Trang chủ Văn hóa Về nghi lễ kết hôn trước Phật điện

Về nghi lễ kết hôn trước Phật điện

218

Tuy nhiên, trong phần hai, tác giả viết: “Ai cũng biết rằng nghi thức Hằng Thuận ra đời trong khoảng sáu, bảy mươi năm gần đây. Nhưng cụ thể, đó là vào thời điểm nào, do ai đặt ra, ai là người đầu tiên đến chùa làm lễ Hằng Thuận,… thì điều đó, ngay cả những nhân vật gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo như cư sĩ Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm,… vẫn không thể trả lời chính xác…”.


 


Đây là một vấn đề hết sức thú vị, nhưng quả tình không đơn giản chút nào. Việc truy nguyên đòi hỏi sức óc của nhiều học giả am tường Phật giáo. Bài viết của chúng tôi chỉ xin trình bày một vài tư liệu để góp phần “truy tìm nguồn gốc” của nghi lễ Phật giáo đẹp đẽ này.


 


Ý tưởng tổ chức hôn lễ trước Phật điện lần đầu tiên, theo chúng tôi, chính thức đưa ra trước công luận vào cuối năm 1935 đầu năm 1936. Trong mục Luận Đàn, liên tiếp hai số (số 4, ngày 32 tháng 12 năm 1935 và số 5, ngày 7 tháng 1 năm 1936), báo Đuốc Tuệ (cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ) đăng bài viết của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, đề nghị Phật tử tại gia tiến hành hôn lễ trong ngôi chùa. Nghi lễ này có tên gọi là “Lễ Phật tiền kết hôn”. Theo học giả Nguyễn Lang, nghi thức kết hôn trước cửa Phật do Nguyễn Trọng Thuật đề xuất là sự cụ thể hoá tinh thần “đạo Phật trong ngôi chùa. Nghi lễ này có tên gọi là “Lễ Phật tiền kết hôn”. Theo học giả Nguyễn Lang, nghi thức kết hôn trước cửa Phật do Nguyễn Trọng Thuật đề xuất là sự cụ thể hoá tinh thần “đạo Phật trong cuộc đời” – một chủ trương chấn hưng Phật giáo của Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1).


 


Bài viết của Nguyễn Trọng Thuật mở đầu bằng việc nêu thực tế những đám cưới được tổ chức phổ biến trong cơ sở thờ tự các tôn giáo tín ngưỡng ở Nhật Bản đương thời. Theo đó, nếu là người tin theo Thần Đạo thì hôn lễ được tiến hành trước Thần Cung, nếu là người tin theo Phật giáo thì hôn lễ được tiến hành trong ngôi chùa…


 


Theo tác giả, hôn lễ được tiến hành trong cơ sở thờ tự của các tôn giáo tín ngưỡng ở Nhật Bản nhằm hai mục đích:


 


Thứ nhất, đối với vị giáo sĩ, đây là cơ hội tốt để đem giáo nghĩa luân lý của tôn giáo giảng dạy và khuyên bảo đôi vợ chồng mới.


 


Thứ hai, đối với đôi vợ chồng mới, đây là dịp để thề nguyện chung sống cùng nhau trọn đạo một đời.


 


Từ đó, tác giả đề nghị, nhân phong trào chấn hưng Phật giáo đang phát triển, chúng ta nên học tập nghi thức hôn lễ của người Nhật Bản, một nước có nhiều nét văn hoá tương đồng với Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng, chúng ta không nên học tập cách thức hôn lễ của người Nhật một cách máy móc, bởi: “Người Nhật tự có chỗ chứng giải của họ, ta cũng phải tự có chỗ chứng giải của ta, việc ta làm tuy sau người mà không phải là toàn nhiên nhắm mắt theo liều kẻ khác”(2).


 


Theo tác giả, trong khi các loại hình cơ sở thờ tự của các tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta như đình, đền, miếu đều chật hẹp và còn diễn ra nhiều hủ tục, cho nên hôn lễ trước hết và tiện lợi nhất là được cử hành trong ngôi chùa.


 


Nhằm hoàn thiện và hiện thực hoá ý tưởng, tác giả đã đưa ra một mẫu chương trình cử hành hôn lễ trong ngôi chùa theo những quy trình nghi thức cơ bản như sau:


 


Lễ kết hôn trong ngôi chùa được cử hành ngay sau khi đón dâu về làm lễ bái yết gia tiên bên nhà trai. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà không kịp thì làm lễ bái yết gia tiên hôm trước, chuyển lễ kết hôn trong chùa sang ngày hôm sau.


 


Ban hành lễ kết hôn bao gồm: 01 vị tăng (phẩm vị Thượng toạ) làm giới sư và một vài người đạo tràng giúp lễ. Phẩm vật dâng cúng trong hôn lễ trước Phật điện gồm hương hoa và trai phẩm.


 


Sau khi Ban hành lễ, tín chủ, gia đình, và bạn bè hai họ ngồi yên vị trước Phật điện, bắt đầu buổi lễ, đạo tràng cử Phật nhạc và thỉnh chuông. Nhạc dừng, một đạo tràng đứng ra đọc tấu văn. Tấu văn đứng cả tên cha mẹ cô dâu và chú rể (có mẫu sẵn). Tiếp theo, chú rể đứng ra đọc lời thề nguyện (có mẫu sẵn, chú rể và cô dâu cùng ký tên, nếu không biết chữ thì điểm chỉ). Nội dung lời thề nguyện có đoạn: “Hai chúng tôi là … Nhờ có duyên lành, hai chúng tôi được biết nhau, đã đều tự ý thoả thuận cùng nhau kết hợp làm đôi vợ chồng, đã được hai bên cha mẹ chúng tôi cho làm lễ thành hôn. Nay hai chúng tôi cùng nhau xin phát thệ trước cửa Phật, xin yêu nhau kính nhau, ăn ở cùng nhau cho trọn đạo một đời. Xin Phật chứng minh cho…”.


 


Tiếp theo, giới sư tiến hành lễ quy Phật và giảng thuyết cho đôi vợ chồng trẻ. Nội dung lời giảng thuyết chủ yếu trích từ kinh Thiện Sinh (kinh Lễ Sáu phương) nói về luân lý và đạo vợ chồng của cư sĩ tại gia, trong đó có đoạn: “… Phật dạy rằng, chồng kính nể vợ có 5 điều: một là lấy về nghĩa mà đãi nhau, hai là không lúc nào kém uy nghi, ba là đồ ăn thức mặc tuỳ sức mà sắm sửa cho vợ, bốn là cho vợ được sắm sửa theo thời, năm là giao phó việc nhà cho vợ. Vợ cũng lấy 5 việc mà cung kính đối với chồng: một là dậy thì dậy sớm trước chồng, hai là ngủ thì ngủ sau chồng, ba là nói cho ôn hoà, bốn là kính thuận, năm là đón chiều ý chồng”.


 


Sau khi giảng thuyết, giới sư, cô dâu, chú rể và mọi người cùng lễ tạ Phật. Nghi thức hôn lễ kết thúc bằng việc chú rể mời trầu vị giới sư và họ hàng bên nhà gái, còn cô dâu thì mời trầu họ hàng bên nhà trai (3).


 


Cổ vũ cho ý tưởng tổ chức hôn lễ theo tinh thần Phật giáo, báo Đuốc Tuệ, ngày 25 tháng 2 năm 1936, trong mục Tin tức Phật giáonước ngoài đưa tin một đám cưới của con em hai vị cư sĩ tại gia ở Nam Kinh, Trung Quốc đã thết đãi tiệc cưới toàn bằng đồ chay. Thậm chí, ngay trong bữa tiệc, một vị cư sĩ còn đứng lên diễn thuyết về vấn đề “ăn chay” của nhà Phật cho hơn 200 quan khách tham dự hôn lễ.


 


Sau hơn 1 năm vận động, “lễ Phật tiền kết hôn” đã trở thành hiện thực, chí ít và cụ thể là trường hợp được đưa tin trên báo Đuốc Tuệ, số 70, ngày 1 tháng 10 năm 1937.


 


Theo tin tức đăng tải, với mong muốn ý tưởng lễ kết hôn trước Phật điện được thi hành rộng khắp trong hội Phật giáo Bắc Kỳ, ông Đào Thiện Luận, chánh đại lý chi hội Phật giáo Thái Bình là người tiên phong trong việc cử hành nghi lễ này cho cô con gái của mình. Ngày 14 tháng 9 năm 1937, cô Đào Thị Phương Nam (con gái ông Đào Thiện Luận) đã kết hôn với anh Trần Văn Cư (em trai đốc Trần Văn Khang – Hà Nội). Hôn lễ được cử hành tại chùa Kỳ Bá – Trụ sở chi hội Phật giáo Thái Bình. Giới sư chủ hôn là Sư tổ chùa Trừng Mại. Hôn lễ diễn ra theo đúng những trình tự nghi thức mẫu đã nêu trong báo Đuốc Tuệ số đầu năm 1936 trước sự tham dự và chứng kiến của tổng đốc Nguyễn Năng Quốc và phu nhân, cùng đông đảo quan lại triều đình các cấp, các công chức, thân hào và gia quyến. Cuối buổi hôn lễ, trong lời cảm tạ, ông Đào Thiện Luận đã khuyên các giáo hữu trong hội Phật giáo Bắc Kỳ và các chi hội Phật giáo địa phương nên noi theo nghi thức hôn lễ này để giáo hoá con gái (4).


 


Có thể thấy, trên thực tế, mặc dù cổ vũ nhiệt tình như vậy, nhưng dường như tính khả thi của ý tưởng này ở miền Bắc đương thời là chưa cao. Báo Đuốc Tuệ, trong 11 năm tồn tại, cũng là thời điểm phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc phát triển mạnh mẽ nhất, cũng chỉ thấy đưa tin duy nhất 1 trường hợp hôn lễ được tổ chức trong ngôi chùa.


 


Trong khi nghi lễ kết hôn trong ngôi chùa, có lẽ vì nhiều lý do khác nhau, chưa mấy phát triển ở miền Bắc thì lại có cơ duyên phát triển ở miền Trung và miền Nam.


 


Trong cuốn “Nghi lễ Phật giáo tán tụng” (5) của soạn giả Thích Giải Năng, viết ở miền Nam năm 1973 có đề cập chi tiết nghi thức lễ thành hôn trong chùa với một tên gọi khác là “lễ Hằng Thuận”. Nghi thức lễ thành hôn cử hành tại chùa được tác giả chia làm 2 kiểu: kiểu nghi thức cũ (nguyên văn là nghi cũ), với đặc điểm là những lời nguyện đọc ở phần đầu và phần cuối của buổi lễ đều bằng âm Hán Nôm, ví dụ: “Kỳ nguyện: tư thời Việt Nam quốc, … tỉnh,… quận,… xã,… cung tựu, … tự,… đăng lâm bảo điện, cung đối vạn đức từ dung, tu hương thiết cúng. Kiền thỉnh tăng già phúng tụng huyền văn, chuyên vì lễ tân hôn kỳ phước chi sự…”(6)


 


Còn kiểu nghi thức mới (nguyên văn là nghi mới), nội dung các nghi lễ được tiến hành hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, với nhiều điểm tương tự như “lễ Phật tiền kết hôn” ở miền Bắc trước năm 1954.


 


Điểm giống nhau của cả nghi cũ lẫn nghi mới trong nghi thức lễ thành hôn mà soạn giải Thích Giải Năng biên soạn nằm ở phần Huấn Thị của vị Tăng chủ hôn buổi lễ. Phần này đều dùng chữ Quốc ngữ, đều khuyên đôi vợ chồng trẻ có bổn phận đối xử hoà thuận với nhau trong cuộc sống gia đình – tất nhiên là theo tinh thần Phật giáo, đặc biệt là phần nhà sư trao nhẫn cưới cho cô dâu và chú rể cùng những phân tích, giảng giải về ý nghĩa của nhẫn cưới bằng vàng.


 

Tóm lại, nghi lễ kết hôn trước Phật điện là một ý tưởng mới mẻ và táo bạo của các nhà cải cách Phật giáo, theo chúng tôi, có thể xuất hiện đầu tiên trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc vào cuối năm 1935 đầu năm 1936. Tuy nhiên, nghi lễ này lại phát triển ở miền Trung và miền Nam trong giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975, và được tiếp tục cho đến ngày nay như sự phản ánh trong bài viết của tác giả Quảng Kiến.






(1) Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Tập I-II-III. Nxb Văn học. Hà Nội 2000, tr.876.



(2) Đ.N.T Lễ kết hôn trước cửa Phật. Đuốc Tuệ, số 4, ngày 31 tháng 12 năm 1935, tr.24.



(3) Đ.N.T. Lễ kết hôn trước cửa Phật. Đuốc Tuệ, số 5, ngày 7 tháng 1 năm 1936. tr.21-25.



(4) Lễ phật tiền kết hôn tại chi hội Phật giáo Thái Bình. Đuốc Tuệ, số 70, ngày 1/10/1937, tr.43-44



(5) Sách có lẽ được tái bản nhiều lần. Bản mà chúng tôi có được in lại vào năm 2001



6) Thích Giải Năng (biên soạn). Sách đã dẫn, tr.137./.