Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Vấn đạo ngài Mahasi (tiếp theo và hết)

Vấn đạo ngài Mahasi (tiếp theo và hết)

116

47- Bạch ngài, phải chăng có những sự đau khổ, không thoải mái do việc hành thiền đem lại? Nếu có thì làm thế nào để đương đầu với chúng? 

Vâng, khi đạt được định tâm mạnh mẽ, thiền sinh lúc đó sẽ kinh nghiệm một vài cảm giác khó chịu như ngứa, nóng, đau nhức, nặng nề, tê cứng… Những cảm giác này sẽ chấm dứt ngay khi bạn ngưng hành thiền, nhưng chúng lại xuất hiệt khi bạn hành thiền trở lại. Chắc chắn đây không phải là dấu hiệu của bệnh hoạn mà chỉ là những cảm thọ xuất hiện trong quá trình thực hành. Thiền sinh không nên lo lắng, cứ tiếp tục ghi nhận, cuối cùng những cảm giác khó chịu này sẽ biến mất. 
 
48- Bạch ngài, khi sự phồng xẹp biến mất, thiền sinh phải ghi nhận những gì? 
 
Khi sự phồng xẹp biến mất, bạn phải ghi nhận nơi cơ thể của bạn tiếp xúc  với chỗ ngồi hoặc chỗ nằm, thí dụ ngồi đụng (nếu đang ngồi) hoặc nằm đụng (nếu đang nằm). Bạn có thể thay đổi ghi nhân nhiều điểm đụng khác nhau, thí dụ như ghi nhận ngồi đụng và chú tâm và điểm xúc chạm ở chân trái rồi sau đó chuyển sự chú tâm từ điểm xúc chạm này sang điểm xúc chạm khác, hoặc bạn có thể chuyển sự chú tâm vào năm hoặc sáu điểm xúc chạm xen kẽ nhau. 
 
49- Bạch ngài, khi không có đầy đủ Ba la mật thì chúng ta có thể hành thiền và đạt đạo quả không?  
 
Nếu bạn không hành thiền thì là sao vun bồi được Ba la mật? Ngay cả khi Ba la mật đã tích tụ đầy đủ, bạn cũng không thể giác ngộ nếu không hành thiền. Mặt khác, nếu bạn hành thiền thì Ba la mật sẽ được vun bồi và điều này sẽ giúp cho bạn chứng nghiệm Niết Bàn sớm hơn. Nếu Ba la mật của bạn phát triển trọn vẹn thì bạn sẽ giác ngộ ngay trong kiếp sống này, hoặc ít ra cũng gieo mầm cho  việc giác ngộ trong tương lai. 
 
50- Bạch ngài, xin ngài hãy kể một vài người mà ngài tin rằng họ đã trãi qua kinh nghiệm Niết Bàn. 
 
Vâng tôi sẽ kể. Trong số những người đầu tiên hành thiền dưới sự hướng dẫn của tôi có U Pho Chon, một người anh em chú bác của tôi. Ông ta là một người có trí tuệ nhạy bén. Khi ông ta đạt được tuệ diệt thì ông bắt đầu thấy cây cối và con người tan rã, ông ta nghĩ rằng cặp mắt của mình có gì không ổn, bởi do trước đây  ông được một vị thầy dạy rằng những sự vật như cây cối, gỗ, đá, thân thể con người… tùy thuộc vào các nguyên nhân như nghiệp và tâm cùng với các điều kiện khác nhau sẽ biến đổi một cách nhanh chóng, vừa mới khởi sinh ra, chúng chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn rồi biến mất; nhưng ở đây sao lạ quá, ông không thấy sự vật sinh diệt mà thấy sự vật tan rã cho nên ông đến gặp tôi và hỏi tại sao có hiện tượng lạ như vậy. 
 
Tôi khích lệ ông, nói rằng cái thấy của ông ta không có gì sai lầm cả, đó là tuệ thứ năm, ở tuệ này ta có thể thấy sự vật diệt một cách nhanh chóng. Vài ngày sau đó, ông ta diễn tả cho tôi nghe một cách rõ ràng về kinh nghiệm Niết Bàn, kinh nghiệm về sự chấm dứt của vật chất và tâm của ông. 
 
51- Bạch ngài, những người mà ngài nghĩ rằng họ đã đạt Niết Bàn, những người này họ mô tả Niết Bàn như thế nào? 
 
Những người mà tôi tin rằng họ đã đạt được Niết Bàn đã mô tả kinh nghiệm lúc họ chứng nghiệm Niết Bàn như sau: Tôi thấy đối tượng ghi nhận và tâm ghi nhận ngưng bặt một cách đột ngột. 
 
52- Bạch ngài, có bao nhiêu thiền sinh dưới sự hướng dẫn của ngài mà ngài tin rằng họ đã giác ngộ đạo quả
 
Tôi tin rằng có hàng ngàn thiền sinh chỉ thực hành trong vòng một tuần lễ đã thấy được tuệ đầu tiên là tuệ phân biệt thân và tâm. Đó là do nhờ họ tích cực hành thiền và nghiêm túc tuân theo lời chỉ dạy của thiền sư nên có định tâm mạnh mẽ. Cũng có hàng ngàn thiền sinh thấy được sự liên hệ nhân quả, thấy rõ vô thường, khổ và vô ngã của vật chất và tâm, và cũng có hàng ngàn thiền sinh do tinh tấn quan sát thâm tâm khắn khít từng giây phút một nên định tâm phát triển, tuệ giác chín muồi và đã đạt đạo quả. 
 
53- Phải chăng ta có thể thấy được sự vô thường qua việc thấy một vật gì đó chẳng hạn như một cái bình bị vỡ và thấy được khổ khi ta bị một cái gai đâm vào da thịt khiến cho ta bị đau nhức? 
 
Đôi khi bạn cảm thấy như mình thấy được sự vô thường khi nhìn thấy một cái bình bị bễ, thấy được sự khổ khi bị gai nhọn đâm vào da thịt, nhưng ý niệm về vô thường và khổ đó chỉ là trí tuệ hiểu biết thông thường về vô thường và khổ theo tục đế, chúng không giúp cho bạn thấy được vô ngã qua chân đế.
 
Trái lại, một thiền sinh, qua hành thiền,  thực sự thấy được vô thường khi họ thấy các hiện tượng trong hiện tại sinh và diệt liên hồi cũng như chỉ thấy được khổ khi họ thấy thân tâm của họ trong giây phút hiện tại bị đàn áp bởi sự hủy hoại, chỉ khi đó thiền sinh mới thấy được vô ngã theo chân đế.
 
54- Bạch ngài, xin ngài diễn tả cho biết như thế nào sự chứng ngộ vô ngã qua chân đế? 
 
Có nhiều người nghĩ rằng thấy rõ được vô ngã khi hiểu rõ được yếu tố vi tế cấu thành vật chất và do vậy không còn chấp vào khái niệm về hình thể của một vật. Thực ra đó không phải là cái thấy về vô ngã qua sự thực hành mà chỉ là sự hay biết về sự giả tạo của vật chất, do đó người ấy mặc dù tin rằng cái thân vật chất này là không thật nhưng vẫn còn chấp vào tâm, cho rằng cái tâm hay biết đó là tôi hay linh hồn. 
 
Trường hợp này giống như những chúng sanh ở cõi trời vô sắc, những người ở cõi trời đó không có cơ thể vật chất nhưng họ vẫn có ý nghĩ sai lầm rằng tâm của họ là tôi, ta, linh hồn, tự ngã. 
 
Như vậy chỉ đơn thuần thấy mất ý niệm về hình thể vật chất không phải là thấy vô ngã đâu. Chỉ khi nào thiền sinh quán sát vật chất và tâm trong giây phút hiện tại và thấy rõ chúng sinh khởi và hoại diệt ngay tức khắc theo cách tự nhiên của chúng mà chẳng chịu sự điều hay thúc đẩy bởi bất cứ một quyền năng nào, đó là lúc thìền sinh thấy rõ vô ngã qua chân đế. 
 
55- Làm thế nào để thấy được vật chất và tâm là vô thường? 
 
Nếu bạn chánh niệm khắn khít thân, tâm từng giây phút một thì bạn sẽ thực sự thấy rõ bản chất của các hiện tượng, thấy rõ chúng khởi sanh và hoại diệt ngay lập tức. 
 
56- Chúng tôi phải ghi nhận hay niệm những điểm đụng hay những điểm xúc chạm nào? 
 
Điểm đụng hay xúc chạm nào cũng ghi nhận hay niệm được. Chẳng hạn điểm đụng nơi mông, nơi chân, nơi đầu gối… tất cả nơi nào chú tâm đến đều ghi nhận: đụng, đụng hay xúc chạm, xúc chạm. 
 
57- Phải chăng muốn thấy đặc tính của sự vật khi đi phải chú ý vào sự cứng, sự chuyển động? 
 
Đức Phật dạy thầy tỳ kheo phải: ý thức chánh niệm vào sự đi khi đi. Khi chúng ta đi thì yếu tố gió được hỉển lộ. Chúng ta kinh nghiệm được yếu tố gió khi chúng ta thấy rõ sức ép, sự nâng đỡ, sự chuyển động, sự đẩy. Khi kinh nghiệm được sức ép, sự nâng đỡ là thấy được đặc tính của yếu tố gió, khi kinh nghiệm được sự chuyển động là thấy được chức năng của yếu tố gió. Tuy nhiên, Đức Phật không bảo ta phải ghi nhận sức ép, sự nâng đỡ, chuyển động hay đẩy… Đức Phật chỉ dạy rằng khi đi phải ý thức đến việc đi, chỉ thế thôi. Sở dĩ Ngài dạy như thế vì Ngài muốn cho ta dễ hiểu. Ghi nhận bằng ngôn ngữ tục đế là phương pháp dễ dàng, hầu như ai cũng làm được. 
 
58- Bạch ngài, phải chăng thấy được vô thường thì thấy được khổ và vô ngã? 
 
Đúng vậy, cái gì vô thường thì cái đó khổ và vô ngã. 
 
59- Bạch ngài, tại sao các thiền sư không thể xác nhận sự giác ngộ của một thiền sinh? 
 
Đúng vậy, thiền sư không thể xác nhận một thiền sinh nào đã đắc quả. Chỉ có Đức Phật mới xác nhận sự chứng đắc đạo quả của thiền sinh, người nào đã đắc quả gì: Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm v.v… Ngay cả ngài Sariputta cũng chẳng bao giờ xác nhận ai đắc quả gì. Chúng tôi chẳng bao giờ xác nhận sự chứng đắc của một thiền sinh nào, đó là đường lối thích ứng theo truyền thống Phật giáo. 
 
60- Bạch ngài, chẳng lẽ chỉ hành thiền trong vòng một tháng mà thiền sinh đã có thể diễn tả kinh nghiệm chứng đắc đạo quả của minh sao? Như vậy có quá sớm chăng? 
 
Không quá sớm đâu. Đức Phật đã dạy rằng phương pháp hành thiền của Ngài là phương pháp tuyệt hảo có thể giúp thiền sinh tinh tấn hành thiền đạt được quả thánh thứ ba trong vòng một tháng. 
 
Nếu có người nào nói rằng không thể giác ngộ chỉ trong vòng một tháng dầu cho có hành thiền tích cực đến đâu đi nữa thì người đó đã chê trách những lời dạy của Đức Phật và đã cản trở việc hành thiền của mọi người.
 
 
Người dịch: Hòa thượng Kim Triệu
Hiệu đính: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài