Mẹ thương nhớ!
Mẹ, giờ này mẹ đang làm gì? Mẹ đang ở đâu? Con vẫn thường hỏi như thế mỗi lần nhớ về mẹ.
Mẹ có biết không? Hôm nay em Linh, em Thuý phòng con chúng nó mang cơm đi ăn trưa. Ba chị em ngồi ăn cơm con nhìn thấy trong hộp cơm của em Linh có món rau sà lách lại có cả trái cây gọt sẵn, con bảo nó "có mẹ sướng nhỉ". Nó cưới tít cả mắt lại, nhìn nụ cười của nó con biết nó sung sướng lắm. Chả là cứ hết giờ làm ba chị em trong phòng lại mang cơm nấu ở nhà mang đi ăn trưa.
Thuý ăn song, không thèm cả rửa chén, nó cho vào túi rồi quăng vào xe, cả em Linh cũng vậy, con có hỏi thì cả hai trả lời là mang về mẹ rửa, cơm mẹ nấu chỉ việc sáng ra ngủ dậy, trên xe đã có sẵn túi cơm hãy còn nóng hổi. Chúng nó sướng thật đấy mẹ nhỉ.
Không phải ngày nào cơm chúng nó cũng ngon hơn hộp cơm của con nấu đâu Mẹ ạ. Nhưng sao chúng nó sướng thế, con cứ ước gì con cũng còn mẹ để sáng dậy mẹ cũng nấu cơm cho con ăn như chúng nó. Nhiều lúc con ghen tị với chúng nó, mặc dù con là sếp của chúng nó đấy mẹ ạ, hơn nữa con cũng hơn năm mươi tuổi rồi ấy, vậy mà con vẫn ghen tỵ với chúng nó khi chúng nó còn Mẹ, còn con thì không.
Thời trẻ ở bên mẹ, con ra trường thì lại tha phương đi lập nghiệp nơi xa, mỗi năm con chỉ về bên mẹ có một lần vào dịp tết. Công việc làm con đến nghẹn thở, có những đợt đến hơn ba tháng mới được nghỉ ngày chủ nhật.
Hai chục năm trước thì phương tiện truyền thông đâu như bây giờ, có khi vài tháng con mới thèm biên thư về thăm Bố Mẹ. Con cứ nghĩ rằng mỗi tháng gửi tiền về cho Bố Mẹ là cũng tạm được rồi, còn con viện mọi lý do để làm biếng viết thư.
Tết năm đó con về nấu cho mẹ những món ăn ngày xưa mà mẹ thích. Mẹ ăn cứ khen ngon. Hai ngày sau con đi thì mẹ trở bệnh nặng, khi con quay về thì mẹ đã đi rồi.
Thời gian trôi đi, áp lực công việc vẫn cứ dồn dập, kéo dài. Con cũng ít có thời gian cho riêng mình. Những tưởng nỗi nhớ sẽ nguôi ngoai, nhưng không phải vậy. Con cũng nghĩ lớn tuổi rồi thì cũng không cần Mẹ như con nít một hai tuổi nữa. Nhưng con đã lầm mẹ ạ. Có những lúc con ngồi lặng đi và giọt nước mắt lại lăn dài bên má.
Hình ảnh mỗi lần lên cơn đau bao tử là mẹ lại ôm bụng. Có ngày đau quá mẹ không ăn nổi cơm nữa. Mẹ nằm đó với hòn gạch được hơ nóng để trên bụng. Lúc đó còn nhỏ con không hiểu các nút áo của mẹ sao cái nào cũng bị chun lại, biến dạng méo mó. Ấy vậy mà hết cơn đau mẹ lại ngồi xe gai.
Thời ấy nhà nào cũng nghèo đói, tiền đâu mà mua thuốc, tiền đâu mà đi bệnh viện. Thế là thuốc điều trị bệnh của mẹ chỉ có là Muối. Mẹ uống từng vốc một, ngày nào cũng vậy, càng mùa đông mẹ càng đau giữ.
Vậy mà mẹ vẫn nhường từng miếng cơm không độn ngô, mì cho chúng con. Còn chúng con thì không biết gì cả, có miếng gì ngon thì tranh nhau ăn, ăn hết cả phần của Bố Mẹ.
Sao lúc nhỏ chúng con vô tâm quá, mỗi lần ngóng mẹ đi chợ về, chúng con chỉ nghĩ đến mẹ về là có quà.
Quà lúc đó là vài củ ấu, vài xiên táo nhỏ xíu, chua loét. Trong khi Mẹ vừa đội rổ rau trên đầu, hai tay thì xách cái làn cói nặng.
Vừa đi và về mẹ đi bộ cũng đến cả chục cây số, thế mà chúng con không biết chạy ra mang giúp mẹ bó rau để cho mẹ đỡ phải mang nặng. Còn nhiều lắm những hình ảnh mẹ, những chuyện ngu ngốc của những đứa con của mẹ, ấy vậy mà mẹ có bao giờ trách móc.
Mẹ nhớ!
Giờ này mẹ đang làm gì? Mẹ ở đâu?
Mẹ có biết không? Mấy đứa trong phòng con đứa nào cũng còn Mẹ, nên chúng nó sướng lắm mẹ ạ. Quần áo chúng nó cũng được mẹ ủi cho phẳng phiu, em Linh còn sướng đến mức mẹ nó còn cho thêm cả tiền nữa mỗi khi tiền lương nó tiêu sạch.
Ấy thế mà có lần em Linh lại bảo con "sướng gì đâu, tối qua em bị Mẹ la quá trời". Con hỏi nó là sao thế, thì nhận được câu trả lời "à em đi chơi về trễ".
Thế đấy mẹ ạ. Người mẹ miệt mài ngày ngày tần tảo nuôi và chăm sóc các con là thế, thế mà mới có bị la một chút là mặt chúng đã xị ra. Chúng nó có hiểu đâu là khi mất mẹ rồi thì có muốn được nghe mẹ la cũng không được nữa.
Mẹ! Con thèm còn mẹ như chúng nó. Thèm được mẹ nấu cho con bữa cơm (dù cơm mẹ nấu không ngon bằng con nấu đâu nhé) để con mang đi ăn trưa như chúng nó. Thèm được mẹ la mỗi khi con không làm mẹ hài lòng. Con ghen tị với những ai đang còn mẹ.
Mẹ có biết không?