Thời gian trôi đi quá nhanh. Công việc tạo hình tượng Phật Hoàng liên tục được diễn ra không ngừng nghỉ dưới bàn tay khéo léo là tài năng của nhóm thợ Việt có tay nghề cao. Hàng triệu người dân Việt Nam đang theo dõi từng ngày mong đến ngày được chiêm bái bức tượng Ngài bằng ngọc quý.
Hôm nay là đúng 3 tháng để từ ngày khởi công 5/7/2012. Tình cờ, lần quay lại “đại bản doanh” nơi những người thợ đang miệt mài làm việc đúng ngày tròn 3 tháng. Đoàn chúng tôi gồm 4 thầy trò do sư thầy Thích Thiện Nghĩa, trụ trì chùa Thiền Lâm (tức chùa Gò Kén) dẫn đầu. Công việc đang diễn ra hối hả. Nhưng kết quả của công trình vĩ đại này làm ai cũng ngạc nhiên và vui đến bất ngờ.
Nếu bạn có cơ duyên nghiên cứu về ngọc bạn mới hiểu ngọc quý và hiếm thế nào, cứng và đẹp ra sao, chế tác vất vả đến chừng nào. Bạn có thể biết rằng, từ khoảng 7.000 năm nay, ngọc đã được con người biết đến và rất quý trọng. Người Ai Cập cổ đại quan niệm, ngọc là những giọt máu của rồng. Người phương Đông coi ngọc là vật đứng đầu trong “tứ đại quý”. Chính vì sự hiếm quý đặc biệt đó mà ngay từ thời cổ đại, ngọc đã trở thành biểu tượng của quyền lực, giàu sang, vẻ đẹp và sự cao quý.
Bức tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông được chế tác từ khối ngọc 4,5 tấn, được mua từ cùng mỏ ngọc đã chế tác ra bức Phật Hòa Bình Thế Giới. Tôi đã từng vô cùng sung sướng đến tột cùng khi biết tin Việt Nam chúng ta được sở hữu khối ngọc quý này. Tôi luôn biết ơn chư Phật đã độ trì để khối ngọc quý, cuối cùng, đã về đến đất Việt thật sự. Và chỉ đến khi lễ khởi công tôn tác bức tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông diễn ra thì biết bao người mới tin rằng Phật Hoàng được tôn vinh đúng mức.
Với ưu thế về độ cứng xong lại rất dẻo, muôn sắc mầu đẹp rực rỡ và tinh khiết, khối ngọc quý qua bàn tay khéo léo của những người thợ Việt cứ vậy dần dần hình thành. Tôi nghĩ, phải có tinh hoa từ trời đất những bàn tay nghệ nhân mới có thể làm ra tác phẩm kỳ diệu này. Bởi thật khó tin khi những con người Việt có thể chỉ mất hơn 1 tuần vất vả mà khối ngọc đã được xẻ thành công, vóc dáng của Phật ngọc đã định hình. Và bởi chỉ sau 3 tháng mà kết quả đã lớn đến khó tin là vậy.
Ngọc xanh biếc, trong vắt và bóng như soi gương làm cho chúng tôi vô cùng phấn khởi. Toàn thân Phật Hoàng là ngọc quý. Đẹp vô cùng. Càng ngắm càng thấy đẹp. Càng nhìn càng muốn gần Ngài. Vậy là ơn Chư Phật đã phù hộ chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc khó tả.
Tôi rất thích nói chuyện với nhóm những người thợ đang miệt mài làm việc. Chúng tôi cùng anh Đinh Danh Tư – “kiến trúc sư trưởng” ngắm nghía từng góc cạnh của bức tượng. Ngắm từ xa lại gần. Ngắm từng phần và toàn thân. Ngắm cả phải trái, trước sau. Phải công nhận là đẹp, và giống như tôi tưởng tượng trong đầu. Phải công nhận là có hồn và năng lượng tràn ngập xung quanh. Thật tuyệt vời.
Tôi lặng người trong giây lát trong lần viếng thăm này, bởi từ khối ngọc 4.5 tấn, giờ đây Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã hiện hình. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh khi bức tượng được đặt trên đế sen, và với tổng trọng lượng gần 14 tấn sẽ uy nghi biết chừng nào. Và như vậy tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc quý sẽ kịp hoàn thành chào mừng đại hội Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra từ 22 đến 24 tháng 11 tại Thủ đô Hà Nội.
Trước khi về, sư thầy Thích Thiện Nghĩa nói với nghệ nhân Đinh Danh Tư rằng anh nên ngồi thiền trước bức tượng đang hoàn thiện vào giờ tý. Cứ vậy và quán chiếu thân Phật Hoàng. Cứ vậy chắc chắn công đoạn cuối cùng là chỉnh sửa và làm bóng bức tượng sẽ tốt đẹp nhất. Bởi đây là giai đoạn cuối, cần sự tỷ mỷ và công phu. Bởi đây là công đoanh quan trọng nhất. Nghe đến đây tôi nghĩ, nhất định mình sẽ quay lại để ngồi thiền trước Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhất định!
Được biết khối ngọc bích quý đã được các quý thầy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Pháp vương và 108 vị Đạt lai lạt ma chú nguyện cuối tháng 10/2011 vừa qua. Và những người có duyên lành được sở hữu khối ngọc quý này cũng sẽ lựa chọn ngọc có chất liệu đẹp nhất để phục chế Ấn tổ của nhà Trần theo nguyên bản ấn cổ. Chiếc Ấn này sẽ được tặng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bán đấu giá gây quỹ “Vì người nghèo”.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Công ty sách Thái Hà