Trang chủ Quốc tế Tượng Phật Kinh Châu vẫn đang gây tranh cãi

Tượng Phật Kinh Châu vẫn đang gây tranh cãi

61

Qua các bức tượng đó, người ta thấy rõ được sự thay đổi nhanh chóng trong cách mô tả gương mặt và hình dáng của đức Phật trong một thời gian ngắn, từ thời Bắc Ngụy (386-534) tới đời Đông Ngụy (534-550) và Bắc Tề (550-577).

Thể hiện rõ sự thay đổi về cách mô tả đức Phật


Đối với các chuyên gia nghệ thuật Trung Quốc, các bức tượng Phật Kinh Châu là một trong những phát hiện khảo cổ có ý nghĩa nhất trong cuối thế kỷ 20. Ngoại trừ việc các bức tượng còn nguyên vẹn đến mức kinh ngạc và nhờ vậy nên còn lưu giữ được nhiều nét vẽ độc đáo, thì các tác phẩm điêu khắc có niên đại từ thế kỷ thứ 6 này còn bộc lộ những sự kiên kết với các nền văn hóa châu Á, những thử nghiệm về phong cách mang những ảnh hưởng rõ ràng từ Ấn Độ. Các học giả ước tính, khoảng 90% các tác phẩm điêu khắc đá được phát hiện tại di chỉ chùa Long Hưng ở Kinh Châu là được tạc vào khoảng năm 529 – 577. Nhiều bức tượng Phật được phát hiện ở Kinh Châu hiện đang được trưng bày tại triển lãm Sự trầm lặng của Đá: Phát hiện Kinh Châu tại bảo tàng Peranakan ở Singapore.


Các nhà cai trị trong đời Bắc Ngụy là những người ủng hộ Phật giáo rất mạnh mẽ, với những lời răn dạy của đạo Phật đã pha trộn văn hóa Trung Hoa và nhiều tín ngưỡng khác (điển hình là Lão giáo và Khổng giáo). Thời kỳ này, nghệ thuật Phật giáo phát triển thịnh vượng và thể hiện các đặc tính Trung Hoa một cách rõ nét, chứng cớ rõ ràng nhất là các nét trên gương mặt và trang phục của đức Phật.


Ông Liu Yang, phụ trách nghệ thuật Trung Quốc tại Phòng trưng bày Nghệ thuật New South Wales, nơi đồng tổ chức triển lãm nói trên cùng bảo tàng Các nền văn minh châu Á ở Singapore, cho biết, ở tỉnh Sơn Đông, những tác phẩm nhỏ bằng đồng được đặt trên bàn thờ đã tạo hướng phát triển khắc bia đá vào đầu thế kỷ thứ 6. Nhưng trong khi ở bất cứ đâu người ta cũng tìm thấy những hoa văn cách tân trên các bia đá thì cách bài trí tiêu biểu là bức tượng Phật ở giữa và bên cạnh là các đấng bồ tát vẫn không thay đổi.








Một bức tượng phật Phật Kinh Châu

Bà Tan Huism, Phó giám đốc bảo tàng các nền văn minh châu Á ở Singapore, cho hay: “Tới triển lãm này khách tham quan sẽ thấy kinh ngạc khi nhận thấy phong cách miêu tả đã thay đổi nhanh như thế nào chỉ trong một thời gian ngắn. Cuối đời Bắc Ngụy, đức Phật được mô tả rất uy nghi và cứng, người dẹt. Nhưng theo phong cách trong đời Bắc Tề, thì ta có thể nhìn thấy rõ những đường nét cơ thể của đức Phật trong tấm áo choàng. Phong cách này mang tính tự nhiên hơn”.


Các học giả tin rằng, những thay đổi đó cho thấy sự ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật Gupta ở Sarnath (nơi đức Phật Thích Ca Mô Ni lần đầu tiên giảng đạo) và Mathura, trung tâm sáng tạo nghệ thuật ở miền Bắc Ấn Độ trong thời gian đó. Đặc biệt trong thời Bắc Tề, việc khắc tượng bồ tát cũng trở nên tinh vi hơn, được trang trí công phu và phong phú hơn, như có chuỗi hạt bằng vàng và dây chuyền dài.


Chôn các bức tượng là để bảo vệ?


Nhờ phát hiện được những đồng tiền đúc cùng đồ gốm có niên đại từ thế kỷ 12 bên cạnh 400 tác phẩm điêu khắc và nhiều mảnh vỡ trong những chiếc hố sâu 2 m ở Kinh Châu, nên các học giả đều nhất trí rằng hầu hết các tác phẩm điêu khắc được làm bằng đá vôi màu xám có thớ này được chôn trong một khu mai táng linh thiêng trong thế kỷ 12. Do sự đa dạng về cách thể hiện gương mặt và phong cách miêu tả nên các học giả cho rằng các tác phẩm điêu khắc này được thu thập từ nhiều ngôi chùa khác nhau ở tỉnh Sơn Đông.


Thế nhưng, tại sao chúng bị chôn hiện vẫn là vấn đề tranh cãi của giới học giả. Xie Zhixiu, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Sơn Đông, cho biết: “Một trong những giả thuyết được nhiều ủng hộ nhất là các tác phẩm điêu khắc này được chôn trong thời kỳ bài Phật giáo mạnh mẽ. Do lo ngại sự ảnh hưởng của đạo Phật sẽ gây nên sự đe dọa cho quyền lực riêng, nên chính quyền đã ra lệnh phá hủy nhiều ngôi chùa và tượng Phật. Tuy nhiên, không thể nói rằng các bức tượng Phật Kinh Châu đã bị phá hủy bởi các thế lực bài Phật giáo, mà do sự sắp xếp tượng hết sức cẩn thận trong các hố cho thấy những bức tượng đó được những người sùng đạo chôn cất nhằm bảo vệ các đồ tạo tác này”.