Trang chủ Văn học Vần thơ sinh tử của Vô Thị Thượng Nhân

Vần thơ sinh tử của Vô Thị Thượng Nhân

95

Có người cha vĩ đại cao minh là Trần Thái Tông và có người con thiên tài xuất chúng là Trần Nhân Tông, thế nên tên tuổi Trần Thánh Tông (tự là Vô Nhị Thượng Nhân) dường như khuất chìm. Hơn nữa, dù viết nhiều, ít nhất là năm tập sách, chẳng tác phẩm nào còn truyền lại, ngoài bảy bài thơ!

Nhưng thử chạm vào thơ ấy đi, thơ của Vô Nhị Thượng Nhân, ta sẽ gặp một cơn lốc. Ta bay hoặc rơi, lặng người hoặc ca hát, trầm tư bất động hoặc ngất ngây nhảy múa. Ta muốn làm trẻ thơ, muốn cởi trần, muốn vào hang trống nghe gió reo, đến đầm lạnh nhìn trăng sáng. Để rồi ta lại trở về, ngồi dưới chân nhà thơ lớn, lắng lòng để lắng nghe, để có thể nghe ra tiếng đàn không điệu của Vô Nhị Thượng Nhân.

Thử hình dung vào một ngày giữa năm Canh Dần 1920, Người đau nặng và trời nổi gió. Bên ngoài sấm rền, còn bên gối thì Người lấy ngón tay gõ nhịp như muốn ca hát mặc cơn đau xé từng hơi thở. Chính lúc ấy, trước phút lâm chung, Vô Nhị Thượng Nhân viết bài thơ tuyệt bút:

Sinh như trước sam,
Tử như thoát khố.
Tự cổ cập kim,
Cánh vô dị lộ.
(Sống như mặc áo,
Chết như cởi quần.
Xưa nay vô cùng,
Không đường nào khác).


Sống là gì? Có biết bao triết lý về đời sống. Để làm gì và chẳng để làm gì. Có lý và vô lý. Có nghĩa và vô nghĩa. Lạc quan và bi quan. Cam chịu và nổi loạn.

Nhưng Vô Nhị Thượng Nhân nói: Sống như mặc áo. Tại sao áo? Tại sao mặc áo?

Áo thì có đủ loại, đủ kiểu, đủ mùa, đủ màu sắc…

Bắt đầu là hình hài. Áo là hình hài, là da tóc, mặt mũi, tứ chi. Ta mang hình hài ấy và tiếng khóc mà vào đời. Cái áo đầu tiên của ta đấy.

Tiếng khóc cũng là cái áo mà ta mang ta mặc. Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra (Ôn Như Hầu). Và cái áo của tiếng khóc ấy đâu chỉ mặc một lần. Bao nhiêu lần, nhớ nổi không?

Và khi bắt đầu biết cười là có thêm một cái áo khác. Rồi tự nụ cười hồn nhiên đến những nụ cười sau này lại có vô số áo của nụ cười. Ta mang cái áo này đi khắp nơi, gặp đủ hạng người. Cái cười càng ngày càng lạ. Cười vậy mà không phải vậy. Có cái cười của tình yêu và có cái cười của thù hận. Có cái cười của sát nhân và có cái cười của cứu độ. Tất nhiên là không kể xiết: xu mị, lừa phỉnh, cay đắng, giả dại, xin xỏ, dụ hoặc… là áo cả thôi. Hãy hỏi xem nó che đậy cái gì?

Ta mang một cái tên. Danh tính. Đó cũng là áo. Hay nói như Tagore, cái tên là ngục tù: “Người tôi giam trong tên tôi đang khóc than, tên tôi là ngục tù ấy” (He whom I enclose with my name is weeping in this dungeon). Bởi vì cái áo của hư danh không cho thấy con người thực. Bản chất của áo bao giờ cũng là che đậy, kể cả khi nó muốn phô bày một cái gì đó. Phô bày cũng là một hình thức khác của che đậy.

Ta có một cái xe, một địa vị, một mảnh bằng, một tổ chức, một cơ nghiệp, một bảng hiệu, một cờ xí… Đó là áo và áo và áo. Chứ là gì khác?

Với Trần Thánh Tông, vua cũng là một cái áo. Nếu không thì người đâu cần nói: “Từ khi bé bỏng đã vào thiền” (Tự tòng quán giác nhập thiền lưu). Cái áo đó người không hề muốn giữ suốt đời.

Còn sống thì không thể nào thôi mặc áo.

Vì vậy, Vô Nhị Thượng Nhân mới bảo: Chết như cởi quần.

Cởi quần chỉ rõ trạng thái hoàn toàn trần truồng, cái hình hài nguyên sơ của mọi con người, cái hình hài sắp sửa trở về với vô hình, với hư vô.

Từ trần truồng trở về với trần truồng, như nhà thơ Issa nói trong một bài haiku:

Từ bồn tắm đến bồn tắm
Toàn thể chuyến đi dài
Chỉ thế mà thôi!


Trần truồng được tắm khi sinh và trần truồng được tắm khi chết. Chỉ là sự di chuyển giữa hai bồn tắm, hai tình trạng trần truồng. Chỉ thế mà thôi. Từ kẻ ăn mày rách rưới nhất đến những vĩ nhân, thánh hiền danh tiếng nhất cũng đều đi như vậy.

Từ xưa đến nay đều vậy. Xưa nay vô cùng. Từ Diogenes trần truồng sống trong một thùng rượu đến Đại đế Alexander tung áo bào phủ khắp thế gian. Dẫu muốn hay không, họ đều chết. Như đã giống hệt nhau lúc mới ra đời. Chỉ có di chuyển giữa hai lần đó là khác.

Thử tưởng tượng họ nói gì với nhau sau khi chết:

– Alexander: Đến bây giờ mà ông vẫn còn trần truồng ư?

– Diogenes: Phải. Đến bây giờ ông mới biết trần truồng ư? Thế áo bào của ông đâu rồi?

Áo bào đâu rồi? Và mọi loại quần áo đâu rồi sau khi chết?

Chết như cởi quần. Thoát khố. Một lời đơn giản tột cùng. Mà rành ràng như ta có thể nhìn thấy từng ngón tay mình. Một lời mà nhìn thấy xưa nay.

Không đường nào khác. Ta đi vào cuộc sống và mặc vào những cái áo. Như vậy, như vậy… Ta vĩnh biệt cuộc sống và trả lại mọi áo quần. Dù muốn hay không muốn.

Thế nên Vô Nhị Thượng Nhân nói: Không đường nào khác.

Chỉ có cách di chuyển của ta là khác nhau. Còn đường đi thì bao giờ cũng thế. Đường đi không có đúng sai. Chỉ người đi là khác.

Sau khi đọc xong bài thơ (hay bài kệ), Thượng Nhân hét lên:

Bát tự đả khai phân phó liễu
Cánh vô dư sự khả trình quân.
(Mở toang tám chữ mà trao,
Có đâu dư chuyện ngõ hầu trình anh).


Người đứng hầu bên Thượng Nhân lúc đó chính là Nhân Tông.

“Bát tự” có thể hiểu theo nhiều cách. Nếu ám chỉ “Tuyết Sơn Bát Tự” thì tám chữ đó là “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” (Sinh diệt nếu diệt rồi, thì tịch diệt là vui). Trong kinh Niết Bàn, Bồ tát Tuyết Sơn để nghe tám chữ đó phải hy sinh cho quỷ La Sát ăn thịt.

Nhưng trong văn cảnh này thì “Bát tự” là, hay có thể là tám chữ mở đầu bài thơ: “Sinh như trước sam, Tử như thoát khố” (Sống như mặc áo, Chết như cởi quần).

Dung nạp những cách hiểu này càng làm cho bài thơ Sinh Tử của Vô Nhị Thượng Nhân bao la hơn. Cái đón đợi của người đọc vì thế sâu xa hơn, niềm hân thưởng vì thế lớn hơn.

Đọc những vần thơ bay bổng của Thượng Nhân, hận rằng lịch sử đã để mất các tác phẩm khác của người: Di hậu lục, Cơ cầu lục, Thiền tông liễu ngộ ca, Phóng ngưu, Chỉ giá minh…

Những tiêu đề đó có phải chăng là “chiếc đàn không điệu” (bất điệu cầm) của Vô Nhị Thượng Nhân:

Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm
Nhàn môn vô sự khả quan tâm
Cá trung khúc phá vô nhân hội
Duy hữu tùng phong họa thử âm.
(Đàn không điệu gảy nguyên ngày


Cửa nhàn không chút mảy may bận lòng
Ai hay khúc điệu bên trong
Có chăng chỉ gió rừng thông họa đàn).


Đó cũng là thơ Thượng Nhân. Là thơ của “khúc điệu bên trong”, cái tâm thanh tịnh muôn đời cảm ứng với thiên nhiên ca hát.

Đó là thơ của một cái khảy tay nhưng đủ phá cả vạn trùng núi non:

Nhất đàn chỉ phá vạn trùng san
Giá cá công phu dã thị nhàn
(Khảy tay phá vạn trùng san
Công phu thế ấy vẫn nhàn làm sao!).


Đó là thơ của cực động và cực tĩnh:

Động như không cốc phong xao hưởng
Tĩnh nhược hàn đàm nguyệt mãn minh.
(Động như hang trống vang lừng gió
Tĩnh tựa đầm hoang chói rạng trăng).


Chạm vào những vần thơ trên của Thượng Nhân lại càng rung động hơn trước những lời tuyệt bút tráng lệ của người.

Sinh như trước sam
Tử như thóat khố…


Sống ư? Chết ư? Áo ư? Quần ư? Tuyệt!