Khi tượng được tìm thấy tại làng Lợi Mỹ, Phong Mỹ (Đồng Tháp) ngày 27.4.1937, Tỉnh trưởng Sa Đéc thời bấy giờ gửi văn thư đến Thống đốc Nam kỳ để tường trình. Thống đốc Nam kỳ gửi văn thư đến ông Quản thư Bảo tàng Blanchard de la Brosse (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM hiện nay) thông báo sự việc và Viện Viễn Đông Bác Cổ đã thẩm định giá trị của tượng qua công điện số 1900 ngày 30.5.1937 gửi ông L.Malleret: “Tượng Phật cổ, độc đáo, kỳ lạ nên nhanh chóng đưa vào bảo tàng”. Trong dịp đưa tượng trưng bày ở châu Âu năm 2004, Giáo sư Phan Huy Lê đã có bài giới thiệu, cùng các tài liệu viết trước đó vào những thập niên giữa thế kỷ 20.
|
Được hỏi: “Vì sao tượng Phật này không giống với tượng Phật Thích ca ở Ấn Độ trên sách báo và trên mạng? Như thế có sai với hình tượng nguyên thủy của tượng Đức Phật được thờ ở thánh địa Bồ đề đạo tràng lâu nay không?”, Sa môn Huệ Thiện giải đáp đại ý rằng, tượng Phật ở Tây Tạng, Nhật, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện và cả Việt Nam nữa, trong đó có tượng Óc Eo, không nhất thiết phải giống với khuôn mặt Phật của người Ấn Độ. Bởi vì khi thành đạo, thành Phật, với danh hiệu Thích ca Mâu ni, ngài đã vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của một thân người, một xứ sở, để hóa hiện “pháp thân thường trụ” chu biến khắp nơi. Đến đâu ngài đều tùy theo cơ cảm của người xứ ấy để hiện ra hình tướng giống hệt như họ mà khai thị và dẫn đạo. Chính vì vậy, ta thấy vị Phật được các nghệ sĩ Óc Eo tạo tác có hình dạng nhỏ nhắn khiêm tốn nhưng vẫn đầy pháp lực. Và đầu thế kỷ 21, tượng Phật ở các nước Âu Mỹ được tạo tác giống gương mặt của người Mỹ, người Pháp và người Úc…
Một câu hỏi khác là tại sao mắt tượng Phật ở chỗ này thì mở, còn chỗ kia thì nhắm. Lạt ma Vivanha giải thích: Phật nhắm hoặc mở mắt đều có ý nghĩa riêng. Khi Phật nhắm mắt biểu hiện ngài an trú vào đại định. Khi Phật mở mắt (nhưng khép lại quá nửa) với hướng nhìn xuống, là biểu thị sức quán chiếu nội tâm để tự mình giác ngộ. Nghĩa là mắt tuy mở nhưng không “nhìn ra ngoài” mà nhìn “vào trong” như ngài Tuệ Trung thượng sĩ đời Trần dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”; đại ý là xoay cái nhìn vào chính bản thân mình để soi xét, đấy mới là việc bổn phận; chứ không thể để mắt phóng ra ngoài, trông đợi người ngoài, để giải thoát được. Dù “người ngoài” ấy là Phật, thì Phật cũng dạy phương pháp và chỉ con đường cho ta đi, chứ không thể thay ta để đi, mà chính ta phải “thắp đuốc lên” bước tới.
Thêm một câu hỏi nữa về thủ ấn của tượng. Đó là bàn tay phải đưa ra phía trước, với ngón trỏ và ngón cái chạm vào nhau, ba ngón còn lại để thẳng, thong thả. Có lẽ là ấn Vô úy thí (bố thí sự không sợ hãi) mà chư Phật vốn có. Thủ ấn vô úy thí đề cập đến trong nhiều tài liệu, như cuốn Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo của Robert E.Fisher ghi rõ: “Ngài có hai bàn tay đặt ngang ngực, lòng bàn tay đưa tới đằng trước và tượng dường như là một biểu tượng của cử chỉ an ủi ấy (vitarkamudra). Học giả Alexander Griswold là một trong số những học giả đoán chắc rằng bức tượng này với động tác đặc biệt của nó, thực sự là một biến tướng của động tác thuyết pháp hoặc trình bày, tên gọi là Dharmachakramudra, hiểu là ấn chuyển pháp luân” (Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Tuấn dịch, NXB Mỹ thuật, 2002). Cuốn trên có in hình tượng Phật thời kỳ Dvaravati bằng đồng ở Thái Lan (Sđd. tr 230) – xét từ kết cấu, tạo hình mỹ thuật, đến thủ ấn, giống một cách lạ kỳ với tượng gỗ Óc Eo trên. Điều đó gợi mở mối liên hệ giữa nghệ thuật tạo hình tượng Phật ở Thái Lan với tượng Phật Óc Eo vào đầu Công nguyên.
Nhân dịp tìm hiểu về tượng Phật Óc Eo, bà Trần Thị Thanh Đào, Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản – Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: Sưu tập tượng Phật ở Việt Nam, trong đó có tượng Phật Chăm pa và Óc Eo của bảo tàng, không những được quan tâm bởi các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập nhiều thế kỷ trước, mà còn đang là đối tượng nghiên cứu văn hóa của những tổ chức quốc tế hiện nay. Điển hình như đợt thực hiện dự án phục hồi sơn son thếp vàng bộ sưu tập 18 tượng Phật Việt Nam quý hiếm của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM do Quỹ Đại sứ bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Mỹ bảo trợ. Hiện tượng Phật đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.