Tôi cứ dán mắt vào góc chợ, nơi người đàn ông gầy gầy luôn miệng rao hàng dẻo quẹo: "Mua dzô, mua dzô bà con ơi! Vừa treo vách đẹp cửa, đẹp nhà vừa có truyện cho con nít coi. Rằng ai ăn ở hai lòng, trời văng trợt búa ra đồng thành ễnh ương ử… ư… Rằng ai mẹ ghẻ con chồng ba lần, em chết để thành vợ vua. Rằng thư sinh gặp rắn giữa đường, nên duyên chồng vợ mà phiền quá tay… quá tay cái mà quá tay ừ… ư… Mua đi bà con ơi, tranh nào cũng có Thạch Sanh – Lý Thông, Tấm – Cám, Thanh Xà – Bạch Xà, Quan Âm Thị Kính… không thiếu thứ gì…".
Những bức tranh truyện thật bắt mắt bởi những gam màu vàng – xanh – đỏ trên khổ giấy chiều dài chừng 80-100cm, chiều ngang chừng 30-35cm. Một bộ truyện gồm bốn bức tranh nhưng bộ nào cũng bị người đàn ông "đáng ghét" ấy kín kín hở hở bày ra non nửa, phần còn lại đều bị cuốn gọn vào trong như một bí mật chưa biết bao giờ sẽ được bật mí! Tôi ấn tượng nhất là bộ truyện Tấm Cám, hình đầu tiên của bức tranh thứ nhất là cảnh ba mẹ con trong vườn.
Cô em áo lượt quần là, cài chiếc hoa dâm bụt to tổ chảng trên đầu nhưng mặt mày rất xấu xí cùng nụ cười "toang hoác". Cô chị áo vá vai nhưng nét mặt xinh đẹp và hiền từ đang bị người mẹ ghẻ xỉa tay lên mặt. Bức tranh thứ hai là cảnh cô chị đang rơi từ cây cau xuống, nhưng sao cây cau màu nâu nhỉ? À… thì ra áo người mẹ ghẻ và cô em là màu vàng, màu đỏ, cây cau màu xanh nhưng có lẽ do phải in hàng trăm ngàn tờ nên người ta gấp gáp vá các màu chồng lên nhau như thế!
Nhưng tôi không được "coi cọp" trọn bộ tranh truyện nào vì bộ nào cũng bị cuốn kín kín hở hở như nhau. Mà ông chủ hàng thì khó tính quá, ông đuổi tôi mấy lượt vì "Con nít làm gì có tiền mua mà cứ coi cọp hoài! Đi chỗ khác chơi cho người ta buôn bán!". Tức lắm, tôi đòi mẹ mua một bộ để đọc thỏa thuê. Vậy mà điệp khúc "Mẹ ít tiền quá, nhà mình còn nghèo, ráng mai mốt nghe con…" đã dập tắt bao nhiêu hi vọng không chỉ một lần chợ tết. Tôi nhủ thầm mai này lớn lên, làm có tiền, nhà hết nghèo, mỗi khi tết đến tôi sẽ mua hàng chục bộ tranh truyện như thế, treo khắp nhà đọc thỏa mãn mà cũng không bị chê "Con nít làm gì có tiền…".
Thế nhưng mơ ước đó đã không bao giờ thành hiện thực vì khi tôi không còn là con nít nữa thì ông chủ hàng tranh truyện ấy sợ tôi mua hết hàng, sẽ không được rao bán nữa nên ông vội vàng đổi nghề và đi mất không hẹn ngày trở lại.
Mấy năm gần đây, mỗi khi không khí Tết lân la trên phố thì trên những vỉa hè sạch sẽ đã thấy những "ông đồ” trẻ (chứ không phải ông đồ già) bày mực tàu, giấy đỏ ra hí hoáy cùng những con chữ ngoằn ngoèo khó nhìn, khó hiểu – mà người ta gọi là "thư pháp". Người xem cũng nhiều, người mua cũng khá, đại đa số là những người có ngoại hình "biết chữ", chứ không phải như gian hàng tranh truyện tết nơi góc chợ ngày xưa, rặt những gương mặt trẻ thơ lem luốc, hồn nhiên đang vui cười chỉ trỏ.
Về đâu những bức tranh truyện Tết của tôi?