HỎI:
ĐÁP:
Thiện tâm của cô muốn khuyên dạy các cháu về đạo đức, hiếu nghĩa, chăm ngoan là điều tốt song không phải bất cứ điều tốt đẹp nào cũng được cảm thông, chia sẻ và ủng hộ. Sở dĩ các bậc phụ huynh ở địa phương không hài lòng trước việc làm của cô, xét kỹ không phải không có nguyên nhân.
Trước hết, do họ không nhận thức đúng về chùa chiền là môi trường giáo dục, đạo đức, văn hóa và tâm linh mà chỉ biết đại khái là nơi thờ tự thánh thần nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cầu cúng, van vái. Mặt khác, người tu, theo họ dù hiền lành nhưng chỉ là những kẻ yếm thế, bi quan, sống nhờ lòng thương của bá tánh hoặc chuyên hành nghề cúng bái, xem quẻ, giải xăm. Đặc biệt là quan niệm thiển cận khi cho rằng, tuổi trẻ nếu “nhiễm” từ bi hỷ xả sẽ có khả năng thui chột ý thức phấn đấu, cạnh tranh, khó thành công trong cuộc sống và chẳng may các cháu “mê” chùa xin đi tu là điều tai họa. Nếu nhận thức về chùa chiền và tu hành phiến diện như vậy thì việc họ cấm đoán con cái không nên vào chùa chơi cũng là điều dễ hiểu.
Đó là quan niệm của những người không biết gì nhiều về Phật giáo. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người dù tin Phật, có đi lễ chùa hoặc đã quy y nhưng chưa hiểu đạo nghĩ rằng, đến chùa khi về già mới thích hợp còn tuổi trẻ thì không nên hoặc giả các cháu còn nhỏ, ham vui nếu đến nơi tôn nghiêm lỡ có bề gì thất kính với thánh thần sẽ bị trách phạt… Do vậy, họ không an tâm khi các cháu đến chùa một mình.
Trên đây là những nguyên nhân cơ bản, khá phổ biến dẫn đến việc những bậc phụ huynh cấm cản các em nhỏ đến chùa tham quan, vui chơi, học tập. Để khắc phục tình trạng này, trước hết cô cần kiện toàn nhân cách và chùa chiền bằng cách tu học, hành đạo đúng Chánh pháp. Điều này sẽ giúp mọi người dần hiểu và nhận thức đúng đắn hơn về Phật giáo. Điều quan trọng là cô cần phát huy thuyết giảng, thường xuyên có những pháp thoại ngắn hoặc đọc một bản kinh hay một bài viết giáo lý trong sách báo Phật giáo trong những buổi lễ để hàng Phật tử và mọi người ngày càng hiểu biết giáo lý đúng đắn, sâu sắc hơn, nhất là nhận ra những giá trị đạo đức Phật giáo mà mọi người, mọi lứa tuổi cần phải tuân thủ, ứng dụng nhằm xây dựng bản thân, gia đình và xã hội tốt đẹp hơn.
Kế đến, cô cần thể hiện tâm nguyện “tất cả vì đàn em thân yêu” của mình qua những việc làm lợi ích thiết thực như kết hợp với Ban từ thiện chùa, chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động xã hội vì trẻ em. Cụ thể như: lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ học phí, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo; ủy lạo, thăm viếng các học sinh gặp khó khăn, hoạn nạn v.v… Bởi khi các bậc phụ huynh chưa hiểu được tâm nguyện giáo dục, lòng yêu trẻ, mong muốn thế hệ kế thừa không lãng quên cội nguồn của cô (qua các việc làm cụ thể) thì họ không thể cho các cháu gần gũi với người lạ được. Tâm hồn các cháu trong trắng, do vậy thận trọng với các môi trường giáo dục lạ có thể ảnh hưởng đến nhận thức con cái là điều cần làm đối với các bậc phụ huynh. Vì thế, khi chưa thiết lập được sự hiểu biết, cảm thông, động viên, hỗ trợ và tán thành của các bậc phụ huynh cũng như mọi người thì cô cũng không nên tùy tiện “lên lớp, giảng bài” cho các cháu, vì điều ấy không chừng lợi bất cập hại, có thể dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc.
Để giáo hóa chúng sanh thành công, cần phải nghiên cứu, tu tập, ứng dụng theo tinh thần Tứ nhiếp pháp. Bốn việc làm bố thí, ái ngữ, đồng sự và lợi hành cần được kết hợp, vận dụng nhuần nhuyễn mới có thể nhiếp hóa mọi người. Do vậy, nếu cô thực thi trọn vẹn những điều trên thì trong chừng mực nào đó cô sẽ được mọi người, nhất là những người chưa biết đạo tin hiểu, tín nhiệm và nể phục. Và nếu như “vì sự nghiệp giáo dục trẻ em” là hoài bão phụng sự chúng sanh của cô thì cứ theo phương thức này, trong tương lai cô sẽ được chính quyền địa phương cùng các ban ngành và mọi người hỗ trợ để cô được tham gia, dấn thân, phụng sự và thực thi tâm nguyện của mình.