫy của biết bao lưới săn vây bủa…, đàn cá Hồi dù cho thịt nát xương tan (nghĩa đen) vẫn không không bao giờ đổi hướng. Sau cuộc hành trình, có những đàn cá Hồi tìm về được dòng sông xưa, cả trăm con chỉ còn vỏn vẹn lơ thơ dăm ba con sống sót. Và những con cá sống sót hầu hết đều mang thương tích đầy mình… Thế mà sau năm năm, vào cuối mùa Đông, đàn cá Hồi vẫn lũ lượt về nguồn. Về nguồn lần cuối không phải để tìm một con nước sâu hơn, để xây tổ trên những đỉnh rong rêu phù hoa hơn, mà để được gối đầu an nghĩ một giấc sau cùng giữa lòng nước cội nguồn của quê hương yêu dấu! 

Sự thôi thúc Về Tết của những người Việt xa quê không mang nặng tính bản năng như cá Hồi, nhưng từ trong ý thức gắn bó yêu thương vẫn có những níu kéo rộn ràng không giải thích được. Cũng như chẳng có ai giải thích được sâu bao nhiêu là biên giới tận cùng của lòng mẹ – đáy trăng!

Hơn 20 năm với những cái Tết Về xa xứ, đã nhiều lần vào ngày mồng một Tết bên quê nhà mà bên này, tôi vẫn miệt mài làm việc. Khi tất cả mọi người đều làm việc, dù đang có một đất trời mùa Xuân trỗi dậy, nhưng tôi biết ăn Tết với ai đây?  Tôi cố làm ra vẻ dửng dưng trong một xã hội dửng dưng như người mẹ mĩm cười tiễn con ra đi với "cái cười bằng mười cái khóc". Dù đó là ở Trung Quốc, ở Nhật Bản,  Hàn Quốc…, Mỹ châu, Phi châu, hay Âu châu… thì cũng chẳng có nơi nào để cho lòng mình về Tết.

Nơi xứ người, khái niệm về "Năm Mới" đâu có thiêng liêng một cách tự nhiên và đồng bộ như ở quê mình. Chỉ 3 nước trên thế giới có chung một ngày cho Năm Mới là Trung Hoa, Hàn Quốc và Việt Nam. Nhật, Thái Lan, Lào, Campuchia… mỗi nước đều có một ngày Năm Mới khác nhau. Trên đất Mỹ này, sẽ không có ai quan tâm thắc mắc khi trên cùng một đường phố có người láng giềng Do Thái mừng Năm Mới vào cuối tháng 9; người Mỹ "Happy New Year" vào ngày đầu tháng giêng; ông hàng xóm sau nhà người Nga dòng Orthodox cắm hoa mừng Năm Mới vào cuối tháng Giêng; gia đình người Iran đầu đường mừng Năm Mới vào tháng Hai; bà người Lào diện áo lễ hội múa để mừng Năm Mới vào tháng Ba…! Cái thời điểm thiêng liêng "mừng Xuân nhân loại" ở quê nhà không còn là mốc thời gian duy nhất mở đầu một năm đáng ghi nhớ đối với người khác xứ.

Ngày xưa, tôi vẫn hiểu lầm về khái niệm "Ăn Tết" là Tết để ăn. Ăn nhiều thứ ngon mà ngày thường không có. Nhưng khổ nỗi, cái ăn của truyền thống Việt Nam không dừng lại ở vật chất mà ăn là một chuỗi phản ứng gợi nhớ có điều kiện. Những ngày cuối tháng Chạp như bây giờ mà đến những cửa hàng Việt Nam và Á Châu ở những nơi đông người Việt như Santa Ana, San Jose, Houston, Seattle, Sacramento… thì hàng Tết chẳng thiếu một món gì. Từ bánh chưng, bánh tét, bánh màu đủ loại đến mứt các thứ, đồ nhắm Bắc-Trung-Nam, hoa quả tươi đủ màu đủ giống đều có bày bán ê hề. Thậm chí, giấy vàng mã, bài vu,ï cua bầu, bài tới đều có bày bán nhan nhãn.  Chỉ cần một ngày lương của một người thợ trung bình là đủ sắm các loại thức ăn cho ba ngày Tết.  Thế nhưng, cho dù vật chất có rôm rả đến mức nào đi nữa thì tâm trạng Về Tết vẫn không bao giờ hiển hiện để có "nụ Tầm Xuân nở ra xanh biếc" nơi xứ người, vì một lẽ đơn giản là xứ người không có Tết nên Tết không về!

Ở quê nhà, ra đường là gặp Tết, về nhà gặp Tết, hay vụng tìm cũng gặp Tết.  Tết nức trong không gian, Tết tràn trong không khí. Thế mà nơi đây chỉ có Tết trong lòng người. Hàng năm, vào mùa Tết, những nhóm người Việt tha hương còn đậm tình đất nước, cũng gắng Về Tết và tìm nhau trong ngày Tết qua những Hội Tết cuối tuần. Cuộc vui lẻ loi bao giờ cũng cảm động…

Nếu không về thì biết bao giờ mới tới, nhưng đã quyết về thì sớm muộn gì cũng sẽ tới. Đàn cá Hồi yếu đuối thế kia còn mãi mãi trung thành với chính mình không chuyển hướng, huống chi con người mang nặng suy tư? Trong suy tư, mỗi người có một lối về. Đối tượng quay về có thể chẳng cần một tấm vé nào cả. Tấm vé về lại với chính mình không bao giờ mua được, vì khi bước lên tàu cũng là lúc quay đi.  Quê hương đích thực là cõi sơ xưa, là hồn thiên cổ nằm tĩnh lặng trong mỗi con người!

Đừng lỗi hẹn với chính mình. Năm nay Tết Về ta sẽ gọi mình Về Tết!

(Sacramento, Cali., U.S., tháng Chạp, Ất Dậu)