Trang chủ Quốc tế Vấn đề Tây Tạng: Trở ngại để chính quyền Trung Quốc ủng...

Vấn đề Tây Tạng: Trở ngại để chính quyền Trung Quốc ủng hộ Phật giáo?

58

 

Chúng ta đều biết Phật giáo đã có một vai trò đặc biệt  ở Trung Quốc. Phật giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng trong văn hóa Trung Quốc.
 
Đầu thế kỷ XX, nhà Thanh vẫn là một triều đình theo đạo Phật. Phật giáo Lạt ma đã có ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh của hoàng gia và triều đình. Lúc này, Phật giáo Trung Quốc đang suy thoái và rơi vào tình trạng thần bí.
 
Trong những năm Dân Quốc, Phật giáo Trung Quốc có phong trào Chấn hưng do Thái Hư Đại sư khởi xướng.
 
Những kết quả bước đầu là khả quan, nhưng sự  hưng thịnh của Phật giáo Trung Quốc vẫn chưa được khôi phục.
 
Đại Cách mạng Văn hóa khởi đầu vào năm 1966 và tiến hành trong 10 năm đã gây những thiệt hại nặng nề cho Phật giáo Trung Quốc.
 
Phật giáo Trung Quốc đã từ chỗ gần như suy kiệt, đã hồi phục dần dần vào những năm 1980, 1990, với những vận động từ tự thân Phật giáo Trung Quốc là chính. Chính phủ Trung Quốc chỉ quan tâm  đến vấn đề khôi phục và phát triển kinh tế, sau tàn phá của 10 năm “động loạn”.
 
Nhưng từ  năm 1989, sau sự kiện Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn  đề tư tưởng.
 
Cụm từ  “diễn biến hòa bình” xuất phát đầu tiên từ  các nhà lý luận trong giới cầm quyền Trung Quốc, được nhắc đến nhiều từ năm 1989.
 
Tất nhiên, đối với chính quyền Trung Quốc “diễn biến hòa bình” là đến từ phương Tây, lợi dụng các chính sách cải cách, mở cửa, bốn hiện đại hóa của Trung Quốc.
 
Lãnh vực trọng tâm diễn biến hòa bình là ở hình thái ý thức, trong đó, tôn giáo là một. Sự du nhập và phát triển đạo Tin Lành ở Trung Quốc, đương nhiên, làm chính quyền Trung Quốc lo ngại.
 
Tin Lành vào Trung Quốc từ các người truyền đạo phương Tây với nhiều vỏ bọc, từ các du học sinh về từ Mỹ mà trước đó đã bị truyền đạo. Các hoạt động Tin Lành ở tư gia bùng phát ở Trung Quốc.
 
Đương nhiên, những người lãnh đạo Trung Quốc càng lo ngại đạo Tin Lành càng phát triển thì vấn đề về công tác tư tưởng ngày càng trở nên nặng nề. Giới cầm quyền Trung Quốc cũng hiểu hệ quả Tin Lành hóa là như thế nào!
 
Một trong những phương thức đối phó là trở về với những tôn giáo bản địa Trung Quốc.
 
Trung Quốc trước đây được coi là một quốc gia Tam giáo: Nho – Phật – Đạo. Nhưng trong đó, chỉ có Phật và Đạo là hai tôn giáo thật sự, mang nặng màu sắc tâm linh.
 
Sự quay về với các giá trị Nho giáo truyền thống được bộc lộ rõ qua các chủ đề thể hiện của lễ khai mạc Thế Vận hội Bắc Kinh 2008. Các viện văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài được đồng nhất với viện Khổng học.
 
Tuy nhiên, Khổng giáo không thể là một thành lũy tâm linh. Đức Khổng Tử là một vị thầy, “Vạn thế sư biểu”, một nhà tư tưởng, không phải một giáo chủ. Đức Khổng tử chỉ để cho người đời sau kính ngưỡng, thờ phụng bày tỏ lòng biết ơn, khuyến khích việc học hành. Ông không phải là đối tượng cầu nguyện, là nơi nương tựa phần hồn.
 
Tất yếu, về tôn giáo, để khuyến khích  những yếu tố bản địa truyền thống, chỉ còn Phật và Đạo.
 
Đây là chỗ chúng ta quan sát và ghi nhận.
 
Nhu cầu tâm linh là một nhu cầu khách quan và tất yếu của một bộ phận đông đảo của nhân dân Trung Quốc.
 
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên đường cải cách, mở  cửa cần tôn giáo của mình, để trước hết là đối phó với những vấn đề đã nói ở trên.
 
Hiện nay, hầu như không còn vấn đề tự do tôn giáo nói chung đối với Phật giáo và Lão giáo tại Trung Quốc, mà chỉ còn vấn đề mong muốn từ nhà cầm quyền Trung Quốc, rằng tôn giáo nào sẽ phát triển tại Trung Quốc.
 
Việc xác  định các tôn giáo bình đẳng trên luật pháp là một việc, nhưng mong muốn lợi ích có được từ việc một tôn giáo nào đó phát triển lại là một nhu cầu khác. Và luật pháp một số nước công khai bày tỏ việc này (như luật pháp Liên Bang Nga công khai hậu thuẫn chỉ 4 tôn giáo là Chính thống giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Do Thái giáo).
 
Ở Trung Quốc có sự lựa chọn giữa Phật giáo và Đạo giáo hay không?
 
Trên các kênh truyền hình Trung Quốc Trung Ương CCTV, các kênh truyền hình địa phương, kênh liên doanh như Phượng Hoàng Vệ thị và cả kênh nước ngoài như Supreme Master TV, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy hình ảnh của sự phục hồi Lão giáo tại Trung Quốc. Hình ảnh những đạo sĩ mặc áo bát quái, tay cầm phất trần không còn là một điều mới trong những show TV về sinh hoạt tín ngưỡng tại Trung Quốc.
 
Nhưng Lão giáo, với giáo lý nông cạn và sơ sài, với những mong cầu vô vọng trường sinh, tiên đơn của họ, liệu có đáp ứng nhu cầu thành lũy tôn giáo của Trung Quốc?
 
Lão giáo tuy là tôn giáo 100% Trung Quốc, nhưng nó vốn không mạnh, thiếu sức thu hút và đặc biệt là tư  tưởng hoàn toàn xuất thế nó.
 
Tu Phật thì  có thể làm chuyện xã hội, bố thí, từ  thiện…, còn tu tiên thì chỉ lánh đời, hưởng nhàn…
 
Như vậy, đương nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc phải hướng về Phật giáo.
 
Nhưng tại sao Phật giáo Trung Quốc lại chưa có được một vị  trí xứng đáng theo nhu cầu khách quan như trên?
 
Qua các phương tiện truyền thông nội địa Trung Quốc, cụ thể là truyền hình, chúng tôi thiên về suy nghĩ, rằng phải chăng yếu tố Tây Tạng là một trở ngại?
 
Trên các kênh truyền hình ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc, dường như sự hiện diện của Phật giáo có phần vượt trội hơn.
 
Trên kênh truyền hình phát cho kiều dân Trung Quốc ở nước ngoài CCTV-4, Phật giáo cũng xuất hiện nhiều hơn.
 
Phật giáo Lạt ma, tông phái Phật giáo giữ vai trò quan trọng khu vực Bắc Trung Quốc, thì dường như, có sự hiện diện rất giới hạn trên các phương tiện truyền thông.
 
Như vậy, phải chăng đối với chính Phật giáo Trung Quốc, nhà  nước Trung Quốc cũng có sự cân nhắc? Phải chăng, có sự dè dặt đối với Phật giáo Lạt ma và hậu thuẫn có phần hơn đối với Phật giáo phía Nam Trung Quốc (mà chúng tôi xin tạm gọi là “Phật giáo Hán hóa”)?
 
Và phải chăng, sự dè dặt đối với Phật giáo Lạc ma ở phía Bắc, nếu có là do vấn đề Phật giáo Tây Tạng và ảnh hưởng của đức Dalai Lama?
 
Chúng tôi nghĩ là chư vị tăng sinh đang du học  ở Trung Quốc sẽ có những cảm nhận chính xác hơn, đầy đủ hơn.
 
Nhưng dù  sao, vẫn có thể thấy một cái gì đó trong việc xác định vai trò Phật giáo Trung Quốc từ  phía chính quyền Trung Quốc.
 
Phật giáo Trung Quốc là một phức hợp và tương đối đẳng lập (khác với Phật giáo Việt Nam, tuy nhiều tông phái nhưng không đẳng lập, nhưng Phật giáo Đại thừa Bắc tông vẫn giữ vị trí chủ yếu, đa số), và sự phân phái Phật giáo Trung Quốc phần nào lại gắn với phân giới dân tộc.
 
Phật giáo phía Nam là Phật giáo dân tộc Hán, mà chúng tôi gọi là Phật giáo Hán hóa. Còn Phật giáo phía Bắc, Phật giáo Lạc ma, là Phật giáo của các dân tộc Mông, Mãn, Tạng.
 
Nhưng, thế  thì, tại sao, nhà cầm quyền Trung Quốc lại không triệt  để ủng hộ Phật giáo Hán hóa, tức Phật giáo phía Nam Trung Quốc?
 
Ở đây, có lẽ có yếu tố Phật giáo Đài Loan trong hoạt động chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong một bài sau.

MT