Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Vài lời thưa với tác giả Minh Mẫn về PGVN hải ngoại

Vài lời thưa với tác giả Minh Mẫn về PGVN hải ngoại

83

Bên cạnh đó tôi cũng có dịp đọc bài do anh Don Ngo (Ngô Đình Huy) và chị Ngọc Hằng cũng đã viết và dịch giải những lời Ngài Dalai Lama 14 đã thuyết giảng tại trước toà nhà Quốc Hội Mỹ.

Đọc các bài viết này, làm cho tôi có một khái niệm rõ ràng hơn về cái nhìn, cách suy nghĩ của người Việt trong và ngoài nước Việt Nam.

Mỗi ngày sau khi được tham dự các buổi lễ và được nghe pháp thoại của Ngài, lòng tôi rất hoan hỷ và hạnh phúc dù mỗi ngày phải đi bộ tới lui 2 lần, gần 3 tiếng đồng hồ từ sở làm đến trung tâm Verizon, để tham dự khóa thời cầu nguyện từ 7:30 đến 9:00 sáng sau đó trở về sở làm việc, rồi trở lại nghe Ngài thuyết pháp vào lúc 1 giờ trưa.   

Hình ảnh quý anh chị làm thiện nguyện của nhóm tu học Viet Nalanda, Hội Thiện Đức và Phật tử vùng Virginia, Maryland, Washington D.C, cùng các thiện nguyện viên người ngoại quốc gồm nhiều sắc tộc, dấn thân hộ pháp cho Pháp hội  làm cho tất cả mọi người xúc động vì có những em nhỏ lắm và liên tiếp 11 ngày. 

Nhờ có sự tu tập vững chãi nên họ đã sẵn sàng dấn thân hộ trì Tam Bảo với tâm không phân biệt và không mệt mỏi.  

Chứng kiến quang cảnh mỗi ngày có trên 20,000 người tham dự Pháp Hội, tuy không đọc theo được  và cũng không mấy ai hiểu nghĩa các bài kinh của Ngài và quý Thầy Tây Tạng đang trì tụng, nhưng mọi người ai cũng trang nghiêm và thanh tịnh, ngồi tại chỗ số vé của mình để cầu nguyện. 

Ban tổ chức đã cho biết gồm có đến 50 sắc tộc trên thế giới về tham dự các buổi lễ này, nên chắc chắn là ngôn ngữ bất đồng và pháp môn tu học cũng là vô lượng. 

Cho nên thời khóa cầu nguyện là ‘mạnh ai nấy tu, tinh tấn nhiếp tâm vào pháp môn của mỗi tự thân mà thực hành’. 

Suốt 11 ngày, mỗi ngày 10-11 tiếng mà ban tổ chức chưa hề phải kêu gọi bà con giữ im lặng.  Điều này đã làm cho buổi lễ được trang nghiêm và hùng tráng thêm lên. 

Nhất là những khi Ngài xuất hiện trên lễ đài, hàng loạt tràng pháo tay đã liên tục nổi lên để nói lên sự yêu mến và tôn kính đến Ngài. 

Sự kiện này cho thấy rằng mọi người đã đến với Ngài bởi cả trái tim và lòng ngưỡng mộ.  Không phải đến để chỉ để nghe và chờ Ngài gia trì mà đã đến để được cùng sống, cùng chan hòa vào với Ngài trong giây phút hiện tại. 

Ngài rất đơn giản trên mọi phương diện nhưng ai ai cũng yêu thương Ngài, chắc rằng quanh Ngài đã tỏa ra năng lượng ‘vô uý thí’, nghĩa là chỉ cần thấy Ngài, được nghe giọng Ngài nói, Ngài cười ai ai cũng cảm nhận được sự an lành. 

Sự khéo léo của Ngài đã làm cho thế giới khâm phục. Ngài không thuyết phục người khác phải bỏ đạo họ mà theo Phật Giáo mà luôn dạy người ta có cuộc sống hướng thượng, biết bảo vệ trái đất, xem nhau như anh em trong nhà dù khác chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ của họ.  

Cho nên, bắt đầu cuộc nói chuyện của Ngài là: “Dear my brothers and sisters” . Và đó là sự thành công của sự truyền bá Phật Giáo của Ngài  đến toàn cầu. Chủ yếu là dạy cho người ta sống làm người chân thật có đạo đức. 

Nhất là Ngài luôn nhấn mạnh về phát triển tâm từ với chính ta, với người chung quanh và với mọi loài.

Mỗi ngày trên lễ đài gồm có  chư tôn đức Tăng/Ni của nhiều quốc gia, và phải có ‘special pass’, Tăng/Ni phải được ban tổ chức mời và cho phép thì mới được lên lễ đài cùng làm lễ cầu nguyện với Ngài và phái đoàn Tây Tạng.  Và đây là 1 điều vinh dự cho những ai được mời. (Ban bảo vệ an ninh Ngài, nếu ai được ngồi trên lễ đài thì chắc chắn phải vượt qua cửa ải của mấy bác bảo vệ an ninh.)

Đặc biệt, mỗi ngày trước khi thuyết giảng, Ngài đã mời đại diện các phái đoàn Phật Giáo của các nước lên tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh.  Các phái đoàn đều luôn ý thức là thời gian được cho phép rất giới hạn nên ai cũng đều nhanh nhẹn thực hiện nghi thức cầu nguyện của nước mình. 

Đến phần nghi lễ của Phật Giáo Việt Nam thì hơi có một chút trục trặc về phần nghi lễ.  Được biết ban tổ chức vô cùng ngạc nhiên vì Thầy chủ lễ không phải là Thầy Minh Châu mà ban tổ chức đã mời đại diện cho Phật tử Việt Nam tại vùng D.C cách đây cả tháng. 

Và cũng không ai biết Thầy chủ lễ là ai? Cuối cùng mới biết Thầy là khách tăng từ Viet Nam qua Mỹ tham dự Lễ Cầu Nguyện Hoà Bình Thế Giới. Đây là một sự việc không tôn trọng ban tổ chức, và thiếu tế nhị  với  Phật tử Viet Nam tại Hải Ngoại.  

Tôi nghĩ rằng Thầy Minh Châu đã không tranh chấp và sẵn sàng nhường nhịn, chứ không phải là tại Hoa Kỳ không có Thầy biết nghi lễ như tác giả Minh Mẫn đã nghĩ. 

Con nhớ mãi lời Ngài Dalai Lama dạy tại một buổi thuyết pháp tại California đến cộng đồng người Việt. Có người hỏi Ngài: “Xin Ngài chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp, khi Ngài đi kết duyên Phật Pháp với dân chúng khắp thế giới?”.  

Ngài đã trả lời rất đơn giản: “Tôi luôn xem tôi là người khách, và họ là chủ nhà”.    

Là những Phật tử yêu mến và thiết tha với sự sinh tồn của Đạo Pháp, có lắm lúc chúng tôi cũng đặt lên những câu hỏi như tác giả Minh Mẫn, tại sao các dân tộc Thailand, Campuchia… chỉ có 1 ngôi chùa mà Việt Nam có quá nhiều chùa, để rồi bị phân phối sự đóng góp của tín đồ. 

Dân tộc khác họ không đi chùa thường xuyên như người Việt Nam.  Cho nên có 1 ngôi chùa lớn để họ quy tụ vào các lễ lớn là đủ. Chúng ta phải tìm hiểu về văn hóa của địa phương trước khi đưa đến kết luận. 

Washington DC là thủ đô của Hoa Kỳ, và nơi quy tụ dân chúng khắp thế giới về lập nghiệp.  Ở Mỹ, đi đâu cũng phải lái xe chứ không đi bộ được như ở Việt Nam.  Phật Giáo Việt Nam là tôn giáo được gắn liền với dân tộc: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Cũng như tại Huế và Bà Rịa, hàng chục ngôi chùa được xây dựng san sát nhau.  Nếu không vì nhu cầu của quần chúng, và không có sự ủng hộ của người Phật tử thì khó cho những ngôi Tam Bảo này được tồn tại.  

Tại Tây Phương nhất là vùng Washington D.C , nhà thờ có thể xây dựng khắp nơi, nhưng một ngôi chùa được xây dựng thì vô vàn khó khăn.   Xây dựng Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại là bằng xương, bằng thịt, bằng mồ hôi nước mắt của tất cả những người con Việt xa quê hương.    

Chúng tôi đã nhiều lần rơi nước mắt khi nghe kể chuyện về quý Ôn Hoà Thượng phạm hạnh đang sinh sống tại D.C, California, Houston… Giai đoạn 1975-1985 là cực kỳ khó khăn để xây dựng ngôi chùa tâm linh tại xứ người. 

Quý Ôn đã vì Đạo Pháp, thương Phật tử mà bao nhiêu năm trời phải vừa đi làm vừa tu ở chùa để có tiền trả bill hàng tháng, vì lúc đó Phật tử còn ít và Chùa cũng đang gặp những khó khăn. 

Nào là phải đi cắt cỏ, làm vườn, rửa chén bát, làm thợ ráp bộ phận điện tử… Khi chùa đã tự đứng vững được thì lúc đó Ôn mới ngừng đi làm. 

Cho đến nay dù đã lớn tuổi, quý Ôn vẫn không có thị giả, tự lo cơm nước mỗi ngày. Đi làm Phật sự thì cũng tự lái xe để đi, chứ không muốn làm phiền Phật tử. 

Cách Ôn sống, Ôn thực hành, đó là những gì chúng tôi muốn học, muốn cầu tìm. Quý Ôn đã sống như vậy thì đâu còn muốn tham dự, đâu còn bon chen với sự đời. 

Thành thử  không có sự xuất hiện của Chư Tôn Đức Hòa Thượng tại các Pháp Hội thì cũng không có gì là khó hiểu.  

Xin thưa tác giả Minh Mẫn!

Những năm gần đây, Phật tử vùng Virginia luôn được nuôi dưỡng và được đón nhận nhiều Pháp nhủ.  Các chùa sau khóa tụng kinh đều có thuyết pháp.  Chư Tôn Đức Tăng/Ni khắp nơi từ trong và ngoài nước luôn về vùng D.C thuyết giảng.  Đặc biệt Phật tử vùng Virginia rất hay, họ sẵn sàng dấn thân tham gia tình nguyện trong các khóa thời tu học với tâm không phân biệt. 

Thiện nguyện viên giúp phái đoàn Tây Tạng vì đây là Phật sự, không thể kết luận là tất cả đều theo tu tập Mật tông.

Hình ảnh vị Sư Nguyên Thuỷ mỗi tuần lái xe 3 tiếng đồng hồ từ Richmond lên D.C, để đến dạy Kinh Pháp Cú cho Phật tử trong vùng, cũng đã làm cho chúng tôi rung động.  Thấy Phật tử ham học và thỉnh cầu, nên Sư đã tiếp tục giảng các bộ kinh tại Chùa Hoa Nghiêm, tại chùa Kỳ Viên, tại Tâm Pháp Thiền Viện, mà không hề than mệt…

Hình ảnh vị Thầy khi có điều kiện ở lại Mỹ để Hoằng Pháp mà nhất định từ chối, vì tâm của Thầy luôn ưu tư đến lý tưởng tu tập và phụng sự đạo Pháp của tăng ni trẻ tại Viêt Nam…  Đó là những hình ảnh mà chúng tôi ao ước được nuôi dưỡng và được lắng nghe để phát triển Bồ Đề Tâm. 

“Đạo Phật là đạo đến để thấy”.  Phải thực tập lời Phật dạy trong cuộc sống hằng ngày.  Những ai muốn được an lạc thì phải thực tập, thì mới cảm nhận được hương vị thanh tịnh và an lành của nó. 

Có lắm khi chúng tôi cũng bị lạc vào vòng hý luận của thế gian, thắc mắc nhiều câu hỏi. Thầy của chúng tôi luôn nhắc nhở: "Hãy niệm những gì có ích lợi cho sự tu tập”.  

Vậy là câu chuyện thị phi cũng được chấm dứt ngay đó. Và đó là cách mà chúng tôi được thực tập, không để cho tâm của mình bị ô nhiễm bởi lời khen chê, chuyện thị phi ở thế gian. 

Thực tập “Tác ý như lý” và luôn được quý Thầy cân nhắc: “Quý vị phải cẩn thận với nghiệp mình tạo do thân, miệng, ý gây ra vì quý vị sẽ phải trả nghiệp quả trong từng sát na tâm”.

Tại Mỹ có rất nhiều trung tâm Phật Giáo rất quy củ như: Tu viện Kim Sơn, Tu Viện Lộc Uyển, Chùa Đức Viên, Chùa Huệ Quang, Chùa Bảo Quang, Chùa Bát Nhã,Thiền Viện Chân Nguyên tại California, Trung Tâm Phật Giáo – Chùa Việt Nam tại Houston, Chùa Đạo Quang, Chùa Pháp Quang, Chùa Từ Đàm Dallas, Chùa Cổ  Lâm Seatle WA… nhiều lắm…

Mời tác giả Minh Mẫn hãy đến viếng thăm các trung tâm Phật Giáo, những ngôi chùa tâm linh này để thấy được sự phát triển của Phật Giáo tại hải ngoại.

Thầy tổ của chúng tôi đã phải hy sinh cả cuộc đời và đã khéo léo tuỳ duyên phương tiện để đưa đạo Phật vào cuộc sống hằng ngày, nhằm có thể cung ứng được nhu cầu của 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và con cái sinh đẻ tại Tây Phương.  

Xin hãy viết, hãy nói lên vẻ đẹp của Phật Giáo tại hải ngoại, để cho bà con tại Việt Nam thấy đạo Phật luôn được hiện hữu trong tâm hồn của những người con Việt đang lưu vong sống ở  xứ  người, ví dụ như: http://www.phattuvietnam.net/quocte/48/5889.html

Theo tôi biết Chư Tôn Đức đã rất vất vả để bảo tồn và gây dựng cho thế hệ hôm nay và ngày mai.

“Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu,
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi,
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu!” …

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung…
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
(Nhớ Chùa – Huyền Không)

Nhiều năm gần đây, quý Thầy Cô trẻ hầu hết được tu học từ Việt Nam đến tạm trú tại Hoa Kỳ.  Tại Việt Nam có Phật Giáo Việt Nam và được cho là đoàn kết, có tổ chức quy mô.  Mỗi năm đều có tham dự 3 tháng an cư kiết hạ để thanh tịnh và được nuôi dưỡng thân tâm. 

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi Tăng/Ni trẻ qua đến Hoa Kỳ đã bị thay đổi theo hoàn cảnh trong thời gian ngắn? Tại sao lại trách Phật Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại? 

Tôi được 1 Thầy chia sẻ qua công tác từ thiện: ‘Làm từ thiện là một sự tu tập về lòng kham nhẫn, lòng từ bi, không thiên vị, không phân biệt giàu nghèo và sự thử thách lớn về lòng tham của mình’. Ta có thể làm ngơ khi đối diện với số tiền 200$ U.S, nhưng liệu ta có thể vô tư với số tiền 20,000$, hoặc 200,000$ US  mà tâm không bị giao động không?

Và đó là sự nhắc nhở của chúng tôi trong các việc từ thiện, cố gắng giữ lòng trong sạch, không tham đắm trước mọi sự quyến rũ của vật chất, danh vọng. Người khác không biết nhưng tâm ta biết! Và mỗi chúng ta phải trả nghiệp báo từng sát na tâm.

Khi đi thăm viếng Nhật Bản, đến thăm 1 chùa Nhật đã bị đổ nát vì Tsunami tại Natori.  Tất cả tượng Phật đã bị hư hoại và chùa đổ nát không còn gì. Nhặt trong đống gỗ vụn, có tượng Ngài Quan Thế Âm, và tôi có thưa với một vị Thầy người Nhật, tại sao Thầy không xin thỉnh về Chùa, để Ngài chơi vơi tội quá. 

Thầy đã trả lời: “Không được, nếu làm như vậy là phạm tội lấy của người không cho”.  Dù chùa bây giờ chỉ là Chùa hoang, bị bỏ rơi.  Tôi liền cám ơn Thầy đã ‘cảnh tỉnh’, đù đó là sự suy nghĩ thiện về sự tôn kính, nhưng theo giới luật thì sai. 

Người ta nói qua Nhật Bản không sợ mất của vì người Nhật rất kỷ luật và chân thật và tự trọng. Quả thật là danh bất hư truyền và điều này không phải tự nhiên mà họ có.

Môi trường giáo dục tại Nhật Bản rất kỷ luật và nghiêm khắc. Học sinh được huấn luyện từ nhà trừờng, và gia đình. Và Thầy Cô được học sinh tuyệt đối tuân theo.

Thành thử chúng tôi học Phật pháp để ứng hành trong cuộc sống hằng ngày, chứ không chỉ đến chùa to Phật lớn để chỉ biết đốt nhang và cầu nguyện. 

Tại Nhật, hình ảnh em bé trai Aisawa 9 tuổi, mồ côi cha mẹ, với sự chân thật,  đầy lòng thương người và tự trọng của em, đã làm cho cả thế giới khâm phục nước Nhật.

Điều ngạc nhiên nhất là Phật giáo không phải là quốc giáo tại Nhật Bản, nhưng cuộc sống của họ rất ‘Phật tử’.  Muốn có xã hội tốt phải được xây dựng từ dưới lên trên. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể đều có tinh thần trách nhiệm với việc bảo tồn nguồn gốc, dân tộc và đạo Pháp.

Cho nên xây dựng con người rất quan trọng.  Chúng tôi rất hãi hùng và bức xúc khi nghe câu chuyện 1 người lái xe Honda bị trộm giựt cái bóp và ông ta đã dành lại được. Nhưng qua sự dằng co, đã làm cái bóp bị tung ra.

Thay vì những người chung quanh phải bảo vệ cho người lâm nạn thì họ là những ngưòi dành nhau, cùng nhau lấy số tiền đã bị rơi ra ngoài.  Đây là điều mà mỗi chúng ta cần quan tâm, vì lời Phật dạy chưa được thấm nhuần vào cuộc sống của người dân. 

Pháp Hội Kalachakra không thuộc của một một quốc gia nào dù ban tổ chức là Tây Tạng, nhưng ban thiện nguyện là cư sĩ mười phương, đông nhất là Việt Nam. 

Họ là những người yêu mến và có cảm tình đạo Phật, yêu mến Ngài và gồm 50 quốc gia đã quy tụ về. Để quy hướng về sự cầu nguyện cho “Hòa Bình Thế Giới”, và đó là sức mạnh của ‘tâm từ và bao dung’ mà Ngài lã liên tục nhắc nhở mọi người thực tập.

Hình ảnh tăng/ni ngồi trên lễ đài cho con thấy rằng tu sĩ Việt Nam dễ hòa đồng với tăng đoàn thế giới. Làm như có sự cảm thông với tu sĩ Tây Tạng, những người phải bỏ nước ra đi, nhưng vẫn luôn duy trì tôn giáo và văn hóa của họ.

Đây là một điều mà mình phải hoan hỷ cùng bá tính. Sự bình dân của tu sĩ Tây Tạng, ai dám kết luận rằng họ thiếu trang nghiêm?

Hoàn cảnh không cho phép và nước Mỹ không thể an cư suốt 3 tháng như ở Việt Nam, nên chỉ giới hạn trong 2 tuần hoặc 1 tháng.  Nhưng không vì thế mà làm cho ý chí của người tu sĩ ở hải ngoại không thanh tịnh và trang nghiêm. 

Khi tham dự khóa an cư ở Chùa Viêt Nam tại Houston, chúng tôi đã được quý Ôn từ Việt Nam qua thăm Chùa cho biết là khóa thời an cư rất có chất lượng. Mỗi ngày ngồi thiền 2 lần, học Pháp 2 lần, 4 khóa thời tụng kinh và qua đường.

Khóa Phật Pháp được mở rộng cho giời Phât tử vào tham dự và có giờ Pháp đàm chung.  Một cách khéo léo mà tôi nghĩ  Ôn Viện Chủ cũng để cho tu sĩ biết rằng, tại Hoa Kỳ Phật tử họ cũng tinh tấn tu học, họ có chính kiến, chính tư duy, không phải tu sĩ nói sao họ nghe vậy.

Thành thử muốn làm Thầy của chúng sinh thì cũng phải tu tập theo chính pháp, ‘Văn, Tư, Tu’ và không thể xa rời ‘Giới, Định, Tuệ’. 

Dù là đi tham dự Pháp Hội tại D.C mỗi ngày khá mệt, nhưng mỗi sáng quý Sư Cô khách tăng cũng đã dậy từ 4 giờ sáng để công phu khuya. Nhờ vậy mà tôi cũng đã tinh tấn theo, dù là rất buồn ngủ. 

Chúng tôi có rất nhiều an lạc trong sự tu tập và thực hành lời Phật dạy dù ở xa Thầy Tổ của chúng con: ‘tránh xa các điều ác, thực hành các việc thiện, giữ thân tâm an lạc”.

Và trên đây là vài sinh hoạt của Phật tử Việt Nam ở hải ngoại.

Thêm nữa, tôi có đọc qua bài viết của tác giả Minh Mẫn có đề cập vấn đề: “tại sao những ngôi Chùa không xây nhà Dưỡng Lão cho các cụ già ở gần Chùa sớm chiều kinh kệ, vừa có tình người tiện cho con cái viếng thăm tiện hơn đưa vào nhà Dưỡng Lão…”

Nếu mà dễ dàng thực hiện, thì Phật tử chúng tôi sẵn sàng cùng góp tay với chùa để xây dựng, để cho Cha Mẹ và bản thân chúng tôi có nơi nương tựa khi về già.

Không phải như ở Việt Nam, chùa xây cho 1 khu phòng, rồi mỗi cụ được 1 cái giường, cơm ngày 3 bữa là xong. 

Một bác ở khu người già theo tiêu chuẩn của Mỹ, Bác đã mua 1 phòng ngủ là $150,000 U.S và mỗi tháng đóng $400.0 tiền niên liễm.  Tổ Tiên ta nói : “Biết thì thưa thì thốt, không biết dựa cột mà nghe” .

Chúc tác giả Minh Mẫn một chuyến đi thăm chơi Hoa Kỳ vui vẻ. 

Washington DC 7/26/2011