Lúc ấy tôi cũng chỉ nghe qua cụ Đồng Đắc là một bậc chân tu ở miền Bắc vậy thôi, chứ bài vở học tập của trường đã choán gần hết thì giờ và tuổi còn nhỏ, trí còn non, tôi chưa có ý niệm gì bao nhiêu về sự truyền trì Phật Pháp, trải qua khi thịnh khi suy đều gắn liền với sự nghiệp tu hành của những người con Phật, là những người “Tùng Phật Khẩu sinh, Tùng Pháp hoá sinh”, mang trong mình một chí nguyện lớn lao, giác ngộ Phật Pháp, làm sứ giả của Phật Pháp, phổ độ quần sinh, báo Phật ân đức.
Đến khi tuổi lớn dần, sự hiểu biết lớn dần sau những kinh nghiệm bản thân trên bước đường tu trì, hành đạo, và đọc được qua sách sử, tôi càng biết một cách sâu sắc: “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân”; Nên từ đó tôi luôn luôn quý trọng các bậc chân tu thực học trong hàng Thánh đệ tử của Phật, mỗi khi nghe đến hoặc gặp được, và cũng từ đó tên cụ Đồng Đắc lại thỉnh thoảng khơi dậy trong tôi, cũng như những bậc cao tăng khác.
Thế rồi đất nước được hoà bình, Bắc Nam hai miền thống nhất, hàng Tăng Ni Phật tử Bắc Nam sau bao năm bị chia cách, lại được hội ngộ cùng nhau trong ngôi chùa Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy mừng thì thật mừng, nhưng không sao tránh khỏi dè dặt, bởi đã xa cách nhau lâu ngày, thì dẫu đạo tuy đồng, mà tâm chưa chắc đồng, hành chưa chắc đồng! Song nhờ ai cũng có tâm muốn thống nhất xương minh Phật Pháp, nên sự bất đồng được hoá giải dần, để nhường chỗ cho hạnh nguyện hoằng pháp độ sinh mà không một Phật tử chí thành nào dám quên đi được.
Chính trong dịp thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 này, mà uy phong đạo hạnh, ngôn từ, hoài vọng của cụ Đồng Đắc mà tôi được nghe danh năm nào, bây giờ lại hiện ra đích thực trước mắt tôi và đại chúng. Ở thời điểm này, ba đề nghị của Cụ nêu ra với Đại hội, như là một tia sáng soi đường làm cho cả Đại hội xúc động, kính trọng, phấn khởi, vui mừng, tin tưởng rằng trong lúc Phật giáo chưa có đủ cơ duyên thuận lợi mà có được một bậc chúng trung tôn như Ngài để suy tôn ngôi Pháp chủ, thì thật rất may mắn. Thật vậy, từ ngày được thành lập, Ngài là cột trụ chính chống đỡ ngôi nhà Giáo hội.
Nhờ đó, Giáo hội ngày càng được vững mạnh, vượt qua được bao nhiêu khó khăn rời rạc để có được ngày hôm nay. Thế nên, dẫu nay Ngài đã mãn hoá duyên, phi tích không trung, nhưng tấm gương đạo hạnh, chí nguyện lợi tha của Ngài vẫn còn in đậm nét trong tâm tư tôi và trong Giáo hội – những người có nhân duyên trực tiếp, gián tiếp thụ ân pháp hoá của Ngài.
Hậu học
HT. THÍCH THIỆN SIÊU
(Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni)