Văn Quyến là cầu thủ xuất sắc 1 thời của bóng đá Việt Nam. Em đã từng là cậu bé vàng của bóng đá nước nhà. Tôi nhớ rằng mình đã rất mê khi xem những đường bóng của cậu bé xứ Nghệ và đã thầm mơ đến những đỉnh cao mới của Quyến cũng như của bóng đá Việt Nam.
Hiện nay tôi có xem Quyến đá và thấy phong độ xuống hẳn. Đúng là vô thường. Cái gì cũng có thời và mọi thứ phải đi đến kết thúc. Đức Phật dạy quả là không sai!
Trong bài viết về em tôi ấn tượng với comment của một bạn đọc khuyên Quyến nên học để trở thành MC bình luận bóng đá vì bây giờ em đá đã rất bình thường.
Cũng là một cách nghĩ khi biết về vô thường của đạo Phật!
Tôi suy nghĩ đến câu chuyện Quyến tâm sự về việc mẹ ép lấy 1 cô gái hơn em 5 tuổi. Mẹ Quyến thì yêu cô gái kia còn quyến thì không chấp nhận. Cô gái thì Quyến chưa gặp mà mẹ thì nhất định muốn Quyến cưới. Bên tình bên hiếu. Nếu ai đó tin vào số phận thì sẽ khuyên Quyến cưới ngay đi cho an phận. (Mà nếu câu chuyện xảy ra cách đây 100 năm thì chắc chắn 2 người đã nên vợ nên chồng rồi. Thời đó cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy mà).
Tuy nhiên xét theo luật nhân quả, nếu Quyến cưới cô gái mà mình không biết mặt, không yêu, để chiều mẹ thì “quả” sẽ gặt là sự bất hạnh. Tuy nhiên do Quyến đã đang đang gieo ”nhân” – quyết định từ chối không lấy cô gái kia nên gặt “quả” – 2 mẹ con mâu thuẫn. Và nếu không khéo tình mẹ con có thể còn xấu đi nữa.
Nếu tôi khuyên chắc sẽ muốn Quyến nhẹ nhàng khuyên nhủ mẹ, dùng tình cảm mẹ con ra thuyết phục, tránh những câu chuyện như “bạn gái con đưa con sang Singapore chữa bệnh” hay đưa 1 bạn gái về thăm mẹ dù đó là câu chuyện có thật hay không. Một ngày mẹ sẽ nghe ra. Tình yêu của mẹ dành cho con hầu như là thứ tình yêu duy nhất không đòi hỏi sự đáp trả!
Tôi nghĩ đến câu chuyện tháng 12 năm 2005, với những bê bối liên quan đến việc nhận tiền để làm thay đổi kết quả trận đấu gặp Myanmar của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games 23, để rồi cậu bé vàng Phạm Văn Quyến bị bắt và bị khởi tố. Mãi đến mấy năm sau, tức 2009, Liên đoàn bóng đá Việt Nam mới ra quyết định cho phép Văn Quyến thi đấu trở lại. Rõ ràng nếu chúng ta không suy nghĩ kỹ, không cẩn trọng với mỗi thân khẩu ý, với mỗi hành động của mình sẽ nhận những hậu quả đáng nhận. Trong não tôi đang vang lên lời dạy mà mỗi Phật tử chúng ta đều thuộc “Phàm làm việc gì hãy nghĩ đến hậu quả của nó”.
Tôi bị ấn tượng bởi hình ảnh cha Quyến mất mà không nhắm mắt được. Vuốt cũng không nhắm. Nhờ thầy cũng mắt vẫn mở. Nỗi oan khiên vẫn còn, những “nợ” trong cuộc đời vẫn chưa trả xong ai cũng vậy thôi: khó mà ra đi thanh thản lắm. Câu chuyện này như nhắc nhở chúng ta, tôi và các bạn cần sống tốt trong mỗi ngày, cần làm nhiều việc thiện có thể. Để khi qua đời ta có thể nhắm mắt và thanh thản ra đi.
Tôi nghĩ đến chi tiết khi em gái – con riêng của bố gọi điện xin Quyến tiền để chữa bệnh cho chị và Quyến đã cho. Nhưng tiền đó không phải là chữa bệnh mà là cưới chồng. Tôi lại nghĩ và biết ơn Đức Phật đã dạy chúng ta giữ giới thứ 4: Không nói dối. Vì nói dối (mà ở đây là sự nói dối không cần thiết, bởi nếu xin tiền cưới chị chắc chắn Quyến vẫn cho. Và nếu chỉ cần mời rồi Quyến về dự có thế nếu thấy hoàn cảnh khó khăn Quyền có thể còn mừng hơn hơn cả số tiền 5 triệu này!). Nói dối tưởng chỉ là nói dối nhưng thường gây những hậu quả nghiêm trọng. Ít nhất ở đây Quyến thấy họ “tệ quá”!
Tôi thấy thương và yêu Quyến nhiều lắm. Em đã biết lo cho người thân. Em đã đưa mẹ đến tận Kiên Giang thăm cha, đã đưa cha về quê để cha đươc mất tại nơi ông muốn. Em đã biết tha thứ cho cha và làm mọi cách để cha mẹ gần lại nhau hơn. Em đã lo từ đám tang của cha, của bà nội đến các công việc trong nhà. Em đã nghĩ đến việc thờ bà nội và cha mình, dù mẹ vẫn còn giận. Trong con mắt tôi Quyến đã lớn lên rất nhiều, đã nhận ra những sai lầm trong quá khứ, đã biết cần phải làm gì. Quyến cũng đã ấn hận về quá khứ và hiện đang tập trung toàn sức cho đá bóng, cho cống hiến. Quyến cũng nhận ra cái giả của sự kênh kiệu, kiêu căng để bây giờ em biết đến giản dị và khiêm nhường. Tôi mừng cho em nhiều lắm. Vì em đã thay đổi rất nhiều!
Không biết Văn Quyến có hay đi chùa, có đọc sách Phật giáo hay không. Không hiểu Quyến có phải là Phật tử hay. Nhưng những việc em đang làm chính là tu. Bởi tu là sửa thân và tâm của mình. Ai mà chẳng có lỗi lầm. Vấn đề là mình có nhận ra hay không. Có quyết tâm tu sửa hay không. Nếu mỗi chúng ta biết quan sát, biết rút kinh nghiệm, biết áp dụng triết lý của đạo Phật vào công việc và cuộc sống thì cuộc sống của chính mình và xã hội sẽ đẹp đến nhường nào.
Thứ 8 (Chủ nhật), ngày 09, tháng 10 năm 11
Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà
>>> Chúc mừng Nguyên Phúc – Phạm Văn Quyến tái xuất đội tuyển