Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Vấn đề Hướng dẫn Phật tử ở Lạng Sơn

Vấn đề Hướng dẫn Phật tử ở Lạng Sơn

62

Đặc điểm, thực trạng

Lạng Sơn nói riêng, các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta nói chung đi lại cách trở, phương tiện thông tin nghe nhìn còn ít, có những vùng cách trung tâm tỉnh từ 60 – 100 km, có những nơi phải đi bộ hàng km mới tới được nhà các Phật tử.

Cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi “điện, đường, trường, trạm” nơi đây còn rất khó khăn dẫn đến tình trạng có những người đã quy y Tam Bảo nhưng lại bỏ không tham gia thường xuyên được vì nhà quá xa chùa.

Dân cư Lạng Sơn đa dân tộc, đa tín ngưỡng văn hóa và mặt bằng dân trí thấp (một tỉnh miền núi trung bình có từ 5-7 dân tộc cùng sinh sống). Lạng Sơn có dân số khoảng 755.000 người (năm 2006), có 7 dân tộc anh em, trong đó người Nùng 43%, Tày 36%, Kinh 17%, còn lại là các dân tộc Dao, Hoa, Săn Chay, H’Mông…

Tập quán canh tác, tập quán sinh hoạt của mỗi dân tộc có khác nhau, có những nơi đám ma để 5 – 7 ngày, một người chết cả làng làm ma, đời sống tâm linh của người dân nghiêng về tín ngưỡng của địa phương hơn là tôn giáo. Bên cạnh đó còn rất nhiều các hủ tục lạc hậu, các mê tín dị đoan.

Ngôn ngữ giao tiếp cũng là một trong những khó khăn cho các quý Thầy làm công tác hướng dẫn Phật tử (HDPT) nơi đây. Việc giao tiếp là vô cùng khó khăn bởi đa số giảng sư hay những người làm công tác HDPT các nơi này đều là người Kinh, không biết tiếng dân tộc hoặc biết rất ít.

Các tài liệu Phật giáo dành riêng cho đồng bào dân tộc như kinh, sách, băng đĩa giảng đều không có.

Kinh tế thuần nông, phụ thuộc vào thời tiết, chỉ cấy được một vụ vào mùa mưa còn lại các vụ khác không thể canh tác được; thời tiết thì vô cùng khắc nghiệt mùa đông có những nơi giảm xuống dưới 00c, rất khó khăn cho việc đi lại sinh hoạt, học tập của các Phật tử, hoặc có sinh hoạt nhưng không thường xuyên, mang tính mùa vụ.

Sự thiếu nhân sự Phật giáo trầm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác HDPT những nơi vùng núi. GHPGVN những năm qua đã và đang chuyển mình cùng đất nước đi vào hội  nhập phát triển, số lượng Tăng Ni ngày càng đông, các trường đào tạo, các cơ sở thờ tự được xây dựng ngày càng nhiều, khang trang hơn, to đẹp hơn…

Nhưng Phật giáo các tỉnh miền núi thì vẫn “còn nguyên” khó khăn, thiếu nhân sự trầm trọng. Điển hình  như Lạng Sơn chỉ có 2 vị sư, Cao Bằng 1 vị… Trong khi đó, tại các thành phố lớn có tới hàng nghìn Tăng Ni.

Tình trạng tại các tỉnh miền núi, một người phải kiêm nhiều nhiều chức vụ, nhiều việc là không tránh khỏi, không thể tập trung cho Phật sự, hiệu quả Phật sự không cao.

Các Ban HDPT của các tỉnh thành phía Bắc nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng còn quá non trẻ, thiếu kinh nghiêm thực tiễn, thiếu nhân sự, thiếu sự nhiệt tình, có những tỉnh còn chưa có, hoặc có chỉ mang tính hình thức. Các khoá bồi dưỡng chính thức về công tác HDPT cho các tỉnh thành phía Bắc hiện rất ít.

Sự nhận thức và trình độ chuyên môn của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền nói chung và các vị làm công tác tôn giáo nói riêng tại các tỉnh miền núi còn hạn chế dẫn đến công tác HDPT cũng như việc Hoằng pháp  tại các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc là còn rất khó khăn.

Việc sinh hoạt của các Phật tử, bà con tín đồ còn bị gây cản trở, cho là mê tín dị đoan. Các cơ sở của Giáo hội tại các huyện, thị trấn còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của các Phật tử tại địa phương.

Đề xuất ý kiến

Công tác HDPT nói chung và tại các vùng núi nói riêng cần được sự phối hợp chặt chẽ và quan tâm hơn nữa của các ban khác thuộc Giáo hội như Ban Hoằng Pháp, Ban Từ thiện – xã hội, Ban Văn hoá… để việc HDPT không chỉ mang tính hình thức mà đi sâu đi sát vào đời sống của tín đồ Phật tử hơn nữa.

– Mở các khoá đào tạo về tiếng dân tộc, các khoá đào tạo về hoằng pháp cho những người làm công tác HDPT ở những nơi vùng núi, vùng đồng bào dân tộc.

– Nên mở các hội nghị giao ban thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những khó khăn, những ưu khuyết điểm trong quá trình hoạt động Phật sự tại các tỉnh thành để kịp thời đề xuất với Ban HDPTTW có hướng khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm thực tế.

– Ban văn hoá của Giáo hội nên có những ấn phẩm Phật giáo dành riêng cho đồng bào dân tộc, như kinh, sách, băng đĩa…

– Giáo hội cần có những chính sách khuyến khích các Tăng Ni trẻ, đủ tài đủ đức từ các tỉnh thành hiện có nhiều Tăng Ni đến các tỉnh miền núi, các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; khuyến khích các vị Tăng Ni là người dân tộc trở về địa phương hành đạo.

Cần có những chính sách khuyến học, khuyến tài ưu tiên dành riêng cho các Tăng Ni là người dân tộc, các Tăng Ni làm công tác HDPT tại các tỉnh miền núi.

Tham luận của ĐĐ Thích Bản Chung – Trưởng Ban HDPT Lạng Sơn tại Hội thảo HDPT, Hải Phòng, 10/ 12/ 2010