Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bình Dương gồm trường Phật học, hội trường, thư viện… xây dựng trong khuôn viên Tổ đình chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) từ 12-8-2008 và khánh thành ngày 30-3-2010.
Công trình tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bình Dương nằm nghiêng trong tư thế kiết tường cao cách mặt đất 22m, bên dưới đặt một cầu thang có 49 bậc đi lên tượng Đức Phật.
Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài nhất Việt Nam
Từ bờ vai phải qua bờ vai trái của Đức Phật rộng 11m. Bên trong Đức Phật là không gian rộng, nơi đây có thể dùng làm một ngôi ngôi chánh điện để thờ phụng. Phần bệ nơi Phật nằm trang trí 20 tấm phù điêu tái hiện hình ảnh Đức Phật từ lúc Đản sinh đến nhập niết bàn. Tuy được làm bằng bê tông cốt thép nhưng người đến chiêm ngưỡng lễ bái đều cảm nhận cặp mắt thiền vị của Đức Phật, gương mặt vô ngã, vị tha biểu đạt phong thái thoát tục của một đấng giác ngộ từ bi.
Nhằm bảo đảm sự tôn ngưỡng thành kính cho một công trình tôn nghiêm, các công nhân, nghệ nhân của hai công ty Phụng Hoàng Gia, công ty Thái Thành đã thực hiện tiến độ thi công với gần 25.000 ngày công. Đặt dưới sự hướng dẫn ngày đêm của các kỹ sư Trần Văn Pháp – người chịu trách nhiệm thi công thực hiện, kiến trúc sư Phạm Quang Thịnh – người thiết kế bản vẽ và điêu khắc gia Trần Quang Thái – người đảm nhận thực hiện đắp tượng. Trong đó, phải kể đến việc đưa ra ý tưởng từ khi bắt đầu thi công đến xây đắp tượng, thể hiện hoa văn, họa tiết… đều có sự đóng góp, đồng lòng đồng thuận của chư tôn đức, đặc biệt là của Thượng tọa Thích Huệ Thông – trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh.
Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập từ ngày 30-3-2010.