Trang chủ Thời đại Xã hội Ứng xử với “ký ức đô thị”: Nhịp nhàng, sau trước, trọn...

Ứng xử với “ký ức đô thị”: Nhịp nhàng, sau trước, trọn vẹn

62
Chỉ hơn một ngày sau khi tháo gỡ bảng chùa Nghệ sĩ, Hội Sân khấu TPHCM đã trả lại nguyên trạng. Dù chỉ là một động tác tháo – ráp nhưng đã làm dậy sóng dư luận. Bởi đằng sau đó là một di tích đã tồn tại hơn 60 năm, nơi lưu giữ một phần linh hồn lẫn thể phách của nhiều nghệ sĩ miền Nam, dự phần vào đời sống tinh thần – văn hóa của công chúng Sài Gòn – TPHCM.

Do đó, cách ứng xử, nói đúng hơn là văn hóa ứng xử với di tích văn hóa là điều rất đáng lưu tâm. Trước, trong và sau khi can thiệp, chuyển đổi, di dời, dẹp bỏ đều cần phải cẩn trọng suy xét, tham chiếu nhiều khía cạnh, đối tượng và sự tác động đa chiều lên đời sống, sinh hoạt của người dân.

Vì vậy, không nên vội vàng, chủ quan, tùy tiện can thiệp một khi cơ sở pháp lý lẫn đạo lý chưa được lý giải hợp lý. Chùa Nghệ sĩ vốn là một di tích gắn liền với lịch sử tồn tại phát triển hơn 100 năm qua của dòng nghệ thuật sân khấu ca kịch cải lương, được thế hệ nghệ sĩ tiền bối gầy dựng và giữ gìn, làm nơi nương náu về tinh thần, thể xác cho người nghệ sĩ trong những năm tháng cuối đời.

Cùng với Nhà truyền thống sân khấu (đường Cô Bắc, quận 1), Viện dưỡng lão nghệ sĩ (đường Âu Dương Lân, quận 8), chùa Nghệ sĩ (đường Thống Nhất, quận Gò Vấp) là một cụm di tích văn hóa – cơ sở an sinh xã hội có tính đặc thù. Giữ gìn, tôn tạo, hoàn thiện yếu tố pháp lý, nâng cấp kỹ năng quản lý, vận hành, kết nối để đưa vào hoạt động du lịch như một điểm di tích bản địa là việc nên làm, vừa bảo tồn giá trị xưa vừa khai thác, phát huy cho hiện tại và mai sau.

Những phức tạp, bất cập liên quan đến 3 cơ sở nói trên đã râm ran từ lâu. Nay, trước sự cố vừa xảy ra, các đơn vị liên quan nên sớm ngồi lại với cơ quan chức năng để rà soát, đánh giá toàn bộ cơ sở pháp lý về quyền sở hữu – sử dụng đất và các công trình gắn liền trên đất, hiện trạng, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ – hoàn chỉnh pháp lý, xây dựng, tôn tạo công trình và tổ chức, phân công quản lý, điều hành chuyên nghiệp, quy củ hơn.

Nhất là đối với chùa Nghệ sĩ, được biết cơ sở tu tập này mang tính tự phát, chưa thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc này cần được Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM hướng dẫn để tiến hành thủ tục đăng ký.

Đối với khu vực nghĩa trang, trên cơ sở tuân thủ quy định chung (nghĩa trang không nằm trong khu vực dân cư), từng bước cải táng mộ cũ, quy tập lại để đưa vào khu thờ phụng tro cốt ngay tại chùa Nghệ sĩ. Phần đất còn lại, sau di dời, cải táng mộ phần sẽ tính toán để dành cho khuôn viên sinh hoạt chung – vừa có sân khấu mini để nghệ sĩ tụ họp về tưởng niệm tiền bối, phục vụ đồng nghiệp, khán giả (như lâu nay); vừa thiết kế “công viên nghệ sĩ” thu nhỏ để tăng tính thẩm mỹ, không gian sinh hoạt cho công chúng viếng thăm chùa.

Đặt trong chủ trương chung của thành phố hiện nay, với thái độ hết sức thành kính trước tiền nhân, tôn trọng những giá trị di sản của cha ông để lại, phục dựng, tôn tạo, chỉnh trang các không gian công cộng gắn với yếu tố văn hóa – lịch sử thành phố thì việc giữ gìn, trùng tu, nâng cấp chùa Nghệ sĩ nói riêng, 2 cơ sở Nhà truyền thống sân khấu và Viện dưỡng lão nghệ sĩ nói chung là lựa chọn đúng, hợp lý, thuận tình.

Việc giữ lại để khai thác, tiếp tục phát huy các giá trị quá khứ là việc hữu ích cho hiện tại. Như cách mà thành phố đã và đang tiến hành rốt ráo đối với các công trình như quy hoạch tổng thể bến Bạch Đằng, chỉnh trang khu vực hồ Con Rùa, chợ Bến Thành, đình An Khánh, tái lập bùng binh cây liễu, tượng Trần Nguyên Hãn… tạo thành một chuỗi không gian công cộng, gắn với văn hóa – lịch sử – tâm linh của người dân thành phố.

Một cách tạo dựng – giữ gìn ký ức đô thị rất nhịp nhàng, sau trước,
trọn vẹn.

Phải hợp lý, hợp tình và hợp pháp

Ngày 22-6, trao đổi với PV Báo SGGP, NSND Kim Cương cho rằng: “Theo ý kiến riêng tôi, trong giới nghệ sĩ, trong nghĩa trang nghệ sĩ có ngôi chùa gọi là chùa Nghệ sĩ thì rất tốt, với điều kiện phải có sự đồng ý về pháp lý rõ ràng của UBND TPHCM. Thứ hai, phải có ý kiến và sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, làm sao để các hoạt động phải đúng quy định. Nếu được sự đồng ý của các đơn vị trên, việc để tên chùa Nghệ sĩ hay có thay đổi đều tốt, nhưng giữ tên chùa Nghệ sĩ như trước thực sự tốt hơn. Quan trọng là phải hợp lý, hợp tình và hợp pháp”.

Sở VH-TT đã báo cáo UBND TPHCM và có ý kiến đề xuất. Theo đó, đề xuất giao cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng phối hợp rà soát cơ sở pháp lý nhà đất của khu vực này. Sau đó sẽ tham mưu UBND TPHCM hướng giải quyết cụ thể, phương hướng hoạt động thời gian tới với cơ sở nhà đất này. Các cơ quan, ban ngành có liên quan với sự chỉ đạo của UBND sẽ trùng tu, sửa chữa để giữ mỹ quan khu vực này, thể hiện sự trân trọng với đóng góp của nhiều thế hệ nghệ sĩ đã nằm lại tại đây. Sở đề nghị UBND TPHCM giao UBND quận Gò Vấp phối hợp Hội Sân khấu TPHCM làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp để hướng dẫn hoạt động thờ cúng văn nghệ sĩ tại đây.

THÚY BÌNH

NGUYỄN QUÂN CÁT