Đó chính là sự kế thừa văn hoá được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ kia. Và dù các luồng sống mới có xâm nhập, nhưng khi đến nơi linh thiêng, người ta đều phải tôn kính.
Xưa kia, chỉ có các bà, các mẹ, các chị em gái mới đến lễ chùa, đàn ông không mấy khi đến nơi này. Nhưng ngày nay, nơi cửa thiền đón tiếp đủ loại nam thanh nữ tú, không chỉ đến lễ Phật mà còn để cầu xin. Người xin học hành đỗ đạt, người cầu danh vọng, tiền bạc…, bởi thế, nơi chùa chiền không còn vẻ tĩnh lặng, an nghiêm như trước đây.
Còn nhớ hồi xưa, khi bà tôi đi chùa, bao giờ bà cũng mặc áo dài, thân thể và tinh thần sạch sẽ. Thói quen đó bây giờ còn rất ít người giữ. Một thời gian, các sư, vãi ở chùa “thất kinh” khi người ta đến lễ chùa mặc cả quần soóc, váy ngắn, thậm chí cả quần áo ngủ. Hương đốt tràn lan từng bó lớn, cắm trong các bát hương chưa hết, họ cắm cả vào những gốc cây, lỗ gạch.
Vàng mã thì đốt vô tội vạ. Nhiều người đi mua đồ lễ, nghe theo lời người bán hàng đã mua thật nhiều vàng mã “để cho đủ các ban”, đến khi hoá vàng, vì nhiều quá nên cứ vứt đại vào đống lửa, chẳng cần biết nó cháy như thế nào, có hết không, có bay tứ tung đi đâu không… Đốt để cho xong việc rồi về.
Nhiều vị sư trụ trì đã than vãn về tình trạng này, nó không những làm mất đi sự tôn nghiêm cần có và vốn có, mà còn là sự báng bổ, lãng phí không cần thiết. Nhắc nhở từng người có lẽ không tiện, mà cũng không có ai đủ sức đi nhắc từng người đến lễ chùa, để khắc phục tình trạng này, nhiều nơi thờ tự đã treo biển: “Không mặc quần áo ngắn, đồ ngủ khi đến lễ chùa” và “Mỗi người khi vào lễ chỉ thắp một nén hương”. Cùng với biển báo, mỗi nơi đều cử vài người ngồi ngay cửa ra vào để nhắc nhở những ai vi phạm.
Ban đầu không phải ai cũng để ý và thực hiện theo những lời nhắc này, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, người dân – đặc biệt là giới trẻ – cũng đã dần có ý thức hơn. Họ đã dần hiểu rằng, nơi chùa chiền không phải là chốn trưng diện, không phải là nơi để phô bày mốt nọ mốt kia. Trước những sự nhắc nhở của người lớn, đặc biệt của các cụ già khi đi chùa, ý thức của giới trẻ khi đến những nơi thờ tự, tôn nghiêm cũng đã tốt hơn rất nhiều.
Mặc dù tình trạng chen lấn, xô đẩy để đặt lễ, thắp hương, nhất là vào những ngày rằm, mùng một vẫn còn, nhưng hiếm khi có xô xát dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, bởi người ta hiểu rằng, đây không phải là nơi để chành choẹ nhau từng chỗ đứng, chỗ ngồi. Đến chùa, người ta không chỉ tìm đến với niềm tin của tâm linh, mà còn là nơi để mỗi người tự nhìn lại mình để sống tốt hơn cho bản thân và cho những người xung quanh.