Làm sao quên được ánh mắt từ hoà, dáng dấp thanh cao thoát tục hiện thực rõ nét trên khuôn mặt đôn hậu của Thầy khi Ngài dạy về ý nghĩa của sự sống, của cuộc đời là mong được “Liễu sinh thoát tử”.
Ôn lại những công hạnh của Thầy, con lấy làm diễm phúc được là đệ tử của một bậc chân tu thực học, ngửa mặt trông lên không phụ ân Phật; cúi mặt trông xuống không làm nhụt chí kế thừa Tổ nghiệp.
“Thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự’ được coi như là hạnh nguyện, là hoài bão lớn lao trong việc hoằng pháp lợi sinh.
Bởi thế, bất cứ một Phật sự nào đòi hỏi, Thầy vẫn vui vẻ đem hết tâm lực ra gánh vác.
Ôi! Hạnh nguyện thật vô cùng. Thân người lại hữu hạn. Thế rồi Thầy xả thân nhẹ gót về xứ Phật. Ngày Thầy viên tịch trên vùng đất Hoè Nhai, Hà Nội cùng chung một nhịp thương cảm. Thương cảm một vị Tôn Sư gương mẫu suốt đời gieo rắc ánh Đạo cho người dân trong vùng thấm nhuần hoa trái của Đạo, kết duyên với Đạo để chăm lo đời sống và thể hiện tình đoàn kết dân tộc. Con nghĩ rằng: Dù mai đây, thời gian vẫn vun vút băng qua trên ngút ngàn của dòng đời thế sự, hình bóng thầy dù có còn vương đọng lại trong nỗi nghẹn ngào luyến tiếc của biết bao tâm hồn rồi cũng theo thời gian để lùi vào dĩ vãng; nhưng công hạnh của Người sẽ sống mãi trong lòng người con Phật xuất gia cũng như tại gia.
Làm sao con quên được khi linh cữu của Thầy đi qua các ngả đường Hà Nội, hàng vạn người con Phật hay không phải Phật tử vẫn chắp tay, cúi đầu. Có người sụt sùi rơi lệ. Thì ra, người hữu tình ở lại khổ luỵ vì bi luỵ.
Thầy đến rồi đi nào có để lại dấu vết.
Viết đến đây, con chợt hiểu ra cái ý nghĩ vô khứ vô lai mà Thầy hơn một lần nhắc đi nhắc lại như một lời nhắn nhủ khuyên răn hàng môn đệ.
Hình ảnh “Chim nước” trong bài thơ của Ngài Hương Hải Thiền Sư “Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thuỷ; nhạn vô di tích chi ý, thuỷ vô lưu ảnh chi tâm” đã làm con vô cùng xúc động khi liên tưởng đến chân dung của vị Thầy khả kính.
Cảnh “Sắc Sắc không không” vẫn chập chờn với mối tình chim nước; giòng sông vẫn lưu giữ bóng nhạn hay bóng nhạn còn in dấu với gợn sóng trường giang?
Thì ra, xét cho cùng, sự vật vốn không có tự thể riêng biệt (đương thể tức không). Bằng vào nhãn quan quán chiếu nhân duyên mới thấy rõ dòng sông không những có yếu tố bóng dáng của chim mà đầy cả vũ trụ vạn hữu. Cũng như trong bóng nhạn, ta vẫn bắt gặp dòng sông và cả vạn pháp nữa.
Thế nên, một vị Thiền Sư Việt Nam đời Lý đã liễu ngộ cái “chân không diệu hữu”, khi Ngài hạ bút:
“Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”
(Càn khôn rút lại đầu lông xíu
Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng)
Một hột cải nhỏ nhoi chứa đầy cả nhật nguyệt. Đó là nguyên lý của trùng trùng duyên khởi. Trong một có tất cả, trong tất cả có một (Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất). Con nhận thức được sự vật trong tương sinh tương quan mà tồn tại phần lớn là do Thầy khai thị dạy dỗ.
Bao nhiêu lời dạy cao quý của Thầy, hồi tưởng lại, con càng cảm thấy sự hiểu biết quá ít ỏi của con. Thế nên, con càng viết càng cảm thấy thiếu, càng cảm thấy bị hạn chế bởi ngôn ngữ.
Phải chăng “ngôn ngữ đạo đoạn” nên hình thức có lúc làm hạn chế cái ý nghĩa thâm sâu của Đạo pháp?
Lạy Thầy!
Muốn báo ân sâu trong muôn một, con kính dâng lên Thầy nén tâm hương, bó hoa hoài cảm: