Rất may mắn là có những bài viết ghi lại những chi tiết nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, như bài Bàn về tiếng vỗ tay trong phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa, đăng trên Phattuvietnam.net.
Đọc bài viết nói trên, người đọc không khỏi chạnh lòng với nội dung được thông tin.
Nhưng, trong bối cảnh tương tự, còn có những hành động, sự việc khiến chúng ta, những người con Phật, phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa, trong việc chuyển tải tinh thần từ bi của đạo Phật đến với xã hội, khiến mọi người yêu thương nhau hơn.
Những tiếng vỗ tay trong phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa, khi tòa tuyên án tử hình, có lẽ không thấm vào đâu với trường hợp mà chúng tôi sẽ kể dưới đây, khi mà án tử hình được thi hành.
Dù sao, những tiếng vỗ tay còn thể hiện tinh thần mong muốn tội ác được trừng phạt một cách thích đáng.
Còn cái cách người ta xem thi hành án tử hình, thì mới nhẫn tâm làm sao! Nó cho thấy giá trị từ bi vẫn còn rất xa lạ với số đông người.
Hàng trăm người, vẫn thường xuyên, xem việc cái chết diễn ra trước mắt khi xử bắn như một trò giải trí, tiêu khiển, thay đổi không khí… Nó tệ hơn những tiếng vỗ tay trong một phiên tòa tuyên án tử hình cho một kẻ giết người.
Tại TPHCM, trong nhiều năm, án tử hình vẫn được thi hành ở một trường bắn, là một bãi đất hoang, lạnh lẽo ở quận 9, TPHCM.
Việc thi hành án tử hình không được thông báo rộng rãi nhưng việc đến xem xử bắn không cấm.
Và người ta vẫn thông báo cho nhau đến xem xử bắn theo những kênh riêng. Có người biết có xử bắn là lại đến xem, có khi bỏ cả công việc làm ăn hàng ngày. Có người theo tin bạn bè báo, đến xem lần đầu để thỏa mãn tính hiếu kỳ, để được “mãn nhãn”.
Tuy nhiên, có đến xem xử bắn thử một lần, với tâm từ bi của đạo Phật, thì mới thấy sự việc kinh khủng đến như thế nào.
Vấn đề là không phải diễn tiến của việc xử bắn, mà là cái cách mà đám đông đối xử với cái chết của những con người, mà dù có tội, sau khi tiếng súng nổ, họ sẽ hết tội, vì đã đền lại bằng sinh mạng của mình.
Việc xử bắn thường diễn ra khi mặt trời mọc, nhưng trong lúc mới nhá nhem, pháp trường đã đông người, háo hức chờ đợi để chứng kiến sự kiện, sợ trễ giờ bắn, bỏ lỡ dịp xem.
Mọi người không có vẻ gì ưu tư, mà trái lại, vui vẻ, sôi nổi, nói không quá, như đi hội chợ!
Họ biết có bắn từ nhiều kênh thông tin. Có khi do được thông báo từ những người đào huyệt mộ, cắm cọc trói tử tội, vệ sinh pháp trường ngày hôm trước thường tụ lại ở một quán cà phê bàn tán sau khi hoàn tất công việc. Có khi do thấy xe chở tù nhân hụ còi chạy về phía trường bắn…, cũng như từ nhiều nguồn tin khác.
Dù chỉ lấy thông tin không chính thức, nhưng đám đông có thể đến vài trăm, lao xao bàn luận, chỉ chỏ sau hàng rào dây giăng của công an. Họ cứ muốn xấn tới để xem cho rõ.
Tôi cảm thấy, dường như, cái không khí lại có vẻ giống với đám đông chờ xem bắn pháo hoa, vui vẻ, mong ngóng.
Người ta kể cho nhau nghe về những lần xử bắn trước, kể về những câu chuyện về tử tội trong khi chờ đợi. Nhiều câu chuyện gật gân được kể để thỏa mãn sự hiếu kỳ.
Có người miêu tả quy trình sắp diễn ra với vẻ hãnh diện của người thạo việc. Hình như không ai tỏ vẻ thương xót tử tội, những thanh niên còn trẻ đang đứng trước mặt họ.
Chuyện hy hữu, có vài câu chuyện về những trường hợp đặc biệt thương cảm, nhưng chỉ thoáng qua, trong khi, nhiều người kêu là thủ tục bắn lâu quá.
Trong tiếng súng nổ, có người pha trò bằng tiếng rú vang lên.
Sau khi thủ tục xác nhận việc thi hành án hoàn tất, hàng rào dây được tháo ra, những người công an ra về, còn đám đông hiếu kỳ đổ xô đến xem những người phục vụ pháp trường cắt dây trói, đạp xác tử tội vào quan tài một cách lạnh lùng, có phần gấp gáp, thô bạo.
Những người bán vé số xuất hiện đúng lúc với lời hướng dẫn vái van để xin trúng số.
Cũng đám đông đó đạp bùn đi theo những người khiêng quan tài xem cảnh đưa tử tội xuống huyệt mộ đào nông trong đám mộ tạm chôn lộn xộn kế pháp trường.
Bên huyệt mộ vùi nông, lại những câu chuyện bán tán xung quanh sự kiện mới diễn ra, của những người tỏ ra biết việc.
Như vậy đó, đáng sợ hơn những tiếng vỗ tay trong phiên tòa xử Nguyễn Đức Nghĩa đến hàng ngàn lần.
Phật tử chúng ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến đám đông vô tư, thản nhiên, vui vẻ và thỏa mãn giải tán kia. Không biết họ đã nghe nói hay hiểu chữ Từ bi của đạo Phật hay chưa?
Quả thật, từ bi, thương yêu, chia sẻ, cảm thông vẫn là điều xa lạ với rất đông người.
Đối với những người theo đạo Phật tại Việt Nam, tiếng vỗ tay trong phiên tòa Nguyễn Đức Nghĩa, hay tiếng rú pha trò khi tử tội giãy lên gục xuống, là những biểu tượng cho những mặt hạn chế của hoạt động truyền bá Phật pháp. Những giá trị của đạo Phật vẫn là những điều nhiều người, rất nhiều người, cả một đám đông chưa biết tới.
Nếu chúng ta là những người tu Phật thật sự, thì quả thật, nhiệm vụ của chúng ta còn thật nặng nề.
Nếu người ta kinh khủng trước cái chết, thì vẫn còn là điều đáng mừng. Đàng này, là sự vui đùa, có phần thích thú.
Cái ngày chỉ 1/4, 1/3 đám đông ấy chợt dừng tiếng vỗ tay, hay cảm thấy nặng lòng trước cái chết đó vẫn còn xa, rất xa.
Cũng như họ vẫn còn rất xa đạo Phật.
Những người theo đạo Phật suy nghĩ ra sao và phải làm gì?
MT