Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Tuyển tập thư thầy (Lá thư số 1)

Tuyển tập thư thầy (Lá thư số 1)

144

 

 

 

 

 

Ngày …… tháng ….. năm …..
 
Con thương mến,
 
Thầy mới là người đáng trách. Từ lâu Thầy rất ít có dịp để chăm sóc đến đời sống tinh thần của con. Tuy nhiên, Thầy luôn luôn tin rằng con, một phật tử đã trưởng thành, không bao giờ có thể bị ngã gục. Thầy cũng tin rằng tình thương mà Thầy dành cho con đủ để có thể nhắc nhở và an ủi con giữa những cơn sóng gió của cuộc đời, và lòng kính tín của con đối với Tam Bảo sẽ giúp con an nhiên vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó.
 
Con biết không, Thầy nói điều này con đừng buồn, khi đọc thư con Thầy vô cùng xúc động, nhưng Thầy đã cười, không phải cười chế nhạo con đâu, mà cười vì thương con, thông cảm với con và vui mừng cho con. Một nụ cười khó lắm mới cầm được nước mắt. Thầy vui mừng vì con đã thấy. Thật ra, con có ngã gục đâu, trái lại con đang vươn lên đó chứ! Con cũng đâu có làm mất thể diện của Thầy như con đã nghĩ, chính con đang xứng đáng là một Phật tử trưởng thành trên đường Ðạo. Con không nhận ra điều đó hay sao?
 
Con thương mến,
 
Ðối với tình thương của một vị Thầy, khi thấy đệ tử hạnh phúc sẽ không vì hạnh phúc ấy mà vui, khi thấy đệ tử khổ đau sẽ không vì khổ đau ấy mà buồn, vì có sá gì hạnh phúc khổ đau của thế gian. Chỉ có sự giác ngộ của người đệ tử mới làm cho Thầy vui sướng mà thôi.
 
Giác ngộ nghĩa là thấy rõ, càng ngày càng rõ bản chất như thật của sự sống. Sống và nhận thức được sự buốt đau tột cùng của sự sống mới có thể giải thoát và an nhiên.
 
Khi con gặp những người có vẻ hạnh phúc vui tươi, như đang hãnh diện với những địa vị, giàu sang của mình, con đừng tự ti mặc cảm mà hãy thương họ! Họ mới là kẻ đang bị chìm đắm, vì chìm đắm là thỏa mãn với hạnh phúc mà không tự biết mình đang bị đắm chìm.
 
Còn con, con đã giáp mặt với khổ đau, đã thấm thía với tủi nhục, nhờ vậy con đã tận mắt nhìn nó và thấy rõ mặt mũi nó ra sao, và nhờ vậy con mới phát hiện được chân tướng ẩn núp đàng sau hạnh phúc và đau khổ. Như thế con đang bước những bước chính xác trên đường giác ngộ, đang đối diện với bộ mặt thật của cuộc đời mà Ðức Phật đã từng khai thị trong Bốn Sự Thật Vi Diệu. Ðừng lùi bước, bên cạnh con còn có tình thương yêu và niềm cảm thông sâu xa của Thầy.
 
Con ơi, hãy can đảm vươn mình đứng dậy hiên ngang như con mãnh sư để nhìn ngắm cuộc đời, đừng sợ hãi lẫn tránh, cũng đừng toan tính gì hơn cho cuộc đời này nữa. Nếu con mong ước một hạnh phúc, một sự cải thiện nào, đó mới chính là kẻ thù nguy hiểm. Hãy trả hạnh phúc lại cho hạnh phúc giả tạm của cuộc đời, hãy trả khổ đau lại cho cuộc đời ngập tràn đau khổ. Còn chúng ta, những người con của Ðấng Giác Ngộ, phải giác ngộ, phải giải thoát, không bám víu vào một cái gì tốt đẹp hơn trong cuộc đời. Hạnh phúc trần gian mới là vực thẳm bi đát khôn cùng, vì nó chỉ là cái ảo ảnh trước mắt của những kẻ lạc đường trong sa mạc. Thương chúng sinh Ðức Phật không ban cho họ thứ hạnh phúc trần gian ấy, vì Ngài biết rõ rằng chỉ có an ổn thanh tịnh mới là nguồn chân phúc ngọt ngào vi diệu.
 
Con hãy chấp nhận tất cả những gì đến với mình từ cuộc đời, từ sự sống hay từ nỗi chết. Không cầu mong gì cả, không sợ hãi gì cả, con hãy thản nhiên đi vào cuộc đời, hãy lặng nhìn và lắng nghe đau khổ, hãy kham nhẫn và chịu đựng kiên trì với nó, và hãy sẵn sàng đón nhận hạnh phúc hay khổ đau của cuộc đời như người đánh vợt tiếp nhận những quả banh bất ngờ của đối thủ. Vì con ơi, không có con đường giác ngộ nào không hiểm nguy, gian khó, không có sự giải thoát nào không đi qua cay đắng, chông gai. Ðừng sợ cuộc hành trình đơn thân độc mã, con không đi một mình đâu, bên cạnh con còn có Thầy, Sư thúc và các bạn bè đồng đạo. Nhưng hãy nhớ, con phải đi trong niềm cô đơn thầm lặng của chính mình.
 
Con thương mến! thực ra đau khổ, tủi nhục không phải là kẻ thù của chúng ta, mà chính những tâm niệm xấu xa tăm tối núp lén dưới nhiều hình thức khác nhau bên trong chúng ta, để dựng lên muôn vàn bộ mặt khác nhau của giả ngã mới là kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Vì vậy hãy thận trọng, tỉnh thức, đừng để bị kẻ thù lừa bịp một cách dễ dàng.
 
Khi ngồi dưới cội cây Bồ Ðề, chính nhờ phát hiện ra mặt thật của những kẻ thù mà Bồ Tát trở nên thanh tịnh. Chính vào giờ phút giác ngộ ấy, Ngài đã đối diện với tất cả kẻ thù bên trong đang ồ ạt tấn công theo chiến thuật biển người. Nhờ thế, Ngài nhận diện tất cả những bộ mặt hư ngụy đầy nguy hiểm của chúng, Ngài chỉ vào mặt chúng: "Hỡi những kẻ thù, các ngươi chính là tham muốn, bất mãn, khao khát, ái dục, hôn trầm thụy miên, sợ hãi, hoài nghi, phỉ báng, cố chấp, lợi lộc, khen tặng, vinh dự, địa vị, tự tán hủy tha … Từ bao nhiêu kiếp rồi Ta đã tìm kiếm các ngươi, nhưng các ngươi cứ núp lén sau bình phong cái ngã và không chịu xuất đầu lộ diện, nay thì các ngươi tự dẫn xác đến đây để Ta thấy rõ bộ mặt hư ngụy của các ngươi, từ đây các ngươi không thể lén lút dưới bất cứ mặt nạ nào để đánh lừa Ta được nữa".
 
Giác ngộ là như thế, là thấy rõ mặt thật của những kẻ thù mà xưa nay con xem là bạn hay thậm chí còn xem là chính mình. Nay con đã thấy mặt mũi của những kẻ thù trong lòng con, đó là một bước tiến vĩ đại trên đường giác ngộ.
 
Hiểu được một cách thâm sâu tất cả ý nghĩa khổ đau, hiểu được đâu là con đường giác ngộ, con mới thực sự hiểu thế nào là tình thương. Con nói con thương yêu những người thân thuộc như chính mình, thì trước hết phải biết yêu thương chính mình. Yêu thương chính mình thì phải biết quên nó đi để bước vào con đường đầy gian nguy hiểm trở, để thành tựu sự giác ngộ cuối cùng. Như thế khi yêu thương người thân thuộc sao con lại ao ước cho họ được những hạnh phúc thế gian? Yêu thương họ con hãy tập có nụ cười khi thấy họ đang đối đầu với đau khổ, vì chỉ ở đó họ mới thấy ra đường vào giải thoát, nhất định sự giải thoát mới là hạnh phúc cuối cùng. Nhưng giải thoát chỉ là hệ quả của giác ngộ, mà muốn giác ngộ thì phải thấy ra đau khổ, và nguyên nhân sâu xa của nó.
 
Con hãy tập yêu thương chính mình và mọi người với tình thương đau buốt ấy, rồi con mới hiểu được thế nào là lòng từ bi vô lượng của Chư Phật. Phải dũng cảm lên con mới có được tình thương như thế, thiếu dũng và trí tình thương chỉ là phản ảnh của lòng ích kỷ, là khóc than bi lụy, là luyến ái buộc ràng. Với tình thương đầy hệ lụy như thế, ta chỉ tự ràng buộc chính mình và tha nhân vào trong vòng lao lung đau khổ, chẳng khác nào một người yêu chim bắt nó nhốt trong cái lồng vàng son của hắn, tình thương như thế đã trở thành tù ngục. Ở đâu có ngục tù, ở đó tự do ngộp thở, thiếu tự do và sáng tạo thì cánh cửa giác ngộ đã khóa chặt mất rồi. Con ơi, huống nữa là tình thương đầy toan tính lợi dụng và lừa lọc thì chỉ đưa con người rơi sâu vào hố thẳm bùn nhơ, phải không con?
 
Trở lại với sự thật xót đau của cuộc đời, ở đó sẽ là môi trường thích hợp cho con phát triển tình thương, một tình thương vô ngại đủ để hỗ trợ cho hành trình giác ngộ giải thoát.
 
Cuối cùng, Thầy chép cho con một đoạn trong " Luận Bảo Vương Tam Muội " để giúp con can đảm tiến lên trên đường tu tập.
 
" Ðức Phật thiết lập chánh pháp, lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai góc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân làm đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế nên ở trong chướng ngại mà vượt qua tất cả".
 
"Ðức Thế Tôn được giác ngộ chính trong mọi sự chướng ngại, Angulimàla hành hung, Devàdatta khuấy phá mà Ðức Phật giáo hóa cho thành đạo tất cả. Như vậy há không phải sự tác nghịch là sự tác thành mà sự khuấy phá là sự giúp đỡ cho ta đó sao?".
 
Con thương mến,
 
Con hãy hành động như những người Phật tử đã trưởng thành, không tự ti mặc cảm, không rụt rè yếu đuối, và nếu cần con có quyền hãnh diện mình là người con Phật. Nói thế không có nghĩa là tự tôn mà chỉ để tự tin ở chính mình trên hành trình giác ngộ. Thầy cầu chúc cho con có thừa dũng mãnh để vượt qua mọi gian nguy với những bước chân thênh thang vô ngại giữa không thời gian biến ảo vô thường.
 
"Hãy lắng nghe bước chân
Bước chân qua thời gian
Thời gian vô sở trụ
Chân bước hề thênh thang" .
 
Thầy.
 
ÐÔI LỜI BIỆN BẠCH
 
Những bức thư Thầy Viên Minh trả lời về Ðạo cho các đệ tử trong và ngoài nước, từ năm 1976 đến năm 1986 đã được chúng tôi sao chép lại trước khi gởi đi, chuyền tay nhau đọc hầu học hỏi thêm những điều Thầy giải đáp một cách thiết thực và chân tình cho những vấn đề trong đời sống của các Phật tử.
 
Trong thời kỳ đó, kinh sách rất hiếm hoi, nhiều Phật tử vì điều kiện kinh tế, phương tiện đi lại v.v… rất khó khăn, không đến tham dự được những buổi Pháp đàm của Thầy ở đạo tràng Huyền Không, nên những bức thư Thầy dù là viết cho cá nhân vẫn được sao chép và truyền đi rất nhanh.
 
Lúc đầu chúng tôi chép tay, về sau chị Liễu Vân tình nguyện đánh máy ra nhiều bản theo yêu cầu của một số bạn đạo thân quen trong nội bộ, rồi từ đó nhiều người mượn để xin sao chép hoặc đánh máy lại nữa. Chính quá trình sao chép này mà thành ra tam sao thất bổn.
 
Một hôm Thường Như, nhân viên ở UBND Quận Tân Bình được một người bạn cùng sở cho xem một bức thư đánh máy và giới thiệu là nhờ bức thư đó mà mình đã vượt qua được một biến cố tinh thần khá trầm trọng. Mới xem qua, Thường Như đã nhận ra ngay đó chính là bức thư mà Thầy gởi để an ủi và sách tấn mình trong lúc đời sống gia đình đang rơi vào một giai đoạn gay go bi thảm nhất. Chị ngạc nhiên nói: "Ủa, sao bạn có được bức thư này? Ðây là bức thư Thầy gởi cho mình mà!". để chứng minh, Thường Như rút trong xách ra bức thư chính tay Thầy viết cho chị[*], bức thư mà chị vẫn đem theo bên mình và đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, vì đã cứu đời chị ra khỏi những tư tưởng bi quan, lầm lẫn và dại khờ…
Về sau, khi kể lại với chúng tôi câu chuyện này, chị có lưu ý chúng tôi một điều là bức thư đánh máy của người bạn không hoàn toàn giống với bức thư chính tay Thầy viết cho chị, vì có chỗ bị cắt bớt, có chỗ lại thêm vào, chẳng biết tại sao, chắc là chỉ vì tam sao thất bổn mà thôi!
 
Năm 1990, chúng tôi được biết ở Mỹ, Pháp, Ý v.v…có lưu hành một tập "Thư Thầy Trò", có lời giới thiệu của Ðại Ðức Giác Ðẳng, với 10 bức thư của Thầy, nhưng nội dung cũng có nhiều điểm không đúng với những lá thư gốc.
 
Năm 1993, ở Thành phố Hồ Chí Minh, không biết do ai đã in tập "Lá Thư Thầy" gồm 25 bức thư của Thầy, rất tiếc là nội dung lại còn sai sót nhiều hơn.
 
Chúng tôi đã trình bày việc này với Thầy. Thầy nói: "Cũng có nhiều Phật tử đề nghị in nhưng Thầy còn đắn đo, vì những bức thư phần lớn viết cho nội bộ Phật tử Huyền Không, nếu in ra để phổ biến thì cần phải sửa chữa lại vài điểm cho phù hợp với căn cơ đại chúng mới được, và những bức thư nào nặng tính cá biệt thì nên bỏ bớt đi".
 
Ðược phép của Thầy, chúng tôi đã chọn lại những bức thư có tính phổ biến, bỏ bớt những đoạn mang tính cá nhân, và góp thành một tập sách lấy tên là "Tuyển Tập Thư Thầy" để khỏi lầm lẫn với những tập đã in ngoài ý muốn của Thầy. Sở dĩ chúng tôi lấy tựa đề là "Tuyển Tập Thư Thầy" vì trong 10 năm Thầy đã viết rất nhiều thư giải đáp những uẩn khúc trong đời sống, cũng như những thắc mắc về Ðạo lý của Phật tử, nếu in hết thì quá nhiều, hơn nữa có một số thư lại trùng ý nhau nên chỉ cần in một bức tiêu biểu cũng đủ. Tuy vậy số lượng thư trong tuyển tập này vẫn nhiều hơn so với hai tập trước.
 
Trong những lá thư Thầy, chúng tôi thấy ra được một khía cạnh đáng lưu ý là đôi lúc một số lời khuyên của Thầy có vẻ trái ngược nhau. Ví dụ như đối với một người quá nặng tinh thần phục vụ đến nỗi suy nhược thần kinh, Thầy nói: "Ðó là bịnh trách nhiệm của thời đại". Nhưng khi có một Phật tử chỉ thích đời sống du phương hành cước của các thiền Tăng xưa hơn là đời sống nông thiền cặm cụi suốt ngày trong nương rẫy của chư Tăng trong thời buổi kinh tế khó khăn bây giờ, Thầy lại viết: "Không có thiên đàng nào khác hơn ngoài những gánh nặng mà ta vui lòng gánh vác để đem lại cho đời một niềm vui, một an ủi, một nụ cười". Thậm chí Thầy còn nói :
Ta không biết đâu Suối Nguồn An Lạc
Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa
Ta không biết đâu Bến Bờ Diệu Giác
Ðúng ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa.
 
Chính những trái ngược ấy nói lên tính đại dụng viên dung nhất quán và uyển chuyển của Ðạo: tùy căn cơ mà đối trị, giáo hóa, chứ không cố định như những công thức một chiều. Ðặc biệt là chúng tôi thấy tính "mâu thuẫn đồng nhất" hay "nhất đa tương dung" này được thể hiện rõ nét trong chính đời sống của Thầy, chứ không phải chỉ là những lời khuyên giải lý thuyết kinh điển đơn thuần. Bằng chứng là mặc dù Phật sự đa đoan phiền phức Thầy vẫn ung dung thanh thản, giống như phong cách của một ẩn sĩ thư nhàn, vẫn vẽ tranh thủy mạc, làm thơ hoặc lãm ngoạn vườn thiền, tưởng chừng như thảnh thơi vô sự, đúng là "tự do là ung dung trong ràng buộc" như Thầy đã nói vậy.
 
Một khía cạnh khác cũng khá nổi bật là Thầy thường khuyên phải giáp mặt với thực tại một cách bình tĩnh sáng suốt, không đắm chìm chấp thủ, cũng không sợ hãi tránh né, dù đó là khổ đau phiền muộn đến đâu đi nữa. Chính câu nói "Hạnh phúc là tự tại giữa đau thương" đã giúp biết bao Phật tử chúng tôi can đảm chịu đựng để tích cực vượt qua thời kỳ lịch sử khó khăn phức tạp nhất đã khiến cho nhiều người dao động khủng hoảng.
 
Nhưng "giáp mặt thực tại" không phải chỉ thuần túy là một lời an ủi, mà bây giờ chúng tôi mới biết rằng đó cũng chính là tinh yếu của Ðạo Phật, là cốt lõi của tinh thần thiền Vipassanà nguyên thủy nhất của Ðức Phật, mà qua đó chúng ta mới có thể thấy ra chân diện của cuộc đời.
 
Với những nhận xét thô thiển trên, chúng tôi không có ý giới thiệu thư Thầy, mà chỉ biện bạch cho lý do in lại những lá thư này dưới nhan đề "Tuyển Tập Thư Thầy" do chúng tôi biên tập để đảm bảo cho nội dung được trung thực với nguyên bản. Chắc chắn chúng tôi không tránh khỏi chủ quan trong việc biên tập, kính xin Thầy hỷ xả và bạn đọc rộng tình tha thứ.
 
Ban Biên Tập
Thiền Viện Bửu Long
PL 2546 – TL 2002
 
Nguồn: Buddhanet.net