Trang chủ Văn hóa Về các lớp văn hóa trong sự tích Thánh Dương Không Lộ

Về các lớp văn hóa trong sự tích Thánh Dương Không Lộ

97

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và nhanh chóng hoà nhập với tín ngưỡng bản địa để trở thành một hệ phái mang sắc thái Việt. Chúng ta có thể thấy rõ hiện tượng này qua những dấu ấn vật chất, mà Phật giáo để lại.


Theo dòng chảy của lịch sử, ngôi chùa – giáo đường của nhà Phật đã có nhiều kiểu dạng khác nhau, từ chùa dạng “tháp” hay chùa dạng “nhà” thời Lý đến những ngôi chùa làng thời Trần, Lê với mặt bằng phổ biến hình chữ Nhất, chữ Công, rồi đến thế kỷ XVI, XVII xuất hiện kiểu kiến trúc  “nội công ngoại quốc”với nhiều toà ngang dãy dọc, tạo nên những ngôi chùa có nguy mô đồ sộ với nhiều đơn nguyên kiến trúc mà hiện nay chúng ta còn thấy.


Ở châu thổ sông Hồng, những ngôi chùa kiểu “nội công ngoại quốc” không hẳn đã phổ biến, song điểm đặc biệt là, hầu hết những ngôi chùa kiêm thêm việc thờ Thánh bên cạnh việc thờ Phật đều theo dạng này. Loại chùa này có sự tích bắt nguồn từ thời Lý, với những vị sư đã có công giúp đỡ triều đình và nhân dân địa phương, vì thế, họ có một vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của người dân trong vùng. Tiêu biểu cho dạng chùa này là chùa Thầy (Hà Tây), chùa Láng (Hà Nội), chùa Ông (Hưng Yên), thờ Thánh Từ Đạo Hạnh; chùa Điềm Giang (Ninh Bình) thờ Thánh Nguyễn Minh Không; chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo (Nam Định) thờ Thánh Dương Không Lộ và chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê (Hà Tây) thờ Thánh Nguyễn Bình An…


Như đã đề cập, những vị Thánh được thờ ở những ngôi chùa này đều là những vị sư có tiểu sử và hành trạng được ghi khá rõ ràng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khảo sát thực địa, chúng tôi thấy có một vấn đề đặt ra là: Trong tâm thức của người dân vùng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thánh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không hầu như được đồng nhất với nhau, còn trong các tài liệu, thư tịch cổ lại có hai ý kiến, quan điểm khác nhau:


– Một số tư liệu, thư tịch cổ và ý kiến của một số nhà nghiên cứu cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng, cả hai ông đã từng chữa khỏi bệnh cho vua (Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông).


– Một số tư liệu, thư tịch khác thì đồng nhất Dương Không Lộ với Nguyễn Minh Không, cho rằng Không Lộ chỉ là tên ngôi chùa có nhà sư Minh Không ở.


Một vấn đề nữa là tuy cả 2 vị thiền sư này cùng sống vào thời Lý, lại đã từng chữa khỏi bệnh cho 2 đời vua kế tiếp nhau, song khi tra cứu Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi không thấy nói về Dương Không Lộ, chỉ thấy 3 đoạn ghi chép về Đại sư Minh Không. Như vậy, có hay không nhà sư Dương Không Lộ này?


Trên thực tế, không chỉ có chùa Keo (Thái Bình) và Keo (Nam Định) thờ Không Lộ mà nhiều di tích khác như chùa Am (Thái Bình), làng Đức Thắng (Bắc Giang), làng Ngũ Xã, Mai Lâm (Hà Nội)… vẫn đang thờ Ngài với tư cách là Thành hoàng (tổ nghề).


Vậy, Không Lộ là ai? Ông là một nhân vật lịch sử đã được thần thánh hoá hay đích thực là một vị Thánh – sản phẩm của tôn giáo?


Để đưa ra những giả thuyết, chúng tôi xin điểm qua một số nguồn tài liệu có liên quan đến nhân vật này:


1- Những tư liệu chép tay lưu giữ tại chùa:


Hiện ở chùa Keo còn lưu giữ một số tài liệu chép tay bằng chữ Hán, được xem là những thư tịch cổ về chùa Keo. Sách chép tay thứ nhất có tiêu đề “Không Lộ thiền sư ký ngữ lục” chép: Sư họ Dương, tên Không Lộ, huý là Minh Không, theo nghiệp nhà làm nghề chài lưới. Sau bỏ nghề đi tu theo phái Đà La Môn (Bà La Môn – Thu Hương). Ngài đã vân du sang Trung Quốc, quyên giáo đồng của nhà Tống, dùng pháp thuật thu cả kho đồng mà túi chưa đầy, ngả nón tu lờ làm thuyền, làm phép rút đất, mang đồng vượt biển về nước đúc tượng chùa Quỳnh Lâm, chuông chùa Phả Lại và vạc Phổ Minh. Khi vua Lý Thần Tông 21 tuổi bị mắc bệnh lạ, tâm thần hoảng loạn, kêu như tiếng hổ gầm, mình mẩy mọc đầy lông, các danh y trong thiên hạ đều bó tay, triều đình nghe trong thiên hạ có sư Minh Không chữa được bệnh cho vua nên sai người đi tìm. Đoàn quan quân đến chùa Keo gặp ông lão đánh lưới trên sông bèn hỏi thăm Dương Không Lộ. Khi vào đến chùa đã thấy ông lão đánh cá ở đó và nhận mình là Không Lộ. Sư mời cơm cả quan quân bằng một niêu nhỏ, nhưng cả 40 người ăn no mà vẫn chưa hết. Buổi tối, sư cho thuyền nhổ neo, thuyền đi như bay và sáng hôm sau đã về tới kinh đô… Sau khi chữa khỏi bệnh, vua phong cho Không Lộ là đại pháp sư kiêm Quốc sư. Sau khi tịch, thân thể sư biến thành khúc gỗ trầm hương… Ngoài 2 chùa Keo, Quốc sư còn được thờ ở nhiều chùa khác. Những nơi có dấu chân của Ngài đi qua đều có đền thờ và được suy tôn là tổ nghề rèn, nghề đúc đồng, nghề đan tre nứa.


+ Một tài liệu chép tay khác hiện vẫn còn được bảo quản cẩn thận ở chùa Keo có tên là: “Trùng san Thần Quang Tự Phật Tổ ban hành thiền uyển ngũ lục tất yếu”. Cuốn sách này ghi lại toàn bộ các nhà sư danh tiếng ở nước ta thuộc phái Tam Tông mà Tổ sư là thiền sư Vô Ngôn Thông tu ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du. Về sư Không Lộ, sách chép thuộc đời thứ 9 và là học trò một vị đồng học với vua Lý Thái Tông, tu ở chùa Nghiêm Quang.


+ Bùi Duy Lan và Phạm Đức Duật trong cuốn sách “Chùa Keo” của mình đã công bố thêm một cuốn sách mới tìm được. Sách có tên là: “Quốc sư bảo lục”. Đây là một sách chép tay chữ Hán được viết trên giấy dó, gồm 28 tờ do Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng hiệu là Hy Long, người xã Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ biên soạn vào khoảng tháng 11 năm 1898. Sách đã được Vũ Công Quán là học trò của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng chép lại. Theo sách này thì Không Lộ và Minh Không là 2 nhân vật khác nhau. Về sự tích thiền sư Không Lộ, sách “Quốc sư bảo lục” chép rất tỷ mỷ và cũng khá đầy đủ.


2- Tư liệu bia ký:


Bia ký ở chùa Keo nói tới Dương Không Lộ không nhiều. Quan trọng hơn cả là tấm bia hiện ở phía trước toà Phụ quốc. Bia hình vuông được khắc chữ ở cả 4 mặt có niên hiệu Chính Hoà thứ 10 (1689) ghi: “Chùa này thờ ông Không Lộ rất linh thiêng, được vua nhà Lý cấp ruộng ngàn mẫu”.


Tấm bia thứ hai được lưu giữ tại chùa La Vân có nhắc đến vị thiền sư Dương Không Lộ được dựng vào năm Đức Long thứ 5 (1633) do sư Khuông Đạo Vũ trụ trì tại chùa La Vân, thuộc xã Quỳnh Vân, huyện Quỳnh Phụ soạn… cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là một.


3- Những truyền thuyết dân gian:


Quanh thân thế, sự tích thiền sư Không Lộ còn có một khối lượng tư liệu đồ sộ gấp nhiều lần những tư liệu đã nêu. Đó là những truyền thuyết dân gian mà ta có thể gặp ở nhiều nơi trên khắp đồng bằng Bắc Bộ này:


Tại chùa Am (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có thờ một chiếc vỏ trấu. Tương truyền lúc sinh thời Không Lộ thường qua lại đó và chiếc vỏ trấu từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự ghi nhớ công ơn “người anh hùng” đã có công khai sáng ra vùng đồng bằng trồng lúa.


Ở vùng Trực Ninh – Nam Định còn ngôi chùa Lương Hàn; chùa Hàn ở cửa biển Thần Phù (Ninh Bình) có thờ Không Lộ. Dân hai vùng này còn lưu truyền sự tích Không Lộ đã dùng nón “Tu lờ” làm thuyền chở đồng đi giết quái vật (ngư công) mang lại sự bình yên cho biển cả và nhân dân. Cho đến những năm gần đây, hàng năm chùa Lương Hàn vẫn tổ chức hội đua trải và diễn trò “cướp ông Mó” (quái vật xưa).


Xa hơn nữa, ở Bắc Giang còn một làng làm nghề thợ rèn nổi tiếng. Đó là làng Đức Thắng (nay thuộc huyện Hiệp Hoà) có tục lệ là: hàng năm, những người thợ rèn tổ chức một “hội chợ thủ công” để bán sản phẩm của mình làm ra. Mở đầu cho hội chợ hấp dẫn này là một nghi thức tế lễ Dương Không Lộ rất long trọng.


4- Những tài liệu, thư tịch cổ:


Ngoài những nguồn tư liệu vừa trình bày ở trên, về sự tích thiền sư Không Lộ còn được ghi lại trong một số tài liệu thư tịch cổ.


Trước hết phải nhắc tới cuốn: “Thiền Uyển tập anh” in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) thời hậu Lê. Trong sách này, chuyện Dương không Lộ được chép giống cốt truyện ở sách “Lĩnh Nam chích quái” chúng tôi sẽ đề cập tới sau.


Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” phần kỷ nhà Lý, không có đoạn nào chép riêng về sự tích Dương Không Lộ, chỉ thấy có 3 đoạn đề cập đến thiền sư Minh Không mà thôi. Ví dụ “khoảng tháng 6 năm Tân Hợi, niên hiệu Thiên Thuận thứ 4 (1131) dựng nhà cho đại sư Minh Không”; hoặc có đoạn chép: “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Minh Thành tức Nguyễn Minh Không, dặn rằng 20 năm sau, nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”.


Khi đại sư Minh Không hoá, “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép “mùa thu tháng 8 (13), Quốc sư Minh Không chết (sư người Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên) rất linh ứng, phàm khi có tai ương hạn, lụt, cầu đảo đều nghiệm cả, nay hai chùa Giao Thủy và Phả Lại đều tô tượng để thờ.


Cũng trong sách này có một đoạn làm chúng tôi rất đáng quan tâm, sách chép rằng: “Tháng 6 chi hậu thư gia là Lý Xương và nhà sư ở chùa Quán Đình là Nguyễn Minh dâng chim sẻ trắng”. Chùa Quán Đình được chú thích: Theo “Thiền Uyển tập anh”, chùa Quán Đình ở núi Không Lộ. Còn Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Sơn Tây) thì núi Không Lộ ở địa phận huyện Thạch Thất, trên núi có chùa Lạc Lâm là chỗ thiền sư Không Lộ trút xác hoá kiếp. Như thế thì chùa Quán Đình còn có tên là chùa Lạc Lâm (núi Thày) nay ở huyện Quốc Oai tỉnh Hà Sơn Bình”.


Trong sách “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh và Kiều Phú có chép lại rằng “Thiền sư Dương Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang, huyện Hải Thanh, mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề ấy đi tu, thường hay đọc kinh Đà la ni môn. Trong các năm Chương Thánh Gia Khánh đời Lý Thần Tôn* thường cùng Giác Hải là đạo hữu cùng ở ẩn đất Hà Trạch quên cả thân mình, ngoài không đi đến đâu, trong thì tu thiền định. Bỗng thấy tâm thần tai mắt nhẹ nhàng sáng sủa, có thể bay lên không, đi trên băng giá, bắt được hổ phải phục, bắt được rồng phải giáng, vô cùng quái đản, người ta không sao lường hết được. Sau tìm về một ngôi chùa ở quận nhà mà ở… Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 thì tịch; môn nhân thu xác táng ở cửa chùa. Vua hạ chiếu cho sửa rộng chùa này, quyên hai mươi hộ phụng hương hoả”.


Toàn bộ những ghi chép của sử sách và sử truyền về vị thiền sư ở chùa Keo mà chúng tôi vừa dẫn ra ở trên không có sự phân biệt rạch ròi tên tuổi của một hay hai nhân vật. Điều này là mối quan tâm của các tác giả đi trước. Tựu chung lại có 3 quan điểm khác nhau như sau:


+ Theo Nguyễn Bá Lăng thì hai vị thiền sư Minh Không và Không Lộ là một. Trong cuốn Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tác giả viết: “Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự… là cảnh chùa do thiền sư Nguyễn Minh Không tức Không Lộ lập ra từ khoảng đầu thế kỷ XII”.


+ PGS Đỗ Văn Ninh và cố PGS Trịnh Cao Tưởng cho rằng “Thiền sư Không Lộ có thể là nhân vật lịch sử. Việc phân biệt Không Lộ, Minh Không là một hay hai người khác nhau thì các tác giả này chưa thể quyết đoán được. “Có thể coi thiền sư Không Lộ là một nhân vật có thật trong lịch sử? Nhưng lòng ngưỡng mộ vị thiền sư của nhân dân khi khoa  học chưa phát triển, khi tôn giáo hãy còn là lẽ sống hàng ngày, đã thêu dệt cho sự tích những điều thần bí thì sự tích trở thành truyền thuyết. Đời truyền đời về sau, sự tích Không Lộ trở thành một Phật thoại ly kỳ. Cái cốt lõi lịch sử chỉ còn là đôi nét ẩn sâu trong cái vỏ hoang đường nhưng vô cùng lý thú. Truyện về vị quốc sư triều Lý có thể đúng sai khó bề khảo đính”.


+ Tác giả Bùi Duy Lan và Phạm Đức Duật, trong công trình “Chùa Keo” của mình khẳng định rằng:


– Không Lộ là đạo hiệu của một nhà sư có thật của đời nhà Lý .


– Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau. Không Lộ ở thế hệ trước cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Còn Minh Không ở thế hệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh.


– Nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn giữa Không Lộ và Minh Không là một, bởi vì sự tích hai nhà sư này có những điểm tương tự như nhau:


+ Cả hai người để chữa bệnh chu vua nhà Lý, Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng Tắc kè kêu của Lý Nhân Tông (1072 – 1128) còn Minh Không thì chữa bệnh hoá hổ cho Lý Thần Tông (1128 – 1138).


+ Cả hai người đều được nhà Lý phong làm quốc sư.


+ Minh Không cũng tu ở chùa Diên Phúc (sau đổi tên là Viên Quang) nơi mà  Không Lộ và Giác Hải trước đó từng tu… (34:23, 24).


Quan điểm của 2 tác giả trên đã dành được sự chú ý và đồng tình của nhiều người trong lĩnh vực nghiên cứu.


– Lê Mạnh Thát trong “Thiền Uyển tập anh ngữ lục” cũng cho rằng Không Lộ và Minh Không là 2 thiền sư ở 2 thời kỳ khác nhau, nhưng dân gian đã lấy những truyền thuyết, công trạng của Minh Không để dùng cả cho Không Lộ.


Chúng tôi xin điểm lại một số tài liệu thư tịch và chính sử khảo về hai vị thiền sư này làm chúng tôi đắn đo về tính xác thực. Trước hết bản “Thiền Uyển tập anh” được tái bản vào tháng 4 năm Vĩnh Thịnh thứ 11 đời Lê (1715) chép “Thiền sư Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang họ Dương quê ở Hải Thanh. Nhà sư làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề ấy quy y cửa Phật. Ngày thường sư chuyên tâm nghiên cứu pháp môn Đà la ni… Ngày 3 tháng 6 năm Ất Hợi niên hiệu Hội Tường Đại Khánh  thứ 10 (1119) sư cáo tịch…”. Trong sách chép Không Lộ thuộc đời thứ 9 của thiền phái Vô Ngôn Thông và đời thứ hai của thiền phái Thảo đường, không thấy chép về hiện tượng sư Không Lộ chữa khỏi bệnh sợ tiếng kêu tắc kè cho vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128), được vua phong làm Quốc sư. Trong khi đó ở phần chép về thiền sư Giác Hải ở chùa Diên Phúc làng Hải Thanh, có nói rõ rằng Giác Hải và Thông Huyền chữa bệnh cho vua Lý Nhân Tông khỏi sợ tiếng kêu của hai con tắc kè, nhân một chuyến đi vãng cảnh của vua và hai vị thiền sư.


Cuốn “Quốc sư bảo lục” của tiến sĩ Đặng Xuân Bảng biên soạn vào cuối thế kỷ 19 thì lại viết Không Lộ mất ngày 3 tháng 6 năm Giáp Tuất niên hiệu Hội Phong thứ 2 (1094) đời Lý Nhân Tông và được phong làm quốc sư.


Như vậy giữa hai sách: “Thiền Uyển tập anh” và “Quốc sư bảo lục” đã có sự chép khác nhau về năm hoá, về việc chữa bệnh cho vua và được vua phong làm Quốc sư của Thiền sư Không Lộ.


Phần “Minh Không thần dị” trong sách “Nam ông mộng lục” có chép “ở hương Giao Thuỷ, nước Giao Chỉ có chùa Không Lộ. Ngày xưa có một vị sư họ tục Nguyễn, tên là Minh Không, khoảng năm Trị Bình đời Tống xuất gia đến ở chùa này, có đức hạnh và rất nổi tiếng…”. Đoạn cuối trong trang sách này chép việc thiền sư chữa bệnh cho vua, vua ban thưởng các thứ đều không nhận, vua phong cho hiệu “Thiền Tăng” và lấy hai chữ Không Lộ đặt tên cho chùa mà sư đang ở, vì sư có thể đi trên không được.


Sách “Lĩnh Nam chích quái” thì lại chép chùa Không Lộ ở làng Giao Thuỷ có nhà sư Minh Không.
“Thiền Uyển tập anh” chép thiền sư Minh Không họ Nguyễn huý là Chí Thành quê ở làng Đàm Xá, Thiền sư chữa khỏi bệnh cho vua, được vua phong làm quốc sư, cho lương ăn và trăm hộ để ban thưởng.


Tuy nhiên trong tình hình tư liệu hiện nay, hiểu biết về Không Lộ và Minh Không là một hay là hai, ai là người có công trong việc xây dựng chùa Thần  Quang xưa quả là điều khó khăn, cần phải khảo cứu nhiều tài liệu hơn để làm sáng tỏ vấn đề đó. Do vậy, những suy nghĩ của chúng tôi chỉ xin dừng ở mức độ giả thuyết công tác: có thể coi Dương Không Lộ là một mô típ độc đáo trong nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ nói chung và vùng Keo nói riêng. Không Lộ vốn là một nhân vật được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại, được lịch sử hoá để trở thành một ông Không Lộ – có yếu tố của một anh hùng văn hoá. Chúng ta thấy trong sự tích của nhân vật này có nét bắt nguồn từ truyện Thạch Sanh với niêu cơm đầy mãi không vơi.


Trải qua thời gian, người anh hùng văn hoá này đã được phóng đại lên, nở xoè ra trong cái bao la của những vùng biển cả đang được chinh phục và cả những vùng đầm lầy đang được khai phá. Những người dân ở nhiều nơi trong vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ này hiện vẫn còn chỉ ra những “dấu chân” của Không Lộ đi tát nước, đắp bờ, đặt đăng, đơm đó ở Khê Lộng, Bích Khê (Kiến Xương, Thái Bình). Thực ra, những “dấu chân” đó là những ao nước cứu hạn nằm rải rác trên khắp các ruộng mùa (không thấy ở ruộng chiêm). Những ao nước này vô cùng cần thiết với cư dân Việt quen sử dụng nước tại chỗ (nước mưa) cho nông nghiệp. Chúng được linh thiêng hoá trong sự bảo trợ của thần linh. Chi tiết này có gì đó liên hệ với việc nhà sư Khâu Đà La cho Man Nương hay một vị thần linh ngoài biển cho Chử Đồng Tử chiếc gậy để cắm xuống đất thì nước mới phụt lên để cứu dân chống hạn.


Xa hơn nữa, “dấu chân” của Không Lộ còn được biết ở phía Bắc Việt Trì, (Vĩnh Phúc) ở núi Dạm, Phả Lại (Hà Bắc). Ở chùa Am huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình hiện còn thờ một chiếc “vỏ trấu”, tương truyền lúc sinh thời Không Lộ thường qua lại đây để đi khai phá một vùng đất hoang trồng lúa. “Vỏ trấu” này là sự biểu tượng của sự ghi nhớ công ơn “người anh hùng” này. Ở cửa biển Thần Phù (Ninh Bình) còn lưu truyền một huyền thoại về Không Lộ dùng nón Tu lờ chở đồng đi giết quái vật mang lại sự bình yên cho biển cả và chùa Hàn còn thờ tượng Không Lộ.


Người anh hùng Không Lộ, không chỉ là sản phẩm của tín ngưỡng nông nghiệp và chài lưới của cư dân trồng lúa và đánh cá mà ông còn là tổ sư của những người thợ rèn xứ Kinh Bắc. Như ở vùng Đức Thắng (Hiệp Hoà, Bắc Giang) có tục lệ, hàng năm, những người thợ rèn tổ chức một “hội chợ” để bán sản phẩm của mình. Nghi thức mở đầu cho việc khai trương hội chợ hấp dẫn này là cuộc tế lễ ông tổ nghề là Không Lộ vô cùng long trọng. Không những vậy những người làm nghề đúc đồng ở Ngũ Xã, Mai Lâm (Hà Nội) giờ đây vẫn coi Không Lộ là ông tổ của nghề mình.


Khi Phật giáo vào Việt Nam, một lần nữa mô típ huyền thoại đó lại được chịu ảnh hưởng của lớp văn hoá Phật giáo, để người anh hùng Không Lộ trở thành thiền sư Không Lộ – một nhà sư có phép thuật luôn giúp dân, giúp nước. Như một dòng chảy bất tận, sự tích Không Lộ đã không ngừng tiếp nhận những dòng tư tưởng Thiền Tông pha lẫn Mật Tông, Thiền sư kiêm Pháp sư của mọi thời đại khác nhau.


Như vậy, từ sự tích của thiền sư Dương Không Lộ ta có thể thấy sự đan xen các lớp văn hoá, tín ngưỡng khiến chúng ta khó có thể nhận ra từng yếu tố, đâu là những mảnh vụn huyền thoại được thần thoại hoá, lịch sử hoá, tín ngưỡng thờ thần linh nông nghiệp, thần đánh cá, thờ Tổ nghề và lớp văn hoá Phật giáo để một nhân vật “vốn có lẽ không có thật” trở thành một thiền sư thuộc thế hệ thứ 9 của dòng thiền Vô Ngôn Thông với tiểu sử, hành trạng rõ ràng và được nhân dân tôn vinh trở thành một vị Thánh được thờ phụng ở nhiều nơi, có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng Thái Bình, Nam Định cho đến tận ngày nay.


Tài liệu tham khảo:


1- Đại Việt sử ký toàn thư, 1983, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội.


2- Bùi Duy Lan, Phạm Đức Duật (1985), Chùa Keo, Sở Văn hoá-Thông tin Thái Bình xuất bản.


3- Không Lộ thiền sư ký ngữ lục. Tài liệu chép tay lưu giữ tại chùa Keo (Thái Bình).


4- Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng (1974), Chùa Keo, Sở Văn hoá-Thông tin Thái Bình xuất bản.


5- Lê Manh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb TPHCM.


(*) Tra trong Đại Việt sử ký toàn thư, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thuộc đời Lý Thánh Tông (1055 – 1065) chứ không phải đời Lý Thần Tông.