Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Về Lịch sử hình thành và hoạt động của gia đình Phật...

Về Lịch sử hình thành và hoạt động của gia đình Phật tử trong Phật giáo Việt Nam

1833

1. Vài nét về hoàn cảnh ra đời của Gia đình Phật tử


Vào những năm 30 – 40 của thế kỉ XX, đất nước bị nô lệ, đời sống của người dân khổ cực và mất tự do – trong đó có thanh niên Việt Nam. Lòng kiêu hãnh dân tộc, ý chí quật cường và tinh thần tự chủ đã thúc đẩy những sĩ phu yêu nước, những tu sĩ mến đạo đứng lên cùng với toàn dân đấu tranh cho nền độc lập và tự quyết của dân tộc, chống lại “sự đồng hoá của nền văn hoá ngoại lai”(1), khắc phục hiện trạng đạo đức suy đồi với “thảm họa khủng hoảng luân lý”, “đời sống sa đoạ truỵ lạc”, “hiện tượng nguy hại hơn đã ăn sâu vào tiềm thức đa số thanh niên lúc bấy giờ là nếp sống buông thả ở các thành thị”, “sự bành trướng của loại văn nghệ diễm tĩnh, toạ lạc”(2) nhằm mong muốn bảo tồn “một nếp sống đạo lý cao đẹp, một nền văn hoá nhân bản và một tinh thần bao dung hoà hợp”(3). Trong hoàn cảnh đó, một số thanh niên trí thức yêu nước đã đứng ra tổ chức các đoàn thể thanh niên Phật tử với nhiều hình thức và danh xưng như “Quốc Anh đoàn”, “Hội Hướng đạo Việt Nam”, “Tổng hội Sinh viên Việt Nam”… để xây dựng lý tưởng: “Tinh thần Dân tộc và Đạo pháp trong hàng ngũ thanh niên tin Phật; để chống lại văn hoá nô dịch mất gốc được thực dân Pháp thực hiện nhằm phá tan tinh thần yêu nước, yêu quê hương, yêu giống nòi của dân tộc Việt Nam”(4). Nói chung, đây là các đoàn thể thu hút rất mạnh mẽ thanh niên tiểu trí thức và trí thức ở các đô thị. Điều này cũng dễ hiểu, bởi những thanh niên trí thức đó cho rằng, Phật giáo là một tôn giáo có hai yếu tố quan trọng: Giữ được truyền thống dân tộc với một lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc; có một nền “triết lý khai phóng” có thể làm nền tảng vững chắc trước sự lôi cuốn của nền văn hoá ngoại bang và Gia đình Phật tử (GĐPT) cũng được xây đắp trên căn bản dân tộc và đạo pháp ấy. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tìm cách tấn công, phân hoá các tổ chức hội đoàn thanh niên bằng nhiều hình thức như khủng bố, bắt bớ những thanh niên có tinh thần yêu nước; tha hoá số trung lập, cầu an bằng con đường ăn chơi hưởng thụ; dụ dỗ, mua chuộc số tham danh lợi để dùng làm tay sai. Nhìn chung, phong trào thanh niên yêu nước tiến bộ bị ngăn cấm. Vào thời điểm ấy, Phật giáo Việt Nam đang bước vào giai đoạn chấn hưng khắp ba miền. Nhiều tổ chức Phật giáo ra đời như: “Hội Phật giáo Bắc kỳ”, “Hội An Nam Phật học”, “Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học”, v.v… tất cả đều chung một mục tiêu là: “Chỉnh đốn thiền môn; Vãn hồi quy giới; Đào luyện thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính và hữu học; Phổ thông giáo lý bằng chữ Việt thay cho chữ Hán”(5).


 


Một số thanh niên trí thức theo đạo Phật thấy các tổ chức thanh niên ngoài xã hội luôn bị thực dân Pháp dòm ngó, ngăn cấm; mặt khác, do đạo đức thanh niên trong xã hội ngày càng bị xuống cấp,… nên họ dựa vào phong trào Chấn hưng Phật giáo để tổ chức các hội đoàn thanh thiếu nhi trong Phật giáo, lấy nhà chùa làm chỗ dựa hợp pháp. Từ đó, vài hội đoàn thanh thiếu niên trong Phật giáo ra đời dưới các danh xưng “Phật tử Đồng ấu” (ra đời năm 1935, đến năm 1943 đổi thành “Gia đình Phật Hoá phổ”) và “Đoàn Phật học Đức dục” (ra đời năm 1940) với mục đích chăm lo “Đức dục”, “Trí dục” cho thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo. Họ quan niệm: “Đạo Phật là đạo của mọi người, mọi loài, thì đạo Phật cũng là đạo của tuổi trẻ, của thanh thiếu nhi. Cần giáo dục đạo Phật cho thanh thiếu niên có phương pháp… Phải lo xây dựng tín ngưỡng thuần chánh cho con em hội viên, nhất là con em ấy, lớp tuổi trẻ ấy đang sống giữa một thời đại phức tạp hỗn loạn và mất gốc”(6). Từ lúc thành lập, những người sáng lập tuyên bố tổ chức của họ từ trước đến nay là một đoàn thể thiện ác và nhân bản, vượt lên trên mọi quan điểm về chính trị xã hội: “Chí hướng của họ là góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đào tạo và giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên giữ được truyền thống đạo đức dân tộc khỏi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc mang theo nếp sống truỵ lạc, đầy dục vọng và cạm bẫy làm băng hoại và tha hoá đạo đức các thế hệ thanh niên”(7). Tuy vậy, xét về mặt lịch sử, có thể nói rằng: “Việc thành lập Gia đình Phật tử cũng như các đoàn thể khác của Phật giáo; một mặt do nhu cầu củng cố Phật giáo, củng cố tinh thần dân tộc, mà cuộc vận động chấn hưng Phật giáo chủ trương; mặt khác do tác động mạnh mẽ của phong trào thanh thiếu niên hoạt động có tổ chức dưới những màu sắc chính trị, xã hội, tôn giáo khác nhau”(8).


 


2. Giai đoạn hình thành Gia đình Phật tử  Việt Nam (1934 – 1954)


Như đã nói trên, từ phong trào Chấn hưng Phật giáo và những điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, GĐPT ra đời từ hai tổ chức tiền thân là “Phật tử Đồng ấu” (tức Gia đình Phật Hoá phổ) và “Đoàn Phật học Đức dục”, với những người sáng lập và hướng dẫn đầu tiên là: Lê Đình Thám, Tôn Thất Tùng, Ngô Thừa, Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Đinh Văn Nam (Hoà thượng Thích Minh Châu), Võ Đình Cường, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Hữu Quán, v.v… Đó cũng là những cư sĩ đi đầu trong việc canh tân Phật giáo ở nước ta.


 


Đoàn Phật học Đức dục” thành lập năm 1940 tại Huế, với người chỉ đạo cơ sở là bác sĩ, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Mục đích của hội đoàn là tập hợp đội ngũ thanh niên trí thức nghiên cứu Phật giáo với tinh thần mới có tính chất tổng hợp và so sánh; nhận định tư tưởng Phật giáo dưới ảnh hưởng của nền khoa học và tư tưởng hiện đại; đồng thời áp dụng giáo lý đó vào việc giáo dục thế hệ thanh thiếu niên Phật giáo lúc bấy giờ.


 


Hội đoàn đã tổ chức những buổi diễn giảng Phật pháp khắp nơi và xuất bản các tập san như: “Phật pháp và Đức dục”, “Đời Vui”, “ánh Đạo Vàng”, “Thanh niên Đức dục”, “Đạo Phật”; ngoài ra còn đảm nhiệm việc biên tập tạp chí Viên Âm mà Hội An Nam Phật học giao phó.


 


Về “Gia đình Phật Hoá phổ”. Song song với việc tu học, trau dồi đạo đức, nghiên cứu kinh điển, Đoàn Phật học Đức dục còn tổ chức Phật tử Đồng ấu – là đoàn thể quy tụ thiếu nhi của Phật giáo miền Trung. Bên cạnh sự ra đời của Phật tử Đồng ấu còn có các tổ chức khác như Thanh niên Phật tử, Hướng đạo Phật tửGia đình Phật Hoá phổ. Năm 1947, Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật học quyết định cải tổ chương trình tu học, hợp nhất cả bốn tổ chức trên thành tổ chức duy nhất là Gia đình Phật Hoá phổ. Võ Đình Cường được đề cử đứng ra hướng dẫn tổ chức, cùng với sự cộng tác của Phan Cảnh Tuân, Phan Xuân Sanh, Văn Đình My, Hoàng Thị Kim Cúc, v.v… Mục đích của Gia đình Phật Hoá phổ là đào tạo những Phật tử chân chính và xây dựng hạnh phúc trên nền luân lý đạo Phật, với châm ngôn là Hoà thuận – Tin yêu – Vui vẻ. Lúc đầu, Gia đình Phật Hoá phổ phát triển mạnh ở Huế, sau đó lan nhanh ra các thành phố lớn của cả nước như Đà Nẵng, Quảng Trị, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội… Lịch sử vấn đề được cư sĩ Võ Đình Cường viết: “Gia đình Phật tử bắt đầu hoạt động từ tháng 4 năm 1947 tại Thuận Hoá dưới hình thức một lớp Hội học tổ chức cho anh chị em tin Phật, hay có cảm tình với Phật giáo. Những anh chị em ấy dần dần trở thành những đoàn trưởng trong những Gia đình Phật Hoá phổ đầu tiên tại Thuận Hoá”(9).


 


Nhìn chung, do những người sáng lập là các thanh niên trí thức, có tinh thần yêu nước, nên các hoạt động của hai tổ chức trên ít nhiều mang màu sắc dân tộc, đạo đức, truyền thống; phản ứng lại tinh thần nô dịch, ngoại lai và truỵ lạc trong xã hội đương thời. Nội dung hoạt động của nó chủ yếu tập trung vào “Đức dục”, “Trí dục” cho thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo được chấn hưng và cải cách. Điều đó cho thấy, tiền thân của GĐPT cũng là một bộ phận có ý thức dân tộc; không hợp tác với một số tổ chức khác lúc bấy giờ như Quốc Anh Đoàn, Thanh niên Ducouroy, v.v… Đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 và bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đại bộ phận cư sĩ và huynh trưởng hướng dẫn như Lê Đình Thám, Tôn Thất Tùng, Ngô Điền, Ngô Thừa, Phạm Hữu Bình và nhiều người khác ở các địa phương đã hăng hái tham gia cách mạng. Họ từng là những nòng cốt của phong trào Phật giáo cứu quốc, có những người trở thành nhân sĩ, cán bộ trung cao cấp của Đảng, Chính phủ, Mặt trận – trong đó phải kể đến cư sĩ Lê Đình Thám.


 


Ở vùng tự do, các tổ chức thanh thiếu niên Phật giáo nói trên không hoạt động nữa, tất cả đều tham gia phong trào kháng chiến cứu nước. Ở vùng tạm chiếm, xuất phát và tập trung tại Huế, các cư sĩ Võ Đình Cường, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Hữu Ba, Tống Hồ Cầm, Lê Khắc Quyến, Phan Đăng Trí (làm huynh trưởng) và các nhà sư Minh Châu, Đức Tâm, Thiên Ân, Chơn Trì, v.v… (làm cố vấn giáo hạnh) đã tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào Gia đình Phật Hoá phổ cho đến những năm 1949 – 1950. Năm 1951, Đại hội Phật giáo toàn quốc (vùng tạm chiếm) họp tại Huế; Tổng Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập do Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ, cư sĩ Mai Thọ Truyền làm Tổng Thư kí. Tổng hội này có các uỷ viên như uỷ viên tăng sự, uỷ viên hoằng pháp, v.v… trong đó có uỷ viên GĐPT do Võ Đình Cường phụ trách. Cũng vào các ngày 24, 25, 26 tháng 4 năm 1951, Tổng Trị sự triệu tập Đại hội đầu tiên bàn về Gia đình Phật tử tại chùa Từ Đàm (Huế) gồm đại biểu của 8 tỉnh miền Trung và các đại diện chính thức của Gia đình Phật Hoá phổ miền Bắc và miền Nam. Mục đích của Hội nghị là báo cáo về tình hình sinh hoạt, phát triển của Gia đình Phật Hoá phổ tại các vùng, miền và các tỉnh; trao đổi kinh nghiệm xây dựng Gia đình, tổ chức Đoàn Đội liên hệ với tổ chức Phật giáo địa phương; thảo luận nội quy và danh xưng(10). Tại Đại hội này, danh xưng của tổ chức được đổi là “Gia đình Phật tử”. Hội nghị vạch ra bản nội quy cho GĐPT với mục đích: “Huấn luyện thanh thiếu và đồng niên Phật tử về phương diện trí dục, đức dục và thể dục trên nền tảng Phật giáo, để đào tạo thành những người Phật tử chân chính”(11). Từ đó, GĐPT chính thức ra đời, có quy chế, cấp hiệu, phù hiệu riêng và có cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương. Sau Đại hội này, GĐPT lan dần vào miền Nam – GĐPT đầu tiên ở miền Nam là GĐPT Chánh Đạo – ở các tỉnh miền Trung phong trào này phát triển mạnh và đều khắp. Cụ thể, Ban Hướng dẫn GĐPT miền Trung đã tổ chức một đoàn huấn luyện lưu động đi các tỉnh miền Trung để mở các trại huấn luyện đào tạo Đội Chúng trưởng và Huynh trưởng. Trong khi đó ở miền Bắc, danh xưng Gia đình Phật Hoá phổ vẫn được duy trì do Nguyễn Văn Nhã làm Huynh trưởng; Thượng toạ Thích Tố Liên, Thích Trí Hai làm cố vấn giáo hạnh. Tháng 9/1952, Võ Đình Cường với tư cách là uỷ viên GĐPT của Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra Hà Nội làm việc với GĐPT Bắc Việt và đề nghị đổi tên gọi Gia đình Phật Hoá phổ thành “Gia đình Phật tử” cho thống nhất.


 


Ngày 1/4/1953, Đại hội GĐPT lần thứ hai được tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế). Đại hội nhằm mục đích “cải thiện đời sống tinh thần và thể chất Gia đình Phật tử” với ba khẩu hiệu: Đạo trong đời, đời trong đạo. Lý thuyết cho thực hành và thực hành cho lý thuyết. áp dụng đúng thời và hợp thế(12). Điểm đặc biệt là tại Đại hội này tên gọi, tổ chức và sinh hoạt của GĐPT được thống nhất trên cả ba miền  Bắc -Trung – Nam.


 


3. Giai đoạn 1954 – 1963


Sau năm 1954, GĐPT chỉ hoạt động ở miền Nam. Với chính sách kì thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm đã làm cho Phật giáo cũng như GĐPT gặp nhiều khó khăn. Ở nông thôn, bị kìm kẹp bởi hệ thống ấp chiến lược và một số tên tay sai phản động đội lốt Công giáo, nhiều đoàn sinh GĐPT bị chụp mũ là “Việt cộng” và bị thủ tiêu(13). Ngày 31/7/1955, GĐPT họp Đại hội lần thứ ba tại chùa Linh Sơn (Đà Lạt) với thành phần đại biểu tham dự gồm huynh trưởng các tỉnh miền Trung và miền Nam. Mục đích của Đại hội nhằm san định một số điều khoản của nội dung; thiết lập Quy chế Huynh trưởng; tu chỉnh nguyên tắc tổ chức và điều hành sinh hoạt Đoàn, Đội, vấn đề y phục, huy hiệu, cấp hiệu và sau hết là vấn đề đào tạo Huynh trưởng. Đại hội đã điều chỉnh Quy chế Huynh trưởng và mục đích của GĐPT cũng được điều chỉnh lại là: “Đào tạo những thanh, thiếu và đồng niên Phật tử thành những Phật tử chân chánh để phục vụ chánh pháp và trở thành những hội viên xứng đáng cho Giáo hội”. Nhìn chung, trong giai đoạn này, GĐPT có điều kiện thu hút, tập hợp đối tượng của mình và phát triển tổ chức. Điều này biểu hiện một nhu cầu tìm kiếm sự ổn định về đời sống tâm linh và phản ứng lại chế độ Ngô Đình Diệm độc tài của quần chúng miền Nam. Khi phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam mở ra, ở các vùng giải phóng, các huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT phần lớn tham gia công tác kháng chiến(14), ở các vùng tranh chấp hoặc địch kiểm soát, phần lớn huynh trưởng có thái độ cầu an, một số khác có tư tưởng chống đối Mỹ – Nguỵ, trong đó có những người là cơ sở của cách mạng “âm thầm hoạt động cho kháng chiến”(15). Tuy vậy, do hoàn cảnh và nhiều lý do khác nhau, nhiều đoàn sinh, huynh trưởng GĐPT đã tham gia vào bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền. Do đó, trong hàng ngũ huynh trưởng có những người là công chức, binh lýnh, sĩ quan của chính quyền Sài Gòn. Năm 1963, GĐPT trở thành lực lượng nòng cốt, xung kích trong “công cuộc đòi bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam” chống lại chính sách kì thị tôn giáo của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Nhiều huynh trưởng và đoàn sinh bị đàn áp, bắt bớ, khủng bố, tra tấn, tù đày… Cùng với các phong trào, tổ chức quần chúng công khai và nửa công khai khác, GĐPT đã tham gia biểu tình, bãi khoá, xuống đường đòi tự do dân chủ, vì đạo pháp và dân tộc ở thành thị và phá ấp chiến lược đi theo cách mạng ở nông thôn. Cuộc đấu tranh trên không chỉ có sự tham gia của tăng ni, Phật tử, mà còn lôi cuốn cả đội ngũ giáo chức, tiểu thương và nhiều tầng lớp xã hội khác.


 


Vai trò của các huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT trong quá trình đấu tranh chống chế độ nguỵ quyền ở miền Nam – đặc biệt là sinh viên Phật tử thật đáng kể. Vốn được đào luyện trong hoạt động của GĐPT Việt Nam do huynh trưởng là các cư sĩ Phật tử, các tăng ni có kiến thức và đạo hạnh hướng dẫn nên họ rất ý thức đến vấn đề dân tộc. Họ là lực lượng xung kích trong cuộc đấu tranh này. “Cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm làm nhiều người bị thương – đêm 8/5/1963 ở Đài Phát thanh Huế –  trong đó có một thanh nữ 20 tuổi, số còn lại gồm 2 nam và 5 nữ ở lứa tuổi thiếu niên… không hề làm lung lay ý chí đấu tranh của tăng ni, tín đồ Phật tử”(16). Sau sự kiện này, tổ chức sinh viên Phật tử ở các nơi liên tiếp ra lời hiệu triệu học sinh, sinh viên đứng lên đấu tranh. Đoàn Thanh niên Liên giáo, Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn gửi lời hiệu triệu sinh viên, học sinh tham gia đấu tranh chống bất công, ủng hộ Phật giáo: “Chúng ta, toàn thể sinh viên và học sinh Phật tử không thể làm ngơ trước tình thế gay go này, cũng không thể ngồi yên nhìn các tăng ni tự thiêu để rồi mất xác vào tay chính quyền”(17). Hưởng ứng lời kêu gọi trên, các cuộc biểu tình, tuyệt thực liên tiếp nổ ra. Ngày 2/6/1963, hàng ngàn sinh viên Phật tử Huế biểu tình tuyệt thực “thề nguyện đem tính mạng của mình đến hiến cho 5 nguyện vọng của Phật giáo liên hệ đến lý tưởng tự do bình đẳng”(18). Sáng 3/6/1963, 500 sinh viên Đại học Huế tập trung trước nhà đại diện Chính phủ Trung phần biểu tình phản đối phân biệt đối xử tôn giáo. Cuộc biểu tình đã bị chính quyền đàn áp. Cuộc đàn áp đẫm máu này làm cho 142 người bị thương và 35 người bị bắt. Trước hành động dã man này, tinh thần đấu tranh của thanh niên, sinh viên Phật tử ngày một lên cao. Ngày 20/7/1963, Đoàn sinh viên Liên giáo ra lời hiệu triệu tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm: “Việc tàn sát Phật giáo đồ tại Huế trong ngày lễ Phật đản vừa qua… là hẹp hòi, bẩn thỉu”(19). Ngày 12/8/1963, tại chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Thị Tuyết An tự chặt tay trái của mình để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 18/8/1963, Đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn gồm hàng ngàn người đã tham gia tuyệt thực tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn. Ngày 21/8/1963, sinh viên các phân khoa Đại học Sài Gòn nổi dậy, và sau đó, Uỷ ban Chỉ đạo sinh viên Liên khoa được thành lập. Uỷ ban này tuyên bố: “Bãi khoá, nghỉ học để đấu tranh cho tự do tín ngưỡng”(20). Trong thời gian này, hầu hết các trường đại học, cao đẳng ở Sài Gòn như Đại học Khoa học, Đại học Dược khoa, Đại học Y và Nha khoa, Đại học Luật khoa, v.v… đều bãi khoá để đấu tranh. Phong trào này lan rộng ra khắp các trường trung học ở Sài Gòn như trường Chu Văn An, Kĩ thuật Cao Thắng, Gia Long, Trương Vương, Bồ Đề, v.v… và các trường ở Huế, Đà Nẵng. Trong phong trào này, có thể kể đến cuộc đấu tranh biểu tình ngày 25/8/1963 của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn với sự hi sinh của nữ sinh Quách Thị Trang và 2.000 nam nữ học sinh, sinh viên bị bắt. Có thể nói, trong bối cảnh chính trị – xã hội đó, nhiều đoàn thể thanh niên Phật tử được thành lập như Đoàn Thanh niên cứu nguy Phật giáo, Thanh niên ái quốc đoàn. Các đoàn thể này đã “góp phần vào việc làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm, từng bước đánh bại bọn xâm lược và tay sai, biểu hiện ý thức dân tộc, lòng yêu nước của đông đảo tăng ni tín đồ Phật giáo”(21). Trong giai đoạn này, vai trò của GĐPT trong Phật giáo và trong xã hội thông qua cuộc đấu tranh được nâng cao. “Những năm 1954 – 1963, Mỹ – Diệm kì thị, đàn áp Phật giáo đã tạo điều kiện cho GĐPT phát triển, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia và là lực lượng đi đầu trong các cuộc xuống đường đấu tranh bảo vệ Phật giáo, chống chế độ độc tài gia đình trị, chống bạo quyền chống chiến tranh phi nghĩa. Đã có những trường hợp tử đạo trong các cuộc đấu tranh nói trên”(22).


 


4. Giai đoạn 1964 – 1975


Trong giai đoạn này, GĐPT phát triển mạnh mẽ về tổ chức và số lượng đoàn sinh. Nhưng do tác động trực tiếp của tình hình chính trị – xã hội và các khuynh hướng của Phật giáo, nên GĐPT có những diễn biến phức tạp. Số lượng đoàn sinh trong thời kì này hàng triệu người và 5 vạn huynh trưởng ở các tỉnh miền Trung và một số ít tỉnh thành miền Nam, với một hệ thống chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở. Trong ba ngày 28, 29, 30 tháng 8 năm 1964, diễn ra Đại hội Huynh trưởng toàn quốc ở Sài Gòn, với sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho 42 tỉnh miền Trung, miền Nam và miền Vĩnh Nghiêm (GĐPT Bắc Việt ở miền Nam), dưới sự chủ toạ của Thượng toạ Thích Thiện Minh (Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất). Đại hội đã thông qua Nội quy và Quy chế GĐPT, chương trình hoạt động của GĐPT, bầu Ban Hướng dẫn Trung ương nhiệm kì 1964 – 1966 (trưởng ban là Võ Đình Cường; phó trưởng ban là Tống Hồ Cầm và Hoàng Thị Kim Cúc). Kể từ đây, “GĐPT trở thành một ban chuyên môn của Giáo hội, có hệ thống chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, tương ứng với các cấp của Giáo hội… GĐPT là một bộ phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhưng do các cư sĩ tổ chức, điều hành”(23). Năm 1965, tổ chức Hội thảo Huynh trưởng toàn quốc tại chùa Dược Sư (Sài Gòn) để xét duyệt toàn bộ chương trình tu học và huấn luyện. Trong những năm 1966, 1967, phong trào đấu tranh vì đạo pháp và dân tộc của Phật giáo lại được dấy lên nhằm đòi hỏi tự do, dân chủ, chủ quyền quốc gia, bảo vệ truyền thống dân tộc, kêu gọi hoà bình, phản đối chính quyền đương thời đàn áp, phát huy Phật giáo. Năm 1967, Hội nghị GĐPT toàn quốc diễn ra ở Sài Gòn, với 221 đại biểu tham dự. Hội nghị đã bàn thảo và đặt ra nguyên tắc học tập cho GĐPT: “Gây ý thức gắn liền đạo pháp và dân tộc, đào tạo con người Phật giáo và con người Việt Nam, giữ truyền thống dân tộc, khai phóng sáng tạo nhưng không hướng ngoại mất gốc, tu chỉnh tài liệu học tập, huấn luyện và nội quy GĐPT, quy chế huynh trưởng”(24). Năm 1970, Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc diễn ra ở Quy Nhơn với sự tham dự khoảng 500 huynh trưởng, 246 đại biểu thuộc 39 phái đoàn trong toàn quốc, 200 đại biểu Giáo hội các cấp. Nội dung của Đại hội là bầu Ban Hướng dẫn nhiệm kì 1970 – 1972, phát triển tổ chức GĐPT về nông thôn, báo cáo số lượng đoàn viên (có 787 GĐPT, 64.000 đoàn sinh). Năm 1973, Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lại được tổ chức ở Đà Nẵng nhằm đúc kết thành quả của một quá trình 30 năm sinh hoạt, tiên liệu những thời tiết trong tương lai, để hoạch định một đường lối sinh hoạt thích hợp(25). Có thể nói, “giai đoạn 1963 – 1967 là giai đoạn Gia đình Phật tử phát triển mạnh nhất trong lịch sử 50 năm xây dựng”(26). Tuy vậy, một số vấn đề cần lưu ý là trong giai đoạn này, cùng với sự phân hoá của các chức sắc lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, GĐPT không còn là một tổ chức thuần tuý giáo dục thanh niên Phật giáo như mục đích ban đầu của những người sáng lập mà bị chi phối bởi sự phân hoá trên. Với một hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, do các Ban Hướng dẫn lãnh đạo và chi phối, các hoạt động của GĐPT gần như do đội ngũ huynh trưởng lãnh đạo và chi phối. Trong tình hình đó, nhiều tổ chức mới trong thanh niên Phật tử được hình thành như Hội Sinh viên Phật tử Sài Gòn, Hội Sinh viên Phật tử Vạn Hạnh, Đoàn Thanh niên Phật tử thiện chí, Cựu sinh viên Trung tâm Quảng Đức. Trong bối cảnh đó, một số phe nhóm chính trị phản động cũng đã tìm cách lôi kéo, chi phối GĐPT theo những ý đồ chính trị riêng. Mặt khác, do chiến tranh leo thang liên tục nên một số đoàn sinh, huynh trưởng phải tham gia vào bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng nhìn chung, số đông huynh trưởng bị bắt lýnh vẫn có thái độ cầu an và khi có điều kiện sẵn sàng tham gia phong trào đấu tranh chung của Phật giáo. Đại bộ phận huynh trưởng, đoàn sinh là trí thức, giáo viên, sinh viên, học sinh vẫn tham gia phong trào đấu tranh đô thị; có người bị tù đày, có người là cơ sở cách mạng ở nội thành, có người thoát li ra vùng giải phóng trở thành cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Đây là giai đoạn sôi động và đầy kịch tính của lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và GĐPT nói riêng(27). Nhìn chung, giai đoạn này, GĐPT được củng cố chặt chẽ về tổ chức và đã trở thành lực lượng nòng cốt của các đoàn thể Phật giáo, giữ vai trò tích cực trong các phong trào đấu tranh của Phật giáo trước năm 1975.


 


5. Giai đoạn 1975 đến nay


Sau năm 1975, thanh thiếu niên con em các gia đình theo đạo Phật hoà nhập vào phong trào của tuổi trẻ cả nước do Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức nhằm khắc phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Đa số đoàn sinh, huynh trưởng là cơ sở cách mạng hoặc có cảm tình với cách mạng đã tích cực tham gia các hoạt động của chính quyền cách mạng và trở thành cán bộ, nhân viên các ban ngành, đoàn thể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Số huynh trưởng là công dân bình thường tuy vẫn giữ tình cảm luyến tiếc GĐPT nhưng do trong điều kiện mới không biết hoạt động như thế nào cho thích hợp nên không hoạt động. Một số huynh trưởng di tản ra nước ngoài tiếp tục tập hợp sinh hoạt GĐPT trong các trại tị nạn, khu định cư ở các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản, các nước Châu Âu và Châu úc. Ở hải ngoại, các hội cựu huynh trưởng GĐPT hải ngoại, Ban Hướng dẫn Trung ương GĐPT hải ngoại lần lượt ra đời và tổ chức các trại huấn luyện và các đại hội huynh trưởng.  Tuy vậy, cũng có một bộ phận huynh trưởng vẫn chịu sự tác động lôi kéo của các lực lượng thù địch trong việc phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam.


 


Từ năm 1986 trở đi, trong không khí đổi mới, các nhu cầu và hình thức sinh hoạt xã hội được đa dạng hoá, nhiều tổ chức hội đoàn tôn giáo có từ trước năm 1975 được phục hồi. Riêng về Phật giáo, tổ chức và sinh hoạt GĐPT phục hồi và phát triển rộng rãi. Sự phục hồi và phát triển đó có nhiều nguyên nhân. Một mặt, là sự lo lắng của nhiều bậc phụ huynh tín đồ Phật giáo về tình trạng đạo đức xã hội trong nền kinh tế thị trường có những biểu hiện phức tạp và số thanh thiếu niên hư hỏng có chiều hướng gia tăng. Mặt khác, phải thừa nhận rằng hiệu quả công tác của các đoàn thể chính trị – xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của quần chúng tuổi trẻ nói chung và thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo nói riêng. Trong khi đó, thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo có nhu cầu vui chơi hướng thiện, phụ huynh có nhu cầu gửi gắm con em họ trong một môi trường giáo dục đạo đức gần gũi với tín ngưỡng của họ nhằm gìn giữ đạo đức và phẩm chất tốt của con người. Hơn nữa, nhiều huynh trưởng ở lứa tuổi 50 – 70 vẫn còn luyến tiếc vai trò của GĐPT trong quá khứ.


 


Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong Đại hội lần I của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981), vấn đề GĐPT chưa được đề cập đến. Đại hội lần II (1986) chỉ đề cập đến vấn đề cơ sở và sau đó chuyển thành vấn đề nam nữ Phật tử bao gồm cả trung niên và thanh niên. Cho đến Đại hội lần III (1991), vấn đề GĐPT mới được chính thức đặt ra và xác định rằng: nguyện vọng giáo dục giáo lý Phật giáo và đạo đức Phật giáo cho nam nữ Phật tử, trong đó kể cả thanh thiếu niên Phật tử là nguyện vọng chính đáng, cần phải tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nguyện vọng đó. Về phương diện quản lý nhà nước ngày càng có thêm những văieọt nam bản pháp quy về quản lý hoạt động của GĐPT. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã ra Thông bạch 455/TB-HĐTS ngày 21/7/1995 hướng dẫn việc thực hiện việc quản lý sinh hoạt GĐPT. Các văn bản nói trên đều xác định GĐPT là một phương thức tu học dành cho thanh thiếu niên Phật tử và tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện sinh hoạt GĐPT cho thanh thiếu niên theo đạo Phật với nội dung tín ngưỡng, đạo đức và vui chơi hướng thiện trong phạm vi tổ chức hoạt động và lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách đó, hoạt động của GĐPT trong thời gian qua đã có những khởi sắc nhất định, sinh hoạt đi vào nền nếp và ổn định. Hoạt động đó đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo. Điều này được phản ánh trong Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2001 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đặc biệt, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tạm thống kê số lượng GĐPT như sau: 1.750 đơn vị, 45.000 đoàn sinh, 1.080 huynh trưởng; đồng thời kết hợp cùng Ban Trị sự Thừa Thiên – Huế tổ chức kỉ niệm 50 năm ngày thành lập GĐPT Việt Nam và hội thảo Huynh trưởng cấp Tấn, mở trại huấn luyện Huynh trưởng cấp Tấn 3, trại Vạn Hạnh 2 tại thành phố Huế thành công rực rỡ, làm sức bật cho chương trình hoạt động năm sau và nhiệm kì tới… Trên tinh thần lãnh đạo nhất quán của Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo thông qua các Ban Hướng dẫn Phật tử tại các tỉnh, thành, chương trình sinh hoạt tín ngưỡng lễ bái Tam Bảo, học hỏi giáo lý, tu Bát Quan Trai, Thập Thiện, Trung ương Thiền, Tịnh Độ và các hội quy đã được tổ chức liên tục, đều đặn tại các giảng đường, tự viện vào ngày chủ nhật hằng tháng, hằng tuần, nhằm đáp ứng  yêu cầu tu học, sinh hoạt bổ ích cho các tầng lớp nam nữ Phật tử – Lão niên – Trung niên… tại các địa phương một cách ổn định và phát triển liên tục như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Tây, Đồng Tháp cùng nhiều tỉnh, thành khác, đồng thời, các giới nam nữ Phật tử, trong đó có GĐPT tại các tỉnh, thành Hội Phật giáo đã tích cực hoạt động trong công tác từ thiện xã hội, cứu trợ đồng bào tại các vùng sâu, vùng xa trong cả nước”(28).


 


Có thể nói rằng, hơn nửa thế kỉ qua, tuy trải qua nhiều biến đổi và thử thách do hoàn cảnh lịch sử, GĐPT Việt Nam đã chứng tỏ là phương pháp giáo dục, rèn luyện lành mạnh, hướng thiện, thấm nhuần Phật pháp, tích cực góp phần phụng sự xã hội và dân tộc. GĐPT đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc góp phần nuôi dưỡng, bảo tồn tinh thần và cốt cách dân tộc, văn hoá đạo đức Phật giáo, phòng ngừa hiện tượng sa đoạ về đạo đức trong mọi thời kì, mọi hoàn cảnh(29).


 


Việc phát huy những điểm tương đồng và tôn trọng những điểm dị biệt nhưng không trái với lợi ích chung của Tổ quốc, của dân tộc là một trong những nguyên tắc cơ bản trong chiến lược đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân  tộc của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, cũng cần xác định lại rằng, GĐPT là một tổ chức theo cơ chế giáo dục, huấn luyện thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chứ không phải là một đoàn thể chính trị – xã hội như một số người ngộ nhận. Nghĩa là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực tiếp bảo trợ và dìu dắt hoạt động của GĐPT. Các vị tăng ni bảo trợ không chỉ đứng bên ngoài GĐPT làm cố vấn giáo hạnh mà phải trực tiếp phụ trách, chủ trì, hướng dẫn mọi hoạt động của GĐPT và phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội cũng như pháp luật về công việc của mình. Nếu làm được như vậy sẽ khắc phục được tình trạng “bất phục tùng”, hoặc tuỳ tiện đi chệch con đường phụng sự “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”  của một vài huynh trưởng đứng đầu một số GĐPTtrong thời gian qua. Làm sao để GĐPT luôn là một phương thức tu học, sinh hoạt hướng thiện và nhân văn, thấm nhuần tinh thần đạo pháp và dân tộc, đóng góp công lao vào sự nghiệp “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, tịnh độ thế giới” của Phật giáo.


Ghi chú


1. Gia đình Phật tử Việt Nam. Tài liệu tu học bậc Trí. Ban Hướng dẫn Trung ương GĐPT Việt Nam soạn thảo (Lưu hành nội bộ), tr. 140.


2. Sứ mệnh Gia đình Phật tử.  Người áo lam, Sài Gòn 1964, tr. 27.


3. Gia đình Phật tử Việt Nam. Tài liệu tu học bậc Trí. Sđd, tr. 140.


4. Gia đình Phật tử Việt Nam 50 năm xây dựng, Ban Điều hợp Trung ương GĐPT Việt Nam hải ngoại xuất bản, Nxb Hương Quê, California, USA 1996, tr. 2.


5. Gia đình Phật tử Việt Nam. Tài liệu tu học bậc Trí. Sđd, tr. 134.


6. Gia đình Phật tử Việt Nam. Tài liệu tu học bậc Trí. Sđd, tr. 140.


7. Nguyễn Tài Thư. ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay.  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1997, tr. 245.


8. Ban Tôn giáo Chính phủ. Một số tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội 1995, tr. 230.


9. Võ Đình Cường. Đây Gia đình. Nxb Liên Hoa Tùng Thư, tr. 67.


10. Gia đình Phật tử Việt Nam 50 năm xây dựng. Sđd, tr. 42.


11. Gia đình Phật tử Việt Nam. Tài liệu tu học bậc Trí. Sđd, tr. 142.


12. Gia đình Phật tử Việt Nam 50 năm xây dựng. Sđd, tr. 60.


13. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tín đồ Phật giáo,  Hà Nội 1995, tr. 23.


14. Gia đình Phật tử Việt Nam. Tài liệu tu học bậc Định, Lưu hành nội bộ, tr. 200.


15. Gia đình Phật tử Việt Nam. Tài liệu tu học bậc Định, Lưu hành nội bộ, tr. 200.


16. Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 1999, tr. 148.


17. Quốc Tuệ. Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam.  Sài Gòn 1967, tr. 84, 375.


18. Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 1999, tr. 162.


19. Lê Cung. Sđd, tr. 200.


20. Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội 1999, tr. 216.


21. Lê Cung. Sđd, tr. 236.


22. Ban Tôn giáo Chính phủ. Một số tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội 1995, tr. 235.


23. Ban Tôn giáo Chính phủ. Một số tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội 1995, tr. 234.


24. Gia đình Phật tử Việt Nam 50 năm xây dựng. Sđd, tr. 158.


25. Gia đình Phật tử Việt Nam 50 năm xây dựng. Sđd, tr. 179.


28. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2000. Ngày 24-1-2002.


29. Xem: Nguyễn Chính. Góp mấy ý kiến về vấn đề Gia đình Phật tử. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2001.