Trang chủ Văn hóa Du lịch Vãn cảnh Hồ Tây, Hà Nội

Vãn cảnh Hồ Tây, Hà Nội

93

Hà Nội có rất nhiều hồ, vừa là những khoảng thở cho đô thị, vừa là cảnh quan thơ mộng của đất Tràng An; trong đó, hồ Tây có diện tích lớn nhất, khoảng 500 héc ta, đem lại những làn gió mát và không khí trong lành cho cư dân thủ đô. Hồ Tây, còn có tên hồ Dâm Đàm, hồ Kim Ngưu, xưa còn gọi là đầm Xác Cáo… Hồ nằm ở phía tây bắc Hà Nội, quận Tây Hồ.

Chiều chiều, nhiều người lên đây hóng gió, trốn cái nóng oi ả của mùa hè. Du khách chịu khó dạo chơi thong thả một vòng quanh hồ sẽ nhận ra nhiều điều thú vị. Từ xa xưa hồ Tây đã là thắng cảnh nổi tiếng. Các vị vua thời Lý-Trần đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí.

Khách nhàn du dạo chơi hồ Tây vào những sáng sớm mù sương có thể quên rằng mình đang ở trong lòng một thành phố đông đúc dân cư, xe cộ chen chúc bởi có cảm giác nhẹ nhàng thư thái, nhất là gặp lúc chợt nghe ngân vọng tiếng chuông từ các ngôi chùa cổ có lịch sử từ vài trăm đến hơn nghìn năm

Soi bóng trên mặt hồ Tây với những rặng liễu rũ xanh xanh là chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam với lịch sử gần 1.500 năm. Chùa có từ thời vua Lý Nam Đế (544-548) với tên gọi là chùa Khai Quốc, mới đầu tọa lạc trên bãi Yên Hoa bên bờ sông Hồng. Về sau chùa được đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1680-1705).

Khuôn viên chùa rất rộng, rợp bóng cây xanh mát dịu và tứ phía đều trông ra mặt nước hồ Tây thoáng đãng. Nổi bật trong quần thể kiến trúc của chùa Trấn Quốc là ngọn bảo tháp lục giác cao 11 tầng, nhìn từ chân tháp trông như ngọn bút vẽ lên nền trời xanh thẳm, uy nghiêm.

Trong khu vườn sau chùa, có một cây bồ đề cổ thụ có nguồn gốc từ Tây Trúc, thân cây phải vài người ôm mới giáp vòng, cành lá xum xuê vốn do Thủ tướng Ấn Độ Prasat tặng vào năm 1959.

Theo con đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên), vốn đã đi vào thơ ca và những bài hát quen thuộc về Hà Nội, đến đường Xuân Diệu rẽ trái là lối vào phủ Tây Hồ. Bên phải con đường vào phủ, nép vào một vườn cây rộng lớn là một ngôi chùa cổ trầm mặc trong một không gian tĩnh lặng như xa cách hồng trần. Theo sử sách, chùa Phổ Linh được dựng lên vào năm 1079, dưới đời vua Lý Nhân Tông, tính đến nay đã hơn 900 năm tuổi.

Hai bên con đường dẫn tới cổng chùa cây cỏ tốt tươi và đầm sen tỏa hương thơm ngát. Đi tiếp dọc con đường mới mở ven hồ bạn sẽ thấy bạt ngàn là sen. Mới độ vào hè thôi mà sen đã chúm chím nở. Hương sen thơm dịu theo làn gió từ hồ đưa vào, lẫn với mùi cỏ dại phảng phất vừa lạ, vừa quen.

Xung quanh hồ Tây còn có rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử như đền Sóc (thờ Thánh Gióng ở làng Xuân Đỉnh), đền Quán Thánh, chùa Bà Đanh (làng Thụy Khuê) và những địa danh nổi tiếng như làng Kẻ Bưởi với nghề làm giấy dó cổ truyền, các làng hoa Nghi Tàm, Nhật Tân và nhất là phủ Tây Hồ nổi tiếng là danh thắng của kinh thành Thăng Long xưa.

Không chỉ là nơi vui chơi thưởng ngoạn, hồ Tây cũng là điểm đến được nhiều người lựa chọn khi thết đãi bạn bè hay muốn… trốn cơm nhà.

Món bánh tôm hồ Tây có lẽ đã nổi tiếng khắp nơi từ lâu. Không chỉ người địa phương mà phần lớn du khách trong và ngoài nước đến Hà Nội đã ít nhất có một lần đặt chân đến nhà hàng Thủy tạ nằm về phía hồ Trúc Bạch để thưởng thức đặc sản Tây hồ. Người ta gọi bánh tôm hồ Tây vì bánh được làm với con tôm đánh bắt từ lòng hồ nước ngọt rộng lớn này. Nhưng từ lâu rồi, hồ Tây bị thu hẹp dần diện tích, nước hồ ngày càng ô nhiễm và lượng tôm sống trong môi trường tự nhiên được đánh bắt giảm mạnh nên bánh tôm nơi đây, dù vẫn mang thương hiệu cũ nhưng phần lớn nguyên liệu chính được mua từ nơi khác về.

Có thể vì thế khiến sức hấp dẫn của món bánh tôm nơi đây đã nhạt dần, nhưng nhiều người vẫn tìm đến đây vì nhu cầu ngoạn cảnh và hưởng gió trời mát mẻ. Bên cạnh nhà hàng Thủy tạ là hàng kem Hồ Tây, nơi thường xảy ra tắc đường hàng đêm vì có nhiều người đỗ xe dưới lòng đường để mua kem. Kem ở đây cũng không có gì đặc sắc nhưng đắt khách, đặc biệt vào những ngày tiết trời nóng nực, nhờ vị trí "một mình một chợ", xung quanh không có hàng kem nào khác.

Ốc hấp từng một thời là món "nghiện" của nhiều người Hà Nội vì vị ngon béo riêng có của loài nhuyễn thể sống trong lòng hồ Tây. Cứ vào những ngày cuối tuần, các quán ốc ở đây lại chật ních thực khách.

Món ăn bán trên vỉa hè ven hồ Tây hiện được nhiều bạn trẻ ở Hà Nội ưa chuộng là phở cuốn, giá khoảng 35.000 đồng/suất. Phở cuốn được làm từ bánh tráng ướt, gói với thăn bò xào tái thêm chút rau sống, chấm với nước mắm pha chanh, đường, ớt, dấm, tỏi. Món ăn có vị đậm đà thơm ngọt của thịt bò, hòa với vị mát của rau xanh nên ăn không thấy ngấy, lại thêm cái thú ngồi vỉa hè hưởng khí trời gió lộng rất tuyệt vời.