Trang chủ Nghiên cứu Triết học Vài suy nghĩ về có và không trong quan điểm của Phật...

Vài suy nghĩ về có và không trong quan điểm của Phật giáo

557

Trong một cuộc hội thảo, có người có Phật giáo chủ trương cuộc đời là cõi tạm, là không nên những người theo phật giáo không ham muốn việc học và không chăm lo việc học của con cái mình…

Tư tưởng là suy nghĩ riêng của mỗi người, vì vậy C.Mác từng nói đại ý rằng những người ở trong túp lều tranh suy nghĩ khác những người ở trong tòa lâu đài. Vì lẽ ấy, tư tưởng, suy nghĩ của mỗi người là khác nhau, rộng hơn là của các nhóm xã hội, dân tộc, tôn giáo là khác nhau. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên ta (ta ở đây là cá nhân) không nên áp đặt quan điểm, tư tưởng của mình cho người khác. Và rằng, hãy tôn trọng quan điểm, suy nghĩ riêng của mỗi người, còn đồng tình hay không lại là câu chuyện khác nữa.

Vì tư tưởng, suy nghĩ của mỗi người là không giống nhau nên đương nhiên nếu có tư tưởng đúng thì sẽ có tư tưởng sai, có tốt sẽ có xấu, có cao thượng sẽ có thấp hèn, có tiến bộ sẽ có bảo thủ v.v…Vì vậy mà thường có trao đổi, tranh luận để đi tìm mẫu số chung thống nhất trong nhận thức. Và, câu chuyện nêu trên cũng không nằm ngoài quy luật phổ quát này.

Ít có tôn giáo nào xem trọng trí tuệ như Phật giáo “duy tuệ thị nghiệp”. Nếu không có sự hiểu biết sâu sắc sẽ không thể nào tiếp cận được đạo Phật. Trong quan điểm của Phật giáo, niềm tin tôn giáo và trí tuệ luôn đi song hành cùng nhau. Giáo sư Cao Huy Thuần cho rằng niềm tin và trí tuệ của phật giáo giống như hai cánh của một con chim, không thể có cánh này mà không có cánh kia. Cũng vậy, hầu như Phật giáo không có những gì áp đặt và bắt người khác và tin theo, tất cả những gì Phật giáo đưa ra đều dựa trên cơ sở của giải thích khoa học (tất nhiên có những nội dung theo tinh thần khoa học của Phật giáo mà có thể những người phàm trần như tôi, nhiều người trong chúng ta chưa đủ trí tuệ để hiểu). Phạm trù CÓ – KHÔNG của Phật giáo có lẽ khó mà dùng suy nghĩ và hiểu biết thông thường để giải thích được. Khi người ta vào một ngôi đình thường thấy một ông THIỆN và gần đó là một ông ÁC. Nếu không có thiện sao ta biết đó là ác. Bởi vậy, không có CÓ làm sao biết có KHÔNG, không có KHÔNG làm sao biết có CÓ. Bởi vậy, khi Phật giáo nói KHÔNG hẳn nhiên đang nghĩ đến cái CÓ.

Đạo Hạnh Thiền sư (Từ Đạo Hạnh: 1072-1116) có bài kệ mà người đời sau đặt là  有空 HỮU-KHÔNG với 2 câu nổi tiếng trong bài: “Tác hữu trần sa hữu/ Vi không nhất thiết không (Phan Kế Bính dịch: Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không). Phật giáo không chủ trương tất cả đều KHÔNG mà đi cùng với KHÔNG chính là CÓ. Vì quan niệm tất cả đều là CÓ “Có thì có tự mảy may” nên Phật giáo nhìn đâu cũng thấy CÓ và bởi vậy mà Phật giáo tôn trọng sự sống của muôn loài nên khuyên con người ta không sát sinh, đến cành cây, ngọn cỏ – nếu không cần thiết – Phật giáo cũng khuyên người ra không chặt hái. Đó chính là cái CÓ của Phật giáo.

Đối với mỗi con người trên thế gian này cái gì là quí nhất? Phật chẳng nói rằng để được làm người là đáng quí hay sao. Vì vậy, chính thân người ta mới là quí nhất. Ấy vậy mà khi đối diện trước cường quyền và bạo ngược, những người con của Phật đã sẵn sàng hi sinh cả thân mình để bảo vệ công bằng, lẽ phải. Đó phải chăng chính là cái KHÔNG không cùng của Phật giáo và cũng là cái CÓ vậy.


Vũ Trung Kiên