MINH THẠNH: Mừng vui trước việc chùa Xá Lợi xây dựng tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm chưa kịp trọn, thì thật thất vọng, khi xem bản vẽ thấy tượng đài Bồ tát nguy nga này quay lưng và hông ra mặt tiền chùa. Vì vậy, xin dành cuộc đối thoại hôm nay chia sẻ cùng bạn đọc.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Mô Phật! Xây được tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm hoành tráng là tốt rồi! Sao Minh Thạnh lại quá quan trọng việc xoay lưng, xoay hông ra mặt tiền? Khi khuôn mặt tượng đài Bồ tát nhìn vào sân chùa, thì vẫn có cái lợi là người trong sân chùa Xá Lợi sẽ thấy ba bên đều là không gian Phật: chính điện, bảo tháp, tượng đài với khuôn mặt trực diện.
MINH THẠNH: Hình ảnh đẹp nhất của chùa Xá Lợi, thường được phổ biến trên truyền thông, thường được chụp từ góc nào?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Góc nhìn đẹp nhất toàn cảnh chùa Xá Lợi là từ vị trí bên kia đường Nguyễn Thị Minh Khai chệch về phía ngã ba. Khi đó, hình ảnh chùa Xá Lợi sẽ được cảm nhận trong không gian có hai mặt tiền, thể hiện rõ không gian ba chiều, chiều sâu rất ấn tượng, nhìn thấy bảo tháp, tam quan.
Góc nhìn này phù hợp với hướng lưu thông một chiều của đường Bà Huyện Thanh Quan, từ đường Điện Biên Phủ vào.
MINH THẠNH: Nhà tôi ở ngay cạnh đó, nên mỗi lần về nhà, tôi đều ngắm chùa Xá Lợi trong khoảnh khắc từ vị trí đó khi đi trên đường Bà Huyện Thanh Quan.
Ông có nghĩ là người khác cũng nhắm nhìn chùa Xá Lợi như tôi không?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có, vì vị trí dễ nhìn thì người ta phải nhìn, chưa kể đó là cảnh đẹp.
MINH THẠNH: Ông nghĩ sao, khi ở góc nhìn đó, nay sẽ thấy lưng, hông, vai của bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm đang xây dựng?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có lẽ, như vậy thì cảnh quan từ góc nhìn đó đối với chùa Xá Lợi sẽ bị phá hỏng. Hình ảnh một con người, bức tượng một con người chỉ đẹp nhất khi nhìn khuôn mặt. Còn nhìn vào mà chỉ thấy gáy, thấy ót, thấy vai, tệ hơn nếu bước tượng người quá to, người từ dưới nhìn lên thấy vướng phần mông của bức tượng.
MINH THẠNH: Số người nhìn như ông nói ngắm mặt tiền góc chếch chùa Xá Lợi và tất nhiên chỉ thấy hông, lưng tượng Bồ tát so với số lượng người ngắm nhìn từ sân chùa Xá Lợi sẽ như thế nào?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Số người vào bên trong sân chùa Xá Lợi hàng ngày chẳng bao nhiêu so với số lượng người lưu thông trên đường Bà Huyện Thanh Quan để từ đó họ ngắm nhìn mặt tiền chùa. Tôi hiểu ý ông rồi. Ông thì cho rằng đặt tượng Bồ tát Quan Thế Âm nhìn ra ngoài đường, ở vị trí góc hai mặt tiền chùa, thì số người được chiêm ngưỡng tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm sẽ tăng lên?
MINH THẠNH: Tôi hướng đến công đức khi mong mỏi điều này. Sẽ có phước nếu làm sao để thật nhiều người có nhân duyên chiêm ngưỡng tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm ở góc nhìn thuận lợi nhất và đẹp nhất, trong mối liên hệ với cảnh quan.
Nếu đặt ở góc hai mặt tiền của chùa Xá Lợi và nhìn ra mặt đường, tượng đài với khuôn mặt trực diện là một phần của mặt tiền chùa, thì tác động của tượng đài không phải chỉ là phạm vi sân chùa, mà sẽ là cả một góc phố, trên con đường trung tâm thành phố nhiều người qua lại.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tuy là đẹp, nhưng khi đó, từ góc nhìn được cho rằng thuận lợi cho mọi người, người ta sẽ thấy Đức Bồ tát Quan Thế Âm như là đứng trong hàng rào ngó ra?
MINH THẠNH: Hàng rào có vấn đề, thì đặt hàng rào chùa lùi vào phía sau và bên hông tượng đài. Không có hàng rào, tượng đài Quan Thế Âm sẽ trở thành không gian công cộng, chứ không phải chỉ là một phần không gian ngôi chùa.
Điều này, cần xét đến khi tại TPHCM, trong khi đạo Ca tô La Mã có một tượng đài Đức Mẹ ở vị trí trung tâm quan yếu của thành phố, công trường Hòa Bình, trên một trong hai trục chính của trung tâm thành phố, còn Phật giáo thì không có tượng Phật công cộng nào, trừ tượng Bồ tát Thích Quảng Đức.
Vị trí, vai trò, tác động của tượng đài tôn giáo khi đặt bên trong khuôn viên cơ sở tôn giáo khác rất xa với tượng đài tôn giáo đặt ở nơi công cộng.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Vấn đề đã mở rộng ra khi ông nói đến yêu cầu đặt tượng Phật nơi công cộng. Ngày trước đạo Ca tô La Mã dựa trên quan hệ với chính quyền mới làm được như vậy. Ông đã từng viết bài về vấn đề này và nói họ dựng cả tượng thiên thần diệt quỷ. Hoàn cảnh bây giờ đâu phải như vậy với Phật giáo?
MINH THẠNH: Chưa chắc khoản vườn hoa trước nhà thờ Đức Bà là vườn hoa công cộng, là công viên đâu. Có thể họ công viên hóa mảnh đất riêng vì những lợi ích lớn hơn, bằng cách không rào lại. Lợi ích đó bây giờ chúng ta đều nhìn thấy hiển nhiên.
Với tượng đài, vườn hoa đó, tuy có thể là không gian công cộng, nhưng lại vừa là không gian riêng của đạo Ca tô La Mã. Tín đồ Ca tô La Mã tổ chức hành lễ tôn giáo, đọc kinh cầu nguyện đông người tai vườn hoa đó. Cái lợi cho đạo Ca tô La Mã ở điểm này lớn hơn nhiều nếu rào lại, tạo không gian tôn giáo riêng tách biệt với không gian công cộng.
Còn trong trường hợp tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm đang xây dựng ở chùa Xá Lợi, nếu quay nhìn vào không gian trong chùa là tạo không gian riêng thu hẹp, còn bức tượng nhìn ra đường phố là hình thành không gian công cộng, rộng mở.
Không gian cầu nguyện công cộng không những nâng cao ảnh hưởng tôn giáo đối với xã hội, mà còn đem lại lợi ích cho tín đồ, cho rộng rãi quần sinh. Nhiều người được thấy mặt đức Bồ tát thì nhân duyên an lạc cho họ chắc chắn sẽ nhiều hơn. Công đức của người dựng tượng sẽ lớn hơn khi so với việc mặt tiền tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm chỉ được một số ít người vào trong sân chùa nhìn thấy.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Chưa hẳn là việc dở hàng rào đó là việc dễ trong giấy phép xây dựng, cho dù có thể quay mặt tượng Phật đi theo hướng nào cũng được nếu đặt bên trong sân chùa?
MINH THẠNH: Hàng rào đâu phải chỉ có một dạng là tường gạch. Có thể làm hàng rào trước tượng đài ngăn với đường phố bằng nhiều hình thức giảm nhẹ ngăn cách, còn bên trong chùa phía sau tượng đài, vẫn có hàng rào, nhưng khi đó việc ngăn cách đã lùi vào bên trong.
Hiện nay, ở TPHCM đã có rất nhiều hình thức tường rào rất linh hoạt, tạo sự thông thoáng tối đa, dễ tôn cao kiến trúc, có thể đến mức xếp lại được, chỉ cần ấn một cái nút là có hay không có hàng rào.
Trường hợp tượng Bồ tát Quan Thế Âm đang xây dựng ở chùa Xá Lợi nhìn hướng nào là vấn đề không gian tượng Phật là không gian đóng hay không gian mở, không gian riêng tư hay không gian công cộng, nên không phải là chuyện nhỏ, mà đàng sau nó là vấn đề lớn về lý luận: đạo Phật xuất thế hay nhập thế, và là một phần của cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm Phật giáo cúng bái đối với Phật giáo tu học, hoằng hóa.
Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến trong một dịp khác.