Trang chủ Bài nổi bật Thăm chùa cổ trên một nghìn năm tuổi tại Trà Vinh

Thăm chùa cổ trên một nghìn năm tuổi tại Trà Vinh

2299

PTVN – Chùa Âng và chùa Qui Nông là hai ngôi chùa cổ trên ngàn năm tuổi tại tỉnh Trà Vinh. Kiến trúc cổ kính đậm chất văn hóa Khmer của hai ngôi chùa này đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ cho những ai một lần đến đây.

CHÙA ÂNG (chùa Ang Korajaborey)

Chùa tọa lạc tại khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh do Hòa thượng Thạch Sok Xane – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN trụ trì.

Chùa có diện tích tổng thể là 3,5ha, có không gian thoáng mát, yên tĩnh, xung quanh chánh điện có nhiều cây cao to, thẳng tắp.

Đối diện cổng chùa Âng là tòa nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, phía bên trái chùa (nhìn từ cổng vào) là quần thể Khu di tích Ao Bà Om.

Kiến trúc Chùa Âng là sự kết nối chạm trổ tinh xảo của các hoa văn, biểu tượng Phật giáo làm tôn lên vẻ thạnh tịnh trang nghiêm của ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi.

CHÙA QUI NÔNG  (chùa Knong Srok)

Chùa do Hòa thượng Thạch Sô Phia trụ trì, nơi có gần 100 vị sư có nhiều độ tuổi khác nhau (nhỏ nhất là 7 tuổi) đang tu học và sinh hoạt mỗi ngày.

Hòa thượng Trụ trì Thạch Sô Phia là vị Thầy từ tốn, gần gũi, chân thành và độ lượng đối với gần 100 vị sư trẻ đang nội trú cầu pháp theo học tại chùa.

Không gian chuẩn bị tết tại chùa Knong Srok không vội vã như bên ngoài mà diễn ra một cách bình dị, nhịp nhàng trong tiếng chỗi quét sân của các sư trẻ tuổi trong màu vàng y thanh thoát.

Trên nền Tăng xá có hơn nghìn năm tuổi là các cột trụ bị cháy đen được dựng tạm sau trận hỏa hoạn đáng tiếc vừa xảy ra vào trung tuần tháng Chạp năm Kỷ Hợi.

Thông tin thêm về Chùa Âng và chùa Qui Nông 

  • Tiếng Khmer là ngôn ngữ dùng để giao tiếp cho các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của các sư tại Chùa Âng và chùa Qui Nông .
  • Tại đây, hàng năm, đều tổ chức các lớp học tiếng Pàli và học thêm chương trình bổ túc văn hóa từ cấp 2 đến cấp 3 cho các sư.
  • Chương trình học giáo lý, kinh, luật bằng tiếng Pàli, Khmer luôn được quan tâm và đổi mới để làm sao dễ học dễ hiểu, dễ nắm bắt.
  • Ngoài ra, chư Tăng còn theo học Phật học từ Sơ cấp đến Trung cấp (thời gian đào tạo là 7 năm) theo hệ niên chế (Các lớp học được tổ chức luân chuyển theo các chùa trong tỉnh)
  • Nếp sống khất thực truyền thống và thọ thực cùng đại chúng vào buổi trưa của chư Tăng tại đây vẫn được duy trì.
  • Việc thanh niên Khmer đến tuổi trưởng thành phát tâm xuất gia tu học hiện nay vẫn tiếp tục gìn giữ, phát huy, và trở thành nét đẹp truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng và Phật giáo Nam tông trên các quốc gia Phật giáo nói chung. (Nếu sau thời gian tu học, người thanh niên Khmer có thể chọn con đường xuất gia trọn đời hoặc trở về với cuộc sống gia đình để đi làm việc khác. Sau khi hoàn tục, các hành giả có thể tiếp tục trở lại cộng sự với chùa, bằng những chuyên môn mình đã học và được đào tạo trước kia).

Nhóm PV PTVN