Ý thức công dân và hành vi biểu hiện nơi công cộng luôn được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ văn minh của một xã hội. Và những hành vi thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ được lặp đi lặp lại trên cho chúng ta nhận ra những khoảng trống rất lớn chưa thể hàn gắn trong văn hóa ứng xử hàng ngày.
Những chuyện như ăn mặc, nói năng, xả rác, chặt cây, giẫm hoa, bẻ cành, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện nơi công cộng, không chấp hành luật lệ giao thông…, và gần đây là vụ gây rối ở Tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) đang đặt ra cho mọi người nhiều suy nghĩ, trăn trở trong ứng xử xã hội, ứng xử với tôn giáo. Có không ít lý do để người ta gắn cho sự đói nghèo, lạc hậu những nhãn mác ứng xử ở mức độ khác nhau, nhưng sự thực khi xã hội phát triển thì những vấn đề ứng xử tưởng chừng như “nhỏ” kia lại bộc lộ khá nhiều thói ích kỷ trong lối sống “hiện đại”.
Mỗi người đều có thể chỉ nhìn thấy những cái xấu của người khác một cách dễ dàng, song để nhận ra mình thì lại phải cần đến một chiếc gương soi. Chắc chắn khi nói đến văn hóa ứng xử có chuẩn, người ta thường tìm về gốc nguồn của những giá trị văn hóa truyền thống. Trong muôn vàn những thói quen ứng xử do môi trường sống tạo nên, người ta dần nhận ra những rạn nứt, khiếm khuyết của một thời vội vàng xây dựng xã hội mới, nhưng đã tẩy chay giá trị cũ một cách quá hồ hởi và thiếu chọn lọc.
Mới đầu, những cái lạ lẫm kéo đến, có người tò mò, do dự, có người thích ứng ngay và có người phản ứng. Nhưng bằng cách nào đó, những hình ảnh ấy được lặp đi lặp lại trong cuộc sống hàng ngày khiến nhiều người bão hòa trước những tình huống ứng xử mà vốn dĩ mình đã từng phản ứng bằng thái độ không thể chấp nhận. Và khi những điều đó đi vào cuộc sống một cách quá hiển nhiên thì người ta mất dần đề kháng, đến nỗi khi chuyển sang một môi trường sống mới, mỗi người lại phải tìm cách điều chỉnh và tiếp nhận những góc độ ứng xử nhiều khi xa lạ với chính mình.
Trải qua quá trình sống trong những ứng xử trái chiều ấy, nhiều người nhận ra mình đang thiếu những giá trị chung trong văn hóa ứng xử. Mỗi cộng đồng đều có chung một không gian để hít thở, và những tiếp nhận văn hóa ở những dạng thức khác nhau, và dù có mang màu sắc gì thì cũng không vượt ra ngoài những quy chuẩn ứng xử chung của cộng đồng xã hội. Điều dễ nhận ra nhất, khi người ta thoát thai từ một môi trường sống lịch sự, ân cần, cởi mở, bài bản trong cung cách phục vụ công cộng, thì chính những điều đó không chỉ là những hành xử văn hóa mà còn mang về cho người ta những giá trị lợi nhuận trong kinh tế.
Giao lưu văn hóa chính là để con người học cách cảm nhận sự bao dung nhiều hơn. Ở đó, những định kiến dần nhường chỗ để thêm vào những giá trị mà người ta khả dĩ có thể sống với nhau bằng sự tương kính, cũng như tôn trọng sự khác biệt. Và sự thay đổi bất ngờ trong sinh hoạt cá nhân được nhận diện trực tiếp qua những hành vi ứng xử.
Điều này cần có sự bĩnh tĩnh, chiêm nghiệm và cả độ lùi về thời gian để đánh giá những hiệu ứng biến đổi trong xu hướng sống xã hội theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Và trong những trường hợp cụ thể, người ta buộc phải gây ra liệu pháp sốc để hoán chuyển những thói quen tập tục sinh hoạt bảo thủ, trì trệ đã ám ảnh dân tộc nhiều thế hệ. Nhưng những liệu pháp sốc ấy chỉ có thể diễn ra khi những đòi hỏi của thời đại đã đặt ra một cách cấp thiết, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, trong các môi trường sống lạc hậu, đầy hủ tục.
Sự phát triển kinh tế thiếu bền vững đang dần bộc lộ khi môi trường sống chung quanh đang xuống cấp, và phần nào sự du nhập văn hóa thiếu chọn lọc cũng được thả nổi trong môi trường ấy. Ai có thể cao ngạo nói rằng sự sòng phẳng trong cạnh tranh, đối đầu luôn khiến các thế lực kinh tế mạnh hơn sẽ chiến thắng trong văn hóa và có quyền áp đặt những hệ giá trị lên người khác?
Văn hóa và phát triển là những điều buộc người ta phải phân vân, thậm chí đưa ra những quyết định khó khăn để đánh đổi. Nhưng có một điều chúng ta phải thừa nhận rằng, gần đây, trong chính những ứng xử thường nhật của chúng ta, thái độ chán nản ở một cường độ bị dày vò bởi sự mất giá đang không ngừng hoán chuyển nhận thức con người vào một thời cơ bất tín giá trị. Và thật mỉa mai, chính chúng ta không thể hiểu nổi cái môi trường mà chúng ta hàng ngày cùng chung sống với con cháu chúng ta lại có những khoảng cách ứng xử quá xa nhau như thế, đến mức khó có thể tìm ra tiếng nói chung giữa các thế hệ trong một gia đình.
Điều đáng nói, sự bất lực trong hàn gắn xảy ra khi khả năng chi phối của giá trị truyền thống còn rất ít tác dụng hay bị phá vỡ bởi sự vồ vập quá đà trên đường tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng bằng mọi cách đổ lỗi, những đổ vỡ giá trị ấy, được người ta lý giải như là một trong những yếu tố khách quan của quá trình hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa. Ở những mức độ phản kháng, người đi trước không thể làm gì hơn đành phải ngồi thở dài một cách bất lực, rằng tại sao văn hóa của chúng ta lại ngày một suy dĩnh dưỡng đến vậy. Chắc chắn đó là hệ quả mà một thời văn hóa không phải là đích đến, không phải là mục tiêu sống còn trong nhận thức phát triển.
Có nhiều cú sốc văn hóa rất căn bản buộc người ta phải so sánh giữa các môi trường văn hóa chung quanh dù sự khập khiễng sẽ xuất hiện. Dĩ nhiên, không phải quá to tát với những khẩu hiệu văn hóa được trưng ra đầy khắp phố phường, vì chính trong thực tế, mỉa mai thay những yếu tố đơn giản để chứng minh một công dân văn hóa lại không phải là chuyện anh bày biện những gì hoành tráng trên tủ thờ, hay qua hình thức có vẻ như cao đạo của anh mà ở cách anh thò tay ngoáy mũi, cách ăn nhổ nước miếng, tham gia giao thông, xả rác, gọi thức ăn và thậm chí là cười nói, ăn mặc, đi đứng… “Văn hóa thích ứng” được người Việt gọi là “nhập gia tùy tục”. Nhưng không có nghĩa rằng văn hóa chỉ là những ứng xử tình thế mà còn là những giá trị bền vững để thăng hoa tinh thần, chí ít nó cùng cộng đồng hướng đến những ứng xử tốt đẹp chung.
Con người Việt Nam hiền hòa nhưng không đồng nghĩa với sự nhàn rỗi vô tổ chức. Thực tế, có quá nhiều thời gian mà nhiều người không dành cho công việc thường nhật của mình. Chúng ta có thể đặt câu hỏi thẳng thắn rằng, khoảng thời gian nhàn rỗi ấy đang đem đến những giá trị gì về ý tưởng và cách xây dựng cuộc sống sao cho văn minh và nhiều trách nhiệm hơn?
Có một người Việt kiều về thăm quê hương, điều ý nghĩa đầu tiên là người ấy đến viếng thăm người thầy tại một ngôi chùa. Chùa vẫn như xưa, thầy vẫn như xưa, nhưng không gian ứng xử thì lại có những cách biệt giữa các thế hệ. Vị thầy thì ân cần tiếp khách còn chú tiểu thì rộn ràng đi qua đi lại với cái phone nghe nhạc cắm kín hai tai. Một sự tương phản đến lạ lùng hay một cú sốc trong văn hóa?
Nhà sư cũng phải sống với những phương tiện của xã hội hiện đại, nhưng việc họ có điện thoại cầm tay, máy vi tính, máy nghe nhạc… không chứng minh thêm điều gì rằng họ đang hòa nhập, hội nhập tích cực với cuộc sống hiện tại, bởi thước đo của họ là sự bình an trong tâm thức qua quá trình thực nghiệm và trải nghiệm trước bao nhiêu những cám dỗ và lỗi lầm trong quá trình sống của bản thân. Đó là vốn sống quý giá để họ nhận diện và đối mặt với những cú sốc văn hóa có thể diễn ra một cách khốc liệt hơn ở phía trước, để họ bình tĩnh và chuyển giao những nhận biết, thăng hoa tâm hồn cho những người đang tìm đến họ với một tâm trạng khao khát sự bình an không kém. Nhưng làm sao họ có thể trao sự bình yên cho người khác khi trong từng giây phút họ không nhận diện được sự bình yên nội tại, khi các luồng văn hóa chung quanh đang cuốn họ trôi theo như vậy.
Một hình ảnh cần thiết để chúng ta có thêm cái nhìn mới hơn về giáo dục, rằng có thể những ứng xử văn hóa của chúng ta đang “như thế mà trôi”, rằng độ chênh trong nhận thức, giáo dục đang cần những bài học thiết thực, cụ thể hơn để các thế hệ có thể đối thoại được với nhau. Không nên dẫn dắt người trẻ vào vòng kiêm tỏa của những áp đặt mà hãy cho họ nói tiếng nói của những người đã không còn nhiều khả năng đề kháng văn hóa. Điều gì đã khiến người trẻ nghĩ rằng họ cần phải sống trong môi trường buồn vui, thất vọng, không mục đích của riêng họ? Cách họ im lặng, cách họ chứng tỏ và thể hiện sự khác người là cách họ phản ứng. Họ phản ứng vì có thể họ cảm nhận được sự vô lực của chúng ta trong những tác động gương soi, chuẩn mực.
Còn chúng ta sống và nhận thức như thế nào để không đi đến nhầm lẫn rằng những cuộc “nổi loạn” trong tính cách của họ chỉ có tính chất xã hội, bởi ứng xử của họ lẽ nào không tương quan gì với những ứng xử của chúng ta? Nhẽ ra bản thân chúng ta, từ những giá trị được tìm kiếm bên trong đã và phải đóng vai trò cân bằng, nhằm gợi mở trong ý thức xã hội những giá trị tương quan và kết nối, để mỗi khi nhìn vào một gia đình thì thấy con ra con, cha ra cha, mỗi khi nhìn vào lớp học thấy thầy ra thầy, trò ra trò…
Người trẻ có thể khóc cười thản nhiên trước những dằn vặt nhiều phía từ quá trình hối hả kiếm tìm vật chất khi cả xã hội lao đi còn họ thì chưa đuổi kịp. Tiềm năng con người không chỉ dừng lại ở những tìm kiếm vật chất, mà sâu thẳm từ bên trong, những giá trị tinh thần và những bài học làm người cơ bản đã và sẽ có thể giúp họ đứng vững trong tương lai một cách có ý nghĩa. Vì thiếu giáo dục nhân quả, nên trong một thời gian dài khiến cho họ không đủ kiên nhẫn về một đích hướng ngày mai, như thế rõ ràng hiện tại họ đang rơi vào sự phi định hướng, gá tạm những phản ứng trái chiều vào môi trường cụ thể. Và chính những môi trường cụ thể ấy đang tạo ra những biến chuyển đầy nhức nhối trong tinh cách mà người ta gọi đó là những vấn nạn xã hội, hay gọi đó là khởi đầu của những sự bất tín giá trị khi sự thiếu công bằng đã cướp đi những cơ hội và ý thức sống vốn từng đong đầy những ý nghĩ tích cực của họ.
Đây là vấn đề chúng ta phải suy ngẫm. Nhìn vào những biểu hiện xã hội ở một môi trường như tôn giáo sẽ giúp chúng ta lý giải nhiều hơn về những cú sốc văn hóa đã và đang xảy ra ở những tầm mức nghiêm trọng khác nhau mà vẫn chưa giúp nhiều người bừng tỉnh, nhìn nhận để điều chỉnh. Thái độ im lặng “như thế mà trôi” trước những cú sốc văn hóa ấy cho thấy sự ích kỷ thực sự còn lớn hơn rất nhiều đang tồn tại trong nhận thức của người lớn.
Thích nghi văn hóa đã xảy ra trong bình diện ngược chiều. Rằng nhẽ ra mức độ ảnh hưởng của vốn văn hóa truyền thống phải là những điều mà người trẻ phải thích nghi thì gần như những người già đang phải thích nghi nhiều hơn với người trẻ và với lối sống “tự do” mới. Những thói quen và cách hành xử văn hóa trở nên chán nản và mệt mỏi. Đã vậy, người trẻ vất rác nhưng không có người già nào nhặt rác để định hướng hành vì cho họ, vì chúng ta suy nghĩ rằng “ai làm người nấy chịu”. Suy nghĩ này không phải lúc nào cũng thích hợp trong môi trường mà những ứng xử tình cảm luôn được đặt lên trên, đặc biệt khi chính chúng ta, trong nhiều tình huống vẫn chưa thể hiện tốt văn hóa tự chịu trách nhiệm. Người trẻ rất cần chúng ta nghiêm khắc và bao dung.
Trong quá trình sống có những thói quen ứng xử được thay thế hay bổ sung, nhưng từ trong nền tảng tâm thức, sự sống dậy của ký ức sẽ là cơ hội để tái hiện những ứng xử văn hóa thích nghi trong từng điều kiện và hoàn cảnh sống. Một người có thể có đến hai hay ba, thậm chí bốn môi trường văn hóa trong mình, nhưng khi trở về thực tại ứng xử truyền thống, chính họ là người hơn ai hết muốn xác lập rằng họ thuộc về một truyền thống. Và chỉ có những điều tốt đẹp trong một ký ức đầy ý nghĩa của văn hóa, tình thương, lòng trắc ẩn, sự bao dung, tâm linh, tín ngưỡng và huyết thống sẽ kêu gọi họ trở về. Họ không thể sống một cách lơ lửng không tâm linh và không gốc nguồn truyền thống. Hậu quả đó sẽ thật xót xa, bởi nếu chúng ta còn đang là những người lưu vong văn hóa trên chính quê hương của mình thì họ làm sao có thể tiếp nhận những giá trị của tình thương yêu mà có ý thức giữ gìn, bảo vệ.
Thời bao cấp, chúng ta phải xếp hàng để mua mọi thứ, nhưng không phải vì luôn luôn phải xếp hàng mà chúng ta có một văn hóa xếp hàng. Cho nên, hình ảnh chen lấn, chộp giật, sợ mất phần tốt hơn đã ám ảnh vào trong đầu óc và di căn vào nhiều thế hệ. Chúng ta không có văn hóa công bằng nên không tạo ra văn hóa xếp hàng đúng nghĩa.
Vì một người nhận thấy có sự công bằng thì họ đến sớm hay đến muộn cũng nhận được sự công bằng tương tự, dĩ nhiên họ không tranh chấp, không lấn lướt, không thô tháo. Văn hóa thì không phải xếp hàng nhưng chính sự xếp hàng tạo ra văn hóa, văn hóa là một quá trình chuyển động của những ứng xử có chuẩn và ích mình lợi người. Trước tiên nó cho người ta một cảm nhận đẹp về sự chia sẻ văn hóa trong những tình huống mà người ta có thể thiếu đi sự chia sẻ. Sự chụp giựt của những thái độ phòng ngừa, né tránh, bạo loạn không tạo nên những hình ảnh thực sự về văn hóa trong một môi trường mà người ta có thể định nghĩa văn hóa là sự thích nghi cao thượng, tốt đẹp.
Đến một nước nào đó thì phải hiểu văn hóa của họ như thế nào để ứng xử cho phù hợp. Và khi trở về một không gian văn hóa quen thuộc với nhiều giá trị được đắp đổi thì chính trong quá trình ấy, một sự nhìn nhận đầy biến chuyển hình thành. Những yếu tố xưa kia và những yếu tố ngày nay đan quyện trong một môi trường mà tình người trong ứng xử vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Dù người trẻ có tiếp nhận hình thức văn hóa (Đông – Tây) nào thì không thể nói rằng xả rác, vặt hoa bẻ cành, nói năng tục tĩu, đi đứng bát nháo là văn hóa được. Vì dư luận xã hội vẫn luôn chỉ ra cho họ thấy đó là hành vi thiếu thẩm mỹ. Họ có tiếp xúc với những chỉ trích đó không? Có lúc họ nhận ra, nhưng tại sao khi tiếp cận trực tiếp với hoàn cảnh, họ vẫn hành xử theo kiểu vắng bóng hoàn toàn những ứng xử văn hóa. Vì bản thân họ đã ở trong tình trạng ứng phó với những bản án và sự luận tội của số đông. Không ai cho họ được biện mình rằng họ đang có một gia đình đổ vỡ, rằng họ đang hoang mang, rằng tâm sinh lý của họ đang có những vấn đề trầm trọng, rằng họ trước kia cũng ngoan ngoãn hiếu thảo, rằng thần tượng của họ sụp đổ, rằng họ không có được một môi trường giáo dục gia đình và nhà trường tốt như người khác…
Vô vàn những lý do họ đưa ra cung cấp cho chúng ta những nhìn nhận tương quan chuẩn xác hơn. Phải chăng sự ích kỷ đang lớn dần lên trong xã hội, ngay cả khi đẩy họ không ngừng về phía tội lỗi và buộc họ phải tội lỗi. Giá trị tương quan ấy chí ít gợi nên cho chúng ta lòng trắc ẩn, rằng thiện ác có thể xoay chuyển trong gang tấc, nhưng sự vô cảm, từ chối các trách nhiệm tương quan mới khiến chúng ta trở thành người đứng ngoài thơ ơ trước tất cả những vận động của cuộc sống.
Chúng ta thử làm một bài toán xem người giàu đã sống như thế nào trong khi xã hội làm giàu cho họ (để họ trở thành những tỷ phú được vinh danh) còn nhiều hơn là họ làm giàu cho xã hội? Mức độ tỷ phú có thể được đánh giá bằng công sức kiếm tiền của họ, nhưng dòng chảy tiền tỷ đổ về họ một cách đầy tự mãn đã giúp ích gì cho họ trong nhận thức cần phải chia sẻ và phát huy những giá trị lương tâm của một người giàu? Rõ ràng văn hóa và phát triển đang bộc lộ những mâu thuẫn đầy thách thức nhân đạo, nhân văn. Chỉ tăng 500 đồng tiền xăng là cả xã hội đổ xô vào những cơn tăng giá liên hoàn với đủ mọi lý do tương quan giữa giá xăng và những vấn đề xã hội khác. Nhưng trong khi xã hội ồn ào như vậy thì người giàu ít bị tác động, bởi họ kiếm ra lợi nhuận còn hơn gấp nhiều lần mức tăng của giá xăng và các thực phẩm khác. Những tác động khác nhau ấy tạo nên những ứng xử văn hóa đầy khoảng cách trong xã hội. Rằng có người kiếm tiền chỉ mong đủ một bữa ăn, nhưng có người kêu đầy bàn ăn với những món ngon nhưng rồi họ không ăn hết 1/3 số thức ăn ấy. Kết cục trong những so sánh chênh lệch ấy, sự phân hóa xuất hiện tạo nên những thế giới quan ứng xử xã hội vừa đan xen, vừa loại trừ nhau.
Tôn giáo trong khi ấy, nhẽ ra phải là nơi thực thi những ý tưởng tốt đẹp, trở thành những liệu pháp tinh thần để cân bằng xã hội thì không may, những cú sốc văn hóa ở nơi đây thêm một lần nữa tấn công và vùi dập nhận thức của lớp trẻ: rằng ở một số nơi thiêng liêng tình trạng thế tục hóa, thương mại hóa tâm linh đang diễn biến phức tạp, đáng nói nó trở thành nơi để người ta cầu cúng, tìm kiếm danh lợi, thậm chí dùng thần thánh làm bức bình phong để che lấp những hành động xấu ác của mình? Đáng tiếc, chúng ta đã trở nên là những thế lực ngày càng có khoảng cách to lớn với nhân dân. Đáng tiếc những lời nói “sư giàu”, “chùa giàu”… đã làm cho chúng ta tự trở nên xa lạ trong sự vất vả mưu sinh của xã hội, thậm chí sự xa xỉ đã khiến chúng ta trở thành “phú ông”, “phú tăng”.
Ngay cả khi chúng ta đem tiền đi cứu trợ thì cũng giống như một doanh nghiệp đi làm từ thiện chứ không phải là người sinh ra từ trong lòng nhân dân. Nhưng làm từ thiện với động cơ để tìm kiếm danh vọng thì càng làm bộc lộ những tính cách giả tạo, xu thời, thích tạo danh để gần quyền thế. Khi có quyền thế rồi thì giáo quyền và tục quyền lại nắm tay nhau tạo nên chiếc vòng kim cô (danh lợi) thao túng xã hội, bóp chết phản biện chính đáng của con người. Tham vọng cất thành lời cầu xin hay ẩn ngầm trong tâm thức đã ít nhiều phơi bày một xu hướng sống ích kỷ, thờ ơ vô cảm, mạnh ai người đó cầu xin cho mình có thêm tài lộc, công danh… trong khi, ngay bên cạnh nhà họ, có thể có những người đang thập tử nhất sinh, đang bần cùng không lối thoát, thậm chí nhiều những huynh đệ, pháp lữ đồng tu vẫn bị đối xử bất công, tàn nhẫn.
Với những biểu hiện phức tạp trên, chắc chắn văn hóa phải được nhìn nhận trên bình diện tổng thể tiếp nhận và bài tha. Hai quá trình ấy có công dụng khép lại và mở ra những giá trị vốn dĩ có thể bổ sung cho nhau ở định mức thăng bằng. Và dù biểu hiện ra sao thì văn hóa vẫn là những nấc thang giá trị mà đôi chân của mỗi người đều phải bước, không kể họ đang đứng ở địa vị, tổ chức xã hội nào.
Giác Tâm, 7/2009 – TP.HCM