Đó là tượng tạc nhà vua mặc triều phục đang quỳ, hai bàn tay vua cung kính mở rộng để trên mặt phẳng, tương xứng với thân vua đang trong tư thế cúi lạy và mang trên lưng một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen. Tương truyền tượng này do chính vua Lê Hy Tông sai tạc để tỏ lòng sám hối của mình sau sự kiện thiền sư Tông Diễn thuộc phái Tào Động đời thứ 37 vào kinh dâng ngọc khai thị. Theo nhiều nhà nghiên cứu, khoảng năm 1678, vua Lê Hy Tông có lệnh buộc tăng ni phải lui về chốn núi rừng, thôn xóm vắng vẻ để hành đạo, chứ không được ở kinh đô Thăng Long nữa. Nghe tin này, thiền sư Tông Diễn, bấy giờ đã đắc pháp ở chùa Vọng Lão trên Yên Tử, đã xuống núi đến kinh thành xin yết kiến nhà vua để dâng một hộp ngọc. Khi được triệu vào cung, dâng hộp lên thì bên trong chỉ có một tờ biểu kể rõ lợi ích của việc ứng dụng Phật pháp vào chính sự, nhằm đưa đến thái bình thịnh trị, cứu đời an dân như đã thấy ở đời Lý – Trần. Lợi ích này rõ ràng và tỏa sáng như một viên ngọc quý, tuy vô hình nhưng không bị thời gian và lịch sử hủy hoại. Vua đọc xong bèn thỉnh thiền sư đến tham vấn, hỏi đạo. Được thiền sư giải đáp trôi chảy và nêu lên những báo ứng không tránh khỏi của tội hủy báng, ngăn trở hoặc bài xích Phật pháp, vua Lê Hy Tông tỉnh ngộ sai tạc tượng sám hối trên. Hiện pho tượng này còn đặt tại chùa Hòe Nhai (tức Hồng Phúc tự) là nơi thiền sư Tông Diễn cuối đời đã về hoằng pháp ở đó và cho khắc 2 bộ kinh tối thượng là Hoa nghiêm và Pháp hoa trước khi sư thị tịnh vào năm Kỷ Sửu 1709. Ngày nay, chùa tọa lạc số 19 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội. Tượng được nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường thu vào ống kính trong một dịp hành hương ra Bắc.