Kính lạy bậc thầy tôn kính,
Hàng năm cứ đến mùa sen nở, hàng tăng ni nhị chúng chúng con lại quây quần đoàn tụ hoà hợp, cùng nhau kiết hạ an cư, thúc liễm thâm tâm, trao dồi giới đức. Chúng con lại được vinh hạnh tắm mình trong biển pháp mênh mông qua những lời dạy quen thuộc, ân cần của thầy. Hai chữ An Cư như vẫn còn vẳng bên tai con:
“Thân tâm nhiếp tĩnh viết An
Yếu kỳ tại trụ viết Cư”
Nhưng mùa an cư năm nay khác với mọi mùa an cư trước, chúng con tề tựu về chốn trụ sở để tác pháp an cư, nhưng còn đâu diễm phúc được quỳ dưới chân đấng từ phụ của chúng con để nghe những lời dạy bảo ân cần như mọi mùa an cư trước nữa.
Trước chân dung của bậc thầy khả kính, một làn khói hương trầm lặng lan toả, chúng con tề tựu kính cẩn đỉnh lễ Giác linh Ngài, mà trong tâm khảm con bỗng hiện lên hồi nhớ lại cái khung cảnh vào lúc 9h30 phút ngày mùng 10 tháng 11 năm Quý Dậu, giữa một mùa đông giá lạnh, khi hay tin báo Tôn Sư sắp viên tịch. Ôi! Như một tiếng sét đánh ngang tai con hốt hoảng cấp tốc đến ngay bệnh viện Việt –Xô được đích thân cùng quý huynh đệ thừa sự Ngài trong những giây phút cuối cùng. Suốt từ lúc con đến tới 2h sáng hôm sau Ngài vẫn tinh tường ân cần căn dặn các việc tu học hành trì và những ý chỉ thâm diệu của giáo lý Phật Đà cho chúng con…Đêm đã trở về khuya, Ngài nhẹ nhàng bảo tụi con đi ngủ giữ sức khoẻ để ngày mai lo các công việc. Cứ tưởng đó là câu nói bình thường, ngờ đâu đó lại là lời dạy bảo cuối cùng trước giờ phút lặng lẽ ra đi của Thầy.
Vừa lúc chiếc đồng hồ trên tường chỉ 2h10 phút, Ngài tự nhiên thiêm thiếp tựa mỉm cười, như có điều gì hỷ lạc hiện trên vẻ mặt của Ngài một lúc lâu, rồi nhịp thở nhẹ nhàng trầm lặng dần như những giờ thiền định kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, mọi người xung quanh từ các Hoà thượng, Thượng toạ ở chùa Quán Sứ (Trung ương Giáo hội) và chùa bà Đá (Thành hội Phật giáo), cùng các vị đệ tử đứng bên Ngài lúc đó, mọi người không ai bảo ai đều im lặng trong chính niệm cho đến đúng lúc kim đồng hồ chỉ 5h05 phút – nhịp thở tự nhiên ngưng bặt trên màn ảnh. Sau đó quý Tăng ni đồng thanh trì chú Vãng sinh và Niệm Phật chờ cho tới 1 giờ sau, khi hơi nóng của Ngài dần lên tới đỉnh đầu mới thôi.
Ngài đã an nhiên thị tịch, xả báo thân tứ đại để vĩnh biệt tứ chúng về miền tịnh cảnh Lạc bang mà chính mắt con được thấy giờ phút cuối cùng trước khi Ngài xả báo thân. Đúng thật là:
“Chư căn duyệt dự
Chính niệm phân minh
Xả báo an tường
Như nhập thiền định”
Chúng con cứ tưởng rằng: “Ngài sẽ mãi là bóng Đạo Thụ che mát cho chúng con trong những ngày nắng hạn, là nguồn Pháp nhũ vô biên giải trừ cho chúng con những cơn ác mộng phiền não và luôn khơi mở hạt giống bồ đề đang bị che khuất nơi tiềm thức chúng con.
Nhưng giờ đâu Cây Đạo Thụ đã ngả về Tây, nguồn suối Pháp kia tự nhiên ngưng bặt. Thế là Ngài đã lặng lẽ an nhiên trở về cõi tịch diệt.
Kính lạy Đức Ngài! Vẫn biết đã có sinh thì có diệt, đó là lẽ thường tình như Ngài hằng dạy. Nhưng cảm niệm ân sâu giáo dưỡng, trước giờ phút ra đi vĩnh viễn của Ngài, hàng môn đồ đệ tử chúng con làm sao tránh khỏi nỗi bùi ngùi kính tiếc.
Suốt một đời hoằng Pháp lợi sinh, Ngài đã hiến dâng trọn đời cho lý tưởng Phật Pháp đem lại lợi ích cho sinh linh muôn loài. Mỗi bước đi, mỗi việc làm, mỗi ý tưởng của Ngài đều là những dấu ấn sắt son cho lịch sử Phật giáo nước nhà, là tấm gương sáng soi cho lớp hậu thế chúng con tiếp bước.
Trong cuộc đời xuất gia tu học, nhờ Phúc ấm, chúng con được núp dưới bóng từ quang, luôn được sưởi ấm nơi Đức Ngài. Mặc dù, hoá duyên đã mãn, theo bản nguyện Ngài trở về nơi tịch tĩnh nhưng hình bóng của Ngài như vẫn đang in đậm trong con tim khối óc nơi con và nơi tất cả chúng sinh. Những hành trạng, những ý tưởng cao đẹp của Ngài, như đang được thực thi trong Giáo hội, và trong mọi người. Những lời dạy bảo ân cần của Ngài như đang vang vọng…
Ngài dạy: “Phải siêng năng giữ gìn 3 nghiệp thân – khẩu – ý cho thanh tịnh, luôn kính giữ 6 phép hoà kính, y vào giới luật làm thầy, làm kim chỉ nam trên lộ trình đi về cội nguồn, học đi đôi với hành, luôn giữ tâm trong chính niệm tỉnh giác”.
Về Pháp môn tu tập, như Pháp môn Tịnh độ, phải tin thật sâu – hành thật đúng – nguyện thật thiết tha.
“Cú cú tòng tâm khẩu lưu xuất
Thanh thanh tòng nhĩ căn lưu nhập”
Còn về Pháp môn phản văn văn tự tính, thực hành theo đề tài của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ vẻn vẹn có 4 câu kệ mà sâu xa vi diệu khôn cùng.
“Một niềm xoay lại đổi tiếng nghe
Muôn sự buông xuôi chỉ lắng nghe
Nghe lắng cho sâu không nghe cảnh
Cảnh rời văn tính ấy nghe nghe”
Nghe xong lời dạy bảo của Ngài, chúng con cảm thấy như được hồi sinh trong Thánh Giáo của Đức Phật, ngay lúc đó như được trở về với cội nguồn bản lai tự tính của chính mình.
Ngài lại dạy: Giáo pháp của Đức Phật thật cao sâu huyền diệu, chỉ một chữ “Pháp” thôi, thế mà lấy nước trong bốn biển tả cũng không hết. Từ những bài kệ hàm xúc ý nghĩa thâm sâu huyền diệu, cho đến những lời dạy khuyên giản đơn bình dị, sao mà thực tế trong nếp sống phạm hạnh hàng ngày cho hàng tăng ni chúng con đến thế?
Nhưng được ảnh hưởng sâu đậm nhất vẫn là từ nơi thân giáo của Ngài. Từng hành động, từng cử chỉ, từng cách đi, đứng, nằm, ngồi, cho chí nhất cử nhất động của Ngài, như đang thuyết trình từng bài Pháp sống hết sức linh động, đó là những bài thuyết pháp không lời, đó cũng chính là nguồn sinh lực vô biên thôi thúc, khích lệ chúng con tinh tiến tu hành.
Tất cả sự nghiệp của Ngài sẽ mãi mãi sáng ngời, toả khắp, soi đường dẫn lối cho chúng con trong đêm dài mờ tối. Chúng con nguyện khắc cốt ghi tâm tất cả những gì mà Ngài đã để lại cho chúng con, lấy đó làm phương châm, làm kim chỉ nam trên con đường tìm về bến Giác.
Cuộc đời hoằng truyền đạo Pháp của Ngài đối với hàng thất chúng chúng con thật là: “Phật tâm vô xứ bất từ bi”. Với sự hiểu biết nông cạn, con thực không dám đem những lời quê mùa thô thiển mà kể cho xiết ân đức những công hạnh vô biên của Thầy; vả lại, ngôn ngữ có giới hạn làm sao nói lên cho hết những việc làm, những ý tưởng cao đẹp thánh thiện trong sự nghiệp hành đạo và hoằng đạo của Thầy. Song từ thâm tâm, con thật quá xúc động nghẹn ngào, mạo muội ghi mấy dòng để cảm niệm ân đức trời biển của Ngài.
Ngước trông lên hàng chữ trên bảng khẩu hiệu “Khoá Hạ hồi hướng Đức Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam” được treo trước chính diện trường Hạ, hoà cùng bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh con thầm nguyện sẽ thực hiện đúng lời dạy bảo thâm sâu cũng như lời di chúc của Thầy để lại.