Những trò chơi bạo lực, những thú vui kích động đang rình rập cho lứa tuổi mới lớn, mà ông bà ta thường nói “Ăn chưa no, lo chưa tới”. Tất cả những bức tranh của đời sống xã hội hiện nay đang đặt ra cho Phật giáo Việt Nam phải nghĩ gì và làm gì để người trẻ có thể đến và hòa nhịp trong sinh hoạt phù hợp với tâm lý, lứa tuổi mà người trẻ có thể chấp nhận không khí sinh hoạt trong môi trường Phật giáo?
Vấn đề được đặt ra đối với thanh thiếu niên ngày nay đang mong muốn, đây có thể là một nhu cầu mà Phật giáo phải tìm cách tháo gỡ để quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa” là một quan niệm không đúng với tinh thần vốn có của đạo Phật.
Thật ra, Phật giáo đâu chỉ dành cho riêng ai, đâu chỉ có người già hay người trẻ, đâu chỉ có tổ chức này hay tổ chức khác tự cho mình là kẻ thống lãnh và quyết định sự hưng thịnh của Phật pháp, mà bằng những quyết định đầy sáng suốt của chính thanh thiếu niên đến với đạo Phật.
Tất cả chỉ dừng lại ở chỗ phương pháp ứng xử làm sao phù hợp với hoàn cảnh hiện tại để góp phần làm cho Phật pháp hưng thịnh giữa xã hội của chúng ta hiện nay mà thôi.
Chúng tôi nghĩ “Phật pháp là bất định pháp” nếu Đức Phật còn có mặt ở cuộc đời có lẽ Ngài cũng sẽ chú trọng đến thế hệ trẻ này mà trong kinh Nikaya Ngài đã đề cập đến 4 điều không nên xem thường: Đóm lửa nhỏ, con rắn nhỏ, Tỳ kheo trẻ, vị hoàng tử trẻ.
Điều này đã xác định Đức Phật đã lưu tâm đến giới trẻ dù xuất gia hay tại gia, điều dạy của Ngài cũng cho chúng ta một bài học về lực lượng trẻ cần phải được nuôi dưỡng và tưới tẩm, tạo một môi trường thích hợp cho lứa tuổi năng động và tích cực này.
Sự tiếp nối thế hệ này sang thế hệ khác là một điều vô cùng quan trọng: đứa con tiếp nối của cha, đệ tử tiếp nối cho thầy, người trẻ tiếp nối người già… đây là một quy luật phát triển tất yếu của cả nhân loại.
Chính những ưu tư này mà các vị tôn túc đã có một sự đồng cảm trong việc tạo “sân chơi” cho thanh thiếu niên đang hướng về Phật giáo. Những năm gần đây những tín hiệu đáng mừng trong sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam, vì ngoài những tổ chức GĐPT đã có một quá trình phát triển từ thập niên 45 tại Tỉnh Thành hội PG cả nước, các tự viện đã có một sự lưu tâm đến hoạt động giới trẻ các khóa tu mùa Hè, các tổ chức hội trại dành cho thanh thiếu niên ít có dịp đến chùa mà lại có nhu cầu tiếp xúc với đạo Phật trong những tháng nghỉ hè.
Các bạn trẻ đó đang muốn tìm cho mình một hoạt động vui chơi như một món ăn tinh thần, thì hội trại hay khóa tu sẽ góp phần đa dạng hóa sinh hoạt Phật giáo.
Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo lần III -2008 do Báo Giác Ngộ tổ chức cũng là một sự đáp ứng nhu cầu đó đã thu hút trên 1.000 thanh thiếu niên từ một số tỉnh thành phía Nam, ngay cả thanh thiếu niên kiều bào ở nước ngoài về thăm quê hương trong dịp nghỉ hè cũng tham gia hội trại.
Có thể nói hội trại đã kết nối những người trẻ đến với nhau trong sinh hoạt cộng đồng tạo nên một sức sống vui tươi lành mạnh với những chương trình được thiết kế phù hợp với thanh thiếu niên mang âm hưởng PG. Ba lần “Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo”: đã khẳng định vị trí trong lòng người trẻ năng động trong những ngày hè.
Phật giáo không thể chỉ có trong khuôn khổ chùa chiền tự viện, nó phải được “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong mọi sinh hoạt nhằm góp phần tạo cơ duyên cho tất cả mọi người có thể đến với đạo Phật, nhất là thanh thiếu niên sơ cơ, chưa hiểu được đạo Phật.
Chúng tôi thiết nghĩ thập niên 60 PGVN đã có những tổ chức như: GĐPT Vụ, Sinh viên Phật tử Vụ, học sinh Phật tử Vụ, hướng đạo Phật tử Vụ v.v… dưới sự hướng dẫn chỉ đạo và chịu trách nhiệm của Giáo hội trong thời điểm đó.
Ngày nay hoàn cảnh có khác nhau nhưng con người thời nào nhu cầu tu học cũng giống nhau “Chúng sinh đa bệnh Phật pháp đa phương” là một phương châm cần phải được quan tâm, vì chính những nhân tố này sẽ góp phần chia sẻ với xã hội những vấn nạn mà cuộc sống của con người thời đại ngày nay đang cần phải được tháo gỡ, trong đó có con em Phật tử chúng ta.