Trang chủ PGVN Nhân vật Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ, một nhân cách

Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ, một nhân cách

297

Lẽ thường, trí thức là những người có bằng cấp, học hàm, học vị.

Nhưng, không phải ai có bằng cấp, học hàm, học vị, mặc nhiên là “trí thức”.

Bằng cấp, chỉ là giấy chứng nhận học vấn. Học hàm, học vị chỉ là thứ xác định thứ bậc trong chuyên ngành. Những thứ đó chỉ là “mũ áo”!

Có những người, chẳng bằng cấp, học vị gì, vẫn là bậc trí thức lỗi lạc.

Trí thức là người có trí tuệ, tri kiến và nhận thức minh xác, với phẩm chất nhân cách nổi bật.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một trí thức như vậy.

Một lần, Thầy kể: “Buồng họ nhốt mình ngay cạnh cầu tiêu, ngày cũng như đêm, trời nóng hay lạnh, lúc nào cũng ngửi cái mùi đó, riết thành quen. Sau, họ dời mình qua buồng khác, không còn mùi đó nữa … lại thấy “nhớ”! rồi Thầy cười hiền hậu.

“Tảo khởi xuất tẩy tịnh.
Thung dung lập phiến thời
Tự hữu thần tiên thái
Hà tu sơn thủy vi”

Dịch nghĩa:

Sáng sớm ra ngoài đi vệ sinh
Chỉ cần thong dong đứng lại chốc lát
Tự nhiên thấy có phong thái thần tiên
Cần gì phải có núi non, sông nước.

(Tảo thượng tẩy tịnh – Ngục Trung Mị Ngữ – Tuệ Sỹ)

Sống trong bầu không khí xú uế, tâm vẫn thanh tịnh, nơi tối tăm, kề cận cái chết, thể vẫn bình thản, tự tại.

Thầy chẳng bằng cấp gì, nhưng đọc và nghiên cứu triết luận phương tây qua bản ngữ, như triết gia Phạm Công Thiện từng nhận xét: “… đọc rất kỹ Heidegger và Michel Foucault, bài diễn thuyết đầu tiên về Michel Foucault tại Việt Nam dạo đó là do Tuệ Sỹ thuyết trình tại giảng đường Đại Học Vạn Hạnh…” (Lê Mạnh Thát & Tuệ Sỹ – Hai vị Thiền sư)

Chẳng những thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, chữ Hán mà còn nghiên cứu tam tạng Phật điển từ tiếng Phạn, Tạng.

… ít người hiểu được tư tưởng Abhidharma (A-Tỳ-Đạt-Ma. Hệ thống phức tạp nhất của Phật giáo Nguyên Thủy) và tư tưởng Nagarjuna (Luận sư Long Thọ) một cách sâu sắc cho bằng Tuệ Sỹ…” (Phạm Công Thiện – sđd)

Các vị cao tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam xưa, phần lớn chỉ hoằng dương Phật pháp, gián tiếp qua Hán văn, không vị nào biết tiếng Phạn. Các học giả phương tây hiện đại, phần lớn nghiên cứu Phật học trực tiếp từ tiếng Sanskrit, vốn là một “tử ngữ” (thứ ngôn ngữ không còn ai dùng, chỉ còn lại văn tự). Thầy Tuệ Sỹ cũng như vậy.

“Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Ngàn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
Đan sa rã mộng phi thường
Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh
Đồng hoang mục tử chung tình
Đăm chiêu đợi ảnh nóc đình hạc khô.”

(Mộng Trường Sinh – Trích tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn)

Thầy làm thơ rất nhiều (Phương Trời Viễn Mộng, Giấc Mơ Trường Sơn, Những Điệp Khúc Dương Cầm, Ngục Trung Mị Ngữ…) phần lớn bằng chữ Hán, nhưng chẳng những Thầy không bao giờ tự coi mình là “nhà thơ” mà cũng không coi mình là “thiền sư”.

Chỉ đơn giản là một tỳ kheo bình dị.

“Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bình bát lệ vô ngôn”

(Bài thơ: Cúng Dường – trong tập Ngục Trung Mị Ngữ)

“Ðây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Ðức Phật Ðấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương” 
(HT Thích Nguyên Siêu dịch)

Những tuyệt cú toát ra từ một tâm hồn thanh cao, một cuộc đời thăng trầm khốc liệt, vẫn ung dung, tự tại.

Tư tưởng thâm diệu, uyên áo của tư tưởng triết học Phật giáo, thấm đẫm và ẩn sâu sau những vần thơ.

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rủ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.

(Khung trời cũ – Giấc Mộng Trường Sơn)

Bằng trí lực phi thường, chẳng những cống hiến cho Phật giáo Việt Nam khối kiến thức đồ sộ, mà còn bằng nhân cách cao quý, tỏa sáng soi đường cho hàng Phật tử tâm thành, đang đi trên con đường giác ngộ, tình yêu đối với quê hương, dân tộc.

Nguyễn Thanh Bình