Trang chủ PGVN Cửa thiền Ươm mầm tích phúc cho mai sau

Ươm mầm tích phúc cho mai sau

63

Hướng đạo vào đời

Sinh năm 1979 trong gia đình có 5 anh em ở Gia Lộc, Hải Dương; 14 tuổi thầy Thích Thanh Lương vào chùa đi tu. Năm 2007 sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo, thầy Thích Thanh Lương về trụ trì tại chùa Sùng Nghiêm.

Vốn không ham hư danh chốn bụi trần, thầy mong thoát khỏi cuộc sống nhộn nhịp xô bồ để sống cho trọn đạo với cửa Phật. Tuy tu hành trong chùa nhưng thầy luôn tâm niệm "Hướng đạo vào đời". Chứng kiến nhiều sinh linh bé bỏng phải chịu cảnh sống mồ côi không nơi nương tựa, thầy không khỏi đau xót bởi triết lý nhà Phật đã dạy: "Cứu một sinh linh hơn xây nghìn tòa tháp".

Mỗi em mỗi hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đều có chung một khát khao được sống thành người. Khát khao đó cũng là niềm mong mỏi của sư thầy, thầy mong sao các em được sống, được học hành và sẽ ươm mầm tích phúc cho mai sau. Vừa trò chuyện, thầy vừa đưa tay chỉ cậu bé 6 tuổi đang nô đùa ngoài sân rồi kể: "Kia là Vương Tâm Phúc, vừa sinh ra đã bị bỏ rơi ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Thầy đưa về nuôi khi Tâm Phúc còn đỏ hỏn".

Tiếp đó là Vương Tâm Đức, em là kết quả của một tình yêu sinh viên non trẻ, dại khờ. Vương Tường Thúy là con của một gia đình nông dân nghèo, thầy nhận nuôi cho đến khi em đủ 18 tuổi. Còn em Vương Tường Linh quê ở mãi Kiên Giang, nghe tiếng thầy, người nhà em cũng gửi ra nhờ thầy nuôi giúp.

uom-mam-tich-phuc-cho-mai-sau1

Rồi tiếp đến là các em Vương Tâm Hòa, Vương Tường Vi cũng được thầy dang rộng vòng tay giúp đỡ. Ở đây các em được sư thầy và mọi người trong chùa yêu thương, chăm sóc bù đắp phần nào những mất mát, thiếu thốn. Tiếng cười của các em, tiếng các em bi bô gọi "cha" chính là niềm vui, sự động viên tinh thần rất lớn cho thầy.

Tâm, đức tỏa sáng

Nhớ lại những ngày đầu làm cha, thầy tâm sự: "Ban đầu khi mới nhận nuôi các con, thầy phải học từng ly từng tí một, từ cách bế ẵm, thay tã, pha sữa, cho bú bình, ru ngủ… Vừa làm vừa học theo sách vở. Nhiều đêm thầy ngủ không trọn giấc vì các con khát sữa, ốm sốt…".

Với tình thương yêu con trẻ, thầy Thích Thanh Lương đã không quản ngại khó khăn, vất vả để nuôi nấng các con dần khôn lớn. Có lần thiếu tiền mua sữa, thầy phải đi vay thêm bạn bè.

Chứng kiến cảnh thầy cho các con ăn, bế ẵm các con, dỗ dành, nựng các bé mới thấy hết được tình cảm vô bờ bến của một "người cha". Thầy đều đặt tên cho các con theo họ của mình, con trai đệm là Tâm với mong muốn con sống có tâm có đức, con gái đệm là Tường (trong chữ Cát Tường) để sau các con có cuộc sống an lành, hạnh phúc.

uom-mam-tich-phuc-cho-mai-sau2

Không chỉ khó khăn khi nuôi dạy mà khi mới nhận nuôi các con, thầy còn phải chịu nhiều điều tiếng thị phi. Có người còn đến chùa buông lời dèm pha, gây áp lực đòi đuổi thầy ra khỏi chùa. Thế nhưng với tấm lòng "từ bi, bác ái" và tâm đức trong sáng của thầy, mọi người đều hiểu và nguyện góp sức giúp đỡ nuôi dậy các bé trưởng thành.

Trong chùa luôn vang những tiếng nói ngọng nghịu, những bước chân chập chững của các bé. May mắn sao trên đời vẫn còn những người có cái tâm cái đức như thầy Thích Thanh Lương để các em được sống, học tập. Tâm, đức đó mãi mãi tỏa sáng vô ngần…