Nhưng con người thường còn chìm đắm trong thế nhân tục luỵ, nên dù có thấm hiểu lý “vô chấp”, họ vẫn ai oán trước luật vô thường. Tôi cũng vậy. Tôi đã thực sự nuối tiếc và thương cảm khi Đại Lão Hoà Thượng Pháp chủ từ giã chúng ta để nhập về cõi vô biên. Người ra đi nhẹ như một hơi thở, để lại cho cõi đời phù du một mảnh Phật tâm viên mãn, như một ngọn đèn Pháp rọi vào mọi tâm hồn đầy uế trược. Tôi cứ lan man suy nghĩ về những gì được Người dạy, ít thôi, nhưng thực là viên ngọc sáng làm cân bằng cuộc đời vốn đầy trăn trở.
Lâu lắm rồi, tôi nghe đâu đó, vọng về từ một miền xa vắng, rằng: Khi bước vào cõi siêu linh, hành giả mới tìm được một hướng để chắp cánh bay cao. Tôi không dám nghĩ mình có cánh, song, ghi lại vài dòng để thương, để nhớ và để mênh mang trong dòng tâm tưởng, mong nhỡ ra có một ai đó ninh triết, dạy dỗ đưa mình đáo bỉ ngạn. Tôi nhớ có một buổi tốt, tới thăm Người, chăm chú ngắm các pho tượng, đây Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, kia Hoa Nghiêm Tam Thánh, Quan Âm, Tứ Bồ tát… rồi, vị sư trẻ chỉ cho tôi pho tượng “nhà sư” ngồi trên lưng phủ phục của một ông vua, như nhấn mạnh về sự thắng thế của thiện nghiệp trước pháp quyền. Đó là một hình thức thường tình theo lối “Thế gian”, cái riêng ấy không đủ để tôi quan tâm, mà cứ tầm ngần trước bộ tượng lớn đặt sát nhang án giữa. Pho tượng tự nhiên, béo tốt nhưng không phải Di Lặc, cũng không phải là nhà sư bình thường. Thấy vậy, như vô tình, Hoà thượng cho tôi biết đó là bộ tượng: Dược sư Lưu Li Như Lai Quang Phật và Nhật – Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát. Người còn giảng cho tôi ý nghĩa của tượng. Thật là sâu sắc và mênh mông. Có lẽ đây là những pho tượng đẹp và ít có ở nơi khác.
Tôi khen hoài và xưng tán Phật Pháp vô lượng. Người thản nhiên trong như như tự tại mà bảo tôi rằng: Tất cả chỉ là vô thường, hãy kiến tính để tìm lấy bản thể chân như. Hãy bằng cái thấy tướng, mà vô tướng, mới thấy Như Lai. Người đã bảo tôi có tâm và có căn, nên phải thực hiện hạnh Bồ tát, gắng mà giúp người khác. Tôi hoang mang trước những lời Người dạy, nghĩ mình còn đắm chìm trong tục luỵ, hiểu biết còn quá nông cạn thì giúp được ai! Tuy nhiên, sau buổi ấy, tâm tôi như hè sáng, thích thú tìm hiểu Phập pháp. Và, chắc chắn là từ đó, tôi cố tránh làm điều ác, tránh cả ý nghĩ ác. Một tình thương mênh mông thoáng hiện bên cửa tâm hồn.
Tôi nhớ, một buổi tới thăm Người, có lẽ cũng phải cách nay tới năm, sáu năm. Hôm ấy, ở chùa rất đông, Phật tử hội bàn để về thăm chùa Đồng Đắc. Tôi mong muốn được đi theo. Một lúc, Người gọi mấy vị cao niên và nói: Cho tôi gửi ông… Chỉ thế thôi, đơn giản mà thân mật. Cả chuyến đi, tôi được chăm sóc quá cẩn thận. Thực ra, thì tôi đã làm gì có uy tín với nhóm Pháp Hoa này, nhưng qua đó, tôi giác ngộ được đầy đủ hơn về vai trò của Đức Pháp chủ với các Phật tử. Tự nhiên trong tôi nảy nở một ý nghĩ tôn trọng sâu sắc, mong muốn luôn được gần để nghe Người dạy bảo. Dần dần tôi hiểu: Cái vẻ đẹp hình thể, mà trước đó là mục tiêu gần như duy nhất tôi thường quan tâm, thì chỉ như cái xe chuyển tải một vẻ đẹp tâm linh mênh mông đầy chất thánh thiện. Song cái méo mó nghề nghiệp vẫn luôn dẫn tôi về những điều cụ thể. Một ví dụ, cũng như nhiều người khác, tôi nghĩ tam quan vừa là cửa chùa, vừa mang một ý nghĩa về Phật đạo. Điển hình như tam quan chùa Kim Liên (chắc chắn rất quan trọng), đã được làm kỹ, với các mảng chạm mang đề tài như ở toà thượng điện. Bằng vào con mắt quan sát nghệ thuật, tôi biết đây là một ngôi chùa có kiến trúc điển hình của Hà Nội. Song, trong chừng mực nào, nó quá giống chùa Tây Phương. Có phải vì chúng được dựng do cùng một hiệp thợ, cùng một số người công đức và do niên đại gần gũi nhau không? Hoà thượng bảo tôi rằng: “Có Kim Liên mới có Tây Phương”. Tôi chợt tỉnh ngộ (không phải vì niên đại Kim Liên là 1792 và Tây Phương là 1794) và ngẫm thấy ý nghĩa thật là sâu sắc. Có tự tính trạm viên mới đáo bỉ ngạn được. Tôi nhớ tới sự kiện ở hội Kỳ Viên, hồi Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Trước mặt tăng chúng, Ngài giơ bông sen vàng lên, chỉ riêng Tôn giả Ca Diếp mỉm cười… Trở lại ngôi tam quan, qua lời Người, tôi hiểu kiến trúc này mang một ý nghĩa sâu xa của Phật đạo. Rằng: “không quan” là cách nhìn mọi vật, thuộc hình danh sắc tướng, đều bắt nguồn từ một bản thể chung. Ví như có thể lấy một mao thỏ trần (đầu lông thỏ) chia làm bảy, được bảy thuỷ trần, một thuỷ trần chia thành bảy cực vi, cực vi chia thành bảy lân hư trần, lân hư trần chia thành bảy sắc biên tế tướng… Tới đây, nhỏ quá không chia được nữa, nhưng lúc này nó không còn mang đặc tính gì của lông thỏ, nó cũng không phải là cái này hay cái khác…. Đó là “không”, rồi do duyên mà “không” kết hợp lại thành muôn loài muôn vật. Nhưng, tất cả mọi vật chỉ là giả tạm, chúng theo quy luật vận động của tự nhiên và nội thân… mà chìm trong lẽ vô thường, có sinh tất có diệt. Như thế, chỉ với hai từ “sắc, không” đã chứa đựng trong đó một ý nghĩa mênh mông. Người ta thường nói “không tức thị sắc, sắc tức thị không” khiến có khi bị hiểu mông lung lầm lẫn. Mà thực ra, trong đó có một “không” là bản thể, một “không” là phủ định. Và, nếu như chỉ quan tâm tới một vế của không và sắc thì, chắc chắn không bao giờ tìm được đường giải thoát, nên kẻ hành giả phải thấu hiểu “Không quán”, “Giả quán”… để vững bước vào Trung quán, đó là con đường của trí tuệ Phật, vượt ra ngoài sắc dục để nhập về miền Thường Lạc Ngã Tịnh.
Một buổi khác, tôi tới thăm, hôm ấy có cả Thượng toạ Cẩn. Ngài tới gặp Đức Pháp chủ để thưa về một việc liên quan tới chùa Một Cột. Nhân đó, tôi xin Hoà thượng chỉ giáo cho về ý nghĩa ngôi chùa này. Người nhắc tôi nhớ tới tấm bia chùa Long Đọi (Nam Hà), mà trong đó văn bia cho biết: Ở vườn Tây Cấm, từ giữa hồ Linh Chiểu dựng một cột đá, đỉnh cột là bông sen nghìn cánh, trên bông sen đặt toà nhà đỏ thẫm và trong nhà có tượng Phật mình vàng… Người cho tôi biết bông sen nghìn cánh tương ứng với trí tuệ viên mãn, điều này được nhắc tới trong sách Toạ Thiền. Chỉ một gợi ý nhỏ thế thôi rồi Người để tôi tự suy nghĩ tiếp. Thực không ngờ, từ sau đó tôi lại hiểu hơn về tượng Phật.
Chùa Một Cột hàm chứa ước vọng của người Việt, đã đồng nhất Đức Phật, hiện thân của trí tuệ vô biên, với nguồn sinh lực vĩnh cửu. Nguồn sinh lực này chảy qua cột đá truyền xuống đất và nước để sinh bừng lên một cuộc sống hạnh phúc cho thế gian. Ý thức này vô cùng đẹp đẽ, phù hợp với giai đoạn đầu của thời kỳ khẳng định sự độc lập dân tộc.