33- Bạch ngài, phải chăng chỉ có hai đề mục theo dõi bụng phồng (hít vào) và xẹp (thở ra) để ghi nhận thôi?
Vâng, thoạt đầu thiền sinh chỉ ghi nhận hai đề mục phồng và xẹp, đó là hai đề mục chính. Tuy nhiên, thiền sinh còn phải ghi nhận những tư tưởng khởi sinh trong tâm. Sau khi ghi nhận xong những tư tưởng khởi sinh trong tâm này, lại trở về đề mục chính. Tương tự như vậy đối với cảm giác đau (tê, mõi khi ngồi lâu), thiền sinh ghi nhận đề mục đau. Khi cảm giác đau biến mất, thiền sinh trở về đề mục chính (theo dõi hơi thở qua sự phồng, xẹp của bụng). Nếu sau một khoảng thời gian ghi nhận , mà vẫn còn thấy cảm giác đau, thiền sinh hãy quay về đề mục chính, tạm thời bỏ qua ghi nhận cảm giác đau.
Trong các động tác co duỗi tay chân, khi thay đổi tư thế, thiền sinh cũng phải chánh niệm ghi nhận như trên. Thiền sinh phải ghi nhận mỗi một động tác, thái độ, cảm giác bao gồm trong các đề mục nếu chúng nổi bật. Sauk hi quan sát xong, liền quay trở về đề mục chính.
Khi thiền sinh đang chú tâm vào đề mục chính, nhưng các đề mục phụ như thấy hay nghe nổi bật, thiền sinh phải ghi nhận “thấy, thấy” hoặc “nghe, nghe”. Sau khi ghi nhận ba hay bốn lần đề mục phụ, thiền sinh hãy tinh tấn trở vể đề mục chính.
34- Bạch ngài, phải chăng có một số người chỉ nhờ nghe giáo pháp mà đắc quả?
Không phải nhờ nghe giáo pháp mà đắc quả. Muốn đạt đạo quả, điều thiết yếu là phải ý thức sáng suốt và chánh niệm thân, thọ và các hiện tượng tổng quát.
35- Phải chăng vấn đề tuổi tác ảnh hưởng đến việc hành thiền?
Vâng, có một vài khác biệt giữa người già và người trẻ. Để đạt được một vài tuệ giác, nếu thiền sinh ở vào tuổi từ mười lăm đến bốn mươi thì phải thực hành khoảng một tháng, đối với những người lớn tuổi hơn, từ sáu mươi đến bảy mươi thì phải cần từ hai đến ba tháng. Tại sao vậy? Bởi vì những người còn trẻ thì họ có sức mạnh về thể lực, tâm nhạy bén, tích cực và ít lo âu, phiền muộn. Dĩ nhiên, càng già càng đau yếu. Người lớn tuổi thì trí nhớ và sự hiểu biết cũng yếu kém, lại thêm có nhiều phiền muộn hoặc tâm chất chứa nhiều kinh nghiệm không tốt đẹp trong quá khứ.
Đối với các nhà sư, nếu sau khi xuất gia mà hành thiền ngay thì sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp đó là do nhờ vị sư mới tu, tuổi còn nhỏ, có đức tin mạnh mẽ vào việc thực hành thiền cộng thêm giữ giới luật trong sạch; do đó, theo ý tôi, dầu cho việc học hành kinh điển là quan trọng, nhưng ngay sau khi xuất gia, phải hành thiền ít nhất ba tháng. Đáng thương thay, một số nhà sư đã chết trước khi thực hành.
36- Bạch ngài, chẳng lẽ chỉ đơn thuần quán sát những đề mục như trái bước, phải bước (khi đi thiền hành) như sự luyện tập trong quân đội mà mọi người ai cũng biết mà lại có thể đạt đến các tuệ giác sao?
Chỉ trích rằng chánh niệm, định tâm và tuệ giác không thể phát triển do chú tâm vào trái bước, phải bước khi thiền hành và cho rằng sự chú tâm đó chắng khác nào sự huấn luyện quân đội nhằm để tăng cường thể lực và sức khỏe , đó là một sự chỉ trích sai lầm. Chú tâm bào trái bước, phải bước khi đi thiền hành trong thiền minh sát khác hẵn với sự huấn luyện trong quân đội. Sự chú tâm ghi nhận trong khi thiền hành trong thiền minh sát là để phát triển niệm, định, tuệ. Nếu bạn chối bỏ, chỉ trích sự thực hành này chẳng khác nào bạn đã chối bỏ lời dạy của Đức Phật.
37- Bạch ngài, danh từ “ghi nhận” hay chánh niệm “ghi nhận” nghĩa là gì?
Danh từ “ghi nhận” hay chánh niệm “ghi nhận” có nghĩa là chú tâm vào đề mục hành thiền, mục đích là để ý thức rõ ràng các hiện tượng thực sự đang xảy ra trong từng sát na hay từ sát na này sang sát na khác.
38- Bạch ngài, tại sao trong lúc hành thiền, phải làm các động tác một cách chậm rãi?
Chỉ khi nào làm các động tác một cách chậm rãi thì định tâm chánh niệm mới theo kịp đối tượng quan sát. Bởi thế, tôi thường khuyên các bạn khi khởi đầu thực hành, phải làm mọi động tác một cách chậm rãi trong chánh niệm. Thật vậy, vào lúc đầu, nếu bạn làm các động tác một cách nhanh chóng thì chánh niệm không thể bắt kịp.
39- Tại sao những người đạt được các tầng thiền chỉ không thể thấy thân và tâm là vô thường?
Vì họ không quán sát các hiện tượng vật chất và tâm biến đổi thực sự trong từng sát na khi đi, đứng, nằm ngồi, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, nên họ không thấy được thân và tâm vô thường.
40- Bạch ngài, phải chăng định và niệm của chúng ta lúc bình thường và lúc đau nhức có sự khác biệt?
Khi niệm và định của bạn chưa mạnh mẽ thì cảm giác đau của bạn càng gia tăng.
Khi bạn ghi nhận đau, cứng, nóng , dầu cảm giác đau, nóng, cứng có trầm trọng đến đâu chăng nữa bạn cũng hãy cứ tiếp tục ghi nhận bền bỉ. Khi niệm và định đã mạnh rồi, một lúc nào đó trong khi ghi nhận cảm giác đau, bạn sẽ thấy cơn đau biến mất tức khắc và cảm giác đau này chẳng bao giờ trở lại nữa.
41- Bạch ngài, phải chăng đạo và quả không thể chứng nghiệm trong thời đại này dầu ta có cố gắng mấy đi chăng nữa?
Những người nào có tư tưởng như thế thì chắc chắn sẽ thất bại trong việc hành thiền, nói chi đến việc đạt đạo quả. Đây là một loại tư tưởng tạo chướng ngại trên đường thực hành để đạt đến đạo quả.
42- Bạch ngài, đàn ông với đàn bà, người nào hành thiền tiến bộ nhanh hơn?
Thường thì đàn bà chịu khó tinh tấn, có nhiều đức tin và nghiêm túc tuân theo những lời chỉ dẫn của thầy hơn, kết quả là họ phát triển định tâm sớm và nhờ thế họ đạt đến tuệ giác nhanh hơn đàn ông.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy một số phụ nữ đã phí thì giờ vào việc suy nghĩ lung tung nên không tiến bộ. Có nhiều lý do khiến họ không tiến bộ hay tiến bộ rất ít đó là làm biếng, tuổi già, sức khỏe kém… Dĩ nhiên, cũng có những nam thiền sinh và các nhà sư tiến bộ rất nhanh khi hộ nghiêm túc thức hành theo lời chỉ dẫn của thiền sư.
43- Bạch ngài, ngay trong kiếp sống này chúng ta có thể đạt được đạo quả không?
Sao không? Nếu bạn có một công thức để làm thuốc thì bạn có thể làm được thuốc và uống thuốc ấy để trị bệnh. Cũng vậy, những lời dạy của Đức Phật cũng giống như công thức mà chúng ta đang có trong hiện tại đây và bạn cũng là người sẵn sàng làm thuốc để uống vì bạn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và thái độ đúng đắn để hành thiền.
Quan trọng là bạn phải thực hành và như vậy bạn chắc chắn sẽ đạt được đạo quả, hãy nhớ kỹ điều đó. Hơn nữa, không có cuốn kinh Pali nào nói rằng trong thời đại này không thể đạt được đạo quả A la hán với tam minh: túc mạng minh, sinh tử minh và lậu tận minh.
Ngay trong chú giải của bộ Luật còn nói rằng nếu không đạt được đạo quả A la hán thì ít nhất cũng đạt được quả thánh thứ ba. Lúc gần Niết Bàn, Đức Phật còn nói với người học trò cuối cùng là Sunhada rằng khi nào còn các vị sư thực hành một cách đúng đắn lời của Ngài dạy thì thế gian không thiếu vắng A la hán. Hiện nay chúng ta vẫn còn tìm thấy những thiền sinh tích cực thực hành theo lời hướng dẫn đúng đắn của thiền sư, bởi thế tôi chắc chắn rằng ngay cả bây giờ thế gian này không thiếu vắng thánh nhân, không thiếu vắng A la hán.
44- Bạch ngài, những người đã đạt được đạo quả kinh nghiệm như thế nào?
Một người đạt được đạo quả thì tâm của họ lập tức thay đổi một cách kỳ diệu. Họ cảm thấy như vừa tái sanh, đức tin của họ hoàn hảo, đó là kết quả của hỷ lạc và hạnh phúc tuyệt diệu. Đôi lúc trạng thái tâm này hiển lộ một cách mạnh mẽ đến nỗi thiền sinh không thể xuyên thấu vào đối tượng như trước đây, dẫu cho họ hết sức chú tâm vào đề mục. Tuy nhiên, vài giờ sau hay một vài ngày sau đó, trạng thái tâm này dịu bớt, thiền sinh có thể hành thiền một cách tốt đẹp trở lại.
Một số người cảm thấy đạt được một sự thư giãn tốt đẹp, một số không muốn thực tập nữa vì có thể thấy đến đây là đủ, đã thỏa mãn những gì đã đạt được và không muốn đạt thành quả cao hơn.
45- Bạch ngài, phải chăng hiểu biết giáo lý nhiều là một chướng ngại cho việc hành thiền?
Không, không thể nói như thế được. Không thể nào có chuyện kiến thức về giáo pháp lại là trở ngại trong thực hành. Như bạn biết, ngài Pothila, một nhà sư có kiến thức uyên thâm về Phật giáo, đã đắc quả A la hán mau chóng nhờ thực hành dưới sự hướng dẫn của một sa di nhỏ tuổi.
Điều này chứng tỏ rằng kiến thức của một người không trở ngại cho việc thực hành giáo pháp. Chướng ngại thực sự trong việc thực hành thiền là ngã mạn (cho rằng mình học cao, hiểu rộng nên không tin hay ít tin tưởng vào sự thực hành), hòai nghi, không nghiêm túc tuân theo hướng dẫn của thiền sư, thiếu nổ lực tinh tấn, chứ không phải là kiến thức.
Bạch ngài, có sự khác biệt giữa một người hành thiền và không biết hành thiền khi họ phải đương đầu với cơn bệnh nặng chăng?
Dĩ nhiên là có sự khác nhau. Người không hành thiền thì chỉ nhớ đến việc xin giới, tụng kinh Paritta, cúng dường y bát và thực phẩm cho chư tăng, thật đáng thương làm sao vì họ chỉ biết giữ giới và làm phước thôi.
Đối với người hành thiền, họ cố gắng thực hành để đạt được những tuệ giác cao hơn cho đến khi giác ngộ đạo quả nên họ chánh niệm ghi nhận khắn khít vào đề mục, vào chính cảm giác đau đớn khó chịu từng sát na một.
Người dịch: Hòa thượng Kim Triệu
Hiệu đính: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài
(Còn tiếp)