Trang chủ Diễn đàn Vàng mã: Khói, lửa và ý nguyện hiến cúng trong tôn giáo

Vàng mã: Khói, lửa và ý nguyện hiến cúng trong tôn giáo

954

1. Đốt vàng mã không phải là nghi lễ Phật giáo, dù được một số chùa Phật giáo thực hiện.

Nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có chỉ đạo không đốt vàng mã. Phát biểu của quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa cho rằng phải có lộ trình, vừa cho rằng trụ trì chùa phải chịu trách nhiệm.

Tôi không ủng hộ việc đốt vàng mã, nhưng cũng không tán thành việc cấm đoán một cách cuỡng chế, bắt trụ trì chùa chịu trách nhiệm. Việc nào cấm thì ra cấm, vận động thì ra vận động.

Tháng Bảy Âm lịch, tín đồ Phật giáo đến chùa đốt vàng mã không phải là cúng Phật, mà là cúng ông bà tổ tiên của họ, cúng vong linh cô hồn chúng sinh, chỉ thực hiện nghi lễ tại chùa. Yêu cầu tín đồ Phật giáo đem vàng mã ra khỏi chùa là quyền của nhà chùa, có thể đến mức khách không chấp hành thì kêu… công an.

Nhưng làm như vậy là trái với đạo lý, truyền thống dân tộc. Và trong quan hệ, nhà chùa như thế đã tự loại trừ ảnh hưởng của mình.

Đạo Phật là đạo “làm việc gì cũng nghĩ đến hậu quả”. Hậu quả của việc đưa vàng mã đã đến chùa ra khỏi cửa chùa là vẽ con đường để khách lễ chùa đến lễ ở các cơ sở tín ngưỡng ngoài Phật giáo có đốt vàng mã và để họ tự đốt ở nhà với số lượng tùy thích.

Trong khi đó, nếu tôn trọng những hành vi tín nguỡng, tôn giáo của khách lễ chùa, vàng mã đã mang đến thì cứ để cho đốt, nhưng ra sức vận động họ trên cơ sở giáo lý nhân quả nghiệp báo của nhà Phật, vận động khách lễ chùa tự giác giảm bớt việc đốt vàng mã, tiến tới chỉ đốt tượng trưng, thì nhà chùa có cơ hội tác động tích cực lên khách lễ chùa theo chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Như thế, việc buộc thầy trụ trì chùa chịu trách nhiệm nếu có việc đốt vàng mã ở chùa là không hợp lý, không thỏa đáng. Vì việc đốt vàng mã là điều pháp luật không cấm, không bị buộc phải chấm dứt khi thực hiện và không bị buộc phải truy cứu trách nhiệm, nên việc buộc ai đó phải chịu trách nhiệm là không phù hợp với Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành.

Nếu không phù hợp với pháp luật, điều yêu cầu đó mặc nhiên vô hiệu.

2. Dĩ nhiên việc đốt vàng mã là tốn kém, lãng phí và đối với Phật giáo chính đạo, đó là vô ích. Nhưng cần phải xét việc đốt vàng mã trong tập tục nghi lễ tôn giáo.

Đầu tiên là yếu tố tạo KHÓI.

Khói giữ vai trò quan trọng trong nghi lễ tôn giáo. Khi cử hành nghi lễ tôn giáo, con người luôn tạo ra những phương tiện hỗ trợ để tiếp cận với thế giới siêu nhiên, tâm linh.
Thắp nhang là phương tiện tạo khói trong nghi lễ tôn giáo phương Đông. Phật giáo Bắc tông rất ưa chuộng phương thức này. Trong nghi lễ Phật giáo Bắc tông Việt Nam, có bài Tán lư hương, thấy khói là mây lành, “chư Phật ảnh hiện trung”. Điều đó không phải mê tín, ảo giác, tốn kém, lãng phí.

Trong nghi lễ Ca tô La Mã và Ky tô giáo Chính thống vẫn có những phương thức tạo khói.

Nếu cho rằng khói nhang làm ô nhiễm môi truờng, đốt nhang làm tiêu tốn tiền bạc, cần phải dẹp bỏ hay cưỡng chế cấm đoán, thì đã phá hủy một phương tiện tâm linh.

Đốt nhang cũng như đốt vàng mã, chư Phật, chư Bồ tát cũng như nguời đã khuất dĩ nhiên không hưởng thụ được gì. Nó chỉ phục vụ người thực hiện nghi lễ tôn giáo, tạo cho họ bối cảnh thiêng liêng, khác biệt với trần thế quen thuộc hàng ngày.

Đốt vàng mã là một dạng tạo khói tôn giáo. Ở đó, khói có cuộn tàn lửa bay lên theo những cơn trốt xoáy nhỏ có tác động vào tâm thức của người cúng lễ, không phải là việc nhảm nhí vô ích. Tôi có những trải nghiệm rất rõ về điều này cho dù là Phật tử Phật giáo Nguyên thủy Theravada.

Cho nên, nhà chùa chỉ nên dùng ảnh hưởng của mình để điều tiết việc đốt vàng mã, sao cho phí tổn thấp nhất mà vẫn có yếu tố tạo khói đặc trưng, cũng như hạn chế việc đốt nhang vậy.

Ngày trước, giữa chính điện, nhà chùa bày một lò hương trầm nghi ngút khói, ở bàn thờ khói nhang mù mịt. Bây giờ vẫn đốt nhang, từ một đến ba cây trên lư hương là phù hợp.
Cũng đốt như vậy đối với đốt vàng mã, không đốt nhà lầu, xe hơi, nàng hầu… mà đốt vài tờ tiền tượng trưng cho có khói là thích hợp, thay vì ban hành… thông tư!

3. Cũng cần lưu ý đến yếu tố TẠO LỬA trong nghi lễ tôn giáo. Đa số tôn giáo trong nghi lễ đều có lửa. Phật giáo đốt đèn cầy. Trong Thánh lễ Ca tô La Mã, người ta cũng thắp đèn cầy. Ngọn lửa cũng có tác dụng như khói nhang, tạo hiệu ứng tâm linh, thiêng liêng, bối cảnh khác thường.

Một số nghiên cứu về tôn giáo đã hết sức lưu ý vấn đề này. Có một số điểm hành lễ, trong những giờ phút nhất định, người ta tắt hết đèn điện để lửa phát huy tác dụng của lửa.

Nghi lễ đốt vàng mã ở Việt Nam cũng tạo một điểm nhấn tâm linh khi người hành lễ chú tâm vào việc đốt cúng. Thời gian ngọn lửa bùng lên và lung linh là thời khắc kết nối người sống người chết (cho dù tin có vong hay không).

Do đó, đốt vàng mã cũng như đốt đèn cầy trong nghi lễ ở các cơ sở thờ tự phương Đông không phải là điều vô ích, cho dù giữa ban ngày hay đèn điện sáng choang.

Hiện nay, trong nghi lễ tưởng niệm lãnh tụ, tưởng niệm liệt sĩ ở nước ta, đều có việc khai thác yếu tố tạo khói (lò hương trầm, thắp nhang) và đốt lửa (thắp nến).

Hoa đăng thắp nến trong nghi lễ Phật giáo những năm gần đây, hoa đăng thắp nến trong hoạt động tưởng niệm liệt sĩ… đều là việc sử dụng yếu tố lửa để tạo bối cảnh tâm linh. Ca tô La Mã cũng có hoạt động thắp nến cầu nguyện, số người bao nhiêu thì thắp bao nhiêu nến.

Các hoạt động phi tín ngưỡng tôn giáo nhưng cần khơi gợi xúc cảm tâm lý cũng sử dụng hình thức đốt lửa dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, nghi thức thắp đuốc ở các vận động hội thể thao, các cuộc mít tinh kích thích tinh thần dân tộc…

Lẽ ra, các nhà tu hành Phật giáo hơn ai hết phải ý thức về tác động tạo lửa trong nghi lễ bằng các hình thức. Đốt lửa bằng đèn cầy có khi đến cả chục ngàn ngọn nến, hay đốt lửa bằng vàng mã đều tốn kém (nghe nói nghi lễ thắp đuốc ở thế vận hội tiêu tốn nhiều triệu đô la).

Trách nhiệm của thầy trụ trì không phải là tắt lửa vàng mã, mà duy trì nó ở mức độ tối thiểu, để vừa phù hợp với giáo lý Phật giáo vừa đáp ứng nguyện vọng khách lễ chùa, vừa phù hợp với tập quán truyền thống, vừa phù hợp với đặc điểm chung của các nghi lễ tác động vào cảm xúc.

4. Đối với việc đốt vàng mã, chúng ta cần xét đến ở chiều kích hoạt động DÂNG HIẾN LỄ VẬT.

Tâm lý hiến dâng cúng tế bên các đấng bậc thiêng liêng, mà trong cúng vàng mã là tổ tiên ông bà thân thuộc quá vãng, là điều hiển nhiên.

Chúng ta đều biết, trong tín ngưỡng tôn giáo, người ta cúng lễ vật bằng cách sát sinh trâu bò, có khi giết hại kẻ thù, chôn sống hầu thiếp…

Có một số tôn giáo bác bỏ việc dâng cúng thực phẩm, nhưng ở Phật giáo thì vẫn hiến cúng nhiều loại…

Khó có việc người có tín ngưỡng tôn giáo từ bỏ việc hiến cúng, cho dù theo đạo Phật chân chính, thì cúng Phật bằng trái cây, bằng bông hoa thì Phật không thể thụ nhận, chỉ bày tỏ lòng thành.

Trong tâm lý hiến tế, cúng lễ vật đó, thì đốt vàng mã là một bộ phận. Nó cũng tốn kém như cúng hoa tươi để rồi vài ngày thành rác, hoa chỉ khác vàng mã là không phải đốt trong vài phút. Bây giờ, đạo Phật việc dâng cúng hoa tươi ngày càng tốn kém, có khi không thua đốt vàng mã.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu của tâm lý hiến cúng trong tín ngưỡng và sự tốn kém, thì cách hay nhất là điều tiết, có nghĩa là làm sao chỉ hiến cúng tượng trưng, vẫn hiến cúng nhưng phí tổn tối thiểu.

Đốt vàng mã có tốn kém nhưng không gây sát sinh như cúng gà quay, heo sữa quay… Do vậy, việc bài trừ nên có chừng mực, không đưa đến sự xung đột giữa… thông tư với tâm lý truyền thống và có tính chất tự nhiên, phổ biến, tất yếu; xung đột giữa thông tư với tập quán của số đông, với văn hóa nhiều đời.

Kinh Phật không có đốt vàng mã? Đúng! Nguời chết đã luân hồi, sao lại dùng tiền của các nhà in tiền vàng mã, thành ra xài tiền giả? Đúng!

Nhưng nếu bàn về yếu tố tạo khói, tạo lửa thỏa mãn tâm lý hiến cúng trong tín ngưỡng, với vài tờ giấy (tôi chỉ cúng tối đa mười ngàn đồng, ở những chỗ chịu bàn năm ngàn đồng thì tôi mua ở mức đó), thì có ai có ý kiến khác tôi?

Phật giáo là đạo dễ tạo môi trường chấp nhận, bao dung, thì liệu có hay khi yêu cầu tuân thủ thông tư có nội dung tạo xung đột với tập quán truyền thống?

MT