Khi thủ đô Hà Nội đặt chiếc đồng hồ đếm ngược để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cảm xúc của người dân Việt Nam ngập tràn niềm yêu mến, sung sướng và tự hào. Người Phật tử càng tự hào hơn khi Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn của thời hoàng kim Phật giáo với những vị vua Phật tử anh minh.
Gần 1000 năm trước, được sự cố vấn của Thiền sư Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ đã cho chuyển kinh đô Hoa Lư về Thăng Long (Rồng Bay), mở nền móng xây dựng một nền độc lập tự chủ và những giá trị tâm linh khoan dung, nhân ái vững bền cho đến tận hôm nay.
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nhưng khí thiêng muôn đời vẫn hội tụ, để cháu con (dù trong đời có khi lầm đường lạc bước) vẫn còn có nơi quy ngưỡng, vọng về. Ước nguyện Việt Nam trở thành “Hổ”, thành “Rồng” đang trở thành hiện thực, tất cả được tiếp nối, được thắp lửa bởi tinh thần dựng nước và giữ nước của tiên tổ.
Ước nguyện ấy còn nguyên vẹn và mới tinh: “Làm như thế (dời đô) để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ trung tâm, làm kế sách cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ hơn thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh” (Chiếu dời đô – Lý Thái Tổ)
Người Phật tử Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời “Hộ Quốc An Dân”. Nhiều các vị vua anh minh, nhiều những danh thần võ tướng có công lao to lớn với dân tộc đều là những Phật tử thuần thành. Danh nhân Nguyễn Trãi từng cáo với giặc Minh rằng “Nước Đại Việt ta, trải Đinh-Lê-Lý-Trần, cùng Hán-Đường-Tống-Nguyên xưng đế một phương”.
Sinh thời Hồ Chủ Tịch từng nói 80% dân số Việt Nam là theo đạo Phật. Trong tiếng súng xâm lăng của thực dân, đế quốc Pháp-Mỹ, vì truyền thống yêu nước biết bao người con Phật đã ngã xuống hy sinh, biết bao người mẹ hiền, người vợ tần tảo, người con thơ trong các gia đình Phật tử mất con, mất cha, mất chồng để giừ gìn từng tấc đất và cả lương tâm, công lý. Nhưng mọi sự mất mát đổi thay đều là lẽ vô thường, chỉ có tình nghĩa đồng bào đời này cho đến đời khác là còn mãi.
Trong thâm tâm người Phật tử lợi ích của đạo pháp và dân tộc là trên hết. Những bậc Thạc Đức, Trưởng Lão tinh thần của chúng ta luôn dạy rằng “dân tộc còn thì Phật pháp còn”, “phục vụ đạo pháp chính là phục vụ dân tộc, phục vụ dân tộc chính là phục vụ đạo pháp”. Từ trong những lời dạy ấy, chúng ta ngày đêm tâm niệm, bỏ qua những tranh giành, hơn thua để cùng hướng đến một tương lai tươi đẹp. Đứng trên mảnh đất mà tổ tiên chúng ta gầy dựng và nêu cao Nhân-Nghĩa này, người Phật tử có đầy đủ tư thế và nhân cách để không đứng ngoài bất cứ biến động nào của xã hội. Xưa vậy, nay vậy và mãi mãi mai sau cũng sẽ như vậy.
Tượng vua Lý Thái Tổ đã được dựng lên để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thủ đô đã vinh dự được đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Hơn một lần chúng ta trào nước mắt khi nghe lại lịch sử Thăng Long và lời nhắn nhủ: “Thiếu nữ Tràng An nết na thùy mị. Luôn niệm một điều Phật ở trong Tâm”.
Phật ở trong Tâm, công lý cũng ở trong Tâm. Thế nhưng nỗi đau thương của quá khứ dân tộc còn chưa nguôi ngoai thì trên mảnh đất của anh linh sông núi, của khí thiêng tâm linh ngàn năm hội tụ này, chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến cảnh người ta “cầu nguyện” đòi một tòa nhà mà khi xưa là mảnh đất bị giặc ngoại xâm, cướp phá xây lên. Mảnh đất ấy luôn gợi cho chúng ta nhớ đến một “Đệ nhất danh lam thắng cảnh” tại kinh thành Thăng Long xưa – chùa Báo Thiên.
Thăng Long là nơi xuất hiện danh xưng “Đại Cồ Việt” (Nước Phật Lớn – Cồ Quốc). Và cũng từ đây, ngôi chùa đầu tiên xuất hiện được lấy tên là Khai Quốc (Mở Nước).
Người Phật tử chúng ta từng là cháu con bao đời của những vì vua Phật có công mở nước, có công tạo dựng kinh thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội). Phật hoàng Trần Nhân Tông mở nước đến tận Huế. Chúa Nguyễn Hoàng một Phật tử thuần thành mở đất đến tận phương Nam.
Non sông Việt Nam luôn liền một dải, cho dù không phải đất ở kinh thành Thăng Long mà đất ở những nơi cha ông ta đã đổ mồ hôi, nước mắt máu xương gầy dựng, là con cháu, chúng ta không khỏi buồn lòng khi ai đó tự nhận mình là người Việt Nam nhưng lại đặt lợi ích dân tộc ra sau và ra ngoài. Người Phật tử luôn có tinh thần từ bi, khoan dung và sẵn sàng gác lại quá khứ, nhưng người Phật tử cũng có đủ lý – tình, nhân – nghĩa để nói lên tiếng nói của mình bằng trách nhiệm và lương tâm.
Người Phật tử càng không cho phép mình quay lưng lại với ước nguyện của tiên tổ về một đất nước độc lập, tự chủ, tươi đẹp, giàu thịnh, nhân ái và khoan dung.
Mong thay, mỗi người Việt Nam có thể bình tâm để mảnh đất Thăng Long-Hà Nội, thành phố vì hòa bình lúc nào cũng được bình yên khi đồng hồ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sắp điểm.
Nhóm Phật tử Sen Việt