Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Vấn đề Phật tử “mừng”… Noel

Vấn đề Phật tử “mừng”… Noel

162

Chân thành cảm ơn quý bạn đọc Phật tử đã gợi ý cho chúng tôi đề tài này.

Đề cập đến việc này rất cần, vì trong thực tế, cứ đến cuối năm, một số Phật tử thuần thành tỏ ra lúng túng trước không khí Noel bao quanh, ở nơi làm việc, trường học, và ở cả… nhà riêng.

Nên nhìn nhận, ứng xử trước việc này như thế nào? Ý kiến của một đạo hữu cho rằng phải thận trọng.

Đồng ý là phải thận trọng trước việc có thể tham gia, dù gián tiếp vào một ngày lễ tôn giáo không phải của tôn giáo mình. Nhưng, cụ thể “thận trọng” là phải làm thế nào?

Dưới đây, chúng ta cùng nhau thảo luận vấn đề này.

Tinh thần cơ bản của đạo Phật là từ bi, hỷ xả. Do vậy, Phật tử chúng ta, trước hết không nên có thái độ đố kỵ, tiêu cực đối với những sinh hoạt đón chào Noel đang diễn ra chung quanh.

Trái lại, cái nhìn hoan hỷ, chia sẻ, chúc mừng không phải là chuyện thừa.

Riêng tôi, tôi nghĩ Jesus vẫn là một nhân vật lớn của nhân loại.

Phật tử, tất nhiên, không đứng ra chủ động tổ chức các hình thức hoạt động chào đón Noel. Nhưng nếu có bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, người trong gia đình có tổ chức mừng Noel đi nữa, dù dưới hình thức nào (trừ hoạt động cải đạo), thì việc tỏ ra hoan hỷ, hòa đồng, không phản đối, lạnh nhạt, khó chịu… là thái độ cư xử cần có ở người Phật tử.

Tuy nhiên, cần phân biệt một Noel có tính xã hội và một Noel có tính tôn giáo.

Càng hòa nhập với thế giới, nhất là càng tiếp cận với phương Tây, thì việc có xuất hiện nhiều hơn những hình ảnh ông già Noel, những hoa tuyết, cây thông… trong dịp cuối năm cũng là điều chúng ta phải chấp nhận.

Có thể nhiều người phương Tây không còn giữ đạo Chúa, nhưng ông già Noel, cây thông… vẫn là thứ không thể thiếu được khi bước vào những ngày tháng cuối năm.

Chính thống giáo Nga, tuy là Cơ đốc giáo, nhưng có một ngày Giáng sinh khác với Thiên Chúa và Tin Lành. Ngày Noel cuối năm đối với số đông người Nga theo Chính thống giáo trở thành một lễ hội xã hội. Họ không thừa nhận, nhưng cũng vui để mà… vui, vậy thôi.

Thiết tưởng, như thế vẫn là phù hợp với Phật tử trong xu thế cởi mở, thân hữu.

Còn lễ Noel tôn giáo thì như thế nào? Cũng dễ dàng hình dung. Nó không chỉ là vòng hoa trang trí, là đèn nến chớp tắt, là cây thông, quà tặng, là gặp gỡ bạn bè, ăn nhậu nửa đêm, mà có một nội dung chuyển tải, nhằm một mục đích tôn giáo, và mức độ cực đoan hơn hết, là cải đạo.

Tôi chia sẻ với bạn đọc sự thận trọng, chính là ở chỗ này, cái ranh giới khá nhập nhòe, khó nhận biết giữa Noel xã hội và Noel tôn giáo.

Nhất là khi cái Noel tôn giáo lại lợi dụng cái Noel xã hội vào việc cải đạo.

Ở đây, chúng tôi muốn giúp người Phật tử sự thận trọng cần thiết đó. Trong “Cơ đốc giáo”, là cụm từ gọi chung nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó, các tôn giáo thuộc nhóm này có mặt tại Việt Nam đều cử hành Lễ Thiên chúa Giáng sinh vào ngày 25/12 (Chính Thống giáo không có mặt tại Việt Nam).

Trong những tôn giáo nói trên, có tôn giáo đặt trọng tâm Lễ Giáng sinh 25/12 như lễ thuần túy tôn giáo, chủ yếu dành cho tín đồ nội bộ.

Nhưng cũng có tôn giáo thuộc Cơ đốc giáo tại Việt Nam coi Noel là cơ hội cải đạo. Họ ưu tiên hàng đầu đến việc cải đạo tín đồ Phật giáo hơn là lễ dành cho tín đồ.

Vì Noel là cơ hội, mà khi đó, xã hội đi vào quỹ đạo tiệm cận với Cơ đốc giáo hơn bao giờ hết.

Và đây là cơ hội của họ.

Nếu phân biệt về mặt từ ngữ, thì chúng ta có thể nhận biết hai từ vẫn được thường xuyên được dùng, là “Thánh lễ” và “truyền giảng”. Hoạt động cải đạo nằm ở “truyền giảng”. Chúng ta chú ý đến thành tố “truyền” trong từ nói trên.

Thông thường “truyền giảng” được tổ chức trước ngày 25/12 và vào buổi tối (lúc dễ mời khách), trong khi những hoạt động dành cho tín đồ cũ thì diễn ra vào buổi sáng, thường vào ngày 25/12 khi Noel đã đi ra khỏi cận điểm với xã hội.

Đêm truyền giảng, trong bối cảnh cận điểm như đã nói những kỹ thuật tinh vi phục vụ cho mục tiêu cải đạo được sử dụng.

Tâm điểm thận trọng của người Phật tử muốn gìn giữ đạo tâm nơi con em mình nằm ở chỗ này.

Kỹ thuật cải đạo có thể trước hết là những món quà tinh thần, tượng trưng, kèm thiệp mời in ấn rất sang trọng, bắt mắt, mời đến dự, chưa hẳn được gọi là “truyền giảng”, mà là “thánh nhạc”, hay mềm hơn nữa: “ca nhạc mừng giáng sinh”.

Một tín đồ, mà người nào đều có nhiệm vụ cải đạo tín đồ Phật giáo, có thể phát đến hàng ngàn thư mời.

Những năm 1980, khi sinh hoạt tôn giáo chưa cởi mở như bây giờ, thì cả lớp tôi ở đại học đều nhận được thư mời, khi đó chưa in 4 màu trên giấy cứng láng, mà in roneo, tuy thế rất mỹ thuật. Thư mời được phát khéo đến cả những cán bộ giảng dạy.

Chỉ 1/100 thư mời phát ra đó có người đến dự là đã thành công.

Nội dung buổi truyền giảng đều tương tự như những gì được miêu tả trong bài Mối lo hiểm họa cải đạo thường trực của tác giả Nguyễn Bá Duy.

Lời mời những ai muốn được hưởng sự “cứu rỗi”, “ơn phước” rất ngọt ngào được đưa ra tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên. Có những người mau mắn đứng dậy trước, có thể là “mồi”. Những người ngập ngừng được bạn bè, người phát giấy mời hối thúc. Được thụ hưởng, chứ có mất mát gì đâu. Thế là đã có danh sách trọng điểm cải đạo mới. Những việc vừa kể đã được nhắc đến trên Phattuvietnam.net, vì vậy, xin chỉ nói qua.

Điểm cần nhấn mạnh là, trong tinh thần thận trọng như bạn đọc đã lưu ý, người Phật tử thuần thành không nên cho con em mình tiếp xúc với những hoạt động cải đạo nhân mùa Noel như vậy.

Nếu các em, các cháu muốn tổ chức tiệc Giáng sinh nửa đêm tại nhà, chúng ta có thể thông cảm cho chúng vui chơi như một lễ hội xã hội.

Nếu các em, các cháu muốn đi du lịch trong những tour nói là “mừng Giáng sinh”, đến Đà Lạt, Nha Trang…, thì chúng ta cũng không nên cản trở chúng vui Noel với bạn bè như thế.

Nhưng nếu chúng khoe một món quà kèm thiệp mời ca nhạc nào đó, thì sự thận trọng, như quý bạn đọc đã nói, là hết sức cần thiết.

Chúng ta, người Phật tử, nên hoan hỷ với Noel, và “vui” Noel theo cách chủ động của chúng ta, đồng thời cũng hết sức thận trọng trong thời gian “cận điểm” cải đạo này.