Trang chủ Nghiên cứu Triết học Về lập trường của Triết học Phật giáo

Về lập trường của Triết học Phật giáo

638

Mặc dù tiêu đề là “nói chuyện chữ Tâm” nhưng nội dung bài viết tác giả chỉ bàn đến chữ “Tâm” trong Phật giáo, do vậy, chúng tôi cũng chỉ trao đổi trong phạm vi giới hạn của bài viết, đặc biệt về bản chất lập trường, quan điểm của Triết học Phật giáo.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà nó còn là một hệ thống triết học – văn hóa  – đạo đức – lối sống có ảnh hưởng cực kì sâu rộng không chỉ trong tiến trình lịch sử tư tưởng triết học mà còn trong mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội của các nước Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Như vậy, việc hiểu chính xác những phạm trù, khái niệm căn bản của Triết học Phật giáo (cũng như khi muốn tìm hiểu bất cứ hệ thống triết học nào khác) là việc làm không thể thiếu trước khi bàn, nhận định về nó. Xét cả trên hai phương diện bản thể luận và nhận thức luận, “Tâm” là phạm trù căn bản của Triết học Phật giáo. 

1. Tác giả đúng khi ngay từ đầu bài viết đã khẳng định: “trong Phật giáo, “Tâm” là một nội dung quan trọng, góp phần tạo nên giá trị văn hóa Phật giáo. Triết lí về “Tâm” trong Phật giáo có ý nghĩa sâu sắc, đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống đạo dức của con người Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại và có lẽ cả sau này”; và “Khái niệm “Tâm” trong Phật giáo rất rộng và có nhiều khía cạnh, cấp độ, trình độ”.

2. Có lẽ để dễ hiểu, dù tác giả đã nêu lên 6 “cấp độ về “Tâm”” nhưng người đọc vẫn thấy thiếu thuyết phục, cảm thấy tác giả thiếu “khái niệm công cụ” khi giải thích phạm trù “có nhiều khía cạnh, cấp độ” này. Và ở đây dường như tác giả đã không phân biệt được sự khác nhau khi dùng phạm trù Tâm trong Bản thể luận và Nhận thức luận của Triết học Phật giáo. Thực ra, trong Bản thể luận của Triết học Phật giáo, Tâm là cái “không thể nghĩ bàn” (Bất khả tư nghị), từa tựa như “Vật tự nó” trong triết học của I. Kant (1724 – 1804); còn trong Duy thức học Phật giáo, Tâm là thức thứ 8 (A-lại-da thức) trong 3 tầng của nhận thức (Tâm – Ý – Thức). Cũng chính vì vậy mà ở phần này tác giả đã lẫn lộn “Tâm” với tư cách là một phạm trù triết học (như đã nói ở trên) và “Tâm” là khái niệm dùng phổ biến trong triết lí thuộc về mức độ tình cảm, trình độ nhận thức, tương đương với các khái niệm lòng, bụng, dạ (đau/vui lòng, tốt/xấu bụng, sáng/tối dạ …) (1)

3. Theo chúng tôi, từ góc độ triết học (và hẳn nhiên, vì tác giả là Tiến sĩ  giảng dạy Triết học), trọng tâm của bài viết là phần nhận định của tác giả về lập trường của Triết học Phật giáo. Và đây cũng là vấn đề chúng tôi thấy cần phải trao đổi lại cho rõ ràng.

Để khách quan, chúng tôi trích nguyên văn đoạn viết của tác giả, và xin được in nghiêng những chỗ cần thiết, để tiện trao đổi.

Tác giả viết: “Tuy nhiên, trong Phật giáo quan niệm “Tâm” là bản thể vũ trụ còn với nghĩa coi “Tâm” là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế giới và chi phối các hoạt động của con người. Theo những bộ kinh luật dạy của nhà Phật cho rằng: hết thảy mọi cái đều bởi Tâm tạo nên. “Tâm” sinh thì vật sinh, “Tâm” diệt thì vật diệt, “Tâm” làm chủ, vật chuyển theo “Tâm”. Theo thuyết “Nhân duyên sinh” của nhà Phật, hai yếu tố này, có mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau. Không có “Tâm”, cũng sẽ không có “Vật”, sở dĩ “Vật” tồn tại được là do có “Tâm”, không có “Tâm” thì “Vật” là gì cũng không ai biết. Ngay đến tên gọi của “Vật” cũng do “Tâm” đặt ra. Quan điểm này của Phật giáo mang tính duy tâm chủ quan rõ rệt, khi cho rằng mọi cái trong thế giới này đều từ “Tâm” mà ra. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, thế giới này được hình thành từ vật chất. Ý thức là sự phản ánh của vật chất, do vật chất quyết định. Do đó, không thể khẳng định thế giới này được hình thành từ “Tâm” theo quan niệm của Phật giáo”.

– Theo chúng tôi, dứt khoát triết học Phật giáo không phải là “mang tính duy tâm chủ quan rõ rệt” như tác giả khẳng định. Ai cũng biết, Chủ nghĩa Duy tâm chủ quan (ngay cả những biến tướng hiện đại của nó như Chủ nghĩa Thực chứng, Chủ nghĩa Thực dụng, Chủ nghĩa Hiện sinh …) suy đến cùng là phủ nhận tồn tại khách quan, kể cả con người (nhưng trừ cái “Tôi” của mình – Chủ nghĩa Duy ngã), Triết học Phật giáo không như vậy. Triết học Phật giáo cho rằng thế giới hiện tượng và sự vật (chư pháp) tồn tại khách quan như nó vốn có, không phụ thuộc và ý thức chủ quan của con người. Vấn đề là ở chỗ, do vô minh, con người đã nhận thức – phản ánh một cách sai lầm về thế giới khách quan (do không nhận thức được thực tướng – bản chất của sự vật), và “bê” nguyên sự sai lầm đó vào trong nhận thức, hình thành thế giới chủ quan sai lầm của mình (Phật giáo gọi là “ngã kiến”). Tình trạng này gần giống hiện tượng “Tha hóa” mà Triết học Phương Tây đã cảnh báo từ thời cận đại, mà có lẽ lâu hơn nữa, từ Platon (427 -347 TCN). Triết học Phật giáo cũng đã chỉ ra con đường, biện pháp khắc phục sai lầm do “Sở tri chướng” (chướng ngại do sự hiểu biết sai lầm gây nên. Đây rõ ràng là một đóng góp to lớn của Triết học Phật giáo trong lịch sử triết học của nhân loại cần phải được khẳng định.

 –  Đúng là kinh điển Phật giáo đều đề cao cái Tâm, Kinh Hoa Nghiêm (bộ kinh quan trọng của Triết học Phật giáo Đại thừa) chủ trương “Pháp giới duy tâm”: “Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo” (Nếu muốn biết rõ rốt ráo, hết thảy Phật ba đời, nên xét tính pháp giới, tất cả do tâm tạo). Và, nhiều lúc nhiều nơi người ta cứ nhặt ra câu “nhất thiết duy tâm tạo” trong kinh để rồi qui kết rằng Triết học Phật giáo là Duy tâm chủ quan, rằng Tâm “đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế giới” …

Như trên đã nói, Triết học Phật giáo cho rằng Tâm chỉ tạo ra cái thế giới chủ quan sai lầm chứ không tạo ra cái thế giới khách quan. Thế giới quan Phật giáo nói rõ, thế giới hiện tượng sự vật được hình thành từ những yếu tố vật chất (Tứ đại hoặc Lục đại), nó vận động phát triển tự thân theo qui luật khách quan sinh – trụ – dị – diệt không đầu không cuối, không ai sinh ra, không có lực lượng thần bí nào chỉ đạo, và cũng không bao giờ mất đi. Về thế giới quan, đó rõ ràng là một quan điểm triết học duy vật và có tính biện chứng sâu sắc, không còn nghi ngờ.

Để kết thúc vấn đề trao đổi, xin dẫn bài kệ của Thiền sư Vô Ngôn Thông (? – 862), vị Tổ đầu tiên của dòng Thiền Vô Ngôn Thông Việt Nam về vấn đề “Tâm” và “Vật” :

 “Nhất thiết chư pháp,

 Giai tòng tâm sinh,

 Tâm vô sở sinh,

 Pháp vô sở trụ,

 Nhược đạt Tâm địa,

 Sở tác vô ngại,

 Phi ngộ thượng căn,

 Thận vật khinh hứa

(Tất cả các pháp, Đều từ tâm sinh, Tâm không chỗ sinh, Pháp không chỗ trụ, Nếu đạt Tâm địa (2), Việc làm không ngại, Không gặp người hiểu, Dè chừng không nói). (3)       

 Chú thích.

1. Xem, Lương Gia Tĩnh. Bàn về chữ tâm (Triết học Phương Đông và Phương Tây – Vấn đề và cách tiếp cận, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012).

 2. “Tâm địa” là một thuật ngữ trong Phật học, dùng tỉ dụ: Các pháp do tâm biến hiện như muôn loài cỏ cây trên mặt đất, cây cỏ tuy thay đổi lớp này lớp khác nhưng đất vẫn y nhiên không thay đổi; Tâm địa chỉ bản tính chân tâm, dù có tiếp xúc với cảnh vẫn không xao động, biến đổi.

 3. Thiền uyển tập anh (Bản dịch của Ngô Đức Thọ), NXB Văn học, Hà Nội, 1990. tr. 27.