Đế Thích:
Đế Thích còn được gọi là Đế Thích Thiên, nguyên gốc dịch từ Thích Ca (Chakra) Đề Hoàn (Deva), Nhân Đà La (Indra), là vị Thiên Vương cai quản cõi trời thứ hai (cõi Đạo Lị) ở trên núi Tu Di nằm trong Dục giới (1). Đế thích là sự phật hoá tên thần Indra của người Ariăng thời Rig Veda (thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên), được coi là thần Mưa, thần Sấm Sét. Thời bấy giờ, ở vùng Penjab (Ngũ Hà) miền Tây – Bắc Ấn Độ, người Ariăng cổ đại phải chịu nạn hạn hán kinh khủng giữa bầu trời nóng nực của những ngày tháng 4, 5, 6. Họ cầu thần Indra đem mưa đến cho cây cỏ tốt tươi, súc vật béo tốt, người người mát mẻ sướng vui. Indra là thần chủ của các thần trên thế giới, gắn liền với Gió-Mưa, Sấm sét-bão.
Trên thần điện Phật giáo ở các chùa Việt thường thấy Đế Thích được thể hiện ngồi trên ngai báu đôị mũ bình thiên, cùng với Phạm Thiên, làm hộ pháp thiên thần bên toà Cửu Long. Đó là phong cách và tư thế của một vị đế vương, dù là vua trời (Đế Thiên), song đã thần phục Phật (2). Có thể hiểu được chăng đây là sự biểu tượng hoá cái tâm ước của con người trần thế mong có được nước trời mưa xuống tắm cho ruộng đồng xanh mát, cho mùa màng tốt tươi (như người cổ đại Ariăng đã từng mong ước). Đế Thiên – Thần Mưa – Thần Sấm Sét – đã thuận thiên mệnh, theo tâm Phật mà sai phái 9 Thiên Long (rồng là biểu tượng của nước) xuống trần vừa hoan hỉ sự ra đời của một Đấng Thế tôn cứu nhân độ thế vừa đem mưa xuống cho trần gian. Và, hẳn là cũng có thể nghĩ, đó là tính phi vật thể được biểu tượng hoá trong bộ Cửu Long, bao gồm cả Đế Thích-Chín Long Vương-Thích Ca sơ sinh.
Trong một số chùa, Đế Thích còn được phò tá bởi Tứ Thiên Vương (ví như chùa Mía – Hà Tây) ở cõi trời Tứ Thiên Vương thiên là cõi trời thấp nhất (cõi 1) trong Dục giới. Ở Trung Quốc, Tứ Thiên Vương được gọi là Tứ Đại Kim cang (do ảnh hưởng của Phong Thần Diễn Nghĩa) với chức phận là phong, điều, vũ, thuận (3).
Vị Đế Thích này đã được Đạo giáo chuyển hoá thành Ngọc Hoàng Thượng Đế vào trong các Đạo quán hoặc chùa kết hợp với quán. Thường tọa trên ngai hay trên bục, một mình hoặc có Tứ Thiên Vương (Tứ trấn) phò tá(4).
Phạm Thiên:
Phạm Thiên cũng gọi là Đại Phạm Thiên Vương là vị Thiên vương chủ quản cõi trời Sơ Thiền thiên trong Sắc giới (5). Biểu hiện của Phạm Thiên là hoa sen. Ngài có khuyên đức Thích Ca đi truyền đạo cứu đời. Trong những dịp đưa và rước Phật Thích Ca một cách long trọng, như lúc Phật từ cảnh tiên Đạo Lỵ mà trở về cõi người, thì Phạm Thiên Vương và Đế Thích thường theo chầu Phật. Đế Thích cầm bạch phất đuổi ruồi cho Phật, Phạm Thiên Vương cầm bảo cái che cho Phật (theo Đoàn Trung Còn, sđd, mục từ Phạm Thiên Vương).
Phạm Thiên là biến thân của thần Brahma Ấn Độ giáo. Brahma trong thần thoại Ấn Độ là thần sáng tạo, chủ thể trong quan niệm Trimurti (Tam vị nhất thể) của Ấn Độ giáo (Brahma – Visnu – Siva). Brahma được quan niệm là linh hồn tuyệt đối, không chỉ tạo ra thế giới vật chất mà cả thế giới tinh thần, tâm linh, toàn bộ sự sống, kể cả loài người. Theo thần thoại Ấn Độ, từ trong miệng thần sinh ra đẳng cấp bà la môn (brahma: thầy cúng, tu sĩ), từ tay sinh ra đẳng cấp võ sĩ, vua chúa (Ksatriya), từ đùi sinh ra đẳng cấp bình dân (vaisya), từ bàn chân sinh ra nô lệ cùng đinh (sutra). Brahma được quan niệm là khí Dương chói lọi, bất diệt trong vạn vật (nước, lửa, đất), tự nó đối chiếu với nó, tự nó là mầm mống, là tiếng nói, là thể xác của vạn vật (6).
Trong thần điện Phật giáo Việt Nam Phạm Thiên, cùng với Đế Thích, làm thị giả bên cạnh Phật Thích Ca sơ sinh, đều được thể hiện ngồi trên ngai báu, Đế thích bên trái toà Cửu Long, Phạm Vương bên phải, mặc y phục hoàng đế đầu đội mũ bình thiên, tay thường có móng dài có khi cầm kính báu, phất trần hoặc quạt lông. Cũng có khi tượng Phạm Thiên được thờ riêng biệt, song vẫn ngự trên ngai báu, trang phục và mũ mão vẫn như ở tượng thị giả cạnh Phật (7).
Đại Phạm Thiên có lúc còn được thể hiện lấy thân làm “sàng” ngôi cho Phật, thỉnh Phật Thích Ca vì chúng sinh mà thuyết pháp, như có thể thấy ở chùa Hoè Nhai (Hà Nội) (8).
Từ những điều trình bày trên đây, có thể hiểu được chăng bộ ba tượng Thích Ca sơ sinh – Đế Thích – Phạm Thiên là biểu tượng của sự giao hoà Âm Dương trong một thể thống nhất, trong đó Đế Thích là biểu tượng của khí Âm (nước), Phạm Thiên biểu tượng khí Dương, Thích Ca sơ sinh là tác nhân của sự giao hoà, thể hiện vừa tính vô tướng, vừa tính Thực tướng (9).
Bộ ba kết hợp này mới xuất hiện phổ biến ở các chùa Việt từ thế kỷ 19, (trước đó chỉ có Cửu Long Thích Ca Sơ sinh), làm thành một đặc trưng đáng lưu ý trong chùa Việt từ thời kỳ này. Ở đây có thể thấy được một sự dung hợp tín ngưỡng của 3 tôn giáo cổ đại xuất xứ từ Ấn Độ: Indra của thời Rig Veda (người Ấn – Ariăng), Phạm Thiên thời Bà La môn giáo, Phật Thích Ca thời Phật đạo. Có thể chăng coi đó là một biểu hiện của hệ thống “Tam Thiên Đế” trong chùa Việt ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Và, còn hơn thế nữa, Indra còn hoá thân thành Ngọc Hoàng Thượng đế, một sản phẩm của Đạo – Phật giáo để làm thành một tập hợp khác: chùa – quán kết hợp.
Thần Indra là biểu tượng của niềm ước mong khao khát nóng bỏng của người Ariăng cổ đại cầu khẩn có nước trời đổ xuống cho trần thế, cho người cho súc vật. Họ ca tụng:
Indra là vua của mọi cái gì chuyển động và không chuyển động
Indra là chúa tể của Thiên lôi.
Thần ngự trị trên muôn loài sống.
Thần kết hợp tất cả lại như vành bánh quanh nan hoa.
(Rig Veda, xem Cao Huy Đỉnh, Sđd, tr 654).
Rồi đến lượt Brahma xuất hiện. Brahma là sự biểu tượng hoá của Linh hồn Tuyệt đối, cái Bất diệt, cái Toàn thể (Brahma). Đấng Brahma là tất cả những vị thần đó. Mọi thần đều như là “Tất cả những nan hoa hướng vào trục bánh xe” (là Brahma) (Upanishad, xem Cao Huy Đỉnh, sđd, tr 735).
Rồi khi Phật Thích Ca ra đời. Đạo Phật đã thâu nạp cả Đế Thích cả Phạm Thiên làm thị giả cho Thích Ca sơ sinh.
Quá trình “chưng cất” này đã diễn ra lâu đời ở Trung Quốc như có thể thấy trong hệ thống Tam giới nhà Phật (dục giới – sắc giới – vô sắc giới) hay trong hệ thống Thiên Long Bát bộ (Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn thát bà, Atula, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già – Deva, Makara, Yaksa, Gandharva, Asura, Garuda, Kinnara, Mahanaga), song có lẽ không đâu cô đọng hơn, tập trung hơn như ở bộ ba Thích Ca sơ sinh – Đế Thích – Phạm Thiên trong chùa Việt. Hẳn là do điều kiện lịch sử xã hội đặc thù của Việt Nam vào thế kỷ 19, khi nhà Nguyễn đã quy tụ được đất nước, dân chúng Việt Nam vào một mối. Phải chăng các vua nhà Nguyễn, qua bộ tam hợp này, muốn một mặt thể hiện quyền uy thế tục và siêu nhân của mình (Tam Thiên Đế) và mặt khác muốn thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của dân lành (cầu mưa, gọi mưa). Sự tình này, trong chừng mực nào đó, bắt gặp được nguyện ước của người dân làm ruộng (nước cho ruộng đồng) và ở một mặt nào đó, phù hợp với ý chí tự lực tự cường của người dân Việt vốn đã được thẩm thấu đậm đặc hơn bởi pháp Tứ Diệu Đế – Bát Chính Đạo, qua bao thế kỷ nay, khiến cho họ có thể tự mình giải thoát cho mình khỏi vòng Bắc thuộc, vươn lên đánh bại mọi quân xâm lược bằng chính sức lực tâm trí của mình để trở thành “duy ngã độc tôn” ở cõi trời này.
Có điều đáng lưu ý là tuy thần điện Phật giáo chùa Việt ở miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 18, 19 là phong phú nhất trong mọi thời kỳ, mà cũng là rối rắm nhất, song bộ tam hợp “Tam Thiên Đế” vẫn nổi lên như một đặc trưng đáng kể của thời kỳ này. Hiển nhiên còn những đặc trưng đáng kể khác, song ở đây cũng chỉ là một cách tiếp cận từng bước trên con đường tìm hiểu tính phi vật thể của một số tượng trong thần điện Phật giáo chùa Việt.
__________________
Chú thích:
1) Theo tư tưởng Phật giáo, thế gian gồm 3 giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Dục giới có cõi phàm và cõi trời. Cõi phàm là nơi sinh trú của các giống hữu tình (sentient beings): Súc sinh, ngạ quỷ, atula, người… còn chịu trầm luân, có nghĩa là còn bị chi phối bởi các dục tình như ăn uống, thức ngủ, trai gái, dâm dục… Trên đó là 6 cõi trời. Cõi thấp nhất (cõi 1) ở lưng chừng núi Tu Di là cõi của Tứ Thiên Vương; cõi thứ hai ở trên đỉnh núi Tu Di là cõi của Đế Thích Thiên.
2) Đức Đế Thích, vua cả trong Tam thập tam thiên, (cõi trời Đạo lỵ), từng hiện xuống cõi Nam Diêm phù đề hồi Phật Thích Ca ra đời, mà cúng dường, tán thán và ủng hộ Phật.
Diêm phù đề (Jambudvipa) là một châu trong 4 châu ở Địa cầu. Nó ở về phía nam núi Tu Di, cũng kêu là Thiệm bộ châu, tức là trái đất mà chúng ta ở mà cõi Thiên Trúc choán một phần rộng lớn. Tên Diêm phù đề có bởi cây Diêm phù (Jambud) vì ở cõi này cây linh kêu là Diêm phù, dưới bóng cây ấy thái tử Siddharta tham thiền nhằm khi người ta cày ruộng. Người ta cũng gọi Diêm phù đề là cõi Thiên Trúc (Ấn Độ). (xem Đoàn Trung Còn, Phật học tự điển, Q1.TP Hồ Chí Minh, 1992, Mục Đế Thích và Diêm phù đề).
3) Xem Nghiệp Lộ Hoa, Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết (bản dịch tiếng Việt của Lý Kim Tường), Nxb TP Hồ Chí Minh, 2001, tr.170 Tứ Thiên Vương vốn là thiên tướng trong Bà la môn giáo, sau được Phật giáo thâu nạp vào thần điện của mình, trấn giữ cõi trời Tứ Thiên vương thiên (cõi trời 1) trong Dục giới, có nhiệm vụ trừng ác và bảo vệ Đạo Tràng, thần mang giáp trụ đầu đội mũ kim khôi, cũng là thần hộ pháp bảo vệ chùa. Thống lĩnh phương Bắc là Đa Văn Thiên vương còn gọi là Tỳ Sa Môn Thiên vương (Vaisravana), thường một tay đỡ bảo tháp, một tay cầm lá cờ phật – pháp cuộn lại, là biến thân của thần Kuvera (thần phúc lộc) Ấn Độ giáo, cũng thường hay xuất hiện riêng biệt như có thể thấy ở chùa Tây Phương. Đây là thần quan trọng nhất trong Tứ Thiên vương. Thống lĩnh phương Đông là Trì Quốc Thiên vương (Dhritarashtra), đem lại an tĩnh cho chúng sinh; phương Nam (Diêm phù đề) là Tăng Trưởng Thiên vương (Virudhaka), thường một tay chống hông, một tay cầm chày kim cương hay cầm giáo chống cán xuống đất, làm nảy nở thiện căn trong chúng sinh; phương Tây là Quảng Mục Thiên vương (Virupasksha), thường có long thần (naga) quấn bên phải và cầm ngọc như ý (ma ni bảo châu).
Người Việt hay gọi Quảng Mục Thiên vương là Thiên lý Nhãn, Đa Văn Thiên vương là Thiên lý Nhĩ. Ở Trung Quốc, tục thờ Tứ Thiên vương xuất hiện từ thời Đường. Chùa Tứ Thiên vương ở Nhật Bản (Osaka, cuối thế kỷ 6) rất được dân chúng tôn kính.
4) Về Ngọc Hoàng Thượng đế, có ý kiến đồng nhất vị Thượng đế này với Phạm Thiên Vương là Brahma (Đoàn Trung Còn, sđd, mục từ Phạm Thiên Vương). Phan Ngọc Khuê phân biệt rạch ròi Ngọc Hoàng Thượng đế với Brahma (P.N. Khuê, Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội-2001, tr.92) và có thêm nhận xét là ở tranh Ngọc Hoàng Thượng đế có vẽ con “phầu” (rắn) để đón các vị thánh khi họ gặp nạn phải nhảy xuống nước, giống hình tượng con “lốt” trong tranh chư vị Thánh Mẫu của người Việt (sđd, tr. 114). Xin lưu ý Indra – thần Mưa, Sấm sét-là gắn với Long Vương (Rồng-rắn). Trần Lâm Biền cho rằng: “Indra cũng như đấng Hoàng quân giáo chủ mặc nhiên dần dần đồng nhất với nhau và được gọi tên chung là Ngọc Hoàng” (T.L.Biền, Chùa Việt, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội, 1996, tr.254).
5) Sắc giới là cõi trời trên Dục giới, gồm 18 cõi trời từ thấp lên cao: Sơ Thiền thiên (3 cõi), Nhị Thiền thiên (3 cõi), Tam Thiền thiên (3 cõi) Tứ Thiền thiên (9 cõi). Trong Sắc giới mọi sắc chất dơ bẩn xấu xa của Dục giới đã được gạt bỏ, song vẫn còn những sắc chất trong sạch do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tạo ra. Chúng sinh có thể tái sinh vào cõi này qua tu tập tứ thiền (sơ, nhị, tam, tứ thiền). Chứng được Sơ thiền thì có thể thác sinh lên từng trời Đại Phạm Thiên (cõi trời cao nhất trong Sơ Thiền thiên). Đại Phạm Thiên Vương là thiên chủ của Sơ Thiền thiền, làm chủ cả vạn vật trong thế giới.
6) Xem Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, trong Bộ ba tác phẩm nhận giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt một – năm 1996), Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội, 1998, trang 733, 734.
7) Ở Trung Quốc, tượng Đại Phạm Thiên riêng biệt thì có 4 mặt 4 tay hướng về 4 bên, 2 tay bên phải cầm hoa sen, chuỗi hạt, một tay bên trái cầm bình nước, một tay bắt ấn cát tường, ngồi phu tọa trên toà sen đặt trên xe có 7 (hoặc 5) con ngỗng kéo (xem Nghiệp Lộ Hoa, sđd, tr 155). Tượng “quỷ ba đầu” ở chùa Đại Mỗ, Hoài Đức, Hà Tây, không hiểu có thuộc loại tượng này không?
8) Trong Thiền Tông có câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu: có một lần Phật Thích Ca hội chứng đệ tử tại Linh Sơn. Đại Phạm Thiên bèn lấy hoa Ba La sắc vàng dâng Phật, lại lấy thân làm “sàng” ngồi, thỉnh Phật vì chúng sinh mà thuyết pháp. Khi Phật đăng toà, dùng tay cầm hoa sen đưa lên ngang vai. Mọi người không ai hiểu gì cả, chỉ có Đại Ca Diếp mỉm cười. Liền đó, Đại Ca Diếp đắc phật tâm ấn, truyền bá Bát Nhã Diệu Tâm, Chánh pháp Nhãn Tạng của Thực Tướng, Vô Tướng, trở thành sơ tổ của Thiền Phái Ấn Độ (xem nghiệp Lộ Hoa, Sđd, tr.154, 155).
9) Chuyện Phật có kể: khi Thích Ca mới ra đời, liền bước đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói: Thiên Thượng Thiên Hạ duy ngã độc tôn. Ở đây ngã có thể được hiểu là Đại Ngã, Thật Ngã, chân Ngã. Nó là Vô Tướng, không có tướng mạo, hình hài, không chấp cảnh, không chấp pháp nào, bởi vì chúng sinh chỉ là Tứ Đại giả hợp và các pháp chỉ là Nhân duyên giả hợp mà thôi. Nó là bình đẳng không phân biệt, lúc nào tâm ý cũng được an nhiên không xao động. Đó là cái Ngã Ba La mật của Phật, Bồ Tát. Cái Ngã Ba La Mật này mới là Thật Tướng. Cho nên Vô tướng tức là Thật tướng là Pháp thân, là Chân Như, là Như Lai, là Niết Bàn. Phật là biểu tượng vừa của Vô Tướng vừa của Thực Tướng. Cũng có thể hiểu cái Ngã trong lời nói trên của Thích Ca theo tinh thần lời thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật ở vườn Lộc Uyển về Tứ Thánh đế và Bát Chính đạo. Con người sinh ra trên thế gian đều chịu khổ, cả về thể chất và tinh thần. Nguồn gốc của sự khổ đó là sự ham muốn, ham muốn quyền lực, ham vui, ham sống. Muốn trừ sự khổ đó thì chỉ có tự mình giải thoát cho mình thôi. Chỉ có theo tám con đường chính (Bát chính đạo) mà Phật với tư cách là Người giác ngộ, bậc Đạo sư, đã vạch ra mới tự giải thoát được. Chữ Ngã ở đây có thể hiểu là cái Ta Giác Ngộ. Phật là thế. Và mọi chúng sinh nếu thấu hiểu được Tứ Diệu đế và thực hiện được Bát Chính đạo thì đều trở thành cái Ta Giác Ngộ, cái Ngã Vô Tướng – Thực Tướng, mới đáng là độc tôn giữa trời đất, trong mọi cõi trời.