Vào một mùa hạ, có một ông diễn viên già độc thân đã nghỉ hưu tìm về một ngôi làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp một trường làng.
Mỗi buổi chiều ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đó, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên. Chú bé hồi hộp chờ đợi.
Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông nghẹt hành khách như một thế giới khác lạ ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hầu hết hành khách đều mệt mỏi vì suốt ngày trên tàu chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.
Hôm sau, rồi hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: “Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất niềm tin ở đời sống, ở con người”.
Chiều hôm sau, người em thấy ông anh mở chiếc vali hóa trang của ông ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mặc một chiếc veston cũ vào rồi chống gậy ra đi. Ông đi nhờ xe ngựa ra ga rồi đi ngược lên ga trên và xuôi tàu về lại.
Ngồi sát cửa sổ toa tàu ông thầm nghĩ: “Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu…”.
Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quýt nhảy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi. Con tàu đi xa dần, người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát.
Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất niềm tin ở cuộc đời.
(Theo sách Học làm người)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Gặp bạn mấy lần mà không kịp hỏi chào, bởi cuộc mưu sinh hối hả, thời gian là vàng ngọc. Cũng như mọi người còn đâu thời gian để nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu xem chú bé con xa lạ kia đang vẫy tay chào, mặc du chú bé cô đơn tội nghiệp kia chỉ chờ mong một bàn tay của chúng ta vẫy chào lại.
Công việc, lợi nhuận, tiền bạc… đã cuốn hút và biến chúng ta trở thành hạng người ích kỷ, so đo và trở nên vô cảm tự bao giờ, đó là điều chúng ta không hề mong muốn. Nếu một xã hội có nhiều người vô cảm sống chung với nhau thì thật là buồn tẻ và đơn điệu biết bao!
Chúng ta hãy quán chiếu, tập nhìn cho sâu sắc hơn để thấy xã hội đang cần nối vòng tay nhân ai không chỉ trong phạm vi thân tộc, làng xã, quốc gia mà vươn rộng ra toàn thế giới. Bởi ngoài những đau khổ do xung đột, chiến tranh con người còn phải gánh chịu các thảm họa khác về thiên tai, bệnh tật, đói nghèo…
Vì thế, môi một cá nhân đều phải có ý thức trách nhiệm cao quý là chia sẻ, cảm thông và tương trợ lẫn nhau khi cô đơn, hoạn nạn.
Vậy thì chúng ta hãy nghĩ lại, loại bỏ ngay sự thờ ơ vô cảm dù ít dù nhiều đang tồn tại trong mỗi chúng ta. Sự vô cảm ấy rất tai hại và nguy hiểm, vì chúng ta đang đi chung trên con thuyền trái đất. Vô cảm như một lỗ thủng trên con thuyền, đừng khinh cái lỗ nhỏ vì nó sẽ làm đắm con thuyền to.
Để chuyển hóa cái trạng thái vô cảm đó, mỗi người trong chúng ta đều sẵn có những tặng phẩm dâng tặng cho đời mà không phải mất tiền, đó là: Biết chào hỏi – Biết lắng nghe – Nói lời ái ngữ – Tặng nhau nụ cười – Nói hoặc viết lên lời cám ơn, lời nhắn nhủ – Biết xin lỗi khi mình mắc lỗi – Biết khen ngợi thành thật – Biết chia sẻ giúp đỡ người khác – Không quấy rầy, làm phiền lòng người khác – Tập cho mình tâm tính tốt, hoan hỷ để làm cho người khác vui vẻ…
Tất cả những thứ tặng phẩm này khi trao cho người khác, suy cho cùng chúng ta chẳng tốn hao gì, không làm nghèo người cho nhưng làm lợi và giàu thêm người nhận. Giúp cho người có được hạnh phúc dù nhỏ nhoi thì chúng ta cũng sẽ cảm nhận được thật nhiều hạnh phúc.
Một vị thiền sư đã dạy: “Lắng nghe để hiểu/Nhìn lại để thương”. Vậy chúng ta nên dành chút ít thời gian để: “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình /Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim/ Và như thế tôi sống vui từng ngày/Và như thế tôi đến trong cuộc đời/ Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui-Trịnh Công Sơn).
Và đến đây hẳn chúng ta đã nhận ra trái tim yêu thương của ông lão diễn viên già trong câu chuyện trên. Ông đã diễn một vai diễn rất xuất sắc bằng chính tâm từ bi. Một cái vẫy tay chào không đáng giá gì, nhưng rất cần cho một chú bé đơn độc, thất vọng, mất niềm tin tội nghiệp kia.
Câu chuyện như một thông điệp nhắn nhủ chúng ta cần phải quan tâm đến những người sống quanh ta nhiều hơn nữa, sẵn sàng nối vòng tay lớn chia sẻ những gì có thể. Phải xua tan sự vô cảm trong hồn để thế giới tràn ngập yêu thương và con người thêm an lạc hạnh phúc.