Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Về Côn Sơn

Về Côn Sơn

533

Côn Sơn có gì đó của một chút hoang sơ, một chút thần bí, một thoáng bồi hồi…Côn sơn vốn là nơi tôn quý của đất trời, có địa linh nhân kiệt, vừa là một trong ba chốn tổ của Thiền phái Trúc lâm, vừa là nơi hội tụ của các danh nhân trí sĩ đã đi vào lịch sử.


Nơi đây từng in dấu chân của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Thiền Phái Huyền Quang Lý Đạo Tái với bao truyền thuyết thần tiên kỳ ảo. Một ông quan Hành khiển thời Lê, nhà quân sự tài ba, nhà văn hóa lỗi lạc sánh với các kỳ nhân năm châu, với cái án oan bi thảm “tru di tam tộc” Nguyễn Trãi. Một thánh nhân tiên phong đạo cốt Chu Văn An với những học trò của người… Dường chư quý vị vẫn còn phảng phất đâu đây trên dãy núi Côn Sơn.


Côn Sơn tức núi Kỳ Lân, hay tên dân gian quen gọi núi Hun, cao gần 200m, dài trên 1km, nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.Phía Bắc Côn Sơn giáp núi Ngũ Nhạc, cao 238m, trên đỉnh có miếu thờ thần gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, phía tây tiếp nối núi U Bò, có một thung lũng xanh tươi, những mái nhà tranh ẩn hiện.


Phía Đông là chùa và hồ Côn Sơn. Hướng Đông Bắc có một quả núi hình hoa sen quanh năm tươi tốt có tên là Bài Vọng nơi để di hài Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi. Phía Nam là xóm núi Tiên Sơn và bãi giẽ thanh hoa tương truyền do bà Trần Nguyên Đán trồng.


Chùa Côn Sơn, tục gọi là chùa Hun, được dựng vào thế kỷ 13, đến thế kỷ 17, 18 đã được trùng tu mở rộng và mấy năm gần đây chùa vẫn đang tiếp tục được trùng tu tôn tạo. Chùa xưa đã từng được xây dựng với kiến trúc 83 gian, có 385 pho tượng, trong đó có những tượng cao 2-3 mét ( theo sử liệu để lại).


Quanh chùa có 16 bia đá từ thời Hậu Lê. Đáng kể nhất phải là tấm bia Thanh hư động tạo dựng vào thời Long Khánh( 1373- 1377) và tấm bia lục lăng Côn Sơn tự ra đời năm 1607, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dừng chân và đọc tấm bia này vào một ngày xuân (15-2-1965).


Sau chùa là nhà tổ, trong chùa thờ Trúc lâm tam tổ: Trần Nhân Tông – người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; rồi đến Pháp Loa và Huyền quang. Tam tổ Huyền Quang ngài đã giữ được tấm gương lòng sắc sắc – không không, vượt qua thử thách dục tình của cung nữ Điểm Bích, người được vua Anh Tông cử đến thử xem sư Huyền Quang có ức chế được tình dục hay không?


Sau khi sư tổ viên tịch, vua Trần Minh Tông cho xây tháp Tổ phía sau chùa Côn Sơn gọi là Tháp Huyền Quang hay Đăng Minh bảo tháp. Trước cửa chùa vẫn còn hai cây đại cổ đối xứng nhau, thân gồ ghề khúc khuỷu, lá xanh đen, hoa nở thơm ngát.


Tương truyền hai cây đại do Trần Nguyên Đán trồng từ khi người cáo quan về ở Côn Sơn. Cây đã nhiều lần bị gió mưa vùi dập, cây đổ xuống đất cát lấp đi rồi lại ngóc đầu vươn ra phía trước, cứ thế qua năm này sang năm khác, tới nay đã hơn 600 năm cây vẫn vươn lên sức sống mãnh liệt để hàng ngày chứng kiến cuộc đời dâu bể.


Những chùm hoa trắng xóa nổi bật giữa ngàn xanh, tỏa hương man mác chợt có chợt không lẫn vào khí núi. Bất giác lòng se sắt, rưng rưng cảm thương số phận Nguyễn Trãi – Thị Lộ, chỉ vì không lường được cái họa “danh sinh đấu, lợi sinh tranh”, mà ôm hận, để mấy trăm năm sau, đời vẫn còn nhỏ nước mắt xót xa đau đớn.


Được biết khu di tích Côn Sơn đang được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng với quy mô hoành tráng với tổng dự toán kinh phí lên đến trên 1000 tỷ đồng để phục vụ khách thăm quan lễ bái du lịch trong và ngoài nước trong các ngày thưỡng cũng như hai kỳ lễ hội mùa Xuân và mùa Thu.


Đặc biệt trong 5 năm ( 2002 – 2006), BQL di tích đã tiến hành một khối lượng xây dựng đồ sộ và hoành tráng, đó là đền thờ Trần Nguyên Đán trên khu vực động Thanh Hư, đền thờ Nguyễn Trãi, phục dựng lại khu vực nền nhà Nguyễn Trãi cũng như lát đá xanh các con đường lên núi.


Tại chùa Côn Sơn xây dựng mới 58 gian tả hữu hành lang  trùng tu sân tiền đường ….. với giá trị đầu tư trên 30 tỷ đồng.


Trước khi thượng sơn chúng tôi vào bái chào chư Tổ, tôi thầm nguyện cầu các Ngài minh chứng cho Côn Sơn đang hồi sinh, dù không được như ngày trước nhưng cũng phần nào thể hiện tinh thần nhớ ơn của hậu thế đối với liệt vị tìên nhân.


Thắp xong tuần hương ở nhà thờ tổ, nhắm đến mục tiêu cao nhất, tôi và anh bạn bắt đầu hành trình lên bàn cờ Tiên – cũng là đỉnh Côn Sơn.


Nương theo thầm thì gió rừng thông vi vút, dừng lại bên Giếng Ngọc, nằm ngang sườn núi Kỳ Lân, cũng trong vòng ôm Côn Sơn. Giếng Ngọc là nguồn nước quí được thần linh báo mộng cho Thiền sư Tổ Huyền Quang giữa vùng núi cao mây trắng.


Tương truyền, các thần tiên hay nghỉ chân tại đây, uống nước giếng, rồi mới lên Bàn cờ Tiên bày trận tiêu dao. Không cưỡng lại được bởi nước giếng Ngọc trong vắt, mát lạnh, cái trong mát hình như mang trong nó sự huyền bí không hẳn ở truyền thuyết mà như do tinh túy của sương gió rừng cây và linh khí sơn thuỷ tạo thành.


Tôi cũng uống chút nước để cũng mong được hoà cùng mây gió Côn Sơn. Một ngụm nước giếng giữa rừng sao mà bỗng thấy lòng nhẹ bỗng. Bao phiền muộn, bức bối, bao ý nghĩ ganh đua tủn mủn bé mọn như không còn.


Không biết khi xuống dưới núi, về phố, con người ta có còn giữ được sự trong mát của ngụm nước giếng Ngọc, giữ cho tâm thanh ý tịnh như lúc này, giữa rừng núi Côn Sơn.


Khi đi trên đường anh xe ôm vẫn chở tôi đi công việc hỏi sao dạo này thầy hay đi leo núi vậy. Tôi đùa là thỉnh thoảng đi tập thể dục chứ ở thành phố mình làm gì có núi mà leo. Lần này là lần thứ hai đến Côn Sơn. Lần trước đến Côn Sơn mới chỉ dừng lại ở Chùa Hun nhìn lên núi tôi đoán chắc cũng dễ đi, chứ cao làm sao bằng Yên Tử. Thế nhưng núi Côn Sơn cao hơn tôi tưởng tượng.


Để lên được Bàn cờ Tiên, phải vòng theo sườn núi, leo khoảng 600 bậc đá. Càng lên cao, thông càng thẳng tắp, gió dường như đuổi nhau trên ngọn cây, vòng quanh xuống núi, rồi ào vào cánh đồng xanh mướt nằm giữa núi Hun, núi Phượng, dừng lại trên dòng sông Thương mờ trắng như dải lụa bạc xa xa, rồi ngược trở lại lên núi, mang theo mùi làng quê. Tiếng gió lào xào như ẩn chứa những câu chuyện vừa mới mang về từ dưới trần gian kể cho các đám mây.


Văng vẳng đâu đây tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh kệ như của Thiền tổ Trúc Lâm Huyền Quang, gõ nhịp hành trình vạn kiếp nhân gian. Lặng ngắm một mảnh giang sơn gấm vóc, nằm trong thung lũng trù phú được bao bọc bởi dãy núi Rồng và sáu con sông hòa dòng chảy, nơi Vua Trần và các tướng lĩnh đã dựa vào thế núi dáng sông làm thành lũy trấn giữ Kinh thành Thăng Long xưa…


Giữa đỉnh Côn Sơn, trời đất trầm tư, âm âm khí núi. Những đám mây lờ lững chùng chình nửa vấn vương ngọn cây, nửa lại như muốn ngắm người phàm trần đang ngẩn ngơ trước cảnh sắc nơi này. Trí tưởng tượng huyền hoặc trong không gian lãng đãng hương khói của cổ nhân, mới cảm nhận được vì sao người xưa tìm đến đây ẩn mình, tránh xa những ô tạp phồn hoa đô hội.


Những cơn gió cuối thu chớm đông đem khí lạnh tràn xuống cả một miền châu thổ sông Hồng, báo hiệu mùa thu nói lời chào tạm biệt. Không khí thời khắc giao mùa hay làm con người chòng chành, vui vui, buồn buồn bất chợt, lại thêm cái ồn ào vật vã của đời thường như một cái hồ lô nút chặt…


Phố thị phồn hoa không còn cái thi vị của thu và những gì còn lại của mùa cũng trở nên mòn cũ. Tôi đang trên đường, tìm về một vùng núi non thanh tịnh lãng đãng với nhiều huyền thoại, bóng dáng thánh nhân muôn đời ẩn hiện, để đắm mình vào thiên nhiên thoát tục một ngày.


Chiều đã ngả dần, chân đã chồn. Đi xuống núi, qua đền thờ Trần Nguyên Đán bên động Thanh Hư, dừng bên suối Côn Sơn, một phiến đá ngang bằng chiếc chiếu đôi, nhẵn và phẳng – Thạch Bàn, như mời gọi hấp dẫn cho đôi chân một khắc nghỉ ngơi.


Truyền thuyết xưa, đây là nơi Thánh Tản Viên Sơn – Sơn Tinh đã đến nghỉ trước khi về Kinh Đô rước dâu – nàng Mỵ Nương xinh đẹp con Vua Hùng Vương. Và hơn 600 năm trước, đây là một góc của lịch sử số phận danh nhân nước Việt – Quan Hành Khiển Nguyễn Trãi cáo quan, chọn miền núi Côn Sơn – Chí Linh ẩn dật, tránh xa quan trường và những phức tạp thế thái nhân tình.


Tương truyền ông đã lấy Thạch Bàn làm “chiếu thảm”, nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ, suy tư việc nước, trên cao tiếng thông reo, dưới tiếng suối hát và hơn nữa, ông còn có hồng nhan tri kỷ – nàng bán chiếu gon ở Tây Hồ, Nguyễn Thị Lộ, cùng ông xướng họa thi ca. Và bên tôi lúc này cũng có người tri âm tri kỷ.


Anh cũng như tôi, khi lên tới núi, như một đồng điệu trong cảm xúc, giữa chúng tôi không có khoảng cách. Như cùng một giấc mơ thần tiên cuốc nguyệt cày mây trên đỉnh Côn Sơn, thả hồn vân du theo những huyền sử thiêng liêng, nhớ nhung một vần thơ, một điệu nhạc, một khoảnh khắc tuyệt đẹp của trời đất cỏ cây. 


Côn sơn hữu tuyền, kỳ thanh linh linh nhiên, ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn sơn hữu thạch, vũ tẩy đài phô bích, ngô dĩ vi đạm tịch.


(Côn Sơn suối chảy rì rầm, ta nghe tiếng đàn huyền cầm.


Côn Sơn có đá sạch trong, ta ngồi nghe cõi lòng thanh đạm, yên tịnh).


Nguyễn Trãi có yên tịnh ngồi trên đá xanh mà nghe nước suối dạo đàn hay không? Một chàng trai trẻ (lẽo đẽo theo khóc lóc tiễn cha và em bị bắt cùng Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, bị giải về Tàu) ôm “Bình Ngô Sách” về Lỗi Giang dâng cho Lê Lợi với đầy lòng háo hức trong Bình Ngô Đại Cáo:


Đánh một trận sạch không Kình-Ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.


Sao nay lại chịu cái cảnh trở về cây cỏ, từ bỏ vinh quang? Trở lại cái ngày sau khi ca khúc khải hoàn với: “Xã tắc dĩ chi điện an, sơn xuyên dĩ chi cải quán” (Xã tắc từ đây bình an, giang sơn từ đây đổi mới).


Bản thân ông cũng khó mà biết “trung quân, ái quốc” là thế nào nữa chi bằng về quách ở Côn Sơn. Trong bài “Buổi chiều đứng trong”, ông viết trước khi về ẩn:


Tiền sát hoa niên song bạch điểu
Nhân gian lụy bất đáo thương châu.


(Thèm được chết như đôi chim trắng ở bên hoa kia mà vướng chữ trần nên không về nơi ẩn dật).


Một người có chữ “Nhân” không thể đeo đuổi công danh hời, không mơ mũ quan “vạn chung cửu đỉnh”. Một con người lấy chữ “Đức” làm trọng như Nguyễn Trãi làm sao mà chưa chịu về ẩn dật khi gặp cả lũ “thất đức”?


Tác giả “Quân trung từ mệnh tập” với những chiến thư gởi tướng giặc Sơn Thọ, Phương Chính, Vương Thông… mở “đức hiếu sinh” với giặc nhưng cái lũ “chim muông” kia (bọn triều đình) lại “sát sinh” con người “hiếu sinh” này? Cái hận “anh hùng” trong “Vãn Hứng” của Nguyễn Trãi là cái hận:


Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận, diệp tiêu tiêu.


(Xưa nay sông rộng bát ngát vô cùng. Anh hùng mang hận lá rụng vèo vèo).


Cái “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” trong “Quan hải” của Nguyễn Trãi đến ba trăm năm sau có một Tố Như Nguyễn Du cũng thở dài, xa xót:


Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.


Người thiên hạ khóc Nguyễn Du là vì ông đã để cho “lệ chảy quanh thân Kiều” chứ bản thân ông làm quan được ân sủng đặc biệt của các triều Gia Long đến Minh Mạng dù có ấm ức gì cũng không bằng dòng nước mắt đất trời khóc cho con người bị oan khốc nhất trong lịch sử Việt Nam là Nguyễn Trãi.


Trong thời đại của Nguyễn Du còn có một vị công thần đệ nhất bị triều đối nghịch bắt và bị đánh cho tới chết đó là Ngô Thời Nhậm. Ít ra, Nguyễn Du vẫn là con người tài hoa nhưng may mắn không bị cái “tài” vùi dập như Nguyễn Trãi như Thời Nhậm! Dòng suối Côn Sơn lại được thêm vào những nốt nhạc ngậm ngùi


Sương đã bắt đầu phủ mờ, treo vật vờ trên các vách núi đá, lãng đãng lẫn vào vòm thông cao tít tắp, khí núi tỏa ra tê tê da mặt… Đỉnh Côn Sơn thẫm dần che giấu bí ẩn cổ nhân trong thinh lặng, chỉ còn nghe tiếng gió, tiếng thông réo ù ù…


Ngoảnh nhìn lại, núi rừng toát ra khí thiêng ảo diệu trong tím xám. Phải về thôi, về với đời thường dưới kia đang lấp lóa ánh đèn.


Bỗng giật mình, không biết khi về phố, đời đã trôi qua mấy trăm năm khi lên núi với thần tiên thoát tục một ngày. Tất cả vẫn y nguyên, vẫn ồn ào, ngột ngạt với cuộc sống đầy nghiệt ngã, vẫn như bị nhốt trong hồ lô, vẫn chòng chành buồn vui giữa cơn gió mùa đông bắc đang tràn về lạnh lẽo vô hồn.


Ước gì… một ngày Côn Sơn, mơ về tiếng suối hát, tiếng thông reo, tiếng gió đuổi nhau… Gặp lại trong tiềm thức những thần tiên thánh nhân muôn đời ẩn hiện nơi rừng thiêng núi linh. Và bên cạnh là anh bạn, người tri âm tri kỷ, đồng điệu


Sáu thế kỷ trước, Côn Sơn như Cảnh thần tiên hiện dưới ngòi bút của Phi Khanh: “Khói đầu non, ràng ngoài đảo, gấm vóc phô bày. Hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phất phới..” Giờ đây, quan năm tháng phôi phai, thiên nhiên môi trường ở đây đang xuống cấp đến mức báo động.


Do rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá nhiều nên lượng nước trong suối hầu như cạn kiệt, chỉ còn biết trông chờ vào nước mưa trời ban. Trông dòng suối trơ đá, rác thải và đồ ăn thừa mà đau lòng. Hồ Côn Sơn cũng đang khát nước, lượng nước hiện đủ để tồn tại một cái đầm. Rừng thông vẫn còn nhưng trúc thì đã bị tuyệt diệt….


Dù cảnh quan đã đổi thay, con người cũng trở nên vô tình với thiên nhiên hơn, nhưng hồ xưa khí thiêng vẫn còn đó, Côn Sơn vẫn đang mơ ước đến ngày mai sẽ, “.. có bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem”.


Phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối reo xa với mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt và tâm hồn người ta ở đây có đủ cả…



Tam quan chùa Côn Sơn


Nhà bia, nơi Bác Hồ đã về thăm và đọc bia





Chính điện chùa Côn Sơn








Nhà thờ Tổ





Sân chùa Côn Sơn








Tháp thờ xá lợi Thiền sư Huyền Quang








Bàn cơ tiên trên đỉnh Côn Sơn





Đền thờ Trần Nguyên Đán


Toàn cảnh Đền thờ Nguyễn Trãi


Đường lên đỉnh núi Côn Sơn

 
Sân đền thờ Nguyễn Trãi