Với chủ đề “Nghi lễ Phật giáo trong đời sống văn hoá tâm linh”, Hội thảo nhận được 32 bài tham luận và các ý kiến phát biểu của đại biểu xoay quanh những nội dung sau:
1. Ý nghĩa về pháp khí trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam.
2. Nghi lễ Phật giáo cần được xem là một môn học cho Tăng Ni sinh tại các trường Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3. Tính đặc thù về nghi lễ của từng vùng, miền, các Hệ phái trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
4. Nghi lễ dành cho các ngày lễ trọng như: Phật đản, Thành đạo, Niết bàn, Vu lan Báo hiếu, Đại giới đàn, lễ tang của các vị Tôn túc viên tịch.
5. Trang phục của những vị thực hành nghi lễ từ hình thức đến nội dung, sự – lý viên dung để đưa đạo Phật vào lòng người.
6. Sự tương đồng giữa nghi lễ Phật giáo với Nhạc lễ, nghi lễ xưa và nay của dân tộc Việt Nam.
7. Tính trang nghiêm và đơn giản trong nhạc lễ và âm thanh khi thực hiện nghi lễ.
8. Nội dung, ý nghĩa từng bài kinh, bài tán trong một buổi lễ theo nghi lễ Phật giáo.
9. Cung cách xưng hô, sinh hoạt, giao tiếp trong nếp sống đời thường của Tăng Ni, Phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
10. Tính truyền thừa của nghi lễ Phật giáo qua các thời kỳ.
Có thể nói, 10 nội dung được nêu trên đã bao quát gần như toàn bộ vấn đề “nghi lễ” Phật giáo từ nội dung đến hình thức. Nhưng với một hội thảo diễn ra trong vòng 2 ngày mà nêu ra quá nhiều nội dung bàn thảo như vậy thì dễ đi vào lan man và không tránh khỏi ôm đồm.
Nhìn vào chủ đề của hội thảo “Nghi lễ Phật giáo trong đời sống văn hóa tâm linh” đã thấy có những bất ổn trong diễn đạt so với những nội dung được khái quát ở trên, bởi chỉ cần một bài viết, một bài nghiên cứu (dù nông hay sâu) là đã có thể “tóm gọn” chủ đề này.
Điều nổi bật cần bàn đến trong Hội thảo Nghi lễ lần thứ hai này là vấn đề “thống nhất nghi lễ”: giải quyết các vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thống nhất, có thống nhất được hay không, những nội dung nào không thể thống nhất được, nên tiến hành thực hiện từ nội dung nào, kinh phí thực hiện đến đâu, nhóm thực hiện bao gồm những ai?…
Cần phải nhắc lại đây là hội thảo nghi lễ lần thứ hai. Phải nhấn mạnh đến chữ “lần thứ hai” để thấy qua “lần thứ nhất”, vấn đề nào đã “hội”, đã “thảo” rồi mà vẫn tiếp tục được mời trở lại trong “lần thứ hai” này. Có như vậy mới thấy vấn đề gì đã làm được và vấn đề gì chưa làm được để rút kinh nghiệm, chứ không thể hội thảo theo kiểu “đến hẹn lại lên” cho có việc để làm.
Nếu không đặt chủ đề cụ thể và xây dựng nội dung hội thảo cho sát thực hơn thì cho dù có “hội” có “thảo” thêm lần thứ ba, lần thứ tư… đi nữa, thì cũng không đạt được kết quả như mong muốn.
Từ những nội dung được nêu ở trên, chúng tôi thấy nổi lên hai vấn đề chính cần phải bàn. Thứ nhất, chúng ta phải định nghĩa được khía niệm “nghi lễ”, bởi không định nghĩa được thì sẽ dẫn đến bàn luận mông lung, không nắm được vai trò, đặc điểm, chức năng nghi lễ tôn giáo trong đời sống xã hội. Thứ hai, cần tiến hành thống kê, khảo sát, phân loại các hình thức nghi lễ để đưa vào chương trình giáo dục tại các trường Phật học từ sơ, trung đến cao cấp tại các địa phương.
a. Không riêng gì trong tôn giáo, nghi lễ là một phần quan trọng trong cuộc sống cộng đồng. Vì thế người ta đã đưa ra một định nghĩa khá thống nhất về nghi lễ: “Nghi lễ là các nghi thức của một cuộc lễ (nói tổng quát) và trật tự tiến hành”.
Nghi lễ quốc gia, nghi lễ tôn giáo đều có các nghi thức, cách thức tiến hành. Điều này phải được thiết kế xây dựng và đưa vào chuẩn trong quy định. Khi được đưa vào chuẩn trong quy định thì đó chính là “thống nhất”.
Khi xây dựng, thiết kế các nghi thức và trật tự tiến hành cần được nghiên cứu trên cơ sở các dữ liệu lịch sử, cũng như sự sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh thời đại. Như vậy “nghi lễ” ở đây được hiểu là nghi thức, cách thức tiến hành được tuân thủ chặt chẽ từ hình thức đến nội dung trong một cuộc lễ.
Nhà nước có nghi lễ cấp nhà nước, nghi lễ cấp bộ… và quy định rất cụ thể những ai thực hiện và được hưởng quy chế của nghi thức này. Vậy nghi lễ Phật giáo cũng cần được quy định và phân cấp cho cụ thể.
Giáo hội hoàn toàn có thể xây dựng, thiết kế những nội dung và hình thức phù hợp với truyền thống nghi lễ Phật giáo và đưa vào chuẩn trong quy định. Nói như bên ngoài xã hội là làm theo “ba-rem” chương trình. Với vấn đề này chúng ta hoàn toàn có thể thống nhất trong nghi lễ.
Xin lấy ví dụ về các cuộc lễ mang tính nghi thức: Nghi thức suy tôn Đức Pháp Chủ (thiết kế một nghi thức đặc biệt, cùng với sự ra mắt của các thành viên trong Hội đồng Chứng minh). Nghi thức suy cử ngài Chủ tịch Hội đồng Trị sự (thiết kế một nghi thức trang trọng, cùng với việc ra mắt các thành viên chủ chốt trong Hội đồng Trị sự). Nghi thức tấn phong Giáo phẩm được thực hiện tại các tỉnh thành. Nghi thức trong các ngày Đại lễ của Phật giáo như Phật đản, Vu lan, Phật Thành Đạo… Nghi thức tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công. Nghi thức tang lễ của Chư Tôn đức Tăng Ni. Nghi thức tang lễ dành cho các Phật tử. Nghi thức thành hôn trước cửa Tam bảo. Nghi thức an vị tượng…
Đây là những nghi thức hoàn toàn có thể xây dựng một cách thống nhất. Xin lưu ý, vì là nghi thức cho nên yếu tố hình thức được chú ý một cách đặc biệt, bởi hình thức là “nội dung” quan trọng của nghi lễ.
Chẳng hạn khi quy định trong các cuộc lễ này thì từ lễ đón, lễ rước, lễ an tọa… cũng phải được quy định cụ thể, chẳng hạn lễ đón rước Đức Pháp Chủ và các chức sắc Phật giáo cùng cấp (quốc tế) thì thực hiện ra sao (Tứ chúng Phật tử, nhạc khí đưa rước, phan lọng, nghi trượng, bê tích…), tất cả phải được đưa vào chuẩn trong quy định.
Phẩm phục của Đức Pháp chủ và của từng thành viên Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự như thế nào cũng cần nghiên cứu thực hiện cho nghiêm túc, để nội ngoại sự tướng đều được trang nghiêm…
Khi đưa các quy cách tiến hành vào “chuẩn” trật tự thì sẽ tránh được tình trạng hỗn độn trong nghi thức (thực tế, có cuộc đón rước một vị thượng tọa còn “hoành tráng” hơn cả rước Đức Pháp chủ, hay một lễ giỗ tổ còn to hơn cả ngày lễ mừng Đức Phật đản sinh)…
b. Hiện nay còn có ý kiến cho rằng tất cả các hành vi tôn giáo đều được xem là nghi lễ. Với quan niệm này, nói đến “nghi lễ” là nói đến tác phong đạo đức, oai nghi, tế hạnh… Mà những điều này được hoàn thiện nhờ giới luật. Như vậy nghi lễ xét về thực tiễn cũng không nằm ngoài giới luật, nên có thể xem đây chính là “nội dung” của nghi lễ.
Còn đối với các cuộc lễ mang tính truyền thống gắn chặt với những yếu tố tín ngưỡng tâm linh như cầu siêu, giải oan bạt độ… thì không cần phải “thống nhất” (và cũng không thể thống nhất được), vì gần như các nghi thức này đều đã được quy định rất cụ thể trong sách vở, tuỳ theo cách thức hành khoa truyền thống kết hợp với các làn điệu tán tụng đặc thù của từng địa phương…
Thực tế, không ít người vẫn hiểu “nghi lễ” thiên về yếu tố tụng niệm, đàn tràng, cúng tế, vì thế dẫn đến những tranh luận về vấn đề thống nhất hay không.
Trong các đại lễ thực hiện theo nghi thức Bắc tông chỉ cần thống nhất một bài kệ niêm hương, một câu thần chú hay đồng thanh tụng một bài kinh bát nhã là đủ.
Nghi thức nằm ở các hình thức bày biện, trang hoàng (treo cờ, tôn trí tượng Phật, cử đạo thiều, đạo ca…), đón rước, trang phục, lễ nhạc, tung hoa, trải thảm, thậm chí thể hiện ở cả thư mời, diễn văn…
c. Đối với các nghi lễ tán tụng đặc thù thì tuỳ theo điều kiện của mỗi địa phương, Ban Giáo dục kết hợp với Ban Nghi lễ xây dựng nội dung để đưa vào chương trình giảng dạy. Vì nghi lễ ở đây còn được hiểu là những di sản phi vật thể, không chỉ của Phật giáo mà còn là của dân tộc, thậm chí thế giới.
Do đó, ngoài cách thức truyền khẩu phổ thông, cần tiến hành thống kê, khảo sát, phục dựng, hoàn thiện bằng các phương pháp khoa học để những nghi lễ này giữ được phần tinh tuý nhất.
d. Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội nên bắt tay ngay vào vấn đề xây dựng nội dung chương trình dành cho tất cả các nghi lễ (nghi thức) Phật giáo.
Khi xây dựng có thể ứng dụng công nghệ 3D, hay mời các nhạc sĩ tham gia ký âm các làn điệu tán tụng…
Sau khi hoàn thiện đồ án xây dựng bằng công nghệ 3D, thì gửi cho Ban Nghi lễ, Ban Văn hoá, Ban Giáo dục của từng địa phương để lấy ý kiến đóng góp, sau đó mới tiến hành một cuộc hội thảo tập trung của các ban liên quan (không riêng gì Ban Nghi lễ).
Sau khi đã tìm được tiếng nói thống nhất thì trình Hội đồng Trị sự ra nghị quyết để thực hiện. Trước tiên, nên tìm những người có năng lực tham gia vào nhóm thực hiện, song song đó là việc cấp kinh phí để nhóm này tham khảo ý kiến từ các nhà nghiên cứu chuyên môn, cùng tiến hành khảo sát, phân loại, đánh giá… và đưa vào thực hiện thí điểm.
Trước những biến đổi quá nhanh của cuộc sống, nhiều di sản phi vật thể của Phật giáo đang có nguy cơ bị mai một, pha trộn và biến mất. Vì thế, Giáo hội nên chọn những vấn đề cấp thiết để ưu tiên thực hiện và phải quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Nếu ở Hội thảo Nghi lễ lần thứ ba mà vẫn tiếp tục ngồi bàn về những vấn đề đã được nói đi nói lại này, thì những từ “thành công tốt đẹp” quả tình đã bị lạm dụng, không những thế còn gây lãng phí tiền của, thời gian, công sức của mọi người.