Công đức khai sơn chẳng nghĩ lường
Cũng vì hạnh nguyện khắp mười phương
Bao nhiêu danh lợi không màng đến
Quyết chí một lòng chẳng vấn vương
Trúc lâm Thiền phái thêm ngời sáng
Đống Cao tự viện mãi lưu trường
Hậu côn nhớ mãi ơn cứu thế
Như Cảm Thiền sư hạnh pháp vương
Bài thơ trên tôi làm vào mùa an cư năm Mậu Tý. Tuy không hay, nhưng đó là cả tâm tình của tôi kính dâng lên chư Tổ khi về tu tại chùa Đống Cao. Nhìn ngôi tháp đá nguy nga giữa vườn tháp, tôi đã sững người, hình như tôi luôn có gì đó liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, đi đến đâu và ở đâu cũng có duyên gặp chùa, am, tháp có liên quan đến Thiền Phái.
Trong tâm tư tôi nảy sinh ý định sẽ làm một chuyến vấn tổ tìm tông, tìm về các chốn tổ lớn có liên quan đến thân thế sự nghiệp Tam tổ Trúc Lâm và các đệ tử truyền thừa của thiền phái, ảnh hưởng của các Ngài đối với đời sống của người dân đương thời cũng như hiện nay.
Công việc bận rộn mãi, hôm nay mới có dịp rảnh rỗi để đi. Tìm trong danh mục các chùa trong tỉnh Hải Dương cũng như tìm hiểu qua các bậc tôn túc thì Hải Dương là nơi có nhiều ngôi chùa có liên quan hay nói như các bậc trưởng lão là những ngôi chùa có ăn về Yên Tử. Nhưng nổi bật lên là chùa Thanh Mai và Côn Sơn.
Hai ngôi chùa gắn liền với sự nghiệp của hai vị Tổ Trúc Lâm là Pháp Loa và Huyền Quang tôn giả. Để có thứ tự tôi thuê xe ôm chở đi tìm chùa Thanh Mai, trước khi đi tôi liên lạc với Thầy Trụ trì xin gặp nhưng được thầy cho biết không có nhà và mời cứ đến chùa có các Phật tử chấp tác ở chùa mở cửa…
Lúc đầu định để khi nào có Thầy trụ trì mình sẽ đến, nghĩ lại bảo thôi cứ đi. Mình đến lễ Tổ rồi khi nào có duyên sẽ đến vấn an Thầy trụ trì sau vậy.
Theo tài liệu của Ban QLDT chùa Thanh Mai; Chùa thường gọi là chùa Hương Hải, tọa lạc trên núi thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, phía bắc của tỉnh Hải Dương. Chùa được dựng vào đời Trần.
Đây từng là nơi trụ trì của Quốc sư Pháp Loa, Trúc Lâm đệ nhị Tổ. Sau khi Tổ viên tịch, Vua Trần Minh Tông truy tặng thụy hiệu là “Tịnh Trí tôn giả”. Vua đã đến viếng chùa và đề thơ: “Vãn Pháp Loa tôn giả, đề Thanh Mai Tự. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Anh xe ôm chở tôi vòng vèo tìm mãi mới đến được chân núi thì đã 3h chiều. Ở đây đang trong quá trình trùng tu, đường vào chùa đang được trải đá cấp phối để đổ bê tông nên xe máy không thể đi được lên. Đành bảo anh ta chờ ở dưới rồi leo núi một mình vậy. Trong ánh hoàng hôn của buổi chiều tà, một mình trong cánh rừng già, vừa đi vừa nhẩm mấy câu thơ của cụ Nguyễn Du:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, người đời ai khóc Tố Như chăng)
Tôi thầm nghĩ, cụ Nguyễn Du mới có hơn 300 năm, còn ở đây đã gần 700 năm rồi, gần ba phần tư thiên niên kỷ, trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm lịch sử, cùng với sự xoay vần của trời đất, vạn vật đã biến đổi đến vô cùng.
Khoảng thời gian ấy đủ để “thương hải tang điền, bãi biển biến thành nương dâu” Than ôi, nơi đây một thời là chốn tổ sầm uất vậy mà nay….
Trong rừng thu, những chiếc lá vàng rơi nhẹ cuốn theo cơn gió heo may buổi chớm đầu đông, những chiếc lá chao nhẹ rồi rơi xuống, ôi sao mà buồn. Tôi có già trước tuổi quá không khi mới 30 tuổi mà đã vội thả hồn mình theo nỗi buồn hoài cổ?
Lang thang một mình trong rừng thông, một mình suy ngẫm một mình tìm về cố hương tìm về chốn Tổ. Đâu đó dưới thôn Thanh Mai nhà ai kia đã nổi lửa nấu cơm chiều, mùi lá cây rừng con trẻ chăn Trâu đem về nấu cơm vẳng lên làm kẻ Khất sỹ độc hành chạnh lòng nhớ về quá khứ vàng son nơi đây.
Đường lên chùa quanh co, uốn lượn lại có con suối nhỏ nước chảy róc rách vắt qua, đã thấm mệt nhưng vẫn hào hứng leo lên vì càng vào trong cảnh rừng càng đẹp.
Nhà nước đang đầu tư con đường lên chùa thẳng hơn, ngắn hơn, ít dốc và tiện lợi hơn cho khách thập phương nhưng tôi thích làm con đường bằng những viên đá ghép lại như chùa Yên tử. Bởi con đường Bê tông làm mất đi vẻ tự nhiên của dải rừng già, giá mà có những viên đá tự nhiên ghép lại có lẽ nó sẽ rất hài hòa với cảnh quan ngôi chùa cổ để tôn thêm vẻ linh thiêng vốn có của nó.
Chùa Thanh Mai được xây dựng do chính vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc lâm? Người cắm hướng xây ngôi chùa này quả là một nhà phong thuỷ tài tình. Bởi nơi khởi nguồn của đạo Phật là Tây trúc nên hầu hết các ngôi chùa Việt Nam khi xây dựng đều được xoay mặt về hướng Tây.
Các ngôi tháp cổ cần được bảo vệ
Riêng các ngôi chùa thuộc Trúc Lâm Thiền phái, dòng thiền mang đặc trưng của Đạo Phật Việt nam lai xây dựng theo hướng chính nam. Ở đây cái độc đáo của chùa Thanh Mai là tọa lạc ở vào vị trí ngang ngon núi của ba ngọn có tên là Tam Ban (tên cổ là Phật Tích Sơn) ở độ cao 250m, trên một địa thế ngoạn mục, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ tưạ lưng vào dãy núi cao nhìn xuống một thung lũng rộng lớn quanh năm tươi tốt.
Khi xây dựng hẳn đệ Nhị Tổ đã ngầm mong cho vận nước hanh thông, đạo pháp xương minh trường tồn đến muôn đời sau. Đệ nhị Tổ hẳn là người có con mắt đạo như Đệ Nhất tổ nhận xét lần đầu gặp gỡ.
Phế tích còn lại của ngôi cổ tự vẫn như còn ngổn ngang đâu đây, làm cho khách lãng du phải bùi ngùi nhớ đến một thuở huy hoàng của đạo Phật thời Trần với hàng ngàn ngôi chùa, hàng vạn tăng đồ cùng các bậc thiền sư hộ quốc an dân đạo cao đức trọng. Than ôi! Thời huy hoàng nay còn đâu….rừng phong nay đã nhuốm màu quan san…
Hiện trước chùa chỉ có 4 tấm bia nói về việc trùng tu chùa vào thời Lê, 2 bảo tháp Phổ Quang, Tịch Quang cùng một số các ngôi tháp đổ không xác định được tên. Sau chùa có bảo tháp Viên Thông 3 tầng, thờ xá-lợi Thiền sư Pháp Loa.
Khai sơn thuở ban đầu, ngôi chùa có quy mô lớn xây dựng với lối kiến trúc nội công ngoại quốc, gồm tòa tam quan nguy nga với hàng cột lim cỡ lớn kê trên các phiến đá xanh chạm trổ hoa văn đỡ gác chuông sơn son chạm nổi long ly quy phượng, lợp ngói mũi hài.
Bảo tháp Viên Thông thờ xá lợi Đệ tam Tổ
Tiếp đến là tòa Tam Bảo lộng lẫy vàng son, Như Lai cùng chư Phật ngự trên tòa sen thiếp vàng lấp lánh giữa Đại Hùng bảo điện. Nhà Tổ thuộc lớp thứ ba cấu trúc như một cung điện nguy nga, hai bên tả hữu là các gian giải vũ thờ mười tám vị La Hán mình vàng. (theo Tam tổ Thực lục).
Trúc lâm đệ nhị Tổ – Pháp Loa thiền sư, thế danh là Đồng Kiên Cương, sinh năm Hiệu Bảo thứ 6 (1284) tại hương Cửu La, lộ Nam Sách Giang (nay thuộc làng Cổ Pháp, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Tương truyền lúc ngài ra đời có mùi hương lạ lan tỏa khắp nhà. Thứ hương trời ấy cứ phảng phất mãi bảy ngày sau mới tan đi.
Là người mộ đạo từ bé, trong tâm đã có sẵn chân như, lục độ, như một cơ duyên, nhân chuyến Điều Ngự GiácHoàng đi thuyết pháp qua hạt Nam Sách, Đồng Kiên Cương đến yết kiến xin được xuất gia đầu Phật.
Thượng hoàng Trần Nhân Tông thoáng nhìn đã nói: “Người này có con mắt đạo, sau này ắt có pháp khí“, bèn nhận làm đệ tử và đặt tên cho là Thiện Lai.
Thiện Lai tu hành chăm chỉ, hiểu thấu giáo lý nhà Phật, đặc biệt là học thuyết của phái Trúc Lâm nên được Thái thượng hoàng yêu mến thường cho ngồi hầu bên cạnh mỗi khi lên đàn giảng kinh.
Năm Bính Ngọ đời Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ mười ba (1306), tại tăng viện Kỳ Lân Côn Sơn, Điều Ngự thiền sư truyền cho ngài Giới Thanh văn và giới Bồ tát, lại ban pháp hiệu là Pháp Loa. Loa có nghĩa là con ốc. Pháp Loa là một loại Pháp khí thường được sử dụng trong Mật tông Phật giáo được thổi rúc lên từng hồi dài trong nghi lễ.
Có lẽ Đệ nhất Tổ ngầm xem Pháp Loa như một chiếc tù và dùng để khuếch trương tinh thần hoà quang đồng trần, sự nghiệp hoằng dương đạo pháp đối với muôn dân.
Năm Hưng Long thứ 16 (1308- Pháp Loa 25 tuổi), tại chùa Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), Điều Ngự chính thức làm lễ trao quyền nối dòng thừa kế cho Pháp Loa có sự chứng kiến của hoàng đế Trần Anh tông. Pháp Loa trở thành vị tổ thứ hai của Trúc Lâm thiền phái.
Đọc “Tam tổ thực lục“, xem tấm bia khắc 6 chữ Thanh Mai Viên Thông bảo tháp, trên tháp chữ hiện quá mờ, tôi phải tìm mãi mới mượn được bản dập từ thời Pháp rõ nhất hiện nằm tại viện Hán Nôm, qua đó mới thấy sự nghiệp của Pháp Loa thật lớn lao.
Hai mươi năm, với tư cách là người đứng đầu Thiền phái Trúc Lâm, Ngài đã xây được trên tám trăm chùa, trong đó, chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh) là một tăng viện lớn vào bậc nhất của trung tâm Phật giáo thời ấy.
Bằng pháp giới vô biên và tấm lòng từ bi vô lượng của mình, tuy viên tịch ở tuổi bảy mươi, nhưng ngài đã độ được hàng vạn tăng ni, riêng tại chùa Thanh Mai cũng đã có hai Quốc sư và một Pháp tổ…
Phía sau chùa, Tháp Viên Thông toạ lạc trên một triền đồi khá rộng, nối với bìa rừng là một sườn dốc, hai bên tháp là 2 cây đại cổ đang mùa trổ hoa (Thường gặp ở hai bên các khu tháp mộ thiền phái Trúc Lâm), tượng trưng cho cốt cách của các bậc chân tu.
Nhìn những cánh hoa trắng muốt, mỏng manh, âm thầm tỏa hương cuối buổi tà dương, tôi chợt thấy như…
Hoàng hôn dần tàn bóng tối chực ập về. Những ngon cổ tháp đổ nghiêng vào sườn núi. Những cây xoài cổ thụ vẫn hờ hững đứng đó sừng sững, vươn tán lên trời cao đón ánh hoàng hôn tím nhạt.
Cây đại già trơ cành khẳng khiu khoác lớp vỏ sù sì nhuốm bụi thời gian như đang trầm mặc hồi tưởng về một thuở huy hoàng của của chốn tổ đình Thanh Mai. Bóng cây nhìn xuống như hồn thiêng cha ông đang hiện về, âm thầm nhìn xuống xót xa.
Than ôi, ngày đó sầm uât là vậy. Bây giờ thì sao, nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Lên chùa tôi gặp bà cụ Phúc, người đã gắn bó với chùa từ những năm 70 đến giờ. Với lối nói chuỵên chân quê chất phác. Bà nói: các Bố lên đây bây giờ là sướng, chứ ngày con mới lên chùa không còn gì cả chỉ còn mấy tấm bia vài ngọn tháp đổ, con dựng lên mấy gian chùa gianh, Phật thì gãy nát con phải đi kiếm xi măng về hàn gắn để thờ phụng, vậy mà chùa cũng thiêng lắm…
Sau đó, được nhân dân thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh cùng với một số nhà hảo tâm xây cất tạm thời một ngôi nhà cấp bốn để các Phật tử có chỗ tụng kinh niệm Phật. Ấy vậy mà chùa đã được nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày năm 1992.
Biết bao cơn binh lửa, bao giông tố bão bùng, chùa đã mấy phen hoang phế rồi lại được trùng tu, tôn tạo. Hẳn là không thể giữ nguyên lối kiến trúc cổ thời Trần, nhưng rồi vật đổi sao dời…..
Những tưởng chùa Thanh Mai, chốn tổ đình năm nào sẽ rơi vào quên lãng và sẽ mãi mãi ngủ yên trong cánh rừng già. Phật phù Tổ độ, ơn Đảng ơn Chính phủ, năm 2005 bộ Văn hóa -Thông tin duyệt kế hoạch trùng tu chùa Thanh Mai với dự án được duyệt lên đến nhiều tỷ đồng.
Cho đến nay, các hạng mục công trình vẫn đang trong quá trình xây dựng tôn tạo mà các hạng mục quan trọng nhất là ngôi Tam Bảo, nhà Tổ và tháp Viên Thông.
Chư Phật, chư Tổ, nơi niết bàn tịch diệt, qua bụi thời gian có lẽ chư vị cũng đang nhìn về nơi cố tự mà gật đầu hài lòng với lớp chúng sinh hậu thế. Yên Sơn, Côn Sơn , rồi giờ đây là Phật tích sơn….., đang được lớp hậu thế kính cẩn trùng tu, tôn tạo, tuy quy mô vẫn còn khiêm tốn chưa thể sánh được với công đức vô lượng của các ngài, nhưng cái quý là ở tấm lòng biết ơn đối với tiền nhân…
Cảnh chùa lúc chiều muộn trong tiếng chuông mõ tụng kinh trầm bổng như nhắc ai kia bình tâm trở lại,hướng về cõi tịnh của chân tâm. Bà cụ Phúc cứ nài nỉ mời thầy ở lại dùng cơm với chúng con, nhưng chiều rồi, nên cáo lỗi ra về mà lòng còn nặng trĩu tâm tư.
Bất tri tam bách…..
Tấm bia có 6 chữ triện Thanh Mai Viên Thông bảo tháp