Trang chủ Thời đại Truyền thông Văn hóa Phật giáo Việt qua lăng kính truyền hình

Văn hóa Phật giáo Việt qua lăng kính truyền hình

75

Đây cũng là kênh truyền hình duy nhất được Ban thường trực Hội đồng Trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (HĐTS GHPGVN) phối hợp xây dựng và phát triển nội dung, đồng thời cũng kênh truyền thông quan trọng của Giáo hội Phật giáo nhân dịp Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII diễn ra từ 21/11 – 24/11.

Là một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên số lượng các kênh truyền hình chuyên biệt về Phật giáo chưa nhiều. Chỉ một số ít tổ chức Phật giáo ở Đài Loan và Thái Lan có kênh truyền trình riêng như: Phật Quang Điện Thị Đài (Buddha Light TV), Kênh Đại Ái (Dai Ai TV), kênh BLTV (Beautiful Life TV) – Đài Loan,  Dhamma Media Channel (Thái Lan)… 

Do đó, với tăng ni, Phật tử Việt Nam, kênh An Viên ra đời có thể nói như một giấc mơ lành. Từ nay, cộng đồng những người yêu đạo Phật đã có riêng một kênh truyền thông về văn hóa với nhiều các nội dung về Phật giáo thỏa mãn việc tìm hiểu thông tin của riêng mình.

Kênh An Viên là kênh truyền hình chuyên biệt của AVG – Truyền hình An Viên phối hợp với Đài PTTH tỉnh Bình Dương liên kết sản xuất có nội dung đậm đà bản sắc dân tộc, với rất nhiều chương trình mang tính giáo dục cao bên cạnh những chương trình giải trí tổng hợp.

Trong buổi ra mắt Truyền hình An Viên, Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN từng nhấn mạnh: “Kênh An Viên là kênh truyền hình đầu tiên phát sóng nhiều chương trình có tư tưởng Phật giáo từ khi GHPGVN thành lập năm 1981 đến nay. Từ đây, việc truyền tải những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi cá nhân, của toàn xã hội phù hợp với giáo lý, tư tưởng của đạo Phật trên truyền hình sẽ được thực hiện tốt hơn”.

Đúng với ý nghĩa “An lạc thân tâm, viên thành sự nghiệp”, kênh An Viên là kênh truyền hình đem đến cho Phật tử những thông tin cô đọng, sinh động mà người xem qua đó sẽ thấy cuộc sống được vơi bớt đi những khó khăn, mệt mỏi hàng ngày.

Trong chương trình “Ngày An Viên” khán giả truyền hình có thể dõi theo các hoạt động Phật sự cũng như cập nhật các tin tức văn hóa, xã hội,… ở Việt Nam và trên thế giới. Các phim tài liệu chọn lọc về Phật giáo sẽ khai thông vốn kiến thức về lịch sử Phật giáo cho khán giả xem truyền hình.

Giới thiệu về văn hóa kiến trúc Phật giáo, phóng sự tài liệu “Chùa Việt Nam” chính là bản đồ du lịch tâm linh và khái quát lịch sử Phật giáo Việt Nam. Những nét kiến trúc riêng nhất độc đáo của những ngôi chùa trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ được khắc họa bằng những hình ảnh chân thực, nhưng vô cùng sống động. Hình ảnh các vị cao tăng, đại đức… gắn liền với từng ngôi chùa cũng được khắc họa gần gũi và giản dị nhất mực.

Ở khía cạnh truyền tải văn hóa ứng xử, “Đâu là đúng” sẽ giúp khán giả có cách cư xử đúng mực nơi tôn nghiêm. “Đâu là đúng” cũng là kho tàng giải đáp thắc mắc thông thường nhất của Phật tử khi tu tại gia, khi lễ lạt hay khi đến cửa chùa. Từ đó, người xem sẽ từ bỏ những suy nghĩ mê tín dị đoan, hướng đến lối sống lành mạnh, giản dị, tĩnh tâm hơn trong cuộc sống.

“Trọng tâm của Văn hóa Phật giáo Việt Nam chính là đạo đức” – GS Thái Kim Lan (Giảng viên Triết học và Phật học tại ĐH Ludwig – Maximilian, Munich, Đức) từng nói. Vì vậy, kênh An Viên cũng đã xây dựng các chương trình văn hóa đạo đức, các phóng sự tài liệu qua cái nhìn của Phật giáo như: “Sống Yêu Thương”, “Hiểu và thương”, “Vườn yên tĩnh”, “Xưa…nay”, “Yoga – Sự trải nghiệm”, “Camera giấu kín”…

Sau hơn một năm chính thức phát sóng, đến nay, kênh An Viên đã được đông đảo khán giả truyền hình nồng nhiệt đón nhận. Với những thông điệp nhân văn, ý nghĩa nhân bản độc đáo, kênh An Viên thực sự trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cộng đồng Phật tử trên khắp cả nước.

Kênh An Viên là một trong những kênh truyền hình chuyên biệt trên hệ thống Truyền hình An Viên, được phát sóng trên chuẩn hình ảnh SD và HD. Với mong muốn là một góc tĩnh lặng trong đời sống tinh thần của Phật tử, kênh An Viên đặc biệt không có quảng cáo. Để biết thêm thông tin về AVG – Truyền hình An Viên, Phật tử có thể truy cập website: www.anvien.tv, hoặc gọi đến số điện thoại hỗ trợ 19001900. Phật tử cũng có thể đến bưu điện gần nhất để được phục vụ đăng ký sử dụng dịch vụ của AVG – Truyền hình An Viên.